Học phí thấp công khai, cao “giấu nhẹm”
Lo ngại công khai các khoản thu khiến trường ĐH ngoài công lập khó cạnh tranh với các trường công lập nên nhiều trường cố tình… “giả vờ quên” để giấu thông tin học phí, còn với không ít sinh viên khi “sập bẫy”… “giấu” này đã bị rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Học phí thấp công khai, cao giấu nhẹm
Bộ GD -ĐT đã có quy định các cơ sở giáo dục đại học phải công khai tài chính trước thời điểm tuyển sinh, đặc biệt với những thông tin quan trọng như học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2012, công khai học phí tại các trường ĐH ngoài công lập chủ yếu là các trường có mức học phí thấp, không tăng còn với những trường có “truyền thống” thu cao thì học phí vẫn là… bí mật. Cụ thể các trường xếp nhóm “ít tên tuổi” nhưng học phí thấp, ít thay đổi so với năm 2011 được công bố như… Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thu 9 triệu đồng/năm; Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) thu hệ cao đẳng 400.000đ/tháng, hệ ĐH là: 500.000đ/tháng.
Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, khối ngành Kinh tế – Quản lý thu 800.000đ/tháng hệ ĐH còn hệ CĐ mức thu là 500.000đ/tháng; Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) mức học phí ĐH từ 590.000 đến 650.000 đồng/tháng, hệ CĐ từ 490.000 đến 520.000 đồng/tháng. Một số trường thuộc nhóm tăng học phí nhưng vẫn trong diện “đại trà” mà nhiều sinh viên chấp nhận được cũng công khai như trường ĐH Thăng Long – Hà Nội, học phí tuỳ ngành học có mức thu từ 18-18,5 triệu đồng/năm. Như vậy mức học phí năm học tới của trường tăng 2 triệu đồng/năm so với năm học 2011.
Trường ĐH Dân lập Phương Đông có mức học phí năm thứ nhất năm học 2012 – 2013 từ 6,75 – 8,25 triệu đồng/năm (tùy theo ngành học). Các năm sau, mỗi năm sẽ tăng khoảng 10% so với năm học trước. Xu hướng học phí của một số trường ĐH ngoài công lập phía Nam tăng hơn năm trước, gồm: ĐH Thái Bình Dương hệ ĐH thu 8 triệu đồng/năm, CĐ các ngành 6, 5 triệu đồng/năm. Trường ĐH Ngoại Ngữ – Tin học TP.HCM có mức học phí năm thứ nhất từ 12- 15 triệu đồng tùy theo ngành học; Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu hệ ĐH mức thu là 3.900.000 đồng/học kỳ1, cao đẳng thu 3.300.000 đồng/học kỳ1…
Với những nhóm trường được coi là “trường nhà giàu” có mức học phí cao hơn nhiều so với mặt bằng chung vẫn “coi nhẹ chuyện tiền nong” và không cần công khai học phí như: ĐH Tân Tạo, ĐH Hoa Sen, ĐH FPT… và hàng loạt các trường ĐH như: ĐH Tây Đô, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Quốc tế Miền Đông cũng không thực hiện việc công khai học phí. Ngay cả với các trường công lập được thí điểm thực hiện tự chủ tài chính như: ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Mở có mức học phí cao hơn nhiều lần so với học phí các trường công lập nhưng thí sinh hoàn toàn không được biết thông tin này trong cuốn Những điều cần biết trong kỳ tuyển sinh năm 2011.
Nhìn nhận thực tế này, một đại diện Bộ GD -ĐT cho rằng: Việc không công khai học phí, hoặc tăng giật cục chứng tỏ năng lực của các trường cũng không cao và rõ ràng chất lượng đào tạo cũng cần xem lại. Một khi “anh” đã có chất lượng đào tạo thì kéo theo học phí sẽ đứng ở hạng cao, chất lượng đào tạo sẽ được bảo đảm, chất lượng của đầu ra cũng tương ứng với học phí mà họ đã đóng. Học phí cũng là một tiêu chí để đánh giá chất lượng, nhiều phụ huynh cũng căn cứ theo tiêu chí này để quyết định có cho con em mình theo học hay không. Do vậy, Bộ sẽ tiếp tục thanh kiểm tra để yêu cầu các trường phải công khai mức thu học phí ngay từ trước mùa tuyển sinh”.
Nhiều sinh viên lâm vào thế khó, bị động khi biết mức học phí nhà trường thu quá muộn hoặc liên tục tăng. Ảnh minh họa.
Video đang HOT
Dang dở ước mơ vì thiếu minh bạch thông tin
Thực tế cho thấy, việc minh bạch học phí và lệ phí không chỉ vì quyền lợi của thí sinh, giúp thí sinh tính toán chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình mà còn giữ được hình ảnh, uy tín của các trường. Nếu cơ sở đào tạo nào thực hiện tốt công tác này người học sẽ yên tâm và thực hiện tốt sự thỏa thuận giữa quyền lợi và nghĩa vụ với nhà trường. Ngược lại, nếu trường nào thiếu minh bạch về vấn đề tài chính thì có thể sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối sau này.
Tự chủ cần song hành với tuân thủ kỷ luật “Đã có quy định về công khai học phí trước tuyển sinh, các trường ĐH cần thực hiện nghiêm, nếu trường nào vi phạm phải nhận hình thức kỷ luật. Hiện nay quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục được đề cao và đi đôi với quyền tự chủ ấy thì phải tuân thủ kỷó luật. Tự chủ nghĩa là phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội, trước những vấn đề của giáo dục chung, trong đó có vấn đề tài chính. Khi các cơ quan chức năng yêu cầu giải trình thì phải giải trình được, đặc biệt, vấn đề tài chính là rất quan trọng”.
(GS Nguyễn Lân Dũng)
Minh chứng cho điều này là kết thúc mùa tuyển sinh 2011, nhiều sinh viên khi làm thủ tục nhập học tại một số trường công lập tự chủ tài chính đã nghẹn ngào xếp lại giấc mơ đại học chỉ vì học phí đến mười mấy triệu đồng mỗi năm. Không ít sinh viên đậu vào các trường đại học ngoài công lập có mức học phí khủng đã phải nghỉ học giữa chừng vì chưa đầy 2 năm nhà trường đã tăng học phí đến 2 lần (mỗi lần tăng thêm 2 triệu đồng). Thậm chí, nhiều trường để “chiêu sinh” đủ số lượng đã thu học phí năm đầu thấp, nhưng các năm sau học phí cứ “liên tục nhảy múa” khiến sinh viên bị “sốc” và rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Điều này đã xảy ra, khi sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã kịch liệt phản ứng với lãnh đạo nhà trường về chuyện tăng học phí.
Chị Nguyễn Bình An (Tây Hồ – Hà Nội) có con đủ điều kiện đầu vào của Trường Đại học FPT, con trai chị rất đam mê ngành học công nghệ thông tin. Nhưng rồi, khi vào trường chị An mới hay, học phí của trường này quá cao, ngoài khoản thu học phí như thông báo còn có nhiều khoản phụ thu khác trong quá trình học. Chẳng hạn, nếu sinh viên không qua được các kỳ thi sẽ phải đóng mức tiền cao hơn nữa để chuyển hệ. Như vậy học phí không phải là 11200 USD/khoá học mà cộng thêm các khoản phụ thu khác, đầu tư máy móc thì sinh viên gia đình hạng trung không thể theo nổi. Chính vì thế, mặc dù đăng ký dự thi FPT nhưng cuối cùng con trai chị An vẫn chuyển về học ĐH Công đoàn với mức học phí chỉ là 1,4 triệu đồng/học kỳ.
Một giáo viên Trường Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết: “Về cơ bản học sinh đăng ký dự thi tại FPT để có một sân sau, chắc chắn không trượt đại học. Đến kỳ thi đại học chính thức toàn quốc, học sinh đủ điểm sàn, tức là điểm thấp nhất để được xét vào ĐH, thì sẽ được vào học tại FPT. Mấy năm gần đây, điểm sàn chỉ nằm trong khoảng 13,5 – 14 điểm, trong khi đó bất kỳ trường ĐH nào cũng phải tầm 17-18 điểm mới đỗ. Trong thực tế thì chỉ có khoảng 20% số thí sinh dự thi vào đại học FPT là muốn vào FPT học thật, còn lại 80% là muốn có thêm “cơ sở” dự phòng”.
Bên cạnh đó, chị An cũng cho biết thêm, con trai chị thi đại học được 19 điểm. Đại học FPT biết thông tin nên tìm mọi cách để tiếp cận phụ huynh, mời chào cho con vào học FPT. Quá trình tiếp thị của FPT rất tốt, biết thí sinh đã trúng tuyển vào FPT, gọi cho thí sinh không được thì họ gọi cho bố mẹ học sinh. Có nhiều trường hợp bố mẹ đã bị “xiêu lòng” trước sự mời chào của FPT rồi cho con vào học với giá học phí cao ngất ngưởng, nửa chừng chịu không thấu.
Nhiều trường có mức thu học phí cao như FPT cũng có “chiêu” chấp nhận cả những trường hợp còn chưa đủ điểm sàn đại học vào học, coi như nợ điểm sàn. Năm sau sinh viên đó phải thi lại trong kỳ thi đại học và phải đủ điểm sàn thì mới được học tiếp năm thứ hai, nếu không đạt thì bị buộc thôi học, và mất luôn cả năm thứ nhất. Lúc đầu cứ tưởng đây là cái hay của các trường này, vì cơ chế khá thoáng, nhưng sau đó mới thấy cái dở của nó. Vì trong quá trình học, sinh viên còn nợ điểm sàn lấy đâu ra hơi sức để đi học lại, lúc này sinh viên đó đã xa rời những môn cơ bản, rất khó để đạt kết quả tốt trong kỳ thi lại đại học. Nếu thi không đạt điểm sàn thì lại bị đẩy ra đường. Trong khi đó, những sinh viên này vẫn phải đóng tiền học bình thường với giá rất cao.
Theo NĐT
Trường đại học tư - Lợi nhuận hay phi lợi nhuận?
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường ngoài công lập tiếp tục viện đến các "chiêu" hút thí sinh bằng cách tung ra các chính sách hấp dẫn về học phí, học bổng, điều kiện ăn ở, khả năng kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Nhiều trường thậm chí chấp nhận lỗ để giảm học phí, hoặc cố gắng không tăng học phí. Điều này cho thấy, lựa chọn lợi nhuận hay phi lợi nhuận vẫn là bài toán khó đối với nhiều trường ngoài công lập.
Lo tuyển sinh khó, trường tư giảm học phí
Thông tin từ cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 cho thấy, 3 trường ĐH không tăng học phí trong 3 năm liền (năm 2010, 2011 và 2012), gồm: ĐH Chu Văn An (Hưng Yên), ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam). Mức học phí các trường ấn định từ 4 đến hơn 6 triệu đồng/năm.
Cá biệt, Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (Hà Nội) giảm học phí trong 3 năm liền lần lượt từ 1,1 triệu đồng/tháng (2010) xuống 850.000 đồng/tháng (2011) và 800.000 đồng/tháng (khối ngành Kinh tế - Quản trị) và 600.000 đồng/tháng (khối ngành Khoa học) trong năm học 2012-2013. Theo lý giải của trường là để thu hút sinh viên và nhà đầu tư, nhà trường chấp nhận lỗ trong những năm đầu để xây dựng thương hiệu.
Việc không tăng hoặc giảm học phí chỉ là cá biệt ở một số trường ngoài công lập. Còn hầu hết các trường ngoài công lập ở cả miền Bắc-Trung-Nam đều tăng nhẹ học phí trong năm học mới. Lý do mà các trường nêu là phải đầu tư thêm vào cơ sở vật chất, tăng lương cho giáo viên. Đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh giá cả vẫn tăng cao như hiện nay, vì không chỉ khối các trường tư, bao lâu nay, khối các trường công cũng đã kêu ca đòi tăng học phí.
Với các trường tư, khi mà nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí thì việc phát sinh các nguồn chi cũng đồng nghĩa với việc phải tăng học phí. Cực chẳng đã họ mới phải duy trì mức học phí cũ, chấp nhận lỗ để thu hút thí sinh.
Nên định hướng các trường tư phi lợi nhuận
Cho đến nay, khái niệm lợi nhuận hay phi lợi nhuận vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người kiên quyết không thể thương mại hóa giáo dục cũng có nhiều ý kiến cho rằng đầu tư thì không thể không có lợi nhuận. Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay, hiện đã cơ bản hoàn thiện về vấn đề xã hội hóa GDĐH, trong đó có vấn đề lợi nhuận, không lợi nhuận của trường tư.
Quan điểm chung của dự luật này là khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho GDĐH nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư theo hướng: cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu các cổ đông hoặc thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm bằng lãi suất ngân hàng.
Hầu hết các ý kiến đồng tình với việc làm rõ vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận đối với trường ĐH ngoài công lập. GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng hoàn toàn ủng hộ việc phân biệt rõ ràng nhưng nên định hướng các trường tư phi lợi nhuận, vì lĩnh vực giáo dục thiên về phúc lợi cộng đồng.
Với trường tư có lợi nhuận, GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) cho rằng nếu với mấy điều kiện mà Bộ GD-ĐT đưa ra đối với các trường ĐH (tiêu chí số sinh viên/giáo viên, diện tích sàn), thì khó lòng có trường tư thục nào dám chia lợi nhuận. Nghĩa là nếu Nhà nước chỉ cần điều tiết bằng những quyết định thì hoàn toàn có thể loại đi trường tư chia lợi nhuận.
"Nhưng giả sử vẫn còn tiền để chia sau khi đã đáp ứng đủ các yêu cầu của bộ đưa ra thì người nhận cổ tức phải chịu thuế và số tiền còn lại của trường sau khi chi cũng phải chịu thuế", GS Hoàng Xuân Sính chia sẻ quan điểm về trường ĐH tư có lợi nhuận.
Còn với trường tư phi lợi nhuận, GS Sính có quan điểm: Đã là trường tư phi lợi nhuận thì không nên đề cập chuyện chia lãi và tất nhiên trường sẽ không phải đóng thuế, như vậy HĐQT sẽ toàn tâm toàn ý để phát triển trường. Các nhà đầu tư cũng sẽ không bị thiệt nếu trường tạo ra được các dịch vụ khoa học từ kết quả nghiên cứu và nhà đầu tư có thể đầu tư vào đó để sinh lời.
Nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính khả thi
Trong khi đó, TS Đặng Văn Định, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An cho rằng, việc quy định mức lợi nhuận cho người góp vốn vào trường tư bằng lãi suất ngân hàng là cách làm có thể chấp nhận được, vì vừa thu hút được nhà đầu tư, vừa hạn chế được nhà đầu tư sa đà vào lợi nhuận. Ông cũng cho rằng, không thể đồng nhất hóa trường ĐH với công ty cổ phần, vì một bên là sự nghiệp đào tạo nhân lực, còn một bên là lợi nhuận tối đa.
Thực tế, theo TS Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, nước ta chưa có những quy định pháp luật quy định tiêu chí để xác định cơ sở hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận. Do vậy, việc quy định trường phi lợi nhuận trong đó các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức bằng lãi suất ngân hàng vẫn phải nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính khả thi. Về nguyên tắc, để khuyến khích nhà đầu tư thì hoạt động đầu tư phải có hiệu quả, có lời lãi, ít nhất là bảo toàn được vốn đầu tư, lợi nhuận phải được phân phối theo vốn góp và công sức của các thành viên góp vốn.
Như vậy, câu chuyện phi lợi nhuận và lợi nhuận trong trường ĐH tư đã khá rõ ràng. Luật Giáo dục đại học cũng sắp ra đời. Vấn đề còn lại chỉ là việc vận dụng cơ chế, chính sách để phát triển các trường tư đúng hướng. Điều đáng nói là chất lượng đào tạo của trường ngoài công lập chưa cao (năm 2011 một số địa phương, một số ngành nói không với sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập).
Trong bối cảnh đó, nếu các nhà đầu tư giáo dục không toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp đào tạo nhân lực thì cũng rất khó để tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo, từ đó tạo niềm tin đối với xã hội về ĐH ngoài công lập.
Theo Thành Vinh
SGGP
Điểm sàn không hạ, ĐH ngoài công lập chờ "may rủi" Dù lãnh đạo Bộ GD&ĐT công bố còn hơn 200.000 thí sinh trên điểm sàn không trúng tuyển NV1 nhưng các trường ĐH ngoài công lập vẫn lo lắng cho nguồn tuyển sinh năm nay. NV1 chưa quá 5 thí sinh trúng tuyển Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, các trường ĐH ngoài công lập đều tỏ ra khá thất vọng...