Học sinh bệnh ung thư bị giáo viên buộc ngồi riêng vì… sợ lây
Một giáo viên tiểu học ở miền đông nam Trung Quốc bị cáo buộc ép một học sinh 11 tuổi đang điều trị bệnh ung thư phải ngồi riêng vì sợ bé lây bệnh cho các bạn cùng lớp.
Cậu bé Zhou phải ngồi xa bạn mình – ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP
Tờ Southeast News đưa tin cậu bé tên Zhou được chuyển đến ngôi trường ở thành phố Tuyền Châu, thuộc tỉnh Phúc Kiến, hồi tháng 9 để có thể ở gần bố mẹ trong quá trình điều trị bệnh ung thư hạch không Hodgkin.
Tuy nhiên, ông Zhou Xiongying, cha của cậu bé, tỏ ra lo ngại khi con trai ông không được chấm điểm trong một cuộc kiểm tra ngôn ngữ giữa học kỳ. Khi ông hỏi chuyện con mình, cậu bé mới giải thích điều gì đã xảy ra và người cha đã đăng các cáo buộc lên mạng xã hội.
Theo cậu bé, thầy giáo nói rằng cậu không thể ngồi chung với các bạn khác trong lớp hoặc thi chung do cậu có thể lây bệnh.
Người bố cũng cho biết ban đầu con trai ông không muốn cho biết điều gì đang xảy ra vì sợ làm cho bố mẹ phải lo lắng.
Bản tin không cho biết ông bố đã trao đổi với giáo viên hay hiệu trưởng nhà trường hay chưa, nhưng cho biết nhiều học sinh đã xin chuyển sang lớp khác chỉ vài ngày sau khi cậu bé Zhou xin vào học.
Trong đoạn video và các hình ảnh được đăng trên mạng, cậu bé Zhou được nhìn thấy ngồi ở một chiếc bàn riêng tách biệt hẳn các bạn cùng lớp. Ông bố cho biết giáo viên ngôn ngữ lúc đầu có thắc mắc về quyền được học tại trường của cậu bé do Zhou nhìn ốm yếu lúc đăng ký nhập học.
Video đang HOT
Trong một bản tin khác trên tờ Beijing News, hiệu trưởng nhà trường, tên Ye, cho biết nhà trường sẽ thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết tình hình, bao gồm nói chuyện với giáo viên ngôn ngữ và bố mẹ của những đứa trẻ khác.
Giáo viên là tâm điểm của các cáo buộc trên hiện đã nghỉ phép vì bệnh, bản tin cho biết.
Theo thanhnien
Thầy trò tìm nhau trên 'phây'
Bẵng đi hơn cả chục năm, nhiều giáo viên bỗng thấy được những 'đứa con' thân thương của mình. Những học trò cũng tìm được thầy cô giáo từng dìu dắt mình trong những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường. Họ tìm nhau trên 'phây'.
Nhiều học trò có cơ hội tìm lại và kết nối với thầy cô giáo cũ nhờ Facebook - SHUTTERSTOCK
"Thằng lớp trưởng phải không?"
Tốt nghiệp THPT đã được 12 năm, Lê Viết Khiêm, cựu HS Trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) không ngờ một ngày có cơ hội được trò chuyện lại với cô giáo chủ nhiệm.
Vì vào TP.HCM học tập và lập nghiệp, Khiêm không nhiều thời gian để về quê cũng như kết nối với những thầy cô giáo năm xưa. Rồi một ngày, lên Facebook, thấy bình luận để lại trên tường của người bạn cùng lớp: "Em khỏe không", thấy tài khoản có tên "Thuy Son" quen quen, Khiêm đoán đó là cô giáo cũ. "Lục tung" hình ảnh trên trang cá nhân ấy, Khiêm khấp khởi vui mừng vì mình đoán đúng. Những câu bình luận liên tiếp được để lại, người giáo viên ấy cũng nhận ra và hỏi: "Phải Khiêm không, thằng lớp trưởng phải không?"... Cứ thế, những kỷ niệm của 12 năm trước dần được gợi lại trong những bình luận, trong những cuộc hội thoại.
Những trường hợp thầy trò tìm thấy nhau sau bao năm xa cách, nhờ Facebook, có rất nhiều. Khi mà những năm trước, mạng xã hội chưa phát triển, điện thoại di động không phổ biến, chỉ có sổ lưu bút là quen thuộc, thì những mối quan hệ thầy trò dần xa cách bởi mỗi người một phương, thầy cô vẫn đứng lớp hằng ngày, còn từng thế hệ học trò đi muôn phương để học tập, sinh sống. Và giờ đây, trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin nói chung và mạng xã hội phát triển, nhất là Zalo, Facebook, Twitter... ngày càng được nhiều người sử dụng, thì họ, những giáo viên và học trò cũ, đã có cơ hội tìm thấy nhau.
Tìm thấy nhau trên Facebook, những kỷ niệm xưa cũ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường lại ùa về - ẢNH: NHẪN NGUYỄN
Tốt nghiệp THCS 26 năm trước, rồi sau đó theo gia đình rơi quê ở H.Đông Hòa (Phú Yên) đến sinh sống ở H.Krông Pa (Gia Lai), Nguyễn Văn Hiếu, đang là Giám đốc công ty TNHH Nguyễn Trường Nguyễn (Q.Tân Bình, TP.HCM) không ngờ có một ngày lại thấy được người thầy hiệu trưởng năm xưa, cũng từ Facebook.
Hiếu kể thêm không những chỉ tìm lại được người thầy thân thương ấy, mà khi nhớ lại tên từng người thầy giáo, cô giáo cũ, rồi tìm kiếm trên Facebook, Hiếu đã có thể kết nối được nhiều người từng dìu dắt mình nên người. "Mình tìm kiếm tên, hay vào Facebook bạn bè để 'lục' coi có tên nào quen quen, có khi xem ảnh trong từng trang cá nhân để xem có ai quen thuộc không để kết bạn. Nhờ vậy, mình tìm được nhiều thầy cô giáo", anh Hiếu cho biết.
Cơ hội để kết nối cựu học sinh
Thầy Trần Hà Quang (Trường THPT Đắk Mil, Đắk Nông) chia sẻ rất bất ngờ khi một ngày, chính bản thân ông cũng quên đi sinh nhật của mình, nhưng lại được học trò cũ, đã không gặp nhau 16 năm, nhắn lời chúc mừng qua Facebook.
"Đúng là cuộc sống ngày càng hiện đại, đem lại những cuộc gặp gỡ tình cờ đầy bất ngờ", ông Quang nói.
Cũng nhờ thấy học trò trên "phây", mà ông Quang được gợi lại biết bao điều xưa cũ, những kỷ niệm về những ngày đứng lớp hàng chục năm trước, cả những hình ảnh từ thời "xa lắc xa lơ"... chụp chung với những học trò tinh nghịch.
Nhiều giáo viên khoe trang cá nhân của mình có đến cả ngàn người bạn, ngoài đồng nghiệp, người thân, thì phần lớn là những học trò cũ. Và họ tìm lại được nhau cũng từ Facebook.
Hiện nay, ở hầu hết các trường, nhất là bậc THPT, đều có những Fan Page. Đây cũng là nơi để những người bạn đồng niên "thấy" nhau sau bao năm xa cách, bao thế hệ học trò có cơ hội "thắp" lại tình cảm với những người đưa đò sau những tháng năm bị cuốn theo cuộc sống, nỗi lo cơm áo gạo tiền để mưu sinh.
Nhiều cựu học sinh có cơ hội về thăm và giúp trường cũ từ những cuộc kết nối trên Facebook - ẢNH: V.S
Và cũng nhờ tìm thấy nhau, kết nối cùng nhau như vậy, mà giới cựu học sinh đã giúp đỡ nhiều cho trường, cho các thế hệ học sinh sau này. Không ít quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo đã được hình thành chỉ từ những cuộc gặp tình cờ như thế. Đấy là chưa kể những hoạt động kỷ niệm ngày thành lập trường, viết bài cho tập san nhân những ngày lễ lớn... cũng được giới cựu học sinh nhiệt tình tham gia.
Với nhiều giáo viên, Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung, đã giúp rất nhiều trong việc tìm lại những cựu học sinh. Như trên trang Facebook của ông Phạm Thạch Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi), có rất nhiều người vào để "chào thầy", "thầy có nhớ em không", "em là học sinh cũ của trường mình nè"...
Cũng ở trường này, nhiều học trò cũ, đã và đang có được những thành công trong cuộc sống, đã nhờ Facebook... se duyên, để rồi tìm về lại trường, giúp đỡ các học sinh khóa dưới. Như chuyên viên tâm lý Đỗ Văn Sự, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế INTIC, đã có cơ hội quay về trường cũ, thăm những thầy cô giáo cũ, cũng như để hướng dẫn, chia sẻ về tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh đàn em.
Theo thanhnien
Hội nghị giảng dạy tiếng Anh chuẩn quốc tế tại Hà Nội Hội nghị giảng dạy tiếng Anh VUS TESOL tổ chức ngày 9.11 có sự tham gia 1.000 người cùng các chuyên gia hàng đầu đến từ các tổ chức quốc tế uy tín. Gordon Lewis, đại diện Nhà xuất bản Đại học Oxford chia sẻ: "Nhu cầu của giáo viên và các trường học hiện nay đòi hỏi quy trình giấy tờ, chấm...