Học phí các đại học Y Dược
Nhiều trường thu học phí năm học 2019-2020 là 13 triệu đồng; Khoa Y (Đại học Quốc gia TP HCM) lên 80 triệu đồng đào tạo chất lượng cao.
1. Đại học Y Hà Nội
Đại học Y Hà Nội luôn có điểm trúng tuyển cao nhất trong khối Y Dược. Năm 2018, điểm chuẩn cao nhất là 24,75 ngành Y khoa (còn gọi là Y đa khoa). Trước đó năm 2017, thí sinh phải đạt 29,25 mới trúng tuyển vào trường.
Năm nay, ngôi trường đào tạo Y khoa hàng đầu Việt Nam tuyển sinh 1.120 chỉ tiêu cho 9 ngành, gồm: Y khoa (học ở Hà Nội và phân hiệu Thanh Hóa), Y học cổ truyền, Răng Hàm Mặt, Y học dự phòng, Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng, Dinh dưỡng và Khúc xạ nhãn khoa.
Học phí dự kiến với sinh viên chính quy hiện vẫn theo nghị định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, tức là 1,3 triệu đồng/tháng cho năm học 2019-2020. Tuy nhiên, nhà trường sẽ có quy định riêng khi nhận được quyết định phê duyệt tự chủ của Thủ tướng (dự kiến trong năm 2019).
2. Đại học Dược Hà Nội
Ngành duy nhất Đại học Dược Hà Nội tuyển sinh là Dược học, chỉ tiêu năm nay là 750, điểm chuẩn năm 2018 là 23,05.
Học phí của trường là 1,3 triệu đồng/tháng cho năm học này. Các năm sau sẽ tăng học phí theo đúng lộ trình và quy định của Chính phủ.
Ảnh: Injurylawattys
3. Khoa Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Khoa Y Dược tuyển 350 chỉ tiêu cho năm ngành, gồm: Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt (chương trình chất lượng cao), Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học. So với năm ngoái, trường có hai ngành mới là Kỹ thuật xét nghiệm và Kỹ thuật hình ảnh. Điểm chuẩn năm ngoái cao nhất là 22,75.
Học phí của các ngành Y khoa, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật hình ảnh y học năm 2019-2020 là 1,3 triệu đồng/tháng. Ngành Răng Hàm Mặt (đào tạo chất lượng cao), mức thu là 6 triệu đồng/tháng.
4. Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam
Năm 2019, trường tuyển 900 chỉ tiêu cho ba ngành, gồm: Y học cổ truyền, Y đa khoa và Dược học. Năm ngoái điểm chuẩn ba ngành này lần lượt là 19,5; 20,9 và 21,85.
Học phí năm học 2019-2020 là 1,3 triệu đồng/tháng.
5. Đại học Y tế công cộng
Trường tuyển sinh các ngành Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Dinh dưỡng học, Công tác xã hội với tổng chỉ tiêu 360 theo hai hình thức là sử dụng kết quả học tập ở cấp THPT của các môn thuộc mỗi tổ hợp và xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Trường chưa có thông báo học phí trong năm nay. Năm ngoái, học phí, được nêu trong đề án tuyển sinh, ngành Y tế công cộng là 10,7 triệu đồng/năm, Dinh dưỡng học là 11,8, Công tác xã hội là 8,1 và Xét nghiệm y học là 11,8.
Điểm trúng tuyển vào trường năm ngoái từ 16 đến 22.
Video đang HOT
6. Đại học Y Dược TP HCM
Trường đào tạo 14 ngành, chỉ tiêu năm 2019 là 2.250, trong đó ngành Y khoa tuyển nhiều nhất với 400. Đây cũng là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất năm ngoái với 24,95. Ngành Y tế công cộng có điểm trúng tuyển thấp nhất – 18.
Học phí năm học 2019-2020 là 1,3 triệu/tháng, tương ứng 13 triệu đồng/năm.
8. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Trường có 9 ngành với tổng chỉ tiêu 1.350, trong đó 50% dành cho thí sinh có hộ khẩu TP HCM, 50% cho thí sinh ngoài TP HCM. Mức điểm chuẩn phụ thuộc vào việc thí sinh có hay không có hộ khẩu TP HCM, trong đó ngành Răng Hàm Mặt cao nhất năm ngoái với 23,3 điểm.
Học phí cũng phụ thuộc với hộ khẩu của thí sinh. Những em không có hộ khẩu tại TP HCM phải đóng mức học phí cao hơn.
Hiện, trường chưa có bảng học phí mới cho năm học 2019-2020. Năm ngoái, học phí cho sinh viên có hộ khẩu TP HCM là 11,8 triệu đồng/năm, nếu thu theo tín chỉ là 305.000 đồng/tín chỉ. Sinh viên thuộc địa phương khác phải đóng 23,6 triệu đồng/năm, hay 605.000 đồng/tín chỉ.
9. Khoa Y (Đại học Quốc gia TP HCM)
Khoa Y tuyển sinh 200 chỉ tiêu cho các ngành Y khoa, Dược học và Răng Hàm Mặt. Tất cả ngành đều là chương trình chất lượng cao với điểm chuẩn năm ngoái cao nhất ở mức 22,1.
Học phí dự kiến ngành Y khoa chất lượng cao là 56 triệu đồng/năm, ngành Dược học chất lượng cao là 50 triệu đồng và Răng Hàm Mặt chất lượng cao là 80 triệu đồng.
10. Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên)
Trường có 6 ngành gồm Y khoa, Dược học, Răng Hàm mặt, Y học dự phòng, Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học. Điểm chuẩn năm ngoái thấp nhất là 16,75 (Y học dự phòng) và cao nhất là 22,25 (Y khoa). Tổng chỉ tiêu năm nay cho các ngành là 930.
Học phí năm học 2019-2020 là 1,3 triệu đồng/tháng.
11. Đại học Y Dược Hải Phòng
Mức trúng tuyển năm ngoái từ 18,5 đến 22. Năm nay, trường tuyển 1.140 chỉ tiêu cho các ngành Y Khoa, Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Răng Hàm Mặt, Dược học, Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Học phí đối với sinh viên chính quy của trường theo đúng quy định của Chính phủ – 1,3 triệu đồng/tháng.
12. Đại học Y Dược Thái Bình
Trường tuyển 960 chỉ tiêu cho các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Điều dưỡng và Dược học.
Học phí đối với sinh viên chính quy năm học 2019-2020 cũng là 1,3 triệu đồng/tháng. Điểm chuẩn vào trường năm 2018 cao nhất là 22,7, thấp nhất 15,75.
13. Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Trường tuyển sinh 5 ngành, gồm: Y khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng với tổng chỉ tiêu 680.
Nhà trường đào tạo theo học chế tín chỉ. Ngành Y khoa (6 năm) từ 220 đến 230 tín chỉ, học phí 436.000 đồng/tín chỉ. Các ngành hệ cử nhân sẽ có 140-147 tín chỉ trong 4 năm, học phí 410.000 đồng/tín chỉ.
14. Đại học Y Dược (Đại học Huế)
Trường tuyển sinh 9 ngành, gồm: Y khoa, Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Y tế công cộng, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Dược học, Điều dưỡng, Răng – Hàm – Mặt với tổng 1.380 chỉ tiêu. Học phí Đại học Y Dược là 13 triệu đồng/năm học 2019-2020.
Năm ngoái, điểm trúng tuyển từ 16,15 (Y tế công cộng) đến 23,25 (Y khoa).
15. Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng
Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào trường từ 16 đến 22,65, trong đó chỉ có ba ngành lấy trên 20 là Kỹ thuật xét nghiệm y học (tổ hợp B00), Dược học và Y khoa.
Năm nay, trường tuyển 700 chỉ tiêu cho 7 ngành, trong đó nhóm ngành điều dưỡng chia ra thành điều dưỡng nha khoa, đa khoa, gây mê hồi sức và phụ sản.
Học phí dự kiến với sinh viên chính quy năm nay là 13 triệu đồng/năm. Lộ trình tăng học phí đối với từng năm thực hiện theo quy định của Chính phủ.
16. Khoa Y Dược (Đại học Đà nẵng)
Học phí năm 2019 là 13 triệu đồng, mỗi kỳ sinh viên nộp 6,5 triệu đồng. Trường tuyển sinh 4 ngành Y khoa, Điều dưỡng, Răng Hàm Mặt và Dược học với tổng chỉ tiêu chỉ 250.
Điểm trúng tuyển vào trường năm ngoái: trừ ngành Điều dưỡng lấy 18,15, ba ngành còn lại đều trên 21.
17. Đại học Y Dược Cần Thơ
Trường tuyển sinh 8 ngành với tổng 1.350 chỉ tiêu, giảm 250 so với năm 2018.
Học phí bình quân tối đa cho chương trình đại trà của trường là 19,2 triệu đồng (theo quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của chương trình đại trà).
Theo VNE
Sĩ tử căng thẳng trước ngày thi THPT quốc gia
Hai ngày trước kỳ thi quan trọng nhất thời học sinh, nhiều thí sinh bồn chồn không yên dù được cha mẹ chăm lo, động viên từng ngày.
Ngoài Toán, Văn và Tiếng Anh, Phùng Ngọc Ánh (học sinh lớp 12 trường THPT Thanh Thủy, Phú Thọ) chỉ đăng ký thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.
Đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Y khoa của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam - ngành có điểm chuẩn năm 2018 là 21,85 khối B (Toán, Hóa, Sinh), Ánh tỏ ra lo lắng khi thi thử bốn lần đều ở ngưỡng 20-20,5.
Ánh cho biết đã chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia từ khoảng kỳ hai lớp 11. Giai đoạn đầu, thầy cô ở trường giúp em và các bạn học trước kiến thức cơ bản của lớp 12 để có nhiều thời gian ôn luyện trọng tâm theo đề thi minh họa vào năm học cuối cấp.
Đến đầu lớp 12, em bắt đầu ôn tập các dạng bài để lấy mức 5 điểm mỗi môn. Giữa kỳ một lớp 12, em bắt đầu luyện đề và tham gia các kỳ khảo sát của trường và Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ. Trước kỳ thi khoảng một tháng, Ánh lật lại toàn bộ kiến thức, kể cả lớp 10 và 11 - những phần sát nhất với đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.
Học sinh trường THCS-THPT Trần Cao Vân (cơ sở quận Gò Vấp, TP HCM) trong giờ ôn tập Toán. Ảnh: Quỳnh Trần.
Nhờ có kế hoạch ôn luyện dài hạn, nữ sinh Phú Thọ không phải thức quá khuya để học bài mỗi ngày. "Buổi sáng, em học ở trường. Chiều có thể tự học ở nhà hoặc lên phòng tự học ở trường đến 18h. Em dành hai tiếng sau đó để làm việc nhà, ăn uống, tắm rửa rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn học tới khoảng 23h30", Ánh kể lại một ngày của mình trong suốt năm lớp 12 và khẳng định thời gian biểu này không làm em bị xuống sức.
Dù vậy, sát ngày thi Ánh vẫn thấy hồi hộp, đặc biệt với môn yếu nhất là Hóa học. Học tốt Sinh và từng đạt giải khuyến khích cấp tỉnh, Ánh cũng hơi áp lực việc giành điểm giỏi môn này để nâng tổng điểm lên cao nhất có thể. Em cho rằng nếu không đỗ ngành Y khoa, tương lai sẽ "rất tệ" bởi sẽ phải học ngành không đúng với sở thích hoặc mất một năm để ôn thi lại.
Không chỉ Ánh, gia đình em cũng lo lắng. Thi ngay tại điểm trường cách nhà 2 km, bố mẹ em đã lên kế hoạch từ hơn một tuần trước, thường xuyên bàn bạc xem sẽ cho con ăn gì trong những ngày thi để bụng dạ ổn định, ai chịu trách nhiệm đưa đi, đón về. "Đây là cuộc thi quan trọng nhất với em từ trước đến giờ. Cả nhà đều đặt hy vọng em có thể đỗ được đúng nguyện vọng", Ánh nói.
Không còn phải đi học thêm, Tuấn Anh, học sinh một trường THPT ở Cầu Giấy (Hà Nội) vẫn tỏ ra căng thẳng. "Dù bố mẹ không tạo áp lực, em vẫn cảm thấy có một áp lực vô hình nào đó. Em luôn nghĩ mình không thể trượt đại học", Tuấn Anh nói.
Đã xác định thi Đại học Kinh tế quốc dân từ năm lớp 11, Tuấn Anh ôn luyện kỹ ba môn của tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) và đăng ký tới ba nguyện vọng vào các ngành thuộc trường này. Em tự tin với môn Tiếng Anh bởi được học và rèn luyện từ những năm tiểu học. Với Toán và Lý, dù đi học thêm mỗi môn hai buổi tối mỗi tuần rồi tự học, luyện đề nhiều, Tuấn Anh không mấy tự tin.
Với nam sinh này, việc đạt điểm trung bình (5 điểm) ở các bài thi là khả quan nhưng chừng đó chưa đủ đỗ vào một trường có điểm chuẩn thuộc top cao như Kinh tế quốc dân. Dù luôn tự nhủ sẽ dành ba ngày trước kỳ thi để nghỉ ngơi, xả stress, em vẫn không thể ngồi yên. "Thời điểm này, đọc gì cũng không vào nhưng không đọc thì không yên tâm", Tuấn Anh nói và hy vọng đạt 23-24 điểm khối A1 trong kỳ thi quan trọng bậc nhất thời học sinh này.
Học sinh trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) ôn thi THPT quốc gia. Ảnh: Mạnh Tùng.
Không chỉ học sinh mới hoàn thành chương trình THPT như ngồi trên lửa, các thí sinh tự do cũng không kém phần lo lắng. Lê Thị Thanh Thái Nguyên (quận Bình Thạnh, TP HCM) thi ba môn Toán, Văn, Vẽ (tổ hợp H1) để xét tuyển ngành Thiết kế đồ họa Đại học Kiến trúc TP HCM. Cận ngày thi, nhưng Nguyên vẫn tập trung ôn bài, cảm giác bồn chồn như "món nợ treo lơ lửng trên đầu".
Lần thứ hai "vượt vũ môn" nhưng Nguyên may mắn được bố mẹ động viên, không tạo áp lực. "Bố mẹ nói học tài thi phận, cứ coi như đây chỉ là một thử thách. Phải cố gắng hết sức để không hối hận", Nguyên nói và cho biết phụ huynh nhắn nhủ giữ gìn sức khỏe, chăm lo chuyện ăn uống từng ngày.
Trong khi đó, nhiều sĩ tử khác lại cảm thấy khá thoải mái trước kỳ thi bởi mục tiêu là các đại học có đầu vào trung bình. Vũ Duy Phúc (THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3) tự tin đã ôn được 80% khối lượng kiến thức. Điểm trung bình lớp 12 của Phúc khá cao, lại xét tuyển vào đại học bằng đường học bạ nên cậu không mấy lo lắng. "Em chỉ hơi lo chứ không áp lực gì nhiều", Phúc nói.
Chọn học trường nghề nên Nguyễn Phúc Khánh Linh (THPT Nguyễn Trãi) đặt mục tiêu thi THPT quốc gia để tốt nghiệp. Rất tự tin nên Linh mong nhanh tới ngày thi để được nghỉ ngơi thoải mái. "Mẹ rất ủng hộ em chọn nghề nhà hàng khách sạn, không bắt ép phải vào đại học. Chỉ đủ điểm tốt nghiệp là em vào học thôi, không khó khăn lắm", Linh nói.
Lịch thi THPT quốc gia năm 2019.
Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, trong đó trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Dương Tâm - Như Quỳnh
Theo VNE
Học phí ngành cao nhất khoa Y dự kiến 80 triệu đồng/năm Học phí dự kiến của Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho khóa tuyển sinh năm 2019 là từ 50-80 triệu đồng/năm. Khoa Y sẽ dành 10% chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM trong năm nay - HÀ ÁNH Học phí dự kiến các chương trình đào tạo thuộc khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) khóa...