Học phí khủng, trường chất lượng cao hứa hẹn gì?
Việc thành lập trường chất lượng cao (CLC) khiến nhiều người cho rằng, chủ trương này sẽ gây ra sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong điều kiện học với con nhà nghèo khi nó được hình thành trong hệ thống trường công lập.
Chị Thủy, một phụ huynh ở Hà Đông có con năm nay vào học trường chất lượng cao chia sẻ: “Thấy mô hình đào tạo mới chất lượng cao, tôi cho con theo học. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn liệu chất lượng đầu ra có khác không? Đội ngũ giáo viên quản lý dạy học ra sao? Nhìn bề ngoài cơ sở vật chất đầu tư rất khang trang, bài bản… nhưng tôi cũng băn khoăn khoản thu học phí tới 3,4 triệu đồng/tháng liệu có phù hợp với chất lượng đào tạo?”
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay chủ trương xây dựng mô hình trường chất lượng cao là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tế: “Mục tiêu đặt ra tới năm 2015 sẽ có khoảng 30-35 trường chất lượng cao trên địa bàn TP. Hà Nội phục vụ nhu cầu học tập đa dạng của học sinh…”
Trả lời câu hỏi, trường CLC sẽ khác trường công lập khác như thế nào, ông Đại cho hay, sẽ có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục… Tùy theo cấp học, các yêu cầu trong từng tiêu chí có sự điều chỉnh, song đều hướng tới mục đích cuối cùng là bảo đảm điều kiện chăm sóc, dạy, học tốt nhất để tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng toàn diện.
Ngoài ra, đội ngũ giáo viên tốt nghiệp Đại học chính quy từ hạng khá trở lên, đạt giáo viên giỏi hoặc có học sinh giỏi nhất nhì thành phố, hoặc là các tiến sỹ, thạc sỹ. Đối với các thầy cô giáo mới tốt nghiệp phải là thủ khoa của các trường đại học, biết sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ và sử dụng tin học, không ngừng tìm tòi sáng tạo để tổ chức thực hiện một tiết dạy lấy học sinh làm trung tâm không dạy theo lối mòn đọc chép, chép đọc, áp đặt…
Cái khác biệt nữa là trong mô hình trường chất lượng cao đòi hỏi học sinh sau khi tốt nghiệp phải có đầy đủ đức, trí, thể, mỹ… mà trong đó đặc biệt chú trọng tới kỹ năng mềm. Tức là các em học sinh hiểu biết nhiều kỹ năng của cuộc sống, nắm bắt các kỹ năng thất bại và thành công trong cuộc sống xung quanh mình và chính bản thân mình.
Theo ông Đại, hiện nay, Hà Nội hiện có 15 trường công lập thí điểm mô hình trường chất lượng cao. Tuy nhiên, việc có được công nhận là chất lượng cao hay không còn phụ thuộc vào sự thẩm định của cơ quan quản lý. Việc thẩm định sẽ phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt, kỹ lưỡng theo đúng, đủ 5 tiêu chí do UBND thành phố quy định. Đây là điều kiện tiên quyết cho việc bảo đảm chất lượng “đầu ra” của “sản phẩm” chất lượng cao.
Trường CLC PTTH Lê Lợi (Hà Đông) vừa được đầu tư hàng tỷ đồng để cải tạo khang trang
Ngoài ra, việc công nhận là trường chất lượng cao rồi thì các trường mặc nhiên áp mức phí cao. Quy trình “hậu kiểm” đã được định rõ theo chu kỳ 4-5 năm (tùy theo cấp học). Giữa các chu kỳ, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, thanh tra đột xuất, đơn vị nào vi phạm sẽ bị “tuýt còi” và bị thu hồi quyết định công nhận trường chất lượng cao. Việc chặt chẽ khâu “hậu kiểm” sẽ khiến các trường phải nỗ lực không ngừng về mọi mặt để phát triển, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà trường, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học.
Với nguyện vọng được học tập trong môi trường giáo dục tốt, nhiều gia đình đã phải cho con đi du học. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã thu hút khá nhiều học sinh Việt Nam khi xây dựng nhiều trường quốc tế trên địa bàn Hà Nội với mức học phí khá cao, từ 100 – 200 triệu đồng/năm học.
Theo ông Đại, với 5 tiêu chí của trường chất lượng cao mà Hà Nội sẽ áp dụng, có thể khẳng định các trường chất lượng cao này sẽ không thua kém gì những trường có yếu tố nước ngoài về mọi phương diện, trong khi học sinh chỉ phải đóng học phí ở mức khoảng 30-35 triệu đồng/năm học. Thực tế tại các trường đang thí điểm mô hình chất lượng cao ở quận Cầu Giấy, Đống Đa hay huyện Từ Liêm cho thấy, số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trường năm sau luôn cao hơn năm trước.
Video đang HOT
Ông Đại phân tích, mô hình trường CLC của Hà Nội được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị ban đầu song không cấp định mức cho học sinh như với các trường công lập. Định mức học sinh ở các trường công lập đại trà được hưởng là: Mầm non là 3,4 triệu đồng/HS/năm học; tiểu học 3 triệu đồng/HS/năm học, THCS 3,7 triệu đồng/HS/năm học và THPT là 4 triệu đồng/HS/năm học.
Học phí học sinh ở các trường học đại trà nếu học ở ngoại thành chỉ phải đóng học phí 20.000 đồng/tháng, trong nội thành là 40.000 đồng/tháng. Trong khi đó, học sinh học trường CLC mất tới khoảng 3,4 triệu đồng/tháng. “Như vậy, nếu học sinh muốn học những lớp CLC phải đóng 3 triệu đồng/tháng, nghĩa là gấp từ 75 đến 150 lần. Đây là sự phân biệt rất rõ ràng giàu, nghèo” – chị Thủy (Hà Đông) nhận định.
Hiện nay, Sở GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng để trình UBND thành phố thủ tục đánh giá, công nhận trường CLC và các quy định liên quan, đồng thời xúc tiến thành lập Hội đồng thẩm định trường chất lượng cao với sự tham gia của các sở, ngành và chuyên gia giáo dục.
Danh sách trường công chất lượng cao tại Hà Nội
1. Trường THPT Nguyễn Siêu
2. Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông)
3. Trường THPT Amsterdam
4. Trường THPT Nguyễn Huệ
5. Trường THPT Chu Văn An
6. TrườngTHPT Phan Huy Chú
7. Trường THPT chuyên Sơn Tây.
8. Trường THCS Ngô Sỹ Liên
9. Trường THCS Cầu Giấy
10. Trường Tiểu học Tràng An
11. TrườngTiểu học Nguyễn Siêu
12. Trường tiểu học Vạn Phúc (Ba Đình)
13. Trường tiểu học Lý Thái Tổ
14. Trường Mần non Mai Dịch
15. Trường mầm non 20/10
Theo TTO
Nặng gánh học phí lớp chất lượng cao
Trước thực trạng một số trường tiểu học công gắn mác chất lượng cao cho các lớp và thu số tiền tự nguyện cao gấp nhiều lần lớp thường, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết đó là sai quy định và cần phải chấn chỉnh.
"Đi họp phụ huynh về, hai tay tôi run lẩy bẩy, không ăn được cơm và chỉ nằm khóc" - người mẹ có con vào học lớp 1A3, trường tiểu học Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội) nói. Là công nhân, làm quần quật cả tháng, lương của chị cũng chỉ hơn 2 triệu đồng. Nhưng trong buổi họp phụ huynh lần đầu tiên cho con vào lớp 1, cô giáo đã thông báo khoản tự nguyện hỗ trợ cơ sở vật chất đầu năm là 2 triệu đồng.
Theo lời cô giáo, số tiền này sẽ được dùng để mua máy vi tính, máy chiếu đa vật thể, hai loa, hai điều hòa hai chiều...nhằm nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Máy tính để giáo viên sử dụng giảng dạy, máy chiếu đa vật thể vừa dùng để các cháu học bài, vừa để nghe nhạc, điều hòa hai chiều giữ ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè cho trẻ...
Với băn khoăn 32 cháu một lớp, tổng số tiền thu là 64 triệu đồng liệu có dùng hết không? Cô chủ nhiệm cho rằng các năm trước cũng thu như thế, nên năm nay áp dụng, quá trình mua nếu thiếu thì đóng góp thêm.
Nhiều phụ huynh thắc mắc máy chiếu đa vật thể là gì, có cần thiết phải dùng cho học sinh lớp 1 không thì được giáo viên chủ nhiệm giải thích: là lớp chất lượng cao nên cần trang bị để hỗ trợ giảng dạy. Tuy nhiên, ngay từ khi đăng ký cho con vào trường, chị đã đăng ký vào lớp thường chứ không phải chất lượng cao bởi chị biết lớp chất lượng cao là phải đóng góp nhiều tiền hơn.
"Dù không đồng tình với khoản thu, nhưng cô giáo bảo nếu không đồng ý đóng góp thì sẽ chuyển con sang lớp khác. Tôi không biết sang lớp khác là lớp nào và sợ nếu ra mặt phản đối thì con sẽ bị trù dập nên vẫn phải ký vào giấy tự nguyện", vị phụ huynh cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, trong nghị quyết của Quốc hội cũng như Luật thủ đô không có khái niệm lớp chất lượng cao mà chỉ có cơ sở chất lượng cao, trường nào vi phạm thì phải chấn chỉnh. Ảnh: Hoàng Thùy.
Hiệu trưởng Tiểu học Vạn Phúc Lê Thu Thủy cho rằng, phụ huynh chưa hiểu hết ý truyền đạt của giáo viên. Trường xếp lớp là theo đơn đăng ký của phụ huynh, theo đó hồ sơ vào lớp chất lượng cao quá đông nên xếp hai lớp A1, A2 không hết. Lớp A3 có khoảng 2/3 đăng ký chất lượng cao và 1/3 còn lại đăng ký lớp thường. Chính vì vậy, trường tổ chức họp phụ huynh sớm để xin ý kiến cha mẹ học sinh về khoản thu hỗ trợ cơ sở vật chất đầu năm. Đối với lớp A3, phụ huynh nào không đồng tình, không đủ điều kiện thì các con sẽ chuyển xuống học lớp thường là A4.
"Khoản đóng góp tự nguyện hỗ trợ cơ sở vật chất là 2 triệu đồng cho cả 5 năm học, nếu nhìn một lần thì thấy nhiều, nhưng chia cho 5 năm thì không phải lớn. Khi ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hạn hẹp thì việc xã hội hóa, phụ huynh cùng nhà trường đầu tư cơ sở vật chất tốt cho học sinh là việc nên làm", bà Thủy nói và cho hay, tiền tự nguyện trường sẽ giao lại cho phụ huynh tự chi tiêu.
Năm học 2013 - 2014, Hà Nội có 13 trường chất lượng cao toàn phần và 5 trường chất lượng cao từng phần. Với trường mầm non và tiểu học, trần học phí được thành phố cho phép là là 2,9 triệu đồng mỗi tháng, với trung học cơ sở và trung học phổ thông là 3 triệu đồng mỗi tháng. Mức học phí này được đánh giá là quá cao trong môi trường giáo dục công lập.
Phụ huynh có con theo học tại trường mầm non Quang Trung cho biết, con anh đã học 2 năm ở trường, năm nay lên lớp lá nên muốn con tiếp tục học ở đây. Tuy nhiên, đến ngày 29/8 thì anh mới nhận được thông báo chính thức về mức học phí 1,9 triệu đồng, cộng các khoản khác là 2,6 triệu đồng một tháng.
Đối với lương công chức của vợ chồng anh, đây là số tiền quá cao. Nhưng nếu muốn chuyển đi trường khác thì cũng khó khăn vì đã sát ngày khai giảng, các trường hầu như đã chốt con số. "Những năm trước với học phí 1,3 triệu mỗi tháng chúng tôi đã phải cố gắng, giờ tăng lên gấp đôi thì không thể kham nổi. Chúng tôi đã xin cho con về trường mầm non Bà Triệu để giảm gánh nặng phải lo tiền học cho con", vị phụ huynh cho hay.
Hiệu trưởng trường mầm non Quang Trung Phạm Thị Thu Hà giải thích, từ tháng 5, chủ trương lên trường chất lượng cao đã được thông báo đến tất cả phụ huynh. Những ai không có nhu cầu cho con tiếp tục theo học thì được chuyển về hai trường đúng tuyến là mầm non Lý Thường Kiệt và mầm non A.
"Vì trường phải xây dựng cơ chế tài chính phù hợp và chờ thông qua nên học phí chưa thể có ngay. Tuy nhiên, năm đầu tiên lên chất lượng cao chúng tôi chỉ thu học phí 1,9 triệu đồng mỗi cháu (mức trần là 2,9 triệu đồng), trong đó các cháu được hưởng đầy đủ chương trình học tiếng Anh, ngoại khóa, nước uống, trang bị cơ sở vật chất..., phụ huynh không phải đóng thêm một khoản nào khác", bà Hà nói.
Về chủ trương thành lập trường chất lượng cao, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, khi nhiều người dân muốn đầu tư cho giáo dục nhiều hơn, nếu vẫn làm bình quân thì khả năng đầu tư đó bị hạn chế. Chính vì vậy, việc mở ra mô hình trường chất lượng cao là để cho những ai có điều kiện và tự nguyện tham gia. Điều này không làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh vì trên một địa bàn, học sinh vẫn được đảm bảo yêu cầu phổ cập giáo dục của từng cấp.
Tiêu chí đánh giá trường chất lượng cao là do hiệu trưởng nhà trường thỏa thuận với phụ huynh học sinh, chất lượng đạt đến mức nào thì thu tiền tương ứng mức đó. Hiện nay, Bộ chưa có quy định nào về trường chất lượng cao, nhưng thời gian tới sẽ xây dựng để áp dụng chung cho cả nước. Học phí cao đến đâu, cao về cái gì (cơ sở vật chất, chất lượng kĩ năng sống, tiếng Anh...) đều do phụ huynh thỏa thuận với nhà trường.
Thứ trưởng thừa nhận, khi mở trường chất lượng cao là có sự phân biệt giàu nghèo. Tuy nhiên không thể phủ nhận thực tế là những người giàu, có điều kiện thì có thể bỏ tiền để được hưởng chất lượng dịch vụ học tập cao hơn. Nếu ngành giáo dục không mở trường chất lượng cao thì họ cũng chọn trường quốc tế hoặc ra nước ngoài học, khi đó tiền chảy ra bên ngoài còn nhiều hơn.
"Tất cả các trường công đều được nhận khoản tiền đầu tư của nhà nước, nhưng nếu muốn chất lượng cao hơn thì phụ huynh phải đóng góp thêm. Trường hợp không xã hội hóa thì sẽ hưởng dịch vụ đúng với khoản ngân sách nhà nước chi, như vậy không có sự mất bình đẳng", Thứ trưởng Hiển khẳng định.
Riêng vấn đề mở lớp chất lượng cao ở trường công, ông Hiển cho biết, trong nghị quyết của Quốc hội cũng như Luật thủ đô không có khái niệm lớp chất lượng cao mà chỉ có cơ sở chất lượng cao - tức là trường chất lượng cao. "Trong quy định không có nên trường nào mở lớp này là sai, phải chấn chỉnh", Thứ trưởng Hiển nói.
Theo VNE
Băn khoăn chuẩn trường chất lượng cao Các trường phổ thông chất lượng cao dự kiến sẽ được thu học phí cao song thế nào là trường chất lượng cao chưa được làm rõ Bộ GD-ĐT vừa lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 49 của Chính phủ quy định về học phí và những chính sách liên quan đến miễn, giảm học phí trong hệ...