Học phí đắt đỏ, sinh viên Mỹ nhịn đói, bỏ bữa để có tiền trang trải
Hàng triệu sinh viên Mỹ đối mặt với tình trạng ăn uống thiếu thốn, chỗ ở tạm bợ do chi phí sinh hoạt tốn kém. Họ buộc phải trông đợi vào các bữa ăn miễn phí do nhà trường tài trợ.
Zing.vn tổng hợp bài đăng trên The Atlantic, CNBC & Business Insider, phản ánh cuộc sống đại học đắt đỏ với nhiều chi phí cần xoay xở, khiến không ít sinh viên Mỹ lâm vào cảnh nhịn đói, không đủ tiền mua thức ăn.
Một tuần một lần, Rayana Plancarte, sinh viên năm hai tại khu vực Stanislaus (California, Mỹ), lại tìm đến phòng dự trữ đồ ăn được đặt trong khuôn viên trường để lấy những món ăn thiết yếu.
“Đôi khi, tôi không thực sự đủ tiền để mua đồ ở tiệm tạp hóa. Nếu không ăn đủ, tôi khó giữ nổi sức tham gia đội bóng đá của trường”, cô gái cho biết.
Rayana không hề cô đơn. Tại khu vực nơi cô học, cứ 4 sinh viên thì có 1 người phải giảm khẩu phần ăn hoặc bỏ bữa vì không có đủ tiền để mua thực phẩm.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Wisconsin Hope Lab, có đến 36% số sinh viên tại xứ cờ hoa không đủ tiền để trang trải tiền ăn uống mỗi ngày.
Hiện tại, ngôi trường Rayana theo học đã lên kế hoạch mở cửa phòng dự trữ đồ ăn cho sinh viên suốt cả tuần, với các món khô và ăn liền. Ban giám hiệu cũng định trang bị thêm tủ lạnh, tủ đông đựng thực phẩm cho khu canteen.
Ăn bữa nay lo bữa mai
Justice Butler, sinh viên năm hai tại Cao đằng Cộng đồng Houston, cũng chật vật mỗi ngày để lấp đầy chiếc bụng đói. Với số tiền eo hẹp, Justice chọn vừa học vừa làm nhằm trang trải các chi phí đắt đỏ ở đại học.
Khó khăn càng chồng chất khi Justice mất việc làm thêm, tình thế đẩy cô gái trẻ vào tình trạng vô gia cư và nghèo đói. Có thời điểm, cô sống lay lắt trên đường phố với vài đồng tiền lẻ trong túi.
“Không được ăn uống đầy đủ khiến cuộc sống càng mệt mỏi hơn. Tôi kiệt sức và không thể tập trung vào chuyện học hành”, Justice nhớ lại.
Chi phí sinh hoạt đắt đỏ buộc nhiều sinh viên Mỹ phải nhịn ăn, bỏ bữa để tiết kiệm. Ảnh: The Atlantic.
Nhờ một người bạn giúp đỡ, cô gái quay trở lại trường học, song tình hình vẫn không dễ dàng hơn. Justice lấy lại được số cân nặng ban đầu dù cảm giác ăn ngon khó quay lại như trước.
“Tôi đang học cách ăn uống sao cho có lợi cho sức khỏe. Sự thiếu thốn ở quãng thời gian túng thiếu dường như làm dạ dày co lại, khiến tôi khó ăn được nhiều”, Justice chia sẻ.
Để tiết kiệm, cô gái liên tục theo dõi các sự kiện cung cấp thức ăn miễn phí và chia sẻ thông tin này với các sinh viên vô gia cư hoặc sống trong cảnh đói khát khác.
May mắn hơn các bạn đồng trang lứa, Sierra (Brooklyn, New York) được nhận học bổng của chính phủ và dễ dàng nhập học vào Đại học Công nghệ New York.
Tuy nhiên, để kiếm đủ tiền mua thức ăn và trang trải các chi phí cơ bản khác, Sierra buộc phải làm nhiều công việc khác nhau. Bận rộn đi làm, cô cũng cắt giảm một nửa số lượng lớp học đăng ký trong học kỳ.
“Tôi chẳng hề thích thú gì khi phải làm thế. Nhưng giữa việc phải bỏ lỡ một số lớp để đi làm với sự căng thẳng không biết ngày mai mình sẽ ngủ ở đâu hay bữa ăn tiếp theo có gì khiến tôi buộc phải lựa chọn vậy”, cô gái bộc bạch.
Hoàn cảnh hiện tại khác xa những gì Sierra từng mường tượng khi cô lên kế hoạch học đại học. Ban đầu, cô gái đã hy vọng chuyển đến một trường ở ngoại ô, song điều kiện gia đình không cho phép cô tự do theo đuổi mơ ước.
Thầy cô ra tay cứu giúp
Nắm rõ hơn ai hết tình trạng người trẻ phải “thắt lưng buộc bụng” đến mức nhịn đói, Cherie Taylor thường xuyên phải ra tay giúp đỡ những sinh viên đang ở độ tuổi 20.
Là một cố vấn cho các chương trình việc làm tại Cao đẳng San Diego, Cherie tiếp xúc, trò chuyện với sinh viên mỗi ngày.
“Không hiếm trường hợp các bạn trẻ tìm đến trong trạng thái đói đến mức họ sẽ hỏi tôi về quả táo tôi vừa cắn dở. Bụng của họ sôi lên, còn đầu óc thì quay cuồng. Chả còn cách nào khác, tôi phải kiếm cho họ cái gì đó để bỏ vào bụng”, Cherie kể lại.
Video đang HOT
Thầy cô và nhiều trường học buộc phải ra tay trợ giúp sinh viên với các bữa ăn miễn phí. Ảnh: Market Watch.
Hỏi thăm xung quanh, người cố vấn nhận thấy không ít câu chuyện tương tự xảy ra. Nhiều đồng nghiệp của cô thường xuyên phải cho sinh viên 5 USD để mua bữa trưa, bữa tối.
“Khi thấy các nhân viên trong trường tụ họp bên bàn ăn, nhiều người trẻ xung quanh bắt đầu nhìn với ánh mắt thèm thuồng”, Cherie nhớ lại.
“Trong khi nhu cầu ăn uống của những người đang ở ngưỡng tuổi 20 rất lớn, các sinh viên này lại không có đủ tiền mua thức ăn. Vậy nên, tôi quyết định giúp đỡ họ”, Cherie nói.
Các chương trình phát đồ ăn miễn phí do Cherie tổ chức dần xuất hiện tại các trường học ở bang Florida, Oregon, phần nào cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng trầm trọng của những con người đang ở bậc đại học.
Bữa ăn miễn phí bao gồm một số loại thực phẩm chứa protein, trái cây, một chai nước và vài món ăn nhẹ.
Trung bình một ngày, có khoảng 10 bữa trưa được phát. Do nguồn lực hạn chế, sinh viên chỉ có thể tận dụng dịch vụ ăn trưa một lần một tuần, nghĩa là khoảng 50 người được sử dụng chương trình mỗi tuần.
Hàng triệu sinh viên phải nhịn đói mỗi ngày
Không đưa ra con số chính xác, song báo cáo mới nhất của chính phủ Mỹ cảnh báo khả năng hàng triệu sinh viên Mỹ đang trong tình trạng ăn uống thiếu thốn mỗi ngày.
Gần 50% học sinh tại 100 trường học trên khắp nước Mỹ không đủ khả năng ăn một bữa đầy đặn và 35% bỏ bữa hoàn toàn vì không đủ tiền mua thực phẩm, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu tại Đại học Temple.
Theo các chuyên gia, nhóm người trẻ đang ngồi trên giảng đường là đối tượng dễ lâm vào cảnh thiếu thốn đồ ăn nhất vì nhiều người đang phải tiêu hầu hết khoản tiền cho các chi phí về tiền học, nhà ở.
22% số sinh viên được hỏi cho biết họ gặp rắc rối tài chính cả về tiền ăn lẫn tiền thuê nhà.
Sinh viên thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa khiến kết quả học tập giảm sút không ít. Ảnh: CNBC.
Công việc bán thời gian chỉ đem lại đồng lương ít ỏi, phụ huynh cũng không thể trợ giúp gì hơn. Mặt khác, nhiều trường học còn tăng mức học phí khiến vấn đề càng khó giải quyết.
Chưa kể, mức độ cạnh tranh việc làm gay gắt khiến duy trì một công việc ổn định càng khốc liệt hơn với giới trẻ xứ cờ hoa.
Việc liên tục lo lắng về tình trạng thiếu chỗ ở và đồ ăn ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập của người trẻ.
Một nghiên cứu tại Đại học Florida chỉ ra sinh viên sống trong cảnh túng thiếu có xu hướng nhận điểm dưới mức trung bình nhiều hơn những người chỉ cần tập trung cho việc học.
Không hiếm các trường hợp người trẻ chọn hoãn tốt nghiệp, dẫn đến chính họ lại mang thêm một khoản nợ khác nếu muốn hoàn thành việc học. Trong một số tình hưống, sinh viên buộc phải bỏ học, bắt đầu đi làm để trả các khoản vay từ trước mà vẫn không có trong tay bằng cấp nào.
Tháng 7 vừa qua, trong nỗ lực cải thiện vấn đề, một dự luật mới đã được chính quyền bang Connecticut thông qua, với nội dung chính là các cơ quan có thẩm quyền cần thu nhập dữ liệu về tình trạng thiếu thốn lương thực và chỗ ở của sinh viên.
“Việc điều tra thông tin có vai trò quan trọng, giúp những người làm chính sách xác định vấn đề xảy ra ở đâu và cách thức hữu hiệu nào cẩn triển khai. Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng được chỉ đạo làm việc với các cơ quan liên bang để tiếp cận với những sinh viên có đủ điều kiện nhận trợ cấp”, thống đốc bang Chris Murphy phát biểu.
“Sinh viên cũng không thể chỉ dựa vào sự hào phóng của các chương trình phát đồ ăn miễn phí nhằm duy trì việc học. Chúng ta cần ưu tiên giải quyết các rào cản mang tính hệ thống để người trẻ có điều kiện lấy bằng đại học”, ông Murphy nói thêm.
Theo Zing
Trả nợ tiền học: 'Vòng tròn' luẩn quẩn cả đời của sinh viên Mỹ
Tấm bằng đại học danh giá đánh đổi bằng không ít công sức, tiền bạc của sinh viên Mỹ. Nhiều người vay số tiền lớn đi học rồi làm việc suốt phần đời còn lại để "kéo cày trả nợ".
"Thay mặt cho tám thế hệ của gia đình tôi đã sống ở đất nước này, tôi sẽ tài trợ để loại bỏ các khoản vay cho sinh viên của khóa 2019", tỷ phú Robert Smith phát biểu trong lễ tốt nghiệp tại trường Morehouse College vào tháng 5 vừa qua.
Tuyên bố của ông Smith khiến tất cả sinh viên ngồi phía dưới vỡ òa. Mọi người sau đó đứng dậy vỗ tay và hò reo không ngớt.
Không đơn giản ở mức ngẫu nhiên được tài trợ toàn bộ học phí đại học, câu nói của vị tỷ phú đã "thổi bay" đi gánh nặng mang tên nợ sinh viên của hàng ngàn tân cử nhân vừa tốt nghiệp.
Vài tuần trước khi tốt nghiệp, Aaron Mitchom đã phải lập một bảng tính để xem cần bao lâu để trả hết khoản vay 200.000 USD cho việc học đại học. Các tính toán đưa ra câu trả lời là phải mất đến 25 năm để trả hết số nợ.
Tốt nghiệp, ra trường, nhiều sinh viên Mỹ lại lao đầu vào tìm cách trả số nợ lớn đã vay vốn để học đại học. Ảnh : NY Times.
Chỉ trong một khoảnh khắc, những phép tính nặng nề và toàn bộ mối lo toan của chàng sinh viên 22 tuổi biến mất. Aaron hạnh phúc đến mức bật khóc.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên AFP và Forbes, đề cập đến câu chuyện học đại học tại Mỹ tốn kém đến mức một bộ phận đông đảo sinh viên buộc phải vay vốn để có khả năng chi trả mức phí đắt đỏ.
Kết cục, sau khi tốt nghiệp, họ "mắc kẹt" trong số tiền nợ lớn và dành hàng chục năm đi làm để "kéo cày trả nợ".
"Vòng tròn" luẩn quẩn vay tiền đi học, đi làm trả nợ
Mùa thu sắp tới, Haley Walters nhập học Đại học California Berkeley, ngôi trường danh tiếng với mức học phí đắt đỏ. Mục tiêu của Haley là tấm bằng xuất sắc ngành Luật.
Cô gái 19 tuổi cần đến 5 năm để hoàn thành chương trình cử nhân. Nếu mọi thứ theo đúng kế hoạch, Haley sẽ gánh khoản nợ 100.000 USD tiền học phí vào thời điểm cô ra trường và gia nhập lực lượng lao động.
Như hàng triệu sinh viên khác ở xứ cờ hoa, Haley đang phải trả giá đắt cho nền giáo dục có nguy cơ tạo ra gánh nặng tài chính suốt phần đời còn lại.
"Tôi cho rằng khoản nợ sinh viên thực sự là 'bản án' chung thân", Haley than thở.
Người Mỹ có thể phải dành đến 20-25 năm để trả hết số nợ từ thời sinh viên. Ảnh: University Times.
Thống kê mới nhất trong năm 2019 cho thấy cuộc khủng hoảng nợ vay sinh viên đã trở nên nghiêm trọng như thế nào đối với người vay trên tất cả các nhóm nhân khẩu học và độ tuổi.
Theo ước tính, có đến 45 triệu người Mỹ phải vay tiền để có khả năng chi trả các khoản phí đắt đỏ ở môi trường đại học. Tổng số tiền nợ lên đến 1.600 nghìn tỷ USD.
Nợ sinh viên hiện là loại nợ tiêu dùng cao thứ hai tại Mỹ, cao hơn cả mức nợ tín dụng và chỉ đứng sau nợ thế chấp.
Năm 2017, mỗi người đi vay trung bình gánh mức nợ hơn 28.000 USD.
"Sinh viên tốt nghiệp trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ gánh món nợ học phí trung bình 35.000 USD", Cody Hounanian - Giám đốc chương trình Khủng hoảng Nợ Sinh viên, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ thanh niên và kêu gọi cải cách, cho hay.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, có đến 71% số sinh viên nước này phải vật lộn kiếm tiền trả nợ học phí đại học. Tình hình này càng nghiêm trọng hơn với nhóm người thiểu số trong xã hội.
"Nữ giới da màu là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất với tổng nợ sinh viên cao nhất trên mỗi cử nhân tốt nghiệp", ông Hounanian cho biết.
"Bản án" chung thân của nhiều người Mỹ
Mặc dù nhiều chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính được đưa ra, nhưng mức học phí giáo dục đại học cao đến mức phần lớn sinh viên không thể trả nợ đúng hạn.
"Khi những người vay tiền ra trường, chương trình vay vốn của họ thường kéo dài 10 năm. Song, càng ngày có nhiều người đăng ký các chương trình vay kéo dài tới 20-25 năm", ông Hounanian cho hay.
Ông nói thêm về lâu dài, số lãi cho vay theo từng năm lại tăng lên, tiền lãi cộng dồn ngày một phình to và khả năng trả nợ hết số tiền càng mong manh.
Ước tính, tổng số nợ sinh viên vay để chi trả học đại học lên đến con số 1.600 nghìn tỷ USD. Ảnh: Business Insider.
Ông Hounanian nêu kinh nghiệm của chính mình để làm ví dụ.
"Thời sinh viên, tôi vay số tiền 30.000 USD, mỗi tháng trả hơn 150 USD. Đó đã được coi là chương trình vay vốn khá 'dễ thở'. Nhưng cuối cùng, số dư vay nợ cứ tăng đều. Nợ chồng nợ và tháng nào tôi cũng phải xoay xở với việc chi trả", vị giám đốc nhớ lại.
Tình trạng còn nghiêm trọng với những gia đình có đến 2 thế hệ trong nhà phải "gồng gánh" món nợ học phí từ thời đại học.
Cô gái Haley Walters trước khi theo đuổi ngành Luật từng có quãng thời gian 2 năm theo học ngành Khoa học Chính trị tại Cao đẳng Pasadena (Los Angeles, Mỹ).
Tại trường cũ, cô đã phải rất cố gắng để hoàn thành tất cả các môn học mà không tích lũy thêm nợ. Mặc dù được trao học bổng, Haley buộc phải vay thêm tiền để chi trả gần 20.000 USD các loại phí khác.
"Về cơ bản, đó chính là vay rồi lại đi vay, mỗi khoản lại có mức lãi riêng và phương thức thanh toán khác nhau", Haley buồn bã nói.
Quãng thời gian tuổi thơ, cô không biết bao lần nghe người mẹ nay đã 58 tuổi than vãn, kể khổ về khoản nợ từ thời sinh viên.
"Quá khứ nợ nần làm tê liệt tài chính gia đình như thế nào đã ăn sâu vào trí nhớ tôi. Chúng tôi không dám đi nghỉ mát, nhiều khi tôi không có đồ dùng cho năm học mới hay các món quà sinh nhật cũng vô cùng ít ỏi", Haley nhớ lại.
Vấn đề nhức nhối của cả nước Mỹ
Haley bày tỏ niềm hy vọng rằng nợ sinh viên sẽ là câu chuyện đưa đem ra thảo luận chính giữa các ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Thực tế, tình trạng nợ sinh viên ngày một tăng cao và khó giải quyết dần nổi lên như một vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới.
Ứng cử viên Bernie Sanders tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng có mục tiêu loại bỏ tất cả các khoản nợ của sinh viên.
Dự luật "cách mạng" của ông Sanders nhằm xóa mọi khoản nợ của sinh viên và biến các trường đại học công thành cơ sở đào tạo miễn phí với sự trợ giúp của ngành tài chính nước này.
"Người dân Mỹ đã ra cứu trợ phố Wall trong cuộc khủng hoảng kinh tế cuối những năm 2000. Bây giờ, đã đến lúc giới tài chính phố Wall ra tay cứu giúp các gia đình có thu nhập trung bình", ông Sanders tuyên bố.
Haley Walters, sinh viên 19 tuổi, có khả năng gánh số nợ 100.000 USD vào thời điểm tốt nghiệp. Ảnh: AFP.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Elizabeth Warren cũng lên một chiến dịch cải cách tương tự để giúp sinh viên và nhiều người Mỹ thoát khỏi "vòng tròn" nợ nần kéo dài cả đời.
"Cha tôi lớn lên trong một gia đình cực kỳ nghèo ở miền nam California. Lý do duy nhất ông ấy đi học đại học là vì nó miễn phí", Haley nhớ lại.
Tuy nhiên, học phí không phải là gánh nặng tài chính duy nhất mà sinh viên Mỹ gặp phải.
Ở khu vực California, chi phí nhà ở và sinh hoạt chiếm đến hơn một nửa trong số 35.000 USD trung bình để chi trả cho một năm học ở đại học công lập.
Giám đốc Hounanian cho hay điều cốt lõi cần giải quyết là các khoản phí đắt đỏ liên quan để sinh viên không phải chịu áp lực nợ nần trước khi tốt nghiệp.
"Hệ thống hiện nay không hoạt động vì sinh viên. Nó chỉ đem lại lợi nhuận cho các công ty vay vốn, những kẻ tìm cách kiếm tiền, trục lợi từ sinh viên và người đi vay", ông Hounanian khẳng định.
Theo Zing
10 thành phố hàng đầu để tìm việc làm năm 2019 dành cho sinh viên mới ra trường Một bước ngoặt quan trọng của sinh viên sau khi tốt nghiệp là tìm việc làm. Không chỉ quan tâm đến vị trí công việc, các sinh viên ngày nay còn chú ý đến các yếu tố khác như văn hóa tổ chức, mức lương xứng đáng và địa điểm làm việc. Bằng việc phân tích dữ liệu công của hàng trăm thành...