Học quân sự mùa dịch Covid-19: Cơ hội để sinh viên thích ứng và trải nghiệm
Nhiều sinh viên cho biết học quân sự trong mùa dịch Covid-19 đã cho các bạn nhiều trải nghiệm về việc học trực tuyến, kết nối thêm bạn bè, làm quen môi trường quân ngũ…
Giờ giải lao giữa buổi học thực hành quân sự tại trung tâm – AN CHIÊN
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và học tập không bị trì hoãn, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và an ninh – ĐHQG TP.HCM tiến hành dạy và học trực tuyến.
Cơ hội để sinh viên thích ứng với học trực tuyến
Theo đó, kỳ học quân sự thường diễn ra trong vòng 4 tuần và học trực tiếp tại trung tâm, nhưng đợt này các bạn sinh viên sẽ có 3 tuần học trực tuyến qua phần mềm zoom, một tuần học thực hành tại trung tâm.
“Mình cảm thấy việc học trực tuyến cũng không đáng ngại, ngược lại cách học này còn giúp mình tiết kiệm thời gian, chủ động hơn trong việc làm thêm. Sau 3 tuần học trực tuyến, tụi mình học thực hành tập trung một tuần”, Trịnh Thảo Nhi (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) vui vẻ kể lại.
Sinh viên tranh thủ giờ giải lao luyện tập tháo lắp súng – ẢNH: AN CHIÊN
Ngọc Trân (SV năm nhất Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) chia sẻ: “Đối với một người hướng ngoại và ưa thích sự trải nghiệm nên mình thích đến trường học hơn. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid 19, vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng nên trường tổ chức học trực tuyến nhiều hơn”.
Theo Ngọc Trân, với thời đại công nghệ hiện nay thì đây cũng là cơ hội để sinh viên thích ứng với môi trường học trực tuyến và rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian tốt hơn.
Thầy Trần Ngọc Hùng, Trưởng phòng Quản lý sinh viên, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và an ninh, cho biết trong khóa học trực tuyến đầu tiên, trung tâm phải mượn trang thiết bị từ Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, tiến hành tập huấn cho các thầy về công nghệ cho việc giảng dạy, đồng thời còn có trợ giảng hỗ trợ. Trong quá trình dạy và học trực tuyến cũng không tránh khỏi những khó khăn, việc tương tác giữa thầy và trò bị hạn chế. Tuy vậy, đến nay về cơ bản việc giảng dạy đã thuận lợi hơn.
Nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích
Không chỉ quan tâm việc học tập, trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích như: chương trình phát thanh, thể thao, nét đẹp chiến sĩ, gala chiến sĩ… giúp sinh viên giải trí, vui chơi sau những giờ học.
Sinh viên chụp hình ghi lại những kỷ niệm – ẢNH: AN CHIÊN
Lê Phước Hòa, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: “Sau một tuần học tại trung tâm, mình đã trải nghiệm nhiều điều thú vị. Mọi người rất hòa đồng, tuy chưa quen biết nhau nhưng lúc gặp nhau đều có thể nói chuyện vui vẻ, thân thiết…”.
Phước Hòa cho biết thêm, trong những ngày ở trung tâm, buổi chiều các bạn thường tổ chức chơi đá cầu, bóng rổ…, sau đó sẽ tụ họp với nhau đánh đàn, ca hát rất vui.
“Khoảng thời gian học quân sự tập trung mình rất vui, được trải nghiệm cuộc sống quân ngũ, tối 22 giờ đi ngủ, sáng 5 giờ dậy. Tụi mình cảm thấy thoải mái, nhất là khoảng thời gian này không cần quan tâm deadline”, Trịnh Thảo Nhi bộc bạch.
Lũ chồng lũ, tiền đâu em học tiếp?
Gia đình ở quê chịu cảnh lũ chồng lũ, sinh viên sống xa nhà nỗi lo chồng chất nỗi lo. Lo cho người thân nơi quê nhà phải chống chọi với bão lũ. Lo không có tiền để tiếp tục học hành.
Nhiều sinh viên quê ở miền Trung đang có những đêm dài thức trắng mong ngóng về quê nhà - NỮ VƯƠNG
"Khi lũ qua đi, mong ước lớn nhất của em là được tiếp tục đến trường. Em phải đi học để ra trường đi làm kiếm tiền lo cho mẹ và 2 đứa em. Em sợ phải dừng bước giữa đường", đó là lời chia sẻ của Nguyễn Ngọc Lan (quê ở Quảng Bình), sinh viên (SV) Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), khi quê em đang tan hoang vì mưa lũ.
Phận người trong những túp lều bên nghĩa địa giữa lũ lịch sử ở Quảng Bình
Đêm trắng của sinh viên miền trung
Nhiều SV đang trải qua những đêm dài thức trắng vì lo cho ba mẹ, người thân nơi quê nhà phải ăn mì gói cứu trợ suốt những ngày bão lũ. Nước lũ đã cuốn trôi hết tất cả. Bản thân các em cũng ăn mì gói qua ngày để tiết kiệm chi phí cho gia đình.
Ba mẹ ở nhà, nước cứ lên, phải gỡ mái ngói nóc nhà ngồi thức trong đêm. Giọng thông báo trong điện thoại "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không thể liên lạc được..." cứ thế đáp lại những cuộc gọi đứng ngồi không yên của SV. Những đêm miền Trung lũ lụt là những đêm dài trắng giấc của SV xa nhà.
Nguyễn Thanh Dũng (quê ở Quảng Bình), SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, vừa kể vừa rơi nước mắt: "Chỉ trong một đêm, quê em, nhà em chìm trong biển nước. Từ nhỏ đến giờ, biết bao mùa lũ rồi nhưng chưa bao giờ nhà em lại lao đao như thế này. Lúc bình thường còn gọi điện hỏi han được, còn lần này nước đã ngập nặng mà em không gọi điện về nhà được vì điện cắt mà điện thoại ba em lại hết pin. Phải đến tận 2 ngày sau em mới nói chuyện được với ba mẹ. 2 ngày đó với em dài cả thế kỷ, ruột gan như lửa đốt mà chẳng làm được gì".
SV Nguyễn Ngọc Lan tâm sự: "Em muốn về nhà ngay lúc đó để phụ mẹ, vừa không liên lạc được với gia đình vừa thấy tin lũ ngày càng lớn, rồi thấy trên mạng nhiều người dân kêu cứu mà em thương mẹ, thương 2 đứa em, thương cho người dân quê em. Miền Trung quê em năm nay chỉ có 2 mùa là mùa Covid-19 và mùa lũ...".
Nhà của Nguyễn Hữu Tứ, SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, ở ngay ngoài rìa và gần sông tại H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), nước lũ dâng lên là đồng nghĩa bị cô lập giữa biển nước mà không ai có thể kịp đến ứng cứu. Nỗi lòng của Tứ giữa Sài Gòn nặng ngàn cân.
"Ở nhà chỉ còn ba mẹ và em trai 14 tuổi. Tối đó nước lên nhanh và cao quá, ba em phải gỡ mái ngói rồi đưa mẹ với em trai lên nóc nhà ngồi. 2 ngày không gọi được cho ba mẹ, em chỉ biết gọi cho bác, nhưng bác nói nước lớn quá cũng không thể nào qua được, lúc đó thật sự em chẳng biết phải làm sao", Tứ đau đáu nói.
Ảnh nhà bị nước lũ nhấn chìm từ quê gửi vào cho Nguyễn Hữu Tứ - ẢNH: NVCC
Chung nỗi niềm, Trần Thị Phương Thảo (quê ở Quảng Trị), SV Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nghẹn ngào kể: "Chiều hôm đó nước lên lớn nên em trai đi sơ tán trước, ba vì tiếc của nên ở lại kê đồ đạc lên trên rồi đi sau. Nhưng kê không kịp, nước lên cao quá nên thuyền cứu hộ cũng không vào được nữa, thế là một mình ba em bị cô lập giữa biển nước, đêm đó phải gỡ ngói để leo lên nóc nhà ngồi".
Người dân vùng lũ nói về những thứ họ cần nhất hiện nay
Đi làm thêm, ăn mì gói để tiết kiệm cho gia đình
Tứ kể ba mẹ ở nhà làm nông, gần 200 m 2 trồng rau màu, một sào trồng mía coi như mất trắng hết. Nhà có nuôi bầy gà 100 con, rồi heo, vịt cũng bị nước lũ cuốn chết hết không còn gì. Bây giờ Tứ không biết khi lũ qua đi thì gia đình mình phải sống như thế nào. Gia đình vốn đã khó khăn, giờ thiên tai chồng thiên tai, Tứ thương ba mẹ vất vả trăm bề.
Còn với Thảo: "Người dân quê em cứ làm rồi mỗi năm dành dụm mua được một món đồ, năm nay dồn mua được chiếc xe máy, năm sau mua được cái ti vi...; giờ lũ dâng, một đêm là mất trắng hết mồ hôi nước mắt bao nhiêu năm trời. Nhưng biết làm sao được, giờ ở quê, nhà em còn không có gì để ăn, lúa gạo hư hết, đồ đạc cuốn trôi, mấy ngày nay phải chờ đồ cứu hộ rồi ăn cơm chùa mang đến cho. Em cũng không biết chuyện học hành sắp tới sẽ như thế nào...".
Cùng nỗi lo lắng và trăn trở, Dũng mấy ngày này đang cố tìm kiếm việc làm thêm, với mong muốn phụ giúp phần nào để ba mẹ bớt đi gánh nặng học hành cho con.
Còn với Lan, khi người viết hỏi điều mong ước lớn nhất lúc này là gì, nữ SV không giấu được nỗi niềm: "Khi lũ qua đi, mong ước lớn nhất của em là được tiếp tục đến trường. Em phải đi học để ra trường đi làm kiếm tiền lo cho mẹ và 2 đứa em. Em sợ phải dừng bước giữa đường".
Lan cho biết từ khi ba mất, cuộc sống của gia đình thêm khó khăn, vì ba là trụ cột, mẹ lại đau bệnh liên miên. Giờ lũ lụt mất trắng hết thế này, Lan không biết cuộc sống phía trước của gia đình mình sẽ ra sao nữa. "Những ngày này, ở nhà mẹ và hai đứa em ăn mì tôm cứu trợ qua ngày. Còn em trong này cũng ăn mì tôm, rồi cố gắng đi làm thêm cùng lúc 2, 3 việc để tiết kiệm tiền cho gia đình", Lan chia sẻ.
Trường học ngổn ngang trong lũ lịch sử: Nước chưa rút đã dọn dẹp đón học sinh
Thêm trường đại học hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên vùng lũ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dành khoảng 6 tỉ đồng để hỗ trợ 50% học phí học kỳ cuối năm 2020 cho sinh viên các tỉnh bị ảnh hưởng của lũ lụt. Tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ngày nhập học - ĐÀO NGỌC THẠCH Tối 21.10, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ra thông báo sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng...