Học nghề cũng là cách thực hiện giấc mơ
Học trò tôi không có điều kiện để theo đuổi giấc mơ vào đại học, cũng không có cơ hội để học ở một trường nghề chính quy.
Ảnh minh họa/INT
Em cũng không phải là một điển hình thành công nhưng tôi muốn kể ra đây câu chuyện vượt khó học nghề của em với hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ: HỌC NGHỀ CŨNG LÀ TƯƠNG LAI.
Học trò bảo đi học nghề, tôi hoang mang…
Em từng nói với tôi về ước mơ muốn trở thành một kiến trúc sư nhưng sau đó lại bảo muốn trở thành đầu bếp. Tôi vui vẻ chúc em sẽ trở thành một đầu bếp giỏi. Mọi thứ cứ tưởng là lý thuyết, nhưng khi em bảo sẽ đi học nghề nấu ăn thì tôi ít nhiều hoang mang.
Tôi thấy tiếc. Học lực không phải là ưu thế nhưng em rất năng nổ, xông xáo. Với tác phong nhanh nhẹn và học lực tầm khá thì việc sở hữu tấm bằng đại học và một công việc ổn định là không quá khó với em. Nhưng trong buổi liên hoan chia tay lớp 9, lớp trưởng Trần Trung Chính nói sẽ đi học nghề.
Tôi thấy bất an nên hỏi: Sao em không học tiếp? Em thưa, nhà không có điều kiện. Đi học tiếp là vắt kiệt công sức của ba mẹ. Có tấm bằng đại học rồi thì chưa chắc đã kiếm được việc làm, em thấy không ổn. Để bảo đảm kinh tế, không phải bỏ học giữa chừng thì em chỉ còn cách đi học nghề.
Thật tình thì em muốn vào một trường nghề nhưng hoàn cảnh không cho phép. Em sẽ vào làm ở nhà hàng, ba của bạn em là ông chủ, bác ấy đã đồng ý cho em vào bếp của nhà hàng phụ việc và học nấu ăn.
Trong tình huống đó, tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc cầm tay em bảo cố gắng…
Gặp lại em sau mười năm
Gặp lại sau mười năm, em tự tin kể: Thời gian đầu vào bếp học nghề, mọi thứ không như ở trường học. Cũng có lúc chán nản, em cứ tự hỏi, liệu mình làm thế này có đúng không? Phải mất một thời gian em mới thích nghi với môi trường mới.
Và không lâu sau đó em nhận ra lựa chọn của mình là đúng, điều đúng nhất là em có cơ hội sớm để thể hiện sở trường. Bây giờ nếu thời gian quay ngược, nếu nhà có điều kiện, em vẫn chọn đi học nghề.
Khi được hỏi em có thấy tri kiến của mình thua các bạn cùng trang lứa thì em trả lời rất bản lĩnh: Em không có lí do để tự ti khi không theo học đại học. Mỗi người có một thế mạnh và một hoàn cảnh khác nhau.
Em nhận ra tri thức không liên quan lắm đến nhận thức. Em còn nghĩ, học cho tới cùng cũng là học để làm người, có việc làm, kiếm tiền thôi. Em thua các bạn về bằng cấp chính quy nhưng em tự trau dồi, tự rèn luyện và có cơ hội va chạm cuộc sống sớm nên em có trải nghiệm, vốn sống, kĩ năng sống thì em không thua.
Tôi tò mò hỏi công việc của em bây giờ thế nào, thu nhập ra sao thì Chính khiêm tốn chia sẻ: Hiện em chỉ là đầu bếp một nhà ăn nhỏ ở Sóc Trăng. Thu nhập không cao nhưng đủ sống và hàng tháng cũng có gửi về cho ba mẹ chút ít.
Tôi hỏi thêm, điều gì khiến em bằng lòng với lựa chọn của mình thì Chính mỉm cười: Vui nhất là em được là chính mình, được làm công việc mà em yêu thích. Nấu ăn, người ta vẫn nghĩ nghề này chẳng cần trình độ nên không cao quý (có khi không được xem trọng) nhưng em không xem nghề này chỉ là công việc nuôi thân.
Với em, nghề là nghiệp, nghề là cuộc sống nên bản thân mỗi ngày cố gắng, sáng tạo và sáng tạo. Chính thổ lộ ước mơ mở một trung tâm dạy nấu ăn, nếu nhỏ hơn sẽ là một lớp dạy nấu ăn.
Em muốn đó sẽ là một trường nghề cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng vào đại học. Em muốn trung tâm đó sẽ tồn tại dưới hình thức vừa học vừa làm – như ngày xưa em đã theo học.
Kết thúc câu chuyện, tôi và em đều tâm đắc với ý nghĩ: Học đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, học nghề cũng là tương lai. Mừng vì em đã chọn đúng đường để phát huy sở trường.
Tôi sẽ dõi theo em, sẽ chờ đợi trung tâm/lớp nấu ăn vừa học vừa làm của em, cầu mong ước mơ đó sẽ sớm đạt thành tựu.
Thay vì bám nương rẫy, "có chữ, có nghề, đời con bớt khổ"
Ước mơ kiếm cái chữ, cái nghề để thoát nghèo, ngày càng nhiều các bạn trẻ dân tộc thiểu số ở miền núi Lào Cai hăng hái rời bản xuống thành phố đi học nghề.
Thay vì ở nhà bám nương bám rẫy, những năm gần đây tỉ lệ các thanh niên dân tộc thiểu số đi học nghề đã tăng đều qua hàng năm. Việc học nghề gắn với đầu ra, cam kết có việc làm ngay khi ra trường đã khiến nhiều gia đình ở vùng rẻo cao tin tưởng gửi con đi học ở các trường nghề với mong muốn thoát nghèo, bớt khổ.
Gia đình 7 người nhà anh Lý Giúc Tiến (xã Nậm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) quanh năm trông chờ vào nương ngô, nương sắn với thu nhập ít ỏi. Vợ chồng anh Tiến làm lụng vất vả chỉ mong con có cái chữ, cái nghề để con không vất cả như bố mẹ. Con gái đầu lòng của anh Tiến là Lý Thị Trúc hiện là sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai (TP. Lào Cai).
Anh Lý Giúc Tiến và con gái Lý Thị Trúc đang bê bao tải gừng đi bán.
Mẹ (áo xanh), bà (áo đen) và 3 em của Trúc.
Anh Tiến tâm sự: "Muốn nuôi con đi học. Nhà không có điều kiện, cứ hết tiền tôi lại đi làm thuê để nuôi con. Lúc nào cũng vội vội vàng vàng, đưa con xuống trường rồi lại quay về. Có lúc thì gửi gạo xuống cho con ăn rồi lại vội quay về vì ở nhà con nhiều anh em. Mong con kiếm được nhiều tiền hơn, tôi sẽ cố gắng đi làm thuê để con được học đến nơi đến chốn".
Không quản ngại xa xôi, Trúc đã vượt chặng đường gần 100 cây số để xuống trường Cao đẳng Lào Cai học nghề với ước mơ trở thành tấm gương cho các em của mình.
Lý Thị Trúc đang chăm các em nhỏ của mình.
Em Lý Thị Trúc chia sẻ: "Em xuống thành phố học nghề. Là con cả, em muốn các em sau này lớn lên có động lực đi học như em. Bố mẹ em ở nhà vất vả đi làm thuê, bán ngô sắn khoai... để gửi tiền xuống hàng tháng cho em chi tiêu.
Nhà trường vẫn trợ cấp cho em hộ nghèo, hộ cận nghèo mỗi tháng 1,5 triệu (Một kỳ lấy tiền một lần). Khoản tiền này đã tiếp thêm động lực và hỗ trợ cho em theo đuổi học nghề. Em đi học muốn được đổi đời, không còn mãi ở dưới quê nữa. Em muốn lên thành phố làm việc".
Trúc vượt qua gần 100 cây số xuống thành phố học nghề.
Em Vàng Thị Thơ, bạn thân của Lý Thị Trúc cũng rời bản xuống thành phố học nghề tại Khoa Du lịch, trường Cao đẳng Lào Cai. Thơ tâm sự: "Em có chị và em. Chị em học nghề xong đã có công việc ổn định. Em bây giờ cũng đang học. Học nghề không mất chi phí nhiều, em được nhà trường cung cấp tiền trợ cấp cho hàng tháng".
Em Vàng Thị Thơ - Sinh viên Khoa Du lịch, trường Cao đẳng Lào Cai.
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc công ty và Giám đốc đại lý Toyota Lào Cai chia sẻ: "Chúng tôi muốn tìm nguồn lao động có nguồn gốc từ tỉnh Lào Cai. Do đó, chúng tôi đã liên kết với các trường đào tạo trong tỉnh như trường Cao đẳng Lào Cai, Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề. Công ty cũng liên kết với các cơ sở đào tạo nghề ở Hà Nội để đào tạo kỹ thuật viên về làm kỹ thuật ô tô một cách bài bản chính quy.
Trong giai đoạn vừa rồi, chúng tôi đã ký kết hợp tác với Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề, trường Cao đẳng nghề Lào Cai cam kết nhận bất kỳ một sinh viên nào có học lực từ khá trở lên - nhận ngay từ lúc các em đang học.
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc công ty và Giám đốc đại lý Toyota Lào Cai.
Vừa qua, Toyota Lào Cai cũng nhận từ Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề 10 người, từ trường Cao đẳng Lào Cai hơn 30 người.
"Về kết quả, chúng tôi phải công nhận các bạn sinh viên mới ra trường có kỷ luật lao động, tinh thần học hỏi cao hơn rất nhiều so với các lao động khác. Về chuyên môn, các bạn mới ra trường tay nghề còn thấp thì vào đây chúng tôi sẽ hỗ trợ sau khi các bạn tốt nghiệp thì chúng tôi sẽ gửi về Trung tâm đào tạo của Toyota Lào Cai ở Lai Xá, Hoài Đức (Hà Nội) đi đào tạo nâng cao. Về cơ chế chính sách, tiền lương và chế độ ăn ở, chúng tôi cũng dành cho các bạn chính sách tốt nhất", ông Tuyên cho hay.
Thanh niên dân tộc thiểu số ở Lào Cai rời bản đi học nghề.
Anh Thào Seo Vư, người dân tộc Mông ở huyện Si Ma Cai, vốn là cựu học sinh trường Cao đẳng Lào Cai đang làm việc tại đại lý Toyota Lào Cai chia sẻ: "Ngành này rất tốt, vào ngày này nói chung mình phải cố gắng và chịu khó thì sẽ làm được. Tôi mong muốn sẽ làm ở những vị trí cao hơn và có một mức thu nhập cao hơn".
Anh Thào Seo Vư, người dân tộc Mông ở huyện Si Ma Cai đã tốt nghiệp trường nghề và đang làm kỹ thuật viên sửa chữa ô tô với thu nhập khá.
Theo ông Hoàng Quang Đạt - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lào Cai: "Hầu hết sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai sau khi ra trường đều có doanh nghiệp đặt hàng, cơ bản được nhận ngay. Và ngay từ khi thực tập các em đã được doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, nhận vào làm nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ nguồn để tuyển dụng.
Vị Hiệu trưởng trường nghề nhấn mạnh: "Rất nhiều các chính sách trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích sản xuất phát triển. Tuy nhiên, xóa đói giảm nghèo tốt nhất bền vững nhất là đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn".
Và thực tế đã chứng minh có những xã đã thoát nghèo, làm giàu được bởi vì ở khu vực đó có một nhà máy. Người lao động được đào tạo ở trường nghề rồi ra làm việc tại đó. Đây không chỉ là giải pháp xóa đói giảm nghèo mà còn giúp tăng cường công tác đảm bảo an ninh nông thôn. Cứ địa phương nào có nhiều người được đi đào tạo nghề, làm việc tại các doanh nghiệp, có nguồn thu nhập mang về thì an ninh của nơi đó được tốt hơn và xóa đói giảm nghèo được bền vững.
Thay vì ở nhà bám nương bám rẫy, những năm gần đây tỉ lệ các thanh niên dân tộc thiểu số tại Lào Cai đi học nghề đã tăng đều qua hàng năm.
Bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho hay: "Tỉnh định hướng dạy nghề phải theo đáp ứng nhu cầu của thị trường. "Cung" của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng "cầu" của doanh nghiệp đặt hàng. Do vậy, việc đào tạo này có chất lượng ngày nâng lên và thu hút số lượng con em Lào Cai vào học rất đông. Khi học xong ở những trường này các em đều có cơ hội tìm việc làm và nâng cao mức sống của mình".
Khát vọng lập thân, lập nghiệp của "Học sinh 3 rèn luyện" ở Hà Tĩnh Danh hiệu "Học sinh 3 rèn luyện" do Trung ương Đoàn trao tặng là nguồn động lực lớn khích lệ tinh thần học tập, khát vọng lập thân, lập nghiệp của các em Trần Xuân Hoàn và Lê Thị Mỹ (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức, Hà Tĩnh). Trần Xuân Hoàn và Lê Thị Mỹ - học sinh Trường Cao đẳng Kỹ...