Học ngành Y tại Đức vất vả như thế nào?
Để trở thành bác sĩ tại Đức là một chặng đường khó khăn. Chỉ 15% học sinh có điểm cao nhất được nhận vào các trường Y và chưa tới 40% sinh viên tốt nghiệp mỗi năm.
Những ngày qua, tôi theo dõi trên các phương tiện truyền thông, thấy nhiều ý kiến tranh cãi về việc tuyển sinh và đào tạo ngành Y Dược của các trường dân lập ở Việt Nam.
Trải qua hơn 10 năm học Y khoa và làm việc tại Đức, tôi muốn chia sẻ trải nghiệm của mình về việc đào tạo Y Dược ở quốc gia có nhiều khác biệt với Việt Nam.
Tuyển khắt khe, học vất vả
Đức không có kỳ thi đại học, thay vào đó là xét điểm thi tốt nghiệp phổ thông để vào các trường đại học. Theo khảo sát của Viện nhân khẩu học Allensbach, trung bình hàng năm, 10%-15% số học sinh đăng ký được các trường đại học Y tuyển.
Điểm tốt nghiệp cấp ba tối thiểu của những học sinh trúng tuyển khoảng 1 đến 1,1 (tương đương 9,7 – 10 điểm ở Việt Nam). Nếu đạt điểm tương đương 8,5 đến 9, bạn sẽ phải đợi từ 5 đến 6 năm để có thể được nhận vào học.
Quá trình học ngành Y ở Đức được chia làm 2 giai đoạn: Học tổng quan lý thuyết và thực hành khám, chữa bệnh. Cuối kỳ sẽ có các bài thi cho mỗi môn học.
Ngoài ra, có 3 kỳ thi lớn gọi là Kỳ thi quốc gia (Staats exam) với hội đồng thi gồm cả cán bộ ngành giáo dục và y tế. Điều kiện để tham gia là sinh viên phải đỗ hết các bài thi ở cuối mỗi kỳ học. Nếu không tham gia hoặc trượt một trong ba kỳ thi lớn này, sinh viên buộc phải chờ tối thiểu 6 tháng để thi lại.
Học ngành Y đòi hỏi người học phải biết tổng hợp kiến thức để áp dụng vào các trường hợp lâm sàng thực tế. Các kỳ thi cũng chính là một lần sàng lọc chất lượng sinh viên. Vì thế, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Y khoa luôn thấp.
Cũng vì những khó khăn trên nên số lượng sinh viên Việt Nam theo học ngành này ở Đức rất ít. Trong các năm theo học Nha khoa, tôi gần như không bao giờ có kỳ nghỉ, thay vào đó là các buổi thực tập tại phòng khám ở Đức và Việt Nam để tích lũy kinh nghiệm.
Cơ sở vật chất hiện đại
Sinh viên Y khoa ở Đức luôn nhận được sự hỗ trợ từ phía trường học và xã hội. Ký túc xá thường được đặt trong khuôn viên trường, phương tiện giao thông công cộng thuận tiện.
Đại học Tổng hợp Hamburg – nơi tôi từng theo học – có thư viện dành riêng cho ngành Y Dược với 6 tầng và hàng nghìn đầu sách. Đây là nơi sinh viên học tập và thực hành chữa bệnh từ những năm đầu tiên đến lúc tốt nghiệp.
Video đang HOT
Nguyễn Anh Ngọc tại phòng thực hành khám bệnh của Đại học Tổng hợp Hamburg. Ảnh:NVCC.
Nói riêng về trang thiết bị ngành Nha khoa, Đại học Tổng hợp Hamburg có nhiều Labor răng giả với tổng cộng 150 bàn làm việc. Rất nhiều ghế khám với trang thiết bị như phòng khám thật sự cho sinh viên thực tập.
Đại học Tổng hợp Hamburg, cũng như các trường tổng hợp có đào tạo ngành Y trên toàn nước Đức, đều có 1 bệnh viện riêng phục vụ cho thực hành và nghiên cứu. Đây thường là những bệnh viện lớn và uy tín của thành phố, nơi tập trung các giáo sư, bác sĩ đầu ngành.
Ở Đức, việc đào tạo ngành Y, Dược hầu như chỉ được tổ chức ở những trường đại học tổng hợp quy mô lớn, cũng như một số trường đại học của riêng ngành Y (như Medizin Hochschule Hanover).
Giảng viên và điều kiện thực tập
Các bác sĩ – giảng viên Y, Dược tại Đức đều là những chuyên gia đầu ngành. Họ có trách nhiệm giảng dạy, giám sát chặt chẽ, hướng dẫn tận tình cho sinh viên trong việc thực hành khám, chữa bệnh.
Ngành Nha khoa nói riêng, mỗi bác sĩ hướng dẫn và kèm cặp 5 đến 8 sinh viên trong một kỳ học. Sau mỗi năm học, sinh viên sẽ được đổi bác sĩ, giáo sư hướng dẫn. Qua đó, các bác sĩ tương lai cũng học thêm được kinh nghiệm và phương pháp chữa bệnh khác nhau từ nhiều người.
Mỗi buổi thực hành chữa bệnh, sinh viên đều phải báo cáo kế hoạch và kết quả làm việc cho người hướng dẫn. Người hướng dẫn chịu trách nhiệm trước bệnh nhân và đặc biệt là pháp luật về những việc sinh viên của mình thực hiện.
Ngoài việc học và hoàn thành các bài thi, mỗi sinh viên phải khám, chữa đủ số lượng bệnh nhân theo yêu cầu. Những bệnh nhân này được bệnh viện chọn lựa cho phù hợp khả năng của người học.
Sinh viên tham gia chữa bệnh như một bác sĩ thực thụ, gồm tư vấn, khám bệnh và chữa cho bệnh nhân đến tận cùng của yêu cầu bệnh án.
Tốt nghiệp và hành nghề
Kỳ thi tốt nghiệp đại học là bước thử thách khắc nghiệt nhất với sinh viên Y khoa. Kỳ thi của Bác sĩ nha khoa kéo dài trong 4 tháng với 18 lần thi (các bài thi đều là vấn đáp với giáo sư chuyên ngành). Sau đó là một tháng thi thực hành chữa bệnh ở bệnh viện.
Đây là khoảng thời gian thử thách rất lớn vì nếu trượt một môn, hoặc điểm trung bình cuối cùng của các môn thi không đạt yêu cầu, sinh viên phải thi lại toàn bộ cả kỳ thi trong 6 tháng sau. Theo thống kê của báo Spiegel, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2015 ở Đức đạt 36%.
Chỉ khi có đủ khả năng hành nghề và làm chủ được các tình huống, sinh viên mới được ra trường. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Y lại phải tham gia các khóa học cấp chứng chỉ hành nghề.
Những khóa học này, tùy theo thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn mà người tham gia sẽ được nhận chứng chỉ. Phải đủ số lượng chứng chỉ theo yêu cầu, bác sĩ mới được cấp giấy phép hành nghề của hiệp hội bác sĩ bang hoặc thành phố.
Việc cấp giấy phép hành nghề bác sĩ đòi hỏi chuyên môn và những điều kiện như chứng nhận của cơ quan pháp luật. Chính vì những yêu cầu khắt khe trong quá trình đào tạo và hành nghề nên chất lượng của đội ngũ bác sĩ tại Đức luôn được đánh giá cao ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Thạc sĩ, bác sĩ Nha khoa Nguyễn Anh Ngọc sinh năm 1985, là một trong 2 thủ khoa ngành Nha khoa tốt nghiệp năm 2013 tại Đại học Tổng hợp Hamburg, Đức.
Anh từng giành giải thưởng sinh viên xuất sắc của Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức và nằm trong danh sách 13 cá nhân người Việt tiêu biểu của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức.
Hiện, bác sĩ Nguyễn Anh Ngọc hành nghề tại Đức, là thành viên Hiệp hội Bác sĩ Nha khoa bang Schleswig Holstein và thành phố Hamburg.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Ngọc
Báo động 'loạn' đào tạo Y Dược
Mấy năm gần đây, nhiều vụ khiếu nại về đào tạo có nguyên nhân từ việc quá nhiều trường được cấp phép mở đủ các ngành, trong đó có Y Dược, xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Một trong những trường để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, tai tiếng hơn cả, là trung cấp Y dược Hà Nam (YDHN). Được cấp phép mở phân hiệu II tại Đắk Lắk từ tháng 1/2013, văn phòng bé tí tựa lưng ngay vào tường rào của trường Đại học Tây Nguyên, ban đầu YDHN tự giới thiệu tuyển sinh 2 ngành Y sĩ, Điều dưỡng với quy mô tăng dần, từ 250 học viên (HV) năm 2012-2013, đến 1.200 học viên năm 2015-2016.
Tuy nhiên, dù thiếu thốn cả đội ngũ giáo viên lẫn phòng ốc, trang thiết bị, chỉ tới tháng 5/2014, YDHN đã có báo cáo lên Sở GD&ĐT Đắk Lắk là ngay trong năm 2012-2013 YDHN đã tuyển sinh và đào tạo tới 1.300 HV, và " nhân tiện" đề nghị Sở tham mưu cho UBND tỉnh cho phép trường "được gửi đào tạo 60 chỉ tiêu đại học chính quy, gồm 50 bác sĩ đa khoa và 10 dược sĩ đại học".
Đại học Buôn Ma Thuột mới mở đã chiêu sinh rất nhiều ngành, trong đó có Bác sĩ đa khoa. Ảnh: Tiền Phong.
Đặc biệt dễ dãi với "ca lạ" này, lãnh đạo các cấp gồm Sở GD&ĐT Đắk Lắk, UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT đã lần lượt thực hiện các thủ tục liên quan, với kết quả sau cùng là bổ sung 15 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ đa khoa cho trường Đại học Tây Nguyên, trong đó có 5 chỉ tiêu do YDHN giới thiệu.
Chỉ trong vòng 6 ngày từ khi được tỉnh phân bổ 5 chỉ tiêu này, YDHN đã tuyển xong 5 sinh viên mà không cần lập hội đồng xét tuyển, không thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tiếp đó, UBND tỉnh lại đồng ý cho YDHN liên kết với trường trung cấp Tổng hợp Hà Thái đào tạo 300 học viên Sư phạm Mầm non, dù trên địa bàn tỉnh đã có trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk đầy đủ cơ sở đào tạo khang trang và bề dày thành tích hoạt động. Rốt cục, phi vụ "liên kết" giữa Hà Nam và Hà Thái đã không tuyển được HV nào.
Hơn thế nữa, ông Trịnh Văn Toàn, quyền trưởng phân hiệu II của YDHN lại cùng ông Phan Gia Đức nhân viên thuộc quyền tự ý sửa hồ sơ, phết thêm điểm cho thí sinh Y Tem Niê không có tên trong danh sách trúng tuyển đầu vào nhưng vẫn được dự thi tốt nghiệp ngày 18/10/2014.
Tai tiếng lan ra, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã thu hồi và hủy bằng tốt nghiệp đã cấp cho học viên Y Tem Niê, khẳng định YDHN đã vi phạm quy chế đào tạo.
Ông Toàn bị kỷ luật thôi chức từ tháng 12/2014, nhưng cho tới kỳ tuyển sinh 2015 YDHN vẫn lấy hình ảnh ông này kèm chức danh trưởng phân hiệu II để quảng cáo; còn ông Đức vẫn "cố đấm ăn xôi" gây thêm 1 vụ ra giá bán điểm bị học viên ghi âm tố cáo "muốn bằng khá phải 5 chai trở lên", rồi mới bị buộc thôi việc.
Tháng 10/2015, anh trai của một học viên đang theo học ngành dược sĩ của phân hiệu II YDHN gửi đơn đến Sở, phản ánh chất lượng đào tạo của trường này quá kém, giảng viên thường xuyên không lên lớp, toàn bắt HV tự chép giáo án cho qua giờ.
Đã vậy, phân hiệu II YDHN tại Đắk Lắk lại còn tiếp nhận 130 học viên trung cấp Y, Dược không có hồ sơ liên kết từ Gia Lai sang Đắk Lắk, thuê phòng trọ cho các em này ở tạm để được học, lý do vì phân hiệu Gia Lai của YDHN bị phát hiện chưa được tỉnh Gia Lai cấp phép hoạt động đã tự ý tuyển sinh chui, hứa hẹn sẽ hỗ trợ tiền thuê trọ nhưng không thực hiện.
Số phận long đong của 130 học viên này tới nay vẫn chưa tới hồi kết. Riêng trong năm 2015, phân hiệu II YDHN tại Đắk Lắk đã tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp và không có sự giám sát của Sở GD-ĐT và Sở Y tế.
Còn tại Ninh Thuận, sau đợt kiểm tra tháng 3/2015 của Sở Y tế Ninh Thuận đối với phân hiệu của YDHN đặt tại tỉnh này, phát hiện đủ thứ sai phạm, Sở GD&ĐT Ninh Thuận đã quyết định buộc YDHN tạm ngừng tuyển sinh từ năm 2015-2016.
Vừa trung cấp lên ĐH, tuyển sinh ngay... Bác sĩ đa khoa!
Việc cấp phép mở ngành dễ dàng đối với nhiều trường trung cấp, đại học mới được thành lập, còn thiếu rất nhiều điều kiện để hoạt động, khiến các trường công lập có bề dày thành tích đào tạo từ lâu trên địa bàn trở nên khó tuyển sinh.
Vừa được "lên đời" từ một trường trung cấp hình thành chưa lâu, Đại học Buôn Ma Thuột đã được cấp phép tuyển sinh nhiều ngành khó, trong đó có cả bác sĩ đa khoa và đại học Dược. Nhiều bác sĩ, dược sĩ tâm huyết trên địa bàn tỉnh đã phản ánh là họ hết sức lo ngại trước hiện tượng này.
Một dược sĩ thâm niên hơn 30 năm trong nghề chia sẻ : Đại học Buôn Ma Thuột vốn chỉ là một trường trung cấp non trẻ vừa "lên đời", lập tức đã được tuyển sinh đào tạo đại học cả ngành bác sĩ đa khoa lẫn dược sĩ, dư luận sao không khỏi nhức nhối?!
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên (ĐHTN) cho biết: Giai đoạn từ năm 2005-2009 ĐHTN có liên kết với trường đại học Y Dược TPHCM đào tạo Dược sĩ đại học được 5 khóa, tổng cộng chưa tới 100 dược sĩ được cấp bằng, để phục vụ nguồn lực cho địa phương. Sau đó, trường thôi không liên kết kiểu này nữa vì thấy hiệu quả đào tạo không cao, chất lượng dạy và học không bảo đảm.
Nguyên nhân chủ yếu vì ĐHTN chưa đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu cho khoa Dược, các thầy cô thỉnh giảng phải bay đi bay về liên tục mà học phí không tăng được, lịch dạy và học liên tục bị xáo trộn. Khi nào trường xây dựng xong đội ngũ giảng dạy và chuẩn bị chu tất thêm cơ sở vật chất, mới tiến tới việc đó.
Giáo sư Hoàng Tử Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược TP HCM mới đây đã chia sẻ nỗi buồn với PV việc ông được mời lên Tây Nguyên mở khoa Răng-Hàm-Mặt cho một trường đại học mới thành lập, với lời đề nghị: Thầy bận quá, nếu không tiện lên xuống thường xuyên, chỉ cần cho trường mượn tên cũng được! Ông đau xót đặt câu hỏi: Cho phép mở ngành Y, Dược tràn lan, lỏng lẻo theo kiểu này, thì tính mạng bệnh nhân sẽ ra sao?
Theo Hoàng Thiên Nga/Tiền Phong
'Trường mở ngành Y Dược không vì mục đích kinh doanh' Tại buổi họp báo sáng 28/11, GS Trần Phương - Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cho rằng, trường xin mở ngành Y, Dược từ năm 2012 và không vì mục đích kinh doanh. Mở đầu họp báo, GS Trần Phương chia sẻ, tên trường chỉ phản ánh những lĩnh vực chủ yếu, không bao gồm toàn bộ...