Học sinh chê, trường nghề hấp hối
Gặp khó trong tuyển sinh đầu vào, nhiều cơ sở đào tạo nghề tại Đà Nẵng không có sinh viên, buộc phải đóng cửa, khai tử một số chuyên ngành và đào tạo theo hướng cầm cự.
Trường CĐ Nghề Đà Nẵng là một trong những cơ sở dạy nghề trọng điểm quốc gia với khả năng đào tạo hơn 3.000 SV. Tuy nhiên, năm 2012, trường chỉ đào tạo 2.438 SV, đến năm 2015 chỉ còn 1.325 SV.
Trong vòng 5 năm, số lượng SV giảm xuống một nửa. Trường dành riêng 1.000 chỉ tiêu cho thí sinh địa phương, nhưng con số thực tế tuyển sinh được chỉ khoảng 40%.
Nhiều học sinh chê trường dạy nghề. Ảnh: Tiền Phong.
Năm 2015, trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi chỉ có khoảng 550 SV trong khi khả năng đào tạo của trường…gấp 6 lần (hơn 3.000 SV). Theo thầy Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường, tình trạng giảm sút lượng tuyển sinh đầu vào bắt đầu từ năm 2012 và càng ngày càng tụt dốc nghiêm trọng.
Là một trong những cơ sở có đầu vào tương đối cao, nhưng hàng năm, trường CĐ Nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) cũng chỉ có khoảng 1.700 SV theo học, đáp ứng 85% khả năng đào tạo của trường.
Năm nay, trường CĐ Nghề Đà Nẵng đã đóng cửa 4 ngành: Văn thư hành chính, Quản trị cơ sở dữ liệu, Điện tử công nghiệp, Điện tử dân dụng (hệ trung cấp). Trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi cũng khai tử các ngành: Tài chính ngân hàng, Hướng dẫn viên du lịch, Quản trị kinh doanh và sắp tới đây là Kế toán.
Để hút thí sinh, các trường thi nhau tung đủ chiêu. Các năm trước, trường CĐ Nghề Đà Nẵng miễn giảm học phí cho đối tượng ưu tiên, năm nay trường tính đến việc hỗ trợ sinh hoạt phí. Theo thầy Nguyễn Bê, Hiệu trưởng nhà trường, năm trước, trường chi gần 350 triệu đồng cho công tác tuyển sinh, năm nay đã tăng gấp đôi.
Video đang HOT
Ở trường CĐ Nghề số 5, nhiều năm nay, nhà trường cam kết giới thiệu việc làm cho 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp để thu hút hồ sơ dự tuyển. “Không chỉ vậy, các thầy cô còn vừa dạy, vừa “dỗ”, vừa “dụ” để giữ SV, nếu không thì các em bỏ học. Có những thời điểm, 15% SV của trường bỏ học vào cuối khóa”, Đại tá Nguyễn Hữu Hoàng, hiệu trưởng trường CĐ Nghề số 5, bộc bạch.
Chương trình quá cũ
Hiện, các trường nghề đào tạo theo chương trình của Bộ LĐ-TB&XH với 3.750 tiết, phân bổ đều từ 2,5 – 3 năm. Tính ra mỗi ngày học từ 7 – 8 tiết, tức là SV phải ở trường học cả ngày.
Đại tá Nguyễn Hữu Hoàng nói: “Số giờ lên lớp liên tục khiến SV không có thời gian tự học, tiêu hóa bài giảng. Chương trình dạy học lý thuyết khá cũ, không tạo được hứng thú cho SV, cũng không bắt kịp xu hướng đào tạo.
Ngoài ra, SV không đủ thời gian cũng như không có điều kiện thực hành. Cơ sở vật chất để thực hành tại nhiều trường còn kém, gửi SV thực hành tới các doanh nghiệp thì chỉ nhận được cái lắc đầu”.
Theo thầy Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi: “Không dạy theo quy định của Bộ thì bị tuýt còi, nhưng dạy thì SV lại chán nản vì có những modun kiến thức quá cũ. Chúng tôi vẫn trao đổi thẳng thắn với các đoàn kiểm tra của Bộ cần thay đổi thì mới thu hút được SV, và mới đảm bảo SV ra trường có việc làm”.
Hợp tác đào tạo quốc tế để “lấy thu bù chi”
Từ năm 2014, trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi bắt đầu tuyển sinh hệ đào tạo nghề hợp tác quốc tế với 4 chuyên ngành chính: Điều dưỡng, Du lịch (nghề đầu bếp và buồng phòng), Tự động hóa và Xây dựng. Sắp tới đây, trường xúc tiến hợp tác với Pháp và Tây Ban Nha trong đào tạo nghề.
Đây là giải pháp giúp trường giải quyết khó khăn về tuyển sinh. Bởi đào tạo 200 SV theo hệ hợp tác quốc tế tương đương với hiệu quả kinh tế của đào tạo 1.500 SV theo chương trình hiện nay.
Theo Thanh Trần-GIang Thanh/ Tiền Phong
Đào tạo kỹ năng nghề: Thiếu sự hợp tác từ doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp không tham gia vào quá trình đào tạo kỹ năng nghề trong nhà trường, dẫn đến thực trạng cung - cầu vênh nhau và sinh viên dễ thất nghiệp.
Phần lớn diễn giả, đại biểu tham gia chương trình Đối thoại chính sách:"Lập kế hoạch đào tạo kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động", diễn ra ngày 8 và 9/12/2015 tại TP HCM, cho rằng, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo kỹ năng nghề tại các trường học.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là thiếu mặn mà trong quá trình đào tạo sinh viên; cách thức để hợp tác với doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả.
GS.TS Lê Quang Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Diệp Uyên.
Theo ông Sean Kenedy, Phó giám đốc Văn phòng Quan hệ Quốc tế, Cao đẳng Niagara, Canada, một chương trình đào tạo thành công phải có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động một cách kịp thời.
Ông Sean khẳng định, những thông tin từ thị trường lao động là quan trọng nhất đối với việc xây dựng chương trình đào tạo nghề. Trong đó, dữ liệu đáng tin cậy là thông qua việc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp để đánh giá độ tương thích chương trình đào tạo với nhu cầu thực tiễn và khả năng đáp ứng của sinh viên.
Một số đại biểu Việt Nam băn khoăn về cách thức thu hút doanh nghiệp hợp tác với trường học, khi hiện tại, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ.
Ông Brent Howell, Trưởng khoa Công nghệ Kỹ thuật và Tài nguyên thiên nhiên, Cao đẳng Bắc Đại Tây Dương, Canada, nói do lợi ích của đôi bên chưa gặp nhau nên khó lòng khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác.
Trao đổi với Zing.vn về làm sao kêu gọi doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo nghề, ông Philip Mondor, Chủ tịch Hội đồng nhân sự ngành Du lịch Canada, chỉ ra ba vấn đề: Ưu tiên nghĩ đến lợi ích doanh nghiệp, đưa ra nhiều cách thức hợp tác và thành lập ban cố vấn công nghiệp.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn cho chính phủ, hiệp hội nghề về chương trình đào tạo, ông Philip Mondor nêu bốn phương án hợp tác mà ông nghiên cứu ở bốn cấp độ:
Cơ bản: Bước này mang tính cung cấp thông tin để doanh nghiệp hiểu chương trình đào tạo. Khi có thông tin, họ sẽ cảm thấy thú vị để tiếp tục làm việc với nhà trường.
Tư vấn: Đòi hỏi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để biết họ cần gì, vấn đề kinh doanh và nhu cầu kỹ năng. Có thể gặp mặt trao đổi, đôi bên cùng giải quyết những thứ còn tồn đọng trong kinh doanh và giáo dục, đào tạo.
Đối tác: Nhiều trường mong muốn hướng tới, bởi doanh nghiệp sẽ tham gia trực tiếp vào lớp học. Ví dụ, sinh viên tiếp cận nơi làm việc của doanh nghiệp.
Tài trợ: Doanh nghiệp tài trợ để nhà trường đào tạo theo yêu cầu của họ.
GS.TS Lê Quang Minh, Viện trưởng Viện quản trị Đại học, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết, tại diễn đàn lần này, có hai cấp chính sách quan trọng là Trung ương và tỉnh. Chính những vị này sẽ thu nhận kiến nghị một cách trực tiếp, từ đó có chính sách phù hợp.
"Ngoài ra, diễn đàn sẽ có kiến nghị bằng văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền" - ông Lê Quang Minh nói thêm.
Diễn đàn Đối thoại Chính sách này là sự kiện đầu tiên trong chuỗi sự kiện được tổ chức hàng năm của Dự án Kỹ năng Nghề nghiệp Việt Nam (VSEP), dự án trị giá 20 triệu USD, được Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada tài trợ để hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống giáo dục, đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp.
Theo Zing
Đồng Nai: Mỗi trường phải dạy ít nhất 2 nghề phổ thông Sở GD&ĐT Đồng Nai yêu cầu mỗi trường THCS, THPT, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp, Trung tâm GDTX phải tổ chức giảng dạy ít nhất 2 nghề phổ thông. Nhà trường cho học sinh tự chọn đăng ký phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Sở sẽ có văn bản phê bình...