Học nhiều nhưng biết ít
Chương trình đào tạo ở các trường ĐH Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng dạy những điều không cần thiết, thiếu những điều thiết yếu của thực tiễn.
Sinh viên hiện đang phải học nhiều môn nặng tính lý thuyết, thiếu thực tế – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học xong, không xài đến
Lê Đinh G., sinh viên (SV) chuyên ngành Đông Nam Á, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Trong quá trình học, em thấy có một số môn không áp dụng được gì đối với chuyên ngành của mình, có những môn giống như là để đủ tín chỉ thôi”.
Cụ thể hơn, nhóm SV học ngành tài chính khóa 15 Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, nhận định: “Ngành học của tụi em nên bỏ môn toán cao cấp vì kiến thức quá cao, học xong cũng không ứng dụng vào công việc, không cần xài đến nên cũng quên luôn. Trong khi có nhiều môn cần thiết thì lại nằm trong phần tự chọn như chứng khoán, toán tài chính, tiền tệ ngân hàng”. Nhóm SV này cũng cho biết thêm, nhiều môn chuyên ngành quan trọng cũng chỉ được học 3 tín chỉ, trong khi các môn không cần thiết thì học tới 5 tín chỉ.
Hồ Kim Đ., SV ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, bày tỏ: “Chương trình đại cương học trong vòng 2 năm là hơi nhiều và lãng phí thời gian. Tụi em học tài chính và cả ngân hàng luôn nên đòi hỏi lượng kiến thức chuyên sâu rất nhiều. Vì thế em nghĩ nên rút ngắn thời gian học đại cương để dành thời gian cho các môn chuyên ngành”.
Không chỉ phân bổ thiếu hợp lý giữa các môn đại cương, cơ sở ngành với môn chuyên ngành, mà nội dung các môn học cũng không sinh động, thiếu thực tiễn.
Bùi Thiên H., SV Khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Giảng viên dạy môn triết hiện nay chỉ mang tính định hướng tư tưởng, chính trị chứ chưa biết mở rộng, nâng tầm cái hay, cái đẹp của môn học này cho SV biết. Các tiết học trôi qua chỉ là lý thuyết khô khan nên SV cảm thấy chán ngán. Một số môn chuyên ngành thì tụi em được học theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa”. Theo Hồ Kim Đ., môn thị trường chứng khoán rất cần thiết cho chuyên ngành tài chính ngân hàng nhưng học rất ít. Trường có sàn giao dịch chứng khoán ảo, nhưng năm thì tổ chức, năm thì không nên việc thực hành môn này cũng còn hạn chế.
Không vững chuyên ngành
Video đang HOT
Chính các giảng viên, cán bộ quản lý ở các trường cũng thừa nhận thực tế này. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, nhìn nhận: “Hiện nay, SV các trường vẫn bắt buộc phải học tuần tự các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành rồi mới đến chuyên ngành. Trong khi có nhiều chuyên môn có thể đi tắt để giúp SV chuyên sâu hơn, nhiều môn có thể giảm bớt thời lượng hoặc bỏ để thay bằng các môn khác cần thiết hơn”.
Tiến sĩ Lê Quang Đức, giảng viên Khoa Điện – Điện tử viễn thông Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Quả thực SV hiện giờ vẫn phải học những thứ không cần thiết, trong khi có những thứ cần thiết thì không được học”. Thực trạng này, theo ông Đức dẫn đến việc SV phải học quá nhiều môn thừa trong khi chuyên ngành lại nắm không vững.
Ông Đức diễn giải, 4 năm học gồm 8 học kỳ thì mất 3 học kỳ cho những môn đại cương, một học kỳ tốt nghiệp, chỉ còn lại 4 học kỳ cho chuyên ngành. Ông Đức dẫn chứng: Chẳng hạn môn rất quan trọng của ngành tự động hóa là kỹ thuật điều khiển động cơ, từ 6 đơn vị học trình giờ giảm xuống còn 2. Thời lượng quá ít ỏi bắt buộc giảng viên phải cắt bớt nội dung kiến thức. Môn quản lý dự án cũng rất cần thiết cho một kỹ sư, thế nhưng SV không được học…
Việc đào tạo thiếu tính ứng dụng, xa rời thực tế là một trong những lý do khiến các nhà tuyển dụng luôn than phiền về chất lượng SV tốt nghiệp.
Bà Trần Thị Loan, Giám đốc chi nhánh Trường Sơn của Ngân hàng VIB, kết luận: “Đa số SV ra trường, dù được tuyển dụng cũng vẫn phải đào tạo lại từ đầu. Hình như SV không được học về quy trình tín dụng vì các em không biết khi cho vay thì cần những thủ tục nào, pháp lý ra sao, sổ hồng, sổ đỏ là gì…”. Để chứng minh có những môn không cần phải dạy trong trường ĐH, bà Loan nói: “Ngành tài chính – ngân hàng ở nhiều trường đưa vào những môn như luật thương mại, luật kinh tế trong khi cái này SV có thể tự đọc trên mạng và tại các doanh nghiệp đều có bộ phận riêng lo vấn đề pháp lý. Điều quan trọng là chuyên môn sâu thì SV lại nắm không chắc, kiến thức thực tế lại quá ít ỏi”.
Chưa đủ sức xây dựng chương trình riêng
Nhằm giúp các trường chủ động thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cuối năm 2012, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh quy chế đào tạo ĐH, CĐ. Theo đó, hiệu trưởng các trường có quyền ban hành chương trình đào tạo của riêng trường thay vì bám vào chương trình khung theo quy định của Bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, năng lực của các trường hiện nay còn quá yếu để đáp ứng yêu cầu này.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nêu quan điểm: “Để xây dựng một chương trình đạt yêu cầu là rất khó, đòi hỏi phải có kinh phí và quy trình phức tạp. Hầu như chỉ những trường ĐH lớn được đầu tư bài bản thì mới đủ tầm để làm việc này”. Ông Quang thông tin thêm: “Hiện nay vì không có điều kiện nên các trường đào tạo những ngành giống nhau thường tham khảo của nhau, sau đó điều chỉnh chút ít cho phù hợp”. Xây dựng một chương trình đào tạo với các chuẩn đầu ra gắn với thương hiệu riêng là quá sức đối với nhiều trường.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thừa nhận: “Trước đây do năng lực các trường còn yếu, Bộ phải thống nhất chuẩn mực đào tạo chung bằng chương trình khung gồm nội dung phần cứng do Bộ quy định, chừa 30 – 40% phần mềm cho các trường tự xây dựng. Nhưng khi Bộ không bắt phải thực hiện chương trình khung nữa thì các trường lại không đổi mới được”. Chẳng hạn trong việc viết giáo trình. Tiến sĩ Lê Quang Đức phân tích: Giáo trình cho một môn học phải viết trong vòng 2 năm mới xong. Như vậy phải có 20 tiến sĩ viết trong vòng 2 năm để có 20 giáo trình cho riêng một ngành điện. Muốn đưa vào một môn học mới thì phải có giáo trình mới. Không phải trường ĐH nào cũng đủ lực làm điều đó nên chương trình đào tạo của các trường cứ na ná nhau, trường này sao chép của trường kia, không có đặc thù riêng.
Theo TNO
Cố GS Nguyễn Sinh Huy và dấu ấn công trình thoát lũ ra biển Tây
Tâm huyết cả đời với nghề dạy học và nghiên cứu, cố giáo sư Nguyễn Sinh Huy đã cống hiến cho xã hội nhiều đề tài khoa học có tính thực tiễn cao. Trong đó nổi bật nhất chính là công trình thoát lũ ra biển Tây.
Con người của những công trình nghiên cứu
Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Sinh Huy sinh ngày 17/10/1932 tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai trưởng trong gia đình có 7 anh, chị em đều tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1950, sau khi học xong trung học phổ thông, Nguyễn Sinh Huy gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc và chuyên trách công tác Đoàn tại địa phương.
Năm 1953 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết định, ông gia nhập lực lượng thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1955, hòa bình lập lại, ông được lựa chọn sang Liên Xô (cũ) và được phân công học tập tại Trường Đại học Khí tượng - Thủy văn Ôđetxa thuộc nước Cộng hòa Ukraina. Khác với nhiều sinh viên cùng thời, khi đi học, ông đã là cán bộ trong biên chế Nhà nước, là Bí thư chi đoàn của nhóm thanh niên học tại Ôđetxa. Sau 5 năm mải miết học tập, ông giành được tấm bằng kỹ sư xuất sắc. Tháng 7/1962 về đến Hà Nội, ông được phân công giảng dạy tại Trường đại học Thủy lợi
Trong suốt 35 năm liên tục công tác tại Trường ĐH Thủy lợi, GS Nguyễn Sinh Huy đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn tốt nghiệp cho 31 khoá sinh viên các ngành thủy văn, thủy công, thủy nông và thi công công trình. Nhiều thế hệ sinh viên được GS Huy dạy bảo, dìu dắt nay đã trưởng thành, từng giữ những cương vị chủ chốt tại Trường ĐH Thủy lợi, ở trong và ngoài ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thành quả ấy đã ghi nhận công lao to lớn của ông đóng góp vào công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyên môn của Bộ môn Thủy văn công trình nói riêng và sự nghiệp đào tạo chung của Trường ĐH Thủy lợi.
GS Nguyễn Sinh Huy cùng các đồng nghiệp trong chuyến khảo sát hồ sinh thái Vĩnh Lộc (TPHCM).
Là một giảng viên có trình độ cao, rất có uy tín trong đồng nghiệp, được sự tín nhiệm của tổ chức, từ tháng 12/1984, ông được cử làm giám đốc kiêm Bí thư chi bộ Trung tâm ĐH1 (nay là cơ sở 2 của trường) cho đến khi nghỉ công tác quản lý tháng 11/1993. Giáo sư Huy đã được cử tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước; trong đó có 11 đề tài thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 3 đề tài ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, và tham gia nhiều đề tài khác. Ông cũng được giao chủ trì 31 đề tài do cấp Bộ, cấp Tỉnh và Thành phố quản lý. Có những công trình quan trọng về tính hiệu quả và tính xã hội sâu sắc đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực đông dân cư hay có diện tích lớn như khu vực TPHCM, ĐBSCL.
Ông cũng đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu quan trọng như: Luận chứng và Thiết kế các công trình thủy điện Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận - Đa Mi (1981 - 1993); Chủ trì lập kế hoạch vận hành lợi dụng tổng hợp kho nước Dầu Tiếng (1984); Hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây (1996 -1997); Kiểm soát lũ vùng Đồng Tháp Mười (1998 - 1999); các dự án phục vụ phát triển TPHCM như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Lấn biển Cần Giờ, khu du lịch sinh thái Vĩnh Lộc... Những vùng khác như Tây Nguyên, Đông Nam bộ, ven biển miền Trung... đều có các công trình nghiên cứu của ông.
Về nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục phối hợp với cơ sở 2 Trường ĐH Thủy lợi, Viện Địa lý Tài nguyên TPHCM, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và nhiều dự án quy hoạch quan trọng, đóng góp to lớn cho sự phát triển thủy lợi và kinh tế xã hội ở ĐBSCL, TPHCM, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Miền Trung.
Dấu ấn công trình thoát lũ ra biển Tây
Ý tưởng thoát lũ ra biển Tây của cố GS Nguyễn Sinh Huy là một tư duy khoa học đầy sáng tạo, bằng cách: xây dựng thêm một số công trình mới, cải tạo các công trình đã có, kể cả kênh Vĩnh Tế, nhằm chuyển một phần nước của sông Hậu thoát về biển Tây, vừa giảm áp lực nước cho vùng tứ giác Long Xuyên, vừa đồng thời sử dụng nước ngọt trong mùa lũ để cải tạo đất phèn vùng Tứ giác Hà Tiên.
Theo số liệu của năm 1997, trong vùng có diện tích 489.935 hecta, nhưng có đến 253.186 hecta là đất bị nhiễm phèn, và 12.100 ha bị nhiễm mặn. Sau mùa lũ 1996, trước những khó khăn lớn của ĐBSCL do bị ngập lụt, ý tưởng kiểm soát lũ tràn qua biên giới được ông đưa ra nhưng không phải được sự đồng tình ngay từ ban đầu.
Khi đó ông đã nghỉ hưu và về làm việc tại Phân viện Địa Lý thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia (TTKHTN & CNQG, nay là Viện khoa học và công nghệ Việt Nam). May mà ý tưởng của ông được Giáo sư Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu khi đó đang là Giám đốc TTKHTN & CNQG biết đến và Viện sỹ đã mời ông trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng vốn là người đang có nhiều trăn trở về phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL và bằng sự nhạy cảm chính trị của mình, chỉ sau một buổi làm việc, tuy chưa kiểm tra các kết quả tính toán, nhưng ông đã hoàn toàn tin vào ý tưởng của GS Huy và quyết định cho phép đề án được tiếp tục nghiên cứu chi tiết để triển khai thực hiện.
GS Nguyễn Sinh Huy báo cáo đề tài kiểm soát lũ Đồng Tháp Mười năm 1997.(Ảnh gia đình cung cấp)
Đề án đã được đánh giá cao, được tặng giải thưởng của TTKHTN & CNQG và do tính cấp bách của yêu cầu thực tế, công trình đã được Chính phủ đồng ý cho cơ quan chức năng nghiên cứu chi tiết và thực hiện vào năm 1997. Năm 2000, một trận lũ lịch sử đã xảy ra, công trình Thoát lũ ra biển Tây đã đứng vững trước một thách thức lớn và phát huy hiệu quả. Vào năm này kênh Vĩnh Tế và hệ thống thoát lũ đã vận chuyển được 13 tỷ m3. Nước phù sa sông Hậu chảy sâu vào nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên từ 30 đến 40 km, đã có 8 tỷ m3 được sử dụng để thau chua, rửa phèn so với 2,5 tỷ m3 trước đây.
Ngay trong 5 năm đầu tiên đã khai hoang được 50.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn nước ngọt cho 200.000 ha đất tự nhiên, 150.000 ha đất phèn được cải tạo, hơn 200.000 người dân thoát khỏi cảnh thiếu nước sinh hoạt hàng ngày, môi trường đã tốt hơn, cá Linh là biểu hiện của môi trường trong lành đã về đến Kiên Giang, chim đàn trở về nhiều hơn trước; riêng tỉnh Kiên Giang, năm 2002 đã thu hoạch được 2,5 triệu tấn lương thực so với 1,6 triệu tấn những năm chưa có công trình.
Đến nay, sau 10 năm vận hành, hệ thống thoát lũ biển Tây ngày càng phát huy hiệu quả toàn diện, các mục tiêu tổng hợp của công trình như ngăn lũ, thoát lũ, cải tạo môi trường, tạo nguồn, giữ nước và phối hợp thuỷ lợi - giao thông - dân cư được thực hiện đồng bộ.
GS Nguyễn Sinh Huy đã đi vào cõi vĩnh hằng ngày 22/9/2012. Những ngày cuối đời, ông vẫn luôn trăn trở tiếp tục đóng góp tâm huyết, trí tuệ và kinh nghiệm của mình nhằm tìm ra những giải pháp tổng hợp, hiệu quả để phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Ông đặc biệt quan tâm đến việc xem xét đánh giá toàn diện hệ thống công trình thoát lũ Tứ giác Long xuyên để kiph thời phát hiện, sửa chữa những sai sót. Đặc biệt là hoàn thiện công trình trong tình hình mới với những yêu cầu cao hơn về phát triển kinh tế - xã hội và sự tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Tiếc thay, những dự định của ông đành phải để lại cho các thế hệ kế tiếp.
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Có thể cắt 30 - 40% kiến thức các môn học PGS Văn Như Cương cho rằng, trong đổi mới giáo dục các môn học có thể cắt bỏ từ 30 - 40% kiến thức không cần thiết. Lọc bớt kiến thức thừa trong chương trình PGS Văn Như Cương cho rằng, chúng ta vẫn thường nói đến một nền giáo dục toàn diện nghĩa là chú trọng đến cả 4 mặt giáo dục:...