Học phải đi đôi với hành
KTĐT – Nguồn nhân lực du lịch đang thiếu trầm trọng là vậy, nhưng rất ít sinh viên du lịch tìm được việc theo đúng ngành học.
Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hanoi Redtour cho biết những lý do cũng như giải pháp cải thiện tình hình này khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Nếu đánh giá về chất lượng đào tạo cũng như sản phẩm của các trường đào tạo ngành du lịch, ông sẽ nói gì?
Video đang HOT
- Hanoi Redtour là một trong 10 công ty du lịch hàng đầu Việt Nam. Hiện tại, nguồn nhân lực do Hanoi Redtour sử dụng có khoảng 1/4 các bạn được đào tạo ở nước ngoài. Trong số 3/4 số người được đào tạo ở trong nước có đến 2/3 học chuyên ngành khác của các trường ĐH, chỉ 1/3 học ngành du lịch làm công việc của hướng dẫn viên. Nếu lấy Hanoi Redtour làm đại diện, chúng ta sẽ thấy thực tế nguồn nhân lực sử dụng trong lĩnh vực lữ hành thiếu đến thế nào. Thứ hai, có một số trường ĐH đào tạo chuyên ngành du lịch, tuy nhiên chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu. Việc này thể hiện ở nội dung đào tạo không phù hợp với kinh doanh thực tế. Bởi lữ hành có nhiều hoạt động như xây dựng các sản phẩm tour, cách đánh giá sản phẩm; đặt chỗ và các dịch vụ liên quan; xuất nhập cảnh; hướng dẫn viên. Đa phần các bạn được đào tạo nhiều về marketing du lịch chung chung, ra trường làm hướng dẫn viên là chính nhưng chất lượng không ổn. Đưa khách đi tour các bạn giới thiệu điểm đến như một cái máy, bởi những thông tin khách dễ dàng tìm thấy trên mạng. Còn việc tìm hiểu tâm lý khách hàng, mong muốn của khách, xử lý phát sinh khi đi tour… lại chưa nắm vững. Tôi có tìm hiểu và được biết, giáo viên đào tạo ở các khoa ngành du lịch không có nền móng tốt so với một số ngành khác. Giáo trình du lịch được lấy từ những môn chuyên ngành Địa lý, Văn hóa, Lịch sử; giảng viên không phải là chuyên gia được đào tạo và làm du lịch nên không có kinh nghiệm giảng dạy.
Hiện nay một số khoa du lịch có triển khai mô hình đào tạo gắn với DN. Ông nhận thấy hiệu quả của hoạt động này thế nào?
- Hiện nay, các trường đã nhận ra vấn đề học đi đôi với hành, nhưng việc thực hiện chưa đạt yêu cầu. Thời gian thực tập của sinh viên rất ít trong khi du lịch giống như ngành kỹ sư thực hành yêu cầu số giờ thực tế nhiều hơn và phải đa dạng. Tôi nghĩ, việc đi thực hành nên theo từng chuyên đề thay vì một khóa học có vài tháng thực tập. Ví dụ, khi học chuyên đề marketing thì phải đến công ty du lịch thực tập và làm báo cáo tiểu luận. Học chuyên ngành về hướng dẫn viên, khách sạn thì cũng phải có thực tập và viết báo cáo. Không nên có quá nhiều những môn tổng hợp mà tập trung vào những nội dung chương trình chính của ngành du lịch. Mỗi chuyên ngành nên thiết kế 40% thời lượng học lý thuyết, 40% thực hành và 20% tự nghiên cứu làm báo cáo tổng kết thì sâu sắc hơn.
Theo ông, nhà trường và DN du lịch nên có sự hợp tác như thế nào để sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng nhu cầu công việc?
- Thực tế Bộ GD&ĐT đưa ra quy định về các môn học khi trường mở ngành đào tạo. Bộ GD&ĐT không thể nắm chắc từng vị trí công việc của ngành du lịch. Cho nên, tôi nghĩ những việc như thế này phải là các cơ quan quản lý DN như hiệp hội du lịch. Những chuyên gia ở các cơ quan này sẽ thăm dò, điều tra ý kiến của những đơn vị du lịch trong và ngoài nước, rút ra tiêu chí khi sinh viên tốt nghiệp bậc CĐ hay ĐH. Sau đó sẽ là sự gắn kết hợp tác giữa hiệp hội du lịch và các trường đào tạo chuyên ngành du lịch bằng văn bản ký kết.
Đầu tháng 4 vừa qua, tại Hà Nội diễn ra Hội chợ Du lịch quốc tế. Để sinh viên du lịch có sự cọ sát thực tế, một số khoa du lịch đã cử sinh viên tham gia. Theo ông, đây có phải là một trong những hoạt động để nâng cao chất lượng nhân lực của ngành trong tương lai?
- Tôi có hai việc muốn nói với các trường khi cho các em tham gia sự kiện này. Thứ nhất, sinh viên tham gia hội chợ phải biết mục đích đến đó làm gì, các công ty du lịch tuyển các bạn ấy đến để làm gì. Mình không muốn lợi dụng các bạn ấy đến để đi phát tờ rơi thì rất phản cảm. Và, các bạn sẽ nghĩ làm du lịch là đi phát tờ rơi là hoàn toàn không nên. Thứ hai, các bạn có thể hiểu đến hội chợ là để tiếp xúc, lắng nghe, tìm hiểu khách hàng phản ánh như thế nào, chuyên gia tư vấn ra sao; các khách sạn, công ty lữ hành có hình thức quảng bá và bán sản phẩm như thế nào; so sánh sản phẩm của các đơn vị nào hay hơn, thu hút khách hàng hơn; khách hàng lựa chọn công ty nào theo quy mô gian hàng hay sản phẩm, theo giá hay chất lượng…
Thưa ông, làm thế nào để sinh viên du lịch có cơ hội tiếp xúc thực tế nhiều hơn?
- Chả có hình thức gì ngoài việc học đi đôi với hành. Mỗi cơ sở đào tạo phải tạo được thương hiệu của mình để làm sao sinh viên trường mình được đánh giá cao hơn trường khác, khi tốt nghiệp xin việc dễ hơn. Học đi đôi với hành thì anh phải tìm cho mình đối tác liên kết có trách nhiệm với nhau và mỗi bên đều phải có quyền lợi.
Xin cảm ơn ông!
Theo ktdt.vn