Học phí Trường ĐH Y dược TP.HCM 70 triệu đồng/năm là dự kiến
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, mức học phí trường công bố trong đề án tuyển sinh vẫn là dự kiến để thí sinh biết trước khi cân nhắc nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Trường ĐH Y dược TP.HCM – HÀ ÁNH
Trường ĐH Y dược TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội xung quanh việc tăng học phí ngành cao nhất 70 triệu đồng/năm.
Học phí chính thức sẽ có trước thời điểm thí sinh làm thủ tục nhập học
Ngày 24.6, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết trường này đã có báo cáo gửi các bộ về lộ trình tăng học phí trong năm học tới.
Từ năm học 2019-2020 trở về trước, Trường ĐH Y dược TP.HCM là đơn vị sự nghiệp có thu, đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, chưa thực hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Giáo dục ĐH. Nhưng từ năm học 2020-2021, trường hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên. Vì vậy, trường áp dụng theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Giáo dục ĐH để thực hiện các hoạt động theo mô hình tự chủ ĐH.
Mức thu trung bình cho các chương trình đào tạo ĐH hệ chính quy năm học 2020-2021 là 48.087.000 đồng/sinh viên/năm. Ngành cao nhất là răng-hàm-mặt 70 triệu đồng/năm, thấp nhất 30 triệu đồng/năm. Mức học phí này được xây dựng theo thông tư số 14/2019/TT-BGD-ĐT ngày 30/8/2019 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo thông tư này, giá dịch vụ đào tạo = chi phí tiền lương chi phí vật tư chi phí quản lý chi phí khấu hao mòn tài sản cố định chi phí quỹ khác.
Cũng theo PGS-TS Khôi, quy trình xác định mức học phí của các chương trình đào tạo đã trải qua nhiều bước. Trên cơ sở xây dựng mức thu từ các khoa chuyên môn, trường đã họp lãnh đạo chủ chốt để thống nhất báo cáo Hội đồng trường và xin phê duyệt thông qua bằng nghị quyết. Cuối cùng là ban hành quyết định mức thu, báo cáo Bộ Y tế và triển khai thực hiện.
Video đang HOT
Tuy nhiên theo ông Khôi, mức học phí trường công bố trong đề án tuyển sinh vẫn là dự kiến để thí sinh biết trước khi cân nhắc nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Hiện trường đang kiện toàn hội đồng trường theo luật mới, sau khi Bộ Y tế phê duyệt trường sẽ ban hành Nghị quyết về học phí chính thức. Việc ban hành nghị quyết này dự kiến sẽ trước thời điểm thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học.
ĐH Harvard hỗ trợ xây dựng chương trình
Trong báo cáo gửi các bộ về việc tăng học phí, Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng cam kết chất lượng đào tạo tốt nhất của khối ngành sức khỏe.
Theo ông Khôi, sinh viên sẽ được thụ hưởng chất lượng đào tạo tốt nhất do đầu tư của nhà trường cho cơ sở vật chất, xây dựng chương trình đào tạo mới dựa trên chuẩn năng lực và đội ngũ giảng viên hàng đầu trong các chuyên ngành.
Cụ thể, sinh viên trúng tuyển năm 2020-2021 sẽ có những trải nghiệm khác với các năm trước. Trong đó, chương trình đào tạo bác sĩ y khoa, răng-hàm-mặt và điều dưỡng được xây dựng mới dựa theo chuẩn năng lực. Riêng chương trình y khoa, răng-hàm-mặt được ĐH Y Havard và ĐH Y nha Havard hỗ trợ xây dựng.
PGS-TS Khôi nhấn mạnh: “Chương trình chính thức sẽ có một số học phần tự chọn cho sinh viên đi học nước ngoài. Cơ hội này dành cho tất cả sinh viên y khoa chứ không phải chỉ những người học giỏi được cấp học bổng như trước đây”.
Ngoài ra, trường còn đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ giảng dạy tại trường như mua sách tiếng Anh, các nguồn học liệu trực tuyến, xây dựng phòng học thông minh…
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa, theo Bộ GD-ĐT thì ngày 27.2.2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Quyết định số 695/QĐ-BYT về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính năm 2020 đối với Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Chỉ thi để xét tốt nghiệp, các trường y sẽ có kỳ thi riêng?
PGS-TS Ngô Minh Xuân cho biết trong bối cảnh kỳ thi THPT quốc gia không được tổ chức như hiện nay, trường mong muốn các trường trong khối ngành đào tạo sức khỏe cùng phối hợp tổ chức một kỳ thi để xét tuyển vào trường.
Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM trong giờ học đầu tháng 3 - NGỌC DƯƠNG
Hôm nay (24.4), Hội đồng hiệu trưởng các trường đào tạo khối ngành sức khỏe trong cả nước tổ chức cuộc họp trực tuyến để bàn về phương án tuyển sinh cho khối ngành đặc thù này trong bối cảnh không còn kỳ thi THPT quốc gia năm nay, theo hướng có thể tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Nếu thi riêng, cần hỗ trợ của bộ GD-ĐT về đề thi
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất phương án tổ chức kỳ thi với mục tiêu xét tốt nghiệp, không phải kỳ thi quốc gia làm cơ sở các trường ĐH tuyển sinh như trước đây. Trong khi đó, khối ngành sức khỏe hằng năm điểm đầu vào cao. Do đó, các trường trong khối ngành sẽ cùng ngồi lại bàn phương án tổ chức kỳ thi này. Tuy nhiên theo ông Tuấn, để thực hiện kỳ thi này, cần có sự đồng thuận của các trường.
Quan điểm cá nhân, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho rằng các trường cần một kỳ thi với đề phân hóa nhẹ nhàng, diễn ra trong 1 ngày với môn toán và tổ hợp khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, đề thi cần có sự hỗ trợ từ Bộ GD-ĐT.
PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trong bối cảnh kỳ thi THPT quốc gia không được tổ chức như hiện nay, trường mong muốn các trường trong khối ngành đào tạo sức khỏe cùng phối hợp tổ chức một kỳ thi để xét tuyển vào trường. Theo ông Xuân, có như vậy chất lượng đầu vào sẽ tốt hơn. Kỳ thi này có thể tổ chức các môn thuộc tổ hợp khối B, ở nhiều cụm khác nhau, các trường lấy điểm để xét tuyển như trước đây.
"Tuy nhiên, đây mới chỉ là mong muốn của trường. Việc tổ chức kỳ thi chung còn cần sự đồng thuận của các trường trong khối ngành", ông Xuân cho hay.
BS-TS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết y khoa là ngành đào tạo đặc thù, cần chọn thí sinh theo cách riêng. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ có thể xem là điều kiện, chưa đủ tiêu chí để đánh giá người học các ngành này.
Nói về đề xuất kỳ thi chung các trường khối ngành sức khỏe, TS-BS Phước nhìn nhận: "Để tổ chức kỳ thi này thì còn nhiều vấn đề đặt ra, đặc biệt là xây dựng đề thi có mức độ nghiêm ngặt để đánh giá tốt thí sinh cho tất cả các trường. Do vậy, các trường y nếu tự đứng ra tổ chức bằng đề thi của mình sẽ hơi khó. Đặc biệt, nếu chỉ lấy đề thi của một trường để tổ chức, sợ trường khác khó chấp nhận".
Liên quan đến đề thi nếu tổ chức riêng, trước đó phát biểu trong hội nghị trực tuyến Tác động của việc đóng cửa trường ĐH đối với các hoạt động đào tạo, đánh giá chất lượng, nghiên cứu khoa học và quản trị ĐH do Tổ chức ĐH Pháp ngữ tổ chức ngày 16.4, PGS-TS Nguyễn Duy Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Bình, cho biết trường hợp Bộ GD-ĐT không thể tổ chức thi THPT quốc gia mà trường phải tổ chức thi riêng thì sẽ rất khó khăn. Ông Cường đề nghị, trong trường hợp không thể tổ chức kỳ thi chung này, Bộ có thể hỗ trợ các trường về chuyên gia hướng dẫn, các trung tâm để đặt đề thi liên quan đến tuyển sinh.
Nhiều phương án xét tuyển
Trong khi đó, một số trường ĐH ngoài công lập có tuyển sinh ngành y khoa đang lên phương án xét tuyển khác nhau.
Trường ĐH Duy Tân đang dự tính 3 phương thức xét gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển học bạ. Riêng xét tuyển học bạ sẽ có 2 cách: điểm lớp 12, điểm 3 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12). Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng trường này, trường sẽ chờ hướng dẫn chính thức của Bộ để quyết định. Tuy nhiên, nếu các trường khối sức khỏe tổ chức kỳ thi riêng, có thể trường cũng sẽ sử dụng kết quả này để xét tuyển.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết trường hiện đã có những dự tính phương án trong tình hình mới. Theo đó, trường dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu hoặc không xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT (thay vì dự tính tuyển khoảng 20% chỉ tiêu như ban đầu). Thay vào đó, trường sẽ thực hiện xét dựa vào điểm thi năng lực do trường tự tổ chức, điểm thi năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức và xét tuyển học bạ... Theo PGS Phong, phương án này được tính toán cho tất cả các ngành đào tạo của trường, trong đó có khối ngành sức khỏe. Tuy nhiên, các ngành đặc thù này sẽ có quy định ngưỡng đảm bảo đầu vào theo quy định chung của Bộ.
Riêng với phương án xét học bạ, PGS Phong nhấn mạnh: "Dư luận có ý kiến cho rằng xét tuyển học bạ không chất lượng nhưng học sinh phải thực sự giỏi mới có thể đạt điểm trung bình cao. Cho nên xét học bạ 5 học kỳ là nguồn tuyển chất lượng".
Trong khi đó, một số trường công lập đang cân nhắc việc xét điểm thi tốt nghiệp trong trường hợp kỳ thi riêng của các trường khối sức khỏe không được tổ chức.
Theo PGS-TS Ngô Minh Xuân, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang làm phần mềm tích hợp để tính phương án tuyển sinh. Nếu không có kỳ thi của các trường khối ngành sức khỏe, phương án xét tuyển của trường dự tính gồm nhiều thành tố khác nhau, trong đó điểm tốt nghiệp chỉ là 1 thành tố. Trong đó, trường dự tính sẽ đánh giá học sinh trên nhiều điểm: thành tích học tập THPT, điểm tổng kết 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12), điểm thi tốt nghiệp...
Còn tại khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM), BS-TS Đặng Vạn Phước thông tin: "Hiện khoa cũng đang tính toán các phương án tuyển sinh phù hợp. Tuy nhiên, năm ngoái khoa y đã dành khoảng 10% chỉ tiêu để xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay có thể tăng thêm 15 - 20% cho phương thức này".
Còn theo đại diện Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nếu không có kỳ thi do các trường cùng khối tổ chức, trường sẽ tính toán các phương án xét tuyển khác nhau để đảm bảo chất lượng người học.
Hà Ánh
Cẩn thận với các phương thức xét tuyển đại học Một trong những điểm mới của tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2020 là các trường có nhiều phương thức xét tuyển để tạo cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, do có nhiều phương thức nên nếu không tỉnh táo, đọc kỹ đề án tuyển sinh, thí sinh cũng dễ mất cơ hội chỉ trong một dấu tích. Thí sinh cần đọc...