Học sinh bị ‘ăn chặn’ thời gian nghỉ hè
Trong khi các trường công lập (từ tiểu học đến THCS) còn đang tổ chức tuyển sinh, nhiều trường ngoài công lập của Hà Nội lại tổ chức cho học sinh nhập học.
Văn bản mới nhất của Bộ GD&ĐT quy định, tựu trường từ 1/8. Vậy các trường này có phạm luật?
Đến trường từ đầu tháng 7
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường từ mầm non đến THCS tổ chức tuyển sinh từ ngày 1/7 đến 15/7 với hệ đúng tuyến. Thời gian tuyển bổ sung từ ngày 16/7 đến 20/7. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, nhiều trường tiểu học, THCS ngoài công lập trên địa bàn thành phố đã yêu cầu thí sinh nhập học.
Ngày 29/6 vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chấn chỉnh thực hiện kế hoạch thời gian năm học.
Trong đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu tham gia hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh trong thời gian nghỉ hè đúng quy định, đảm bảo thiết thực, an toàn, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.
Có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với những tập thể, cá nhân chỉ đạo việc tựu trường trái quy định của địa phương… Tuy nhiên, một số trường ngoài công lập ở Hà Nội, học sinh đã đến trường từ đầu tháng 7.
Tại Trường Marie Curie (gồm cả bậc tiểu học, THCS và THPT) ở quận Nam Từ Liêm kết thúc tuyển sinh vào lớp 1 từ tháng tư và hoàn thành tuyển sinh vào lớp sáu giữa tháng sáu.
Tại quận Thanh Xuân, Trường THPT Lương Thế Vinh thông báo xét tuyển lớp 6 chính thức vào ngày 15/6 và học sinh nhập học chính thức ngày 1/7. Ngoài ra còn có hàng loạt các trường ngoài công lập khác tổ chức tuyển sinh trước thời gian quy định và tập trung học sinh từ khi còn nghỉ hè.
Video đang HOT
Nhiều học sinh vẫn phải lo áp lực học tập trong kỳ nghỉ hè. Ảnh minh họa.
“Chuyển hóa” thành ngoại khóa
Chiều 6/7, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Marie Curie, Hà Nội cho biết, năm nay, Bộ GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện theo khung kế hoạch thời gian năm học. Theo đó, thời gian tựu trường sớm nhất từ 1/8/2016 và thời gian kết thúc năm học vào ngày 31/5/2017.
Những năm trước đây, nhiều trường, trong đó có Marie Curie thường tháng 7 học sinh tựu trường. Nguyên nhân do nhu cầu của cha mẹ học sinh muốn gửi con đến trường vừa học hành, vui chơi, bổ ích an toàn vì không có thời gian trông coi.
“Nhưng năm nay, sau khi có văn bản của Bộ, chúng tôi đã phải “chuyển hóa ngay”. Chúng tôi thông báo đúng 1/8 mới tựu trường. Học sinh THPT của chúng tôi đang nghỉ ở nhà hết tháng 7″ – thầy Nguyễn Xuân Khang nói.
Thầy Khang cũng chia sẻ, với học sinh tiểu học, THCS, trước nhu cầu gửi con của phụ huynh trong những ngày hè, từ ngày 4/7, trường tổ chức mở cửa đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, tham gia hoạt động hè, chương trình ngoại khóa gồm thể dục, thể thao, tiếng anh ngoại khóa, kỹ năng sống.
“Thời gian từ giờ đến hết tháng 7, trường không tổ chức dạy văn hóa. Các khóa học ngoại khóa trên đều hoàn toàn tự nguyện. Những học sinh nào không có nguyện vọng đến trường tham gia, hoàn toàn có thể yên tâm nghỉ ở nhà, không bị ảnh hưởng đến việc học tập trong năm học tới” – thầy Khang cho biết. Theo thầy Khang, khoảng 60-70% học sinh đang tham gia theo các khóa học ngoại khóa tại trường.
Về phía Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Ngô Văn Chất (Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục) cho biết, các trường phải thực hiện theo đúng kế hoạch thời gian năm học mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Trường nào vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật.
Trong khi đó, các nhà giáo dục băn khoăn, khi thời gian nghỉ hè của học sinh, nhất là tại các thành phố lớn đang ngày càng bị “rút” ngắn. Còn các chương trình ngoại khóa tại các trường chưa hề có sự kiểm soát nào từ phía ngành chức năng.
Theo Hoa Ban/Tiền Phong
Đừng 'đánh cắp' mùa hè của trẻ em!
Ngày Quốc tế thiếu nhi cũng đúng vào dịp nghỉ hè, lẽ ra sẽ là niềm vui nhân đôi cho các em thiếu nhi nhưng đối với không ít em, sự háo hức nhanh chóng bị lấn át bởi nỗi chán nản.
Thực sự, mùa hè của các em đang bị "đánh cắp", bởi từ lâu nó được gọi vui là "học kỳ 3" chứ không còn khái niệm nghỉ ngơi sau 9 tháng học tập căng thẳng nữa. Khi nói đến học hè, đa phần ý kiến đổ lỗi cho các bậc phụ huynh, vì quá kỳ vọng mà ép con phải học thêm để đạt thành tích cao.
Phải khẳng định, điều đó đúng trong nhiều trường hợp. Những đứa trẻ không chỉ bị tước mất ngày hè, mà còn bị tước mất tuổi thơ khi phải học từ sáng đến tối, từ ngày học chính đến dịp nghỉ hè.
Cái cảnh những bậc phụ huynh đón con ở cổng trường với những món đồ ăn nhanh mua vội, rồi thúc giục con tranh thủ ăn trên đường đến lớp học thêm không phải hiếm.
Mùa hè được nghỉ ngơi là ước mơ của con trẻ. Ảnh minh họa.
Chúng ta cấm dạy thêm, học thêm, nhưng ai sẽ trả lời câu hỏi: Ngày hè trẻ em sẽ làm gì? Một thực tế là kỳ nghỉ hè của con trẻ đang trở thành nỗi lo của phụ huynh, bởi con nghỉ nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm.
Thế nên trước mỗi kỳ nghỉ, việc gửi con ở đâu, cho con học thế nào, chơi ra sao là một bài toán đau đầu. Ở thành phố, các khu tập thể cũ thì hầu như không có sân chơi cho trẻ, còn các khu chung cư mới xây, diện tích vui chơi lẽ ra là dịch vụ công ích thì đều bị thương mại hóa.
Thế nên, nếu không cho con đi học thêm thì đa phần phụ huynh sẽ chọn giải pháp nhốt con trong nhà hoặc thậm chí phải mang con lên cơ quan vì không có người trông nom.
Trên báo chí, diễn đàn mạng các chuyên gia thường khuyên phụ huynh nên đưa con về quê hay ra các vùng nông thôn để con được trải nghiệm với thiên nhiên.
Nhưng sự thật không phải lúc nào về quê cũng có những trải nghiệm như trong "cổ tích" cho con trẻ. Bởi làng quê bây giờ cũng khác xưa nhiều lắm, cũng đường nhựa, cũng nhà hộp bê tông, cũng ô nhiễm môi trường... chứ đâu phải chỗ nào cũng ruộng vườn xanh tốt.
Trẻ vì thế, cũng chưa chắc đã hứng thú hơn ở thành phố, nhiều em vì được cha mẹ "thả" còn cắm đầu vào điện tử, tivi, các thiết bị giải trí công nghệ. Chưa kể nỗi lo những nguy hiểm luôn rình rập như tai nạn, đuối nước...
Có tiền cho con tham gia các trại hè hay khóa học kỹ năng sống cũng chưa chắc đã đem lại hứng thú và những trải nghiệm tốt cho con.
Hiện nay các trung tâm tổ chức các khóa học này mọc lên như nấm, trong khi chất lượng thì không biết thế nào, dẫn đến việc không ít phụ huynh đã "tiền mất, tật mang".
Thế nên, suy đi tính lại, cho con học thêm hè vẫn là giải pháp khả quan nhất, vừa lấp đầy khoảng thời gian không người trông nom, vừa bồi dưỡng thêm kiến thức văn hóa cho con. Thế nên dù ngành Giáo dục có ra sức cấm đoán thì dạy thêm, học thêm vẫn cứ đắt hàng.
Ai cũng ra sức phản đối dạy thêm, học thêm, ai cũng lên án phụ huynh "đánh cắp" tuổi thơ con trẻ, nhưng giải pháp cho vấn đề học sinh đi đâu, làm gì trong ngày hè thì phụ huynh mỏi mắt cũng tìm không thấy, nếu có cũng chẳng mấy sát thực tế.
Thử xem, nếu mỗi khu dân cư đều có một nhà thiếu nhi được tổ chức một cách bài bản, hấp dẫn, hữu ích cho các em, không đặt nặng tính thương mại thì các bậc phụ huynh có cần ép con học thêm?
Người ta cứ mải miết chạy theo những thứ đem lại lợi ích vật chất trước mắt, còn trẻ em đâu đã biết lên tiếng đòi quyền lợi cho mình. Trách nhiệm thuộc về cả xã hội, mà cao nhất chính là những người làm chính sách.
Theo Trâm Anh/ An Ninh Thủ Đô