Học sinh Cao Bằng đi bộ 10 km tới điểm trường xập xệ
Nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng nhưng nhiều năm qua, trường tiểu học xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cách trung tâm xã Đức Hạnh gần 20 km, đi theo con đường đất lởm chởm đầy đá sỏi, mới đến được phân hiệu trường tiểu học xã Đức Hạnh.
Đây là điểm trường được xây dựng từ khá lâu, trải qua khoảng thời gian dãi dầu mưa nắng, điểm trường này hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mái lợp đã xuống cấp, dột nước, vách rớt từng mảng lớn, phải dùng bạt che chắn.
Phân hiệu trường tiểu học xã Đức Hạnh.
Thầy La Văn Hậu – giáo viên lớp 2 tại phân hiệu trường thuộc trường tiểu học Đức Hạnh (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) – cho hay: “Hiện nay phân hiệu trường tôi chỉ có 2 lớp, lớp 1 và lớp 2, với 32 học sinh, chủ yếu là dân tộc Mông và dân tộc Nùng.
Đến nay, 2 lớp học chung dưới một mái nhà nhưng ngay cả một cái vách ngăn cũng không có. Mấy hôm trước, tôi và thầy giáo dạy lớp 1 vừa đi xin được một nửa cái bạt rách về căng lên để làm vách ngăn giữa hai lớp. Thế nhưng, lớp bên này nói gì lớp bên kia cũng nghe được hết.
Video đang HOT
Đó là chưa kể ngôi nhà làm lớp học bây giờ cũng chỉ được dựng tạm bằng những tấm gỗ ghép lại với nhau. Ngay cả nền lớp học cũng bằng đất, mỗi khi trời mưa, lớp dột, trong lớp cũng chẳng khác gì ngoài trời, thầy trò xắn quần lội bì bõm như lội ngoài ruộng.
Nền lớp học hoàn toàn bằng đất.
Khi gió mùa về thì lạnh cắt da, cắt thịt, học sinh cũng chỉ có manh áo mỏng. Nếu ai đó lên phân trường tôi vào những ngày đông giá lạnh sẽ chẳng khó khăn gì để thấy hình ảnh học sinh đi bộ hàng chục cây số tới trường bằng chân đất”.
Chia sẻ thêm, thầy La Văn Hậu cho hay: “Nhà bạn học sinh xa nhất là cách trường khoảng 12km đường núi. Núi đồi heo hút, dốc đá thăm thẳm nên xe cộ cũng chẳng thể vào trong. Vì thế, học sinh cũng không còn cách nào ngoài việc đi bộ tới lớp.
Có nhiều học sinh nhà ở dọc bờ sông Nho Quế (ranh giới giữa Cao Bằng và Hà Giang) đi bộ tới trường rất vất vả, ngày nào cũng như ngày nào trèo leo hơn 1 giờ đồng hồ mới tới lớp.
Ở phân hiệu trường chúng tôi, thứ 2 và thứ 4 các em học cả ngày thì các em mang cơm nắm đi ăn trưa. Còn nếu học nửa ngày, sáng các em tới trường và trưa sẽ về nhà.
Thông thường, nếu 8h bắt đầu vào học thì học sinh phải rời khỏi nhà từ hơn 6h sáng để đi tới trường. Nhiều khi nghĩ cũng thương học sinh mà không biết làm thế nào”.
Một góc khác của phân hiệu trường tiểu học xã Đức Hạnh.
Được biết, xã Đức Hạnh là xã nghèo nhất huyện Bảo Lâm. Trong huyện, gần 30% địa bàn chưa có hệ thống đường điện, ngay cả việc đi vào xã này cũng rất vất vả vì đường núi hiểm trở.
“Từ bao năm nay, phân hiệu trường tôi hiện nay cũng chưa có hệ thống điện chiếu sáng.
Vì thế, mỗi khi trời mưa, ngoài trời u ám, thì trong lớp cũng tối đen như mực. Để đảm bảo ánh sáng cho học sinh chúng tôi để các em thắp đèn dầu học bài.
Thế nhưng, cả một buổi học mà thắp đèn dầu cũng rất tốn kém. Nhiều ngày trời xám xịt hay mưa lớn chúng tôi đành cho học sinh nghỉ vì có giảng các em cũng không thể nắm được kiến thức.
Đó là chưa kể, nước để các em rửa mặt mũi, chân tay hay để giặt khăn lau bảng cũng chẳng có. May thay, có một thầy giáo ở phân hiệu trường tôi nhà ngay cạnh lớp học nên hầu như mọi sinh hoạt của phân hiệu trường dùng tới nước đều phải nhờ bể nước nhà thầy.
Điều mà tôi trăn trở nhất là làm sao để cải thiện cơ sở vật chất của trường để việc dạy và học của thầy trò chúng tôi được tốt hơn, cứ như thế này thì các học sinh của tôi khổ quá, thiệt thòi quá. Sinh ra là trẻ em vùng cao, các em đã quá thiệt thòi rồi”, thầy La Văn Hậu cho hay.
Lớp học ngăn cách với nhau bằng tấm bạt.
Để đi từ trung tâm xã Đức Hạnh vào phân hiệu trường thuộc tiểu học Đức Hạnh phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ. Nhất là mỗi lần đi bộ chỉ mang được 5kg đồ trên lưng, leo qua một quả núi mới tới trường.
Cuộc sống của người dân ở đây vô cùng khó khăn, chủ yếu họ chỉ trồng ngô và sắn là nguồn thu chính cho cả gia đình.
Theo Hoàng Thanh / Infonet