Học sinh cần lên Facebook xin lỗi giáo viên
Dùng mạng xã hội để xúc phạm người khác là câu chuyện không mới nhưng nếu xảy ra trong môi trường giáo dục, liệu cách xử sự nào là hợp tình, hợp lẽ nhất?
Trao đổi với một nhân viên bộ phận thường trực của trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội), nơi buộc thôi học 10 ngày đối với nữ sinh có hành vi xúc phạm cô giáo chủ nhiệm trên Facebook, chúng tôi được biết hình thức kỷ luật được quy định rõ trong nội quy nhà trường và mức kỷ luật có sự đồng thuận của nhà trường, hội phụ huynh và học sinh.
Các thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý và luật sư bàn luận thế nào về vấn đề này?
Sử dụng Facebook thế nào cho có văn hóa.
Hợp lý không?
Thầy Trương Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường THCS-THPT dân lập Hồng Bàng (TP HCM) cho rằng, dù học trò có thực hiện hành vi xúc phạm thầy cô giáo ở đâu, khi nào, bằng phương tiện gì thì nhà trường cũng phải chiếu theo quy định mà xử lý.
“Mọi hình thức kỷ luật đều mang tính chất răn đe học sinh. Sau khi kỷ luật nhẹ mà học sinh không có chiều hướng thay đổi thì cũng phải sử dụng các biện pháp nặng hơn. Buộc thôi học là biện pháp rất nặng nhưng trong trường hợp cần thiết, nhà trường vẫn phải mạnh tay”, ông Ngọc nêu ý kiến.
“Nhà trường phải tìm hiểu kỹ vấn đề, xem mức độ như thế nào rồi mới đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể. Trong một vài trường hợp, biện pháp đuổi học cũng có thể được áp dụng”, PGS.TS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) – bày tỏ.
Bà Ngô Thị Tuyên, Phó giám đốc trung tâm Công nghệ Giáo dục và Xuất bản giáo dục Việt Nam lại tỏ ý kiến không đồng tình với biện pháp xử lý buộc thôi học 10 ngày đối với học sinh vi phạm.
“Những học sinh vi phạm rất cần sự dạy dỗ của nhà trường. Nếu buộc thôi học tức là đã tước mất của học sinh sự uốn nắn cần thiết đó. Như thế là phản giáo dục. Hình thức xử phạt này mang tính răn đe đối với những học sinh khác nhưng có thể không có đủ sức thuyết phục đối với chính học sinh vi phạm. Học sinh đó không những bị mất kiến thức trong suốt khoảng thời gian bị cho thôi học, mà còn có thể trở nên phản kháng, khó dạy dỗ và đề phòng đối với người lớn”, bà Tuyên phân tích.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, giáo viên trong trường hợp này sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý.
“Phải chấm dứt việc học sinh đưa giáo viên lên Facebook để xúc phạm. Dân chủ thì dân chủ, học sinh còn nhiều chỗ để nói lên những bất bình của mình chứ không phải cứ đăng lên mạng xã hội như thế. Nếu có ý kiến thì có thể trao đổi với ban giám hiệu hoặc nói chuyện với chính giáo viên để giải quyết vấn đề”, ông Lâm thằng thắn.
Theo TS Lâm, việc học sinh vô lễ với giáo viên không phải chuyện hiếm, nhưng hiện nay xuất hiện thêm một hình thức mới là dùng Facebook để chia sẻ thông tin được rộng rãi hơn nên có tác dụng mạnh mẽ hơn.
Video đang HOT
“Quan điểm của tôi là phải để học sinh tự kiểm điểm đánh giá. Chính học sinh đó phải tự lên Facebook để đính chính, xin lỗi giáo viên. Điều đó sẽ có hiệu quả giáo dục hơn là đình chỉ học. Phải tập trung việc giáo dục học sinh chứ không thể lấy kỷ luật để răn đe”, ông Lâm nêu ý kiến.
Luật quy định ra sao?
Theo LS Huỳnh Phước Hiệp, luật chỉ quy định về việc xúc phạm người khác chứ không nói cụ thể là trên Facebook. Theo quy định tại điều 66, nghị định 174 năm 2013 quy định là xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác.
Cũng theo ông Hiệp, việc học sinh lên Facebook xúc phạm giáo viên có thể xử lý bằng pháp luật, nhưng trong trường hợp là học sinh thì biện pháp xử phạt còn tùy theo độ tuổi. Đối với đối tượng học sinh chưa thành niên thì có thể xử lý theo nội quy nhà trường.
Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook dành cho học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)
Luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo cho biết, chế tài đối với hành vi xúc phạm, danh dự, nhân phẩm người khác đã được quy định trong pháp luật dân sự, hình sự, hành chính hiện hành.
Theo luật sư Vũ, riêng chế tài đối với học sinh vi phạm kỷ luật thì được quy định tại Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 21/3/1988 vẫn còn hiệu lực, mặc dù đã lạc hậu như còn quy định việc học sinh tham gia lao động của trường, không cập nhật như hành vi sử dụng phương tiện thông tin như internet, email, Faccebook… Thông tư 08/1988 quy định chế tài nặng nhất đối với học sinh vi phạm kỷ luật là đuổi học một năm ghi vào sổ học bạ.
“Em Nguyễn Q. đã có hành vi xúc phạm cô giáo chủ nhiệm thể hiện trên Facebook, Q. đã thừa nhận lỗi và viết kiểm điểm xin lỗi cô giáo. Do đó, hình thức kỷ luật buộc thôi học 10 ngày đối với em Q. là mức cao nhất của nội quy nhà trường, theo tôi là quá nặng, không cần thiết, không phù hợp tiêu chí giáo dục học sinh phạm lỗi, gây khó khăn cho em Q. cũng như giáo viên bộ môn vì mất bài học 10 ngày” – luật sư Vũ bày tỏ.
Theo LS Lê Quang Vũ nên áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường (ghi vào học bạ) đối với em Q. là phù hợp, thông qua đó giáo dục, nhắc nhở học sinh toàn trường biết hành xử đúng mực và tôn trọng mọi người nói chung và thầy cô nó riêng.
Sẽ có lớp dạy kỹ năng ứng xử truyền thông
Một khi chúng ta còn lăn tăn đặt câu hỏi rằng tại sao lại xử lý học trò vì mỗi chuyện lên Facebook nói gì đó thì có thể chúng ta đã quá chủ quan và khinh suất trong nhận thức về tác động của Facebook nói riêng, của đời sống mạng nói chung đối với cuộc sống đời thực.
Xúc phạm một ai đó trên Facebook không giống như bạn xúc phạm ai đó trong một giấc mơ. Facebook đã trở thành một phần của đời sống thực, nó không hề “ảo”. Bất kỳ ai xúc phạm người khác đều phải chịu các trách nhiệm liên quan.
Trong trường hợp này, là chịu trách nhiệm của một học trò trong ứng xử với thầy cô giáo của mình. Nhất là khi, điều đó đã được ghi rõ trong nội quy nhà trường.
Điều thứ hai cần nói trong câu chuyện này nữa là, cái án phạt “buộc thôi học 10 ngày” cho thấy các thầy cô vẫn lấy tình thương và trách nhiệm với học trò làm cốt lõi ứng xử, chứ không phải là sự đáp trả cho hả giận. Án phạt đó là một thông điệp đủ hiệu lực giúp điều chỉnh nhận thức của học trò, hoàn toàn không phải là một trừng phạt phản giáo dục.
Điều thứ ba, tôi cho đáng nói nhất, là đã đến lúc phải bắt tay vào thực hiện một chương trình giáo dục về ứng xử truyền thông càng sớm càng tốt cho học trò trung học.
Lứa tuổi này có mức độ tham gia đời sống mạng rất nhiều, rất sâu, nhưng lại hầu như không được nhận những dẫn dắt cần thiết về kỹ năng xử lý thông tin và các chuẩn mực ứng xử.
Khoa Báo chí và Truyền thông chúng tôi đã sẵn sàng một chương trình giáo dục truyền thông dành cho học sinh trung học để phối hợp với các sở giáo dục, các trường trung học thực hiện. Chúng tôi hy vọng những cách làm như thế sẽ hữu ích hơn để giúp các em không mắc sai lầm không đáng có do thiếu kỹ năng ứng xử truyền thông.
TS Huỳnh Văn Thông
Theo Đặng Tươi – An Nhiên – Mai Nguyễn/Tuổi Trẻ
Báo động sinh viên bị buộc thôi học
Kết thúc học kỳ 1, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có gần 120 sinh viên bị thôi học do học lực yếu. Hàng trăm sinh viên Đại học Tây Nguyên cũng đang đứng trước nguy cơ bị thôi học.
Sinh viên bị buộc thôi học quá nhiều
Theo khảo sát của PV ở một số trường đại học, trung bình mỗi năm, một trường đại học có từ vài chục đến vài trăm sinh viên bị buộc thôi học, cùng hàng trăm sinh viên khác bị cảnh cáo học vụ.
Mới đây nhất, hơn 1.000 sinh viên của Đại học Tây Nguyên đã và đang đứng trước nguy cơ bị buộc thôi học (chiếm 1/15 số sinh viên toàn trường). Trong con số hơn 1.000 sinh viên này, có 415 trường hợp đã bị thôi học, số còn lại đang đứng trước nguy cơ "báo động đỏ".
Cách dạy và học bậc ĐH khác hẳn với bậc phổ thông, nếu thiếu một phương pháp học tập đúng đắn, sinh viên sẽ không đáp ứng được yêu cầu dẫn tới bị buộc thôi học. Ảnh minh họa: Tiền Phong.
Tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo trường cho biết, trung bình mỗi năm học, nhà trường có hơn 2.000 sinh viên bị cảnh cáo học vụ và buộc thôi học. Trong đó, hơn 1.000 sinh viên bị buộc thôi học (gồm hơn 100 sinh viên thuộc hệ đại học, còn lại là sinh viên ở các hệ cao đẳng khác).
Ông Lê Quang Thành, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, sau mỗi học kỳ, nhà trường đuổi học khoảng 100 sinh viên cùng với vài trăm sinh viên khác bị cảnh cáo học vụ rải đều ở các ngành học.
Ông Thành phân tích: "Làm một phép tính đơn giản, mỗi năm trường tuyển khoảng 3.000 sinh viên hệ đại học, cao đẳng chính quy, tức số sinh viên toàn trường mỗi năm khoảng 13.500 sinh viên thì tỷ lệ sinh viên bị buộc thôi học hàng năm khoảng 1,4%. Tôi xin không bình luận về con số này là nhiều hay ít, cao hay thấp nhưng đối với một gia đình khi có con em bị buộc thôi học là một điều thật khủng khiếp".
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, mỗi năm cũng có cả trăm sinh viên bị buộc thôi học. "Cụ thể, số lượng sinh viên bị buộc thôi học của trường này qua các năm như sau: Năm 2012 có 275 sinh viên, năm 2014 có 249 sinh viên, năm 2015 có 100 sinh viên, trong đó, đỉnh điểm năm 2013, nhà trường buộc thôi học đến hơn 500 sinh viên", ông Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường này cho biết.
Tương tự, Đại học Ngân hàng TP HCM kết thúc học kỳ 1 vừa qua, trường này buộc thôi học 201 sinh viên, cảnh cáo học vụ gần 100 sinh viên; Đại học Nông Lâm TP HCM buộc thôi học 280 sinh viên, cảnh cáo hàng trăm sinh viên khác...
Một trong những người bị buộc thôi học trong kỳ vừa qua, Đ.P.C (quê Đồng Nai), sinh viên khoa Cơ khí chế tạo máy, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có học lực quá yếu khi hai học kỳ liên tiếp, C. chỉ đạt được mức điểm trung bình 1.27 và 0.93 điểm. Nguyên do học yếu của C. là không theo kịp chương trình dẫn đến chán học.
"Từ khi chán học, em bắt đầu đi chơi nhiều hơn, hết cà phê thì nhậu..., đến khi nhà trường cảnh cáo lần thứ hai rồi buộc thôi học luôn em mới sững sờ và rất hối hận", C. tâm sự.
Mải chơi, thiếu tự học, tự nghiên cứu
"Khi vào học đại học, việc tự học, tự nghiên cứu được yêu cầu rất cao. Sinh viên hiện nay ít quan tâm tới vấn đề này, các em cứ học theo mô hình: Gần kỳ thi cặm cụi học, đến khi thi không đạt và sẽ bị cảnh báo học vụ dẫn đến buộc thôi học"
Ông Lê Quang Thành, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Giao thông Vận tải TP HCM
Nói về việc sinh viên bị buộc thôi học ngày càng nhiều, ông Lê Quang Thành, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng, có nhiều nguyên do, tuy nhiên nguyên do chính nằm ở bản thân của sinh viên.
Theo ông Thành, khả năng thích nghi với việc tự học và phân bố khối lượng, kế hoạch học tập từ khi học Tiểu học đến THPT, các em được sắp xếp theo lớp học cứng, được thầy cô giáo kiểm tra kiểm soát rất ngặt nghèo.
"Tuy nhiên, khi vào học đại học, việc tự học, tự nghiên cứu được yêu cầu rất cao. Sinh viên hiện nay ít quan tâm tới vấn đề này, các em cứ học theo mô hình: Gần kỳ thi thì cặm cụi học, đến khi thi không đạt và sẽ bị cảnh báo học vụ dẫn đến buộc thôi học", ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, nguyên do sinh viên bị buộc thôi học chủ yếu do các em chểnh mảng.
"Ngoài ra, việc định hướng nghề nghiệp yếu, các em chọn ngành, chọn nghề theo yêu cầu của gia đình, theo phong trào bạn bè mà không theo xu thế, khả năng bản thân... Bên cạnh đó, nhiều sinh viên chỉ tập trung làm thêm, bị những người bán hàng đa cấp dụ dỗ dẫn đến không phân bổ được thời gian học tập; việc ưa chuộng bằng cấp, quy định tuyển sinh còn nhiều bất cập... cũng là nguyên nhân làm kết quả học tập yếu kém", ông Dũng nói.
N.H.A (quê Trà Vinh) sinh viên năm 2, ngành Kế toán, Đại học Ngân hàng TP HCM đang đứng trước nguy cơ bị buộc thôi học do học lực yếu (hai học kỳ trước đó đều có mức điểm tổng kết dưới 1.0). Hiện A bị cảnh cáo học vụ mức 3.
"Ngày nào em cũng làm thêm từ sáng đến chiều, công việc có khi là phục vụ quán nhậu, bán quán cà phê nên gần như không có thời gian để học bài. Thậm chí, có bữa em phải bỏ cả thi vì xin nghỉ nhưng chủ không cho", A tâm sự.
Theo Nguyễn Dũng/Tiền Phong
Trường đuổi học sinh vì mẹ viết Facebook chưa có giấy phép Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Trường mầm non KinderCare, cơ sở Ngọc Hà, chưa có giấy phép hoạt động và cơ sở này mới chỉ trông khoảng 10 cháu. Liên quan vấn đề trường học này cho học sinh nghỉ vì mẹ than phiền trên Facebook, sáng 2/10, ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng giáo dục quận Ba Đình, Hà Nội,...