Học nghề và du học – Sự lựa chọn không tồi cho teen 12
Nhiều bạn vì ngại với bạn bè, thầy cô, thậm chí cả gia đình nên cứ cố, cố mãi, cố mãi để vào đại học. Tâm lý ấy khiến bạn trở nên nhụt chí hơn bao giờ hết.
Học nghề
Thi đại học đã không còn là sự lựa chọn duy nhất đối với học sinh hiện nay. Nhiều bạn, đỗ đại học nhưng vẫn còn rất mơ hồ trong việc lựa chọn nghề trong tương lai. Chọn ngành quản trị kinh doanh nhưng vẫn không hiểu với ngành này sau này mình có thể làm công việc cụ thể là gì và làm ở đâu, như thế nào. Với nhiều bạn, học đại học chỉ là học, còn thực tiễn nghề nghiệp sau này thì tính sau.
Khác với họ, những bạn cảm thấy mình không đủ sức thi đại học hay trượt đại học, khi quyết định chọn một ngành nghề nào theo học là họ đã có định hướng riêng cho tương lai mình.
Trượt đại học, Tuấn buồn chán không thiết làm gì, được sự động viên của gia đình và tự nhận thức được sức mình không đủ để đặt chân được vào ngưỡng cửa ấy, Tuấn đã quyết định theo bố đi học nghề sửa chữa xe máy, ô tô. “Làm riết rồi thành quen và yêu nghề” đó là câu chia sẻ của Tuấn khi được hỏi. Nhìn hình ảnh cậu học trò ngày nào giờ đã tự kiếm được tiền và trở thành một thợ sửa chữa lành nghề, nhiều bạn bè vô cùng thán phục và yếu mến. Cảm giác có lỗi với gia đình vì trượt đại học cũng không còn ám ảnh Tuấn nhiều như trước.
Trên các phương tiện truyền thông hiện nay nói rất nhiều về bài toán “Giải quyết tình trạng thừa thầy thiếu thợ” của cả xã hội, cùng với đó là rất nhiều các cơ sở dạy nghề mở ra đáp ứng nhu cầu theo học của các học viên. Một số nghề đang hút được nhiều học viên theo học là sửa chữa điện thoại, ô tô, xe máy, máy tính, điện lạnh…thợ hàn, thợ điện, thợ cơ khí hay hướng dẫn viên du lịch, điều dưỡng…
Nhiều bạn vì ngại với bạn bè, thầy cô, thậm chí cả gia đình nên cứ cố, cố mãi, cố mãi để vào đại học. Tâm lý ấy khiến bạn trở nên nhụt chí hơn bao giờ hết. Hãy tỉnh táo lựa chọn cho mình bước đi. Học nghề không có gì là đáng xấu hổ hay thấp kém. Định hướng đúng bước đi tiếp theo phù hợp với năng lực bản thân và hoàn cảnh gia đình chính là thành công bước đầu của bạn rồi đấy.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Video đang HOT
Đi du học
Nhắc đến du học là ai ai cũng thấy ẩn chứa sau câu nói ấy là cả một niềm hãnh diện. Tuy nhiên, hãnh diện cũng có 5, 7 loại. Người thì hãnh diện vì dành được học bổng du học nước ngoài, người thì vì kết quả học tập tốt, nỗ lực suốt 12 năm cuối cùng cũng được đền đáp nhưng cũng không thiếu kẻ hãnh diện khi cho rằng bạn bè sẽ phải lác mắt khi thấy mình được đi du học.
Nếu như một vài năm trước đây, đi du học là cả một vấn đề lớn. Dường như chuyện đó chỉ dành cho những bạn có thành tích học tập thật xuất sắc được nhà nước hay tổ chức nào đó cử đi, hoặc phải giành được học bổng qua thi cử thì nay, chỉ cần gia đình có tiền là có thể biến ước mơ ra nước ngoài học đó thành hiện thực ngay tức khắc.
Lý do đi du học cũng vô cùng đa dạng: học ở nước ngoài sẽ tạo ra một môi trường vô cùng lý tưởng, giúp các bạn tiếp cận với nền văn minh mới, với các thành tựu khoa học vĩ đại và nguồn tri thức vô cùng phong phú. Đó là những lý do tích cực của những bạn thực sự có ý chí, quyết tâm học tập. Còn với những bạn dùng tiền của gia đình để đi du học, coi việc đó như đi chơi thì du học quả là một chuyến du lịch thú vị, vừa có tiền chu cấp, lại vừa có không gian để thỏa sức vẫy vùng mà không sợ bị quản lý, lại được cái tiếng đi học trường Tây. Quả là vẹn cả 3 đường.
Hoài Thương (cựu học sinh trường Lương Thế Vinh, Hà Nôi) chia sẻ: “Mình rất vui khi được đi du học. Ở đây, mình được tiếp xúc với nhiều người hơn, mở rộng tri thức hơn và đặc biệt là khả năng ngoại ngữ của mình tăng lên đáng kể”.
Nhiều bạn, ngay từ khi lên cấp 3 đã định hướng cho mình một con đường duy nhất, đó là đi du học. Điều đó giúp các bạn nỗ lực hơn trong học tập bởi du học là để học, chứ không phải để chơi. Cũng không ít bạn khi đứng trước sự lựa chọn giữa thi đại học trong nước hay đi du học không khỏi phân vân. Học đại học trong nước sẽ được ở gần gia đình, bè bạn, không phải đối diện với cảm giác nhớ nhà da diết nhưng du học lại được coi là cánh cửa tri thức mới, nơi nung đúc những ước mơ của bạn thành công hơn.
Không ai phủ nhận các trường đại học trong nước ngày càng tiến bộ trong giáo trình giảng dạy và phương tiện truyền đạt, tuy nhiên các trường đại học ở nước ngoài vẫn được đánh giá cao hơn về vấn đề này. Nếu vẫn còn phân vân thì hãy tham khảo ý kiến cha mẹ, người thân và xem xét sức học của mình cùng tài chính gia đình, lúc ấy bạn sẽ có được một quyết định sáng suốt.
Đừng vì danh hão
Cái danh hão được đi học ở nước ngoài hiện nay vẫn còn ăn sâu vào máu của nhiều người dân Việt Nam. Các bậc phụ huynh đôi khi chỉ vì muốn được bằng người này người kia với suy nghĩ: “Nhà mình thế này kém gì nhà kia mà nhà họ cho con đi du học được, nhà mình lại không” nên đã không tiếc tay vung tiền cho con đi du học dù biết rõ sức học con mình tới đâu. Hay nhiều gia đình, vì thấy con trượt đại học hay không có khả năng thi đại học đã vội làm hồ sơ, thủ tục cho con đi du học để tránh làm mất mặt cha mẹ.
Dân gian xưa vẫn có câu “Bệnh sĩ chết trước bệnh siđa” để chỉ tác hại của bệnh háo danh, sĩ diện. Không phải ai khi đặt chân ra nước ngoài học tập đều thành công. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như học lực, tri thức, nghị lực, và môi trường xung quanh… Đã có rất nhiều học sinh Việt Nam đi du học va vấp, ăn chơi chác táng, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của của gia đình.
Tạm kết, có nhiều con đường để bạn lựa chọn cho tương lai. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo lựa chọn để con đường ấy không biến thành con đường lắm chông gai nhé!
Theo PLXH
Cuối học kỳ, teen 12 và những triệu chứng
Sau khi kết thúc kì thi cuối kì, nhiều teen 12 bắt đầu có những triệu chứng chán nản, mệt mỏi... Nhất là khi tết đến gần, một số teen đã có ý định "xả hơi" nguyên một tháng để ăn tết.
Buồn ngủ
Với cường độ học của một teen 12 thì việc thiếu hụt giấc ngủ là chuyện rất bình thường. Đặc biệt, khi teen 12 vừa trải qua kì thi cuối kì thì trung bình một teen chỉ ngủ từ 5-6 tiếng mỗi ngày. Vì thiếu ngủ nên khi đến lớp, teen cứ gật gù không thể nào tập trung vào các môn học được. Đặc biệt là học các môn xã hội thì càng dễ khiến buồn ngủ hơn.
H.Tuyết (teen 12 THPT NT) cho biết: "Học buổi chiều thì mức độ buồn ngủ càng tăng gấp bội, sáng đi học thêm, trưa học chính, tối học thêm đến 9h rồi về làm bài tập, đi ngủ vào lúc 12h. Đó là mình, còn với mấy đứa khác thì cày đến 2h sáng nên mắt đứa nào cũng đen thui".
Khất nợ
Chuyện học môn chính bỏ môn phụ là chuyện thường tình ở teen 12 nên việc kiểm tra bài cũ với teen là những giờ phút đấu tranh nhất. Với một số lớp chuyên, ngoài những môn chính ra, thầy cô các môn phụ thường khá thoáng khi cho điểm. Tuy nhiên vì thoáng và dễ quá nên nhiều teen đâm ra ỷ lại không chịu học bài, cứ khất nợ hết ngày này sang ngày khác. Đợi lúc thầy cô cho điểm xấu thì lại tới năn nỉ ỉ ôi.
T.Linh (teen 12 THPT TP) nói rằng: "Thầy cô dạy mấy môn phụ kiểm tra bài khá thoáng vì họ mang tâm lý dạy cho học sinh đủ điểm nên bọn tớ cũng dễ kiếm điểm lắm. Lớp tớ có vài đứa không học bài, không chép bài mà mỗi lần bị kêu lên bảng là xin khất nợ, môn nào cũng vậy. Gần ngày thi học kì, ngoài việc phải ôn lại thì bạn đó còn phải ra sức học mấy môn phụ để có điểm vì dưới 3.5 là phải thi lại chứ đòi gì đến thi TN và ĐH".
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Chủ quan
Đây là triệu chứng thường gặp ở một số teen, do tâm lý chưa ổn định nên nhiều teen rất chủ quan về kết quả học của mình. Lúc nào cũng nghĩ rằng bài học đó chắc dễ hiểu lắm thôi đem bài môn khác ra học để tiết kiệm thời gian. Tiết kiệm không được bao nhiêu chỉ thấy teen ngày càng mất căn bản, kiến thức thì thiếu hụt. Một số teen nghĩ rằng trước giờ mình học khá môn đó nên giờ không cần học nhiều cũng đủ xài. Mang tâm lý như vậy càng khiến cho teen phí phạm thời gian và lực học càng đi xuống.
Ngoài ra, thói quen dồn ứ bài tập vì cứ nghĩ rằng thời gian còn nhiều, dồn bài tập lại một lần làm luôn cho tiện khiến teen nhiều phen "vắt chân lên cổ". Một trong những kinh nghiệm học tập của một teen 12 thì không bao giờ dồn bài tập lại, học bài nào thì "xào" bài ấy ngay tại lớp hoặc về nhà làm liền. Dồn lại lâu dần teen sẽ choáng ngợp, lúc đó teen sẽ chán nản và sẽ bỏ luôn.
Tâm lý gần tết
Tâm lý xả hơi sau kì thi có thể bắt gặp ở hầu hết các lớp, sau mỗi đợt thi là teen í ơi nhau rủ đi chơi xa. Xét về mặt tích cực thì đây là cách để teen xả stress nhưng mà lạm dụng quá thì không thể được. Teen không thể nào mang tâm lý chơi bời như thế suốt một tháng, chỉ cần qua cái tết là sẽ đến kì thi cuối học kì 2, rồi đến thi tốt nghiệp, đại học. Teen không có thời gian nhiều để tận hưởng niềm vui ấy lâu đâu.
Thời gian rất nhanh vì thế teen cần phải biết phân bố thời gian thích hợp giữa việc học, chơi nhưng không được quá thiên về một cái. Chỉ còn một tháng nữa là tết đến mà teen đã hò nhau nghỉ học để sắm sửa đồ tết, rủ nhau chuồn học đi chơi... thì không nên chút nào đâu. Sau này khi thời gian không còn nhiều thì lúc đó teen có hối hận cũng không kịp nữa rồi.
Hãy dành một ít thời gian nhìn lại bản thân để xem thử mình đang mắc phải triệu chứng gì để nhanh chóng tìm cách khắc phục và cố gắng phấn đấu thêm nhé!
Theo PLXH
Teen 12 với sự lựa chọn ngành thi đại học Khi lựa chọn một ngành học cho riêng mình, bạn sẽ bị cuốn vào dòng chảy thông tin về ngành học ấy, nhưng đừng để vẻ hào nhoáng bên ngoài đánh đổ những phán xét cũng như sự quyết đoán của bạn nhé! Chọn ngành gì để theo học? Chọn theo ý kiến của bố mẹ hay niềm đam mê của bản thân?...