Học phí mới cơ bản không tác động đến người học
Ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ GD&ĐT khẳng định như vậy khi đề cập Nghị định 86 với quy định học phí mầm non và phổ thông có hiệu lực đầu tháng 12.
Từ năm học 2016-2017, mức học phí sẽ điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm. Ông Bùi Hồng Quang cho biết: Khung học phí ở bậc mầm non và phổ thông quy định tại Nghị định 86 được xác định theo nguyên tắc như đã quy định tại nghị định 49 trước đây.
Khung học phí hàng năm được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm từ năm học 2010-2011 đến năm học 2015-2016. Căn cứ khung học phí quy định tại Nghị định 86, HĐND các tỉnh, thành phố sẽ quy định mức học phí cụ thể của từng cấp học theo từng vùng miền, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân.
Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM trong giờ học. Ảnh:Tuổi Trẻ.
Tăng học phí để hạn chế tình trạng lạm thu
- Mức dao động học phí ở từng khu vực có khoảng cách rất lớn, xin ông giải thích cụ thể việc áp dụng đối với từng đối tượng sẽ như thế nào trong khung học phí của mỗi khu vực thành thị, nông thôn, miền núi?
- Nghị định 86 quy định khung học phí cho ba vùng có khoảng cách rộng để đảm bảo phù hợp với các loại đối tượng học sinh theo các vùng miền, từ đối tượng học sinh có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sống ở khu vực nông thôn miền núi, đến khu vực có điều kiện sống tốt hơn như khu vực thành thị. Khung học phí trong nghị định 86 còn quy định chung cho học sinh từ mầm non, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Video đang HOT
Căn cứ vào khung học phí này, HĐND cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể cho học sinh từng cấp học (mầm non, THCS, THPT) với từng vùng miền. Mức học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư (thành thị, nông thôn, miền núi), khả năng đóng góp thực tế của người dân.
- Với mức học phí mới, theo ông, các cơ sở giáo dục có thể giải quyết được những khó khăn cơ bản về tài chính để hạn chế lạm thu và các vấn đề tiêu cực khác liên quan tới thu chi tiền của người dân như dư luận vẫn bức xúc lâu nay không?
- Hiện nay, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chủ yếu cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Mức học phí quy định tại nghị định 86 vẫn còn rất thấp, tuy nhiên học phí là một nguồn thu của cơ sở giáo dục để cùng với ngân sách nhà nước trang trải cho các hoạt động giáo dục. Mức học phí được điều chỉnh tăng sẽ góp phần làm hạn chế tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.
Tuy vậy để giải quyết triệt để tình trạng lạm thu cần có nhiều biện pháp, ngoài các biện pháp về tăng cường đầu tư kinh phí, cần tăng cường biện pháp phổ biến, tuyên truyền chế độ, chính sách; tăng cường công tác quản lý nhà trường…
Tăng không nhiều so với khung học phí cũ
- Theo ông, mức học phí mới tác động đến các đối tượng học sinh như thế nào? Quy định mới về miễn giảm học phí và hỗ trợ học tập đối với học sinh chính sách và học sinh khó khăn có gì thay đổi so với quy định cũ? Đối với những học sinh khó khăn nhưng chưa nằm trong diện được miễn giảm, hỗ trợ, liệu việc tăng học phí có gây khó khăn, ảnh hưởng tới động cơ học tập của học sinh không, thưa ông?
- Khung học phí mới tăng không nhiều so với khung học phí cũ, hơn nữa khoảng cách giữa trần và sàn học phí rất rộng để các địa phương quy định mức học phí cụ thể phù hợp với từng cấp học, từng địa bàn và khả năng đóng góp thực tế của người dân (ví dụ: mức sàn thấp nhất khu vực miền núi năm học 2015-2016 là 8.000 đồng/tháng, mức này là khá thấp.
Đến nay hầu như các địa phương giữ nguyên mức học phí như các năm trước), vì vậy về cơ bản không có tác động lớn đến đối tượng người học.
Nghị định 86 mới có bổ sung cập nhật thêm một số đối tượng miễn giảm học phí đã được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong thời gian qua. Các đối tượng thuộc diện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với cấp học mầm non, phổ thông vẫn được giữ nguyên như chế độ học phí cũ. Mức hỗ trợ chi phí học tập được điều chỉnh là 100.000 đồng/học sinh/tháng (mức cũ là 70.000 đồng/học sinh/tháng).
Điều chỉnh học phí theo chỉ số giá bình quân
- Theo nghị định 86, từ năm học 2016-2017, mức học phí sẽ điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm. Như vậy, có thể mức học phí mỗi năm sẽ được điều chỉnh một lần hay có lộ trình khác? Trường hợp chỉ số trên tăng đột biến và chỉ mang tính thời điểm thì mức học phí điều chỉnh như thế nào?
- Chính phủ quy định khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông năm học 2015-2016. Căn cứ vào khung này, HĐND cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể.
Về nguyên tắc, từ năm học 2016-2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân do Bộ Kế hoạch – đầu tư thông báo. Như vậy cơ sở để điều chỉnh mức học phí là chỉ số giá bình quân (không thể căn cứ vào chỉ số của một thời điểm).
Theo Vĩnh Hà/Tuổi Trẻ
Hà Nội thống nhất tăng học phí từ 1/1/2016
Mức học phí khu vực thành thị tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/tháng, nông thôn tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/tháng.
Chiều 2/12, 100% đại biểu dự kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 của thành phố Hà Nội.
Mức thu học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2015-2016 được áp dụng: Khu vực thành thị tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/tháng/học sinh. Khu vực nông thôn tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/tháng/học sinh. Khu vực miền núi trước không thu nay thu 8.000 đồng/tháng/học sinh.
Mức trên áp dụng cho các cấp học Nhà trẻ, Mẫu giáo, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên cấp THCS, Giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Học sinh tiểu học trong giờ ăn trưa. Ảnh: Thành Long.
Đây là mức thu thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao thực hiện theo Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND, ngày 17/7/2013, của HĐND TP về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao trên địa bàn thủ đô.
Việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2/10/2015, của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Riêng đối với đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của Thành phố.
Từ năm học 2016-2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm của thành phố. Các trường công lập chất lượng cao sẽ được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình UBND thành phố phê duyệt.
Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp vẫn được giữ nguyên theo mức mà các trường đã thu cho năm học 2015-20016, song phải công bố cho cả khóa học.
Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND Hà Nội đánh giá mức thu học phí mới là phù hợp. Tuy nhiên, do con em các hộ dân miền núi sẽ không được hỗ trợ học phí theo quy định mới nên Ban Văn hóa Xã hội đề nghị thành phố, các huyện làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính sách mới về học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
Theo Zing
Sinh viên choáng với mức tăng học phí Từ năm học 2015-2016, mức học phí tính theo biểu mới đã tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình thu nhập thấp ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa. Choáng vì học phí lại tăng Ai cũng biết, sinh viên đi học chốn giảng đường là chỉ có nhiệm vụ học tập, rèn luyện sao cho tốt. Tuy nhiên, với nhiều...