Học ngành gì để không bị robot thay thế?
Trước tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, học gì để tương lai không bị robot thay thế là băn khoăn của nhiều học sinh trước ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp.
Các công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển với tốc độ cực nhanh đã biến những thứ không thể thành có thể như xe hơi tự lái; ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đã thay thế con người từ hoạt động kinh doanh trực tuyến, vận chuyển hàng hóa, thậm chí là phẫu thuật cho con người.
Chủ đề tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “ nóng” trên nhiều diễn đàn quốc tế trong thời gian gần đây. Giới chuyên môn phải thừa nhận rằng công nghệ đang làm chủ thế giới và robot đang dần thay thế công việc của con người, thậm chí sự thay thế này còn rất hiệu quả.
Có một số diễn đàn ước tính sẽ có khoảng 70%-80% công việc hiện nay biến mất trong 20 năm tới. Không điều gì chắc chắn rằng công việc, ngành nghề bạn đang học sẽ còn được tuyển dụng trong tương lai.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: Kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo làm thay đổi cuộc sống. Google sẽ phủ sóng Wi-Fi toàn thế giới giúp sự giao tiếp giữa con người – thế giới ảo nhanh chóng. Xe chạy đã không cần đến tài xế, nhiều nhà máy trên thế giới chỉ có robot làm việc…
Thậm chí, dự báo trong tương lai tại Mỹ có khoảng 40 ngành nghề bị thay thế bởi robot, máy móc, trí tuệ nhân tạo.
Nhìn vào thực tế này, ngành chế tạo ra robot như cơ điện tử sẽ trở nên “hot”. Nhóm ngành công nghệ sẽ dẫn đầu xu hướng như: CNTT, công nghệ vật liệu nano, năng lượng, logistics, kỹ thuật y sinh…
Một trong những sáng chế của sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – chiếc máy bán phở tự động. Ảnh: Phụ Nữ TP.HCM.
Ông Phạm Thái Sơn, phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh ĐH Công nghiệp – Thực phẩm TP.HCM, phân tích: Với industry 4.0 người lao động đang phải đối mặt nguy cơ thất nghiệp từ việc ứng dụng công nghệ vào các mặt của đời sống, đặc biệt với công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo, nguy cơ rất lớn với một số ngành nghề và vị trí việc làm.
Trong tương lai, những ngành nghề đòi hỏi nhiều lao động tay chân như gia công may mặc, lắp ráp máy móc… dần sẽ được thay thế bởi robot.
Tuy nhiên, Robot, trí tuệ nhân tạo khác với con người ở chỗ cảm xúc và sự sáng tạo. Chính vì vậy, vấn đề không phải là ngành nào bị robot xóa bỏ mà là các ngành nghề đòi hỏi phải có sự đổi mới sáng tạo để phù hợp với xu thế mới.
“Ví dụ ngày xưa, nghề rèn dao theo dòng phát triển thì nghề này bị mất đi và việc sản xuất được chuyển thành quy mô công nghiệp và ứng dụng nhiều công nghệ mới. Tôi nói điều này để khuyên các bạn học sinh rằng con người bị thay thế không phải vì ngành nghề đó hoàn toàn bị xoá bỏ mà do yêu cầu cao hơn, nếu chúng ta không đáp ứng được sẽ bị thay thế. Vì vậy, điều quan trọng là các em trang bị những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để không bị đào thải”, ông Sơn nhấn mạnh.
Video đang HOT
Theo ông Sơn, ngoài nhóm ngành công nghệ (CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ truyền thông …), nhóm ngành dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn; nhóm ngành thiết kế sáng tạo; nhóm ngành dinh dưỡng và ẩm thực; nhóm ngành điện tử, cơ khí, tự động hóa; nhóm ngành quản lý, quản trị, nhóm ngành công nghệ chế biến… là những ngành mà robot, máy móc không thể thay thế con người hoàn toàn, là công cụ bổ trợ hiệu quả hơn.
Một chuyên gia hướng nghiệp chia sẻ: Những ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy và xúc cảm của con người rất khó bị thay thế. Theo bà, những nhóm ngành Sáng tạo nghệ thuật, chăm sóc y tế, giáo dục, pháp luật… vẫn “sống khoẻ”.
Một con robot không thể đứng trên vị trí vai trò của giáo viên để truyền thụ cảm hứng hay kinh nghiệm trong cuộc sống cho học sinh. Hay cả pháp luật cũng thế, robot không thể thay con người thực thi pháp luật.
Thạc sĩ Đinh Công Viễn Phương, phó phòng tuyển sinh, ĐH Văn Hiến, bổ sung: Lĩnh vực xã hội nhân văn khó có thể thay thế bởi máy móc không thể thay con người lên ý tưởng sáng tạo, đánh giá các hiện tượng xã hội học, hoặc tư vấn tâm lý, giải toả vấn đề khúc mắc cho con người…
Thậm chí, ở nhóm ngành kinh tế, robot cũng chỉ thay thế được một vài vị trí như bán hàng, vận chuyển… nhưng ở cấp quản lý, điều hành, hoạch định chiến lược thì đòi hỏi phải có bộ óc và bàn tay con người điều tiết.
Nói như vậy không có nghĩa các bạn học ngành này sẽ yên tâm không lo thất nghiệp, không gặp cạnh tranh. Trong xã hội mà Internet có thể làm thay đổi mọi thứ, việc đòi hỏi người lao động phải luôn làm mới mình như làm chủ công nghệ, thạo ngoại ngữ… để không bị đào thải, chất lượng công việc tốt hơn.
Theo Thanh Thanh / Phụ Nữ TP.HCM
Ước mơ chế tạo robot của chàng trai bị suy thận
Sốc khi biết mình bị suy thận giai đoạn cuối nhưng vượt qua tất cả, Nguyễn Hải Đăng đã có buổi bảo vệ luận án tốt nghiệp thành công với con robot do chính cậu chế tạo.
3 tháng trước buổi bảo vệ luận án tốt nghiệp của khoa Kỹ thuật máy tính, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đăng biết mình bị suy thận giai đoạn cuối.
Trải qua khoảng thời gian chới với, suy sụp tưởng như không vượt qua được, Đăng lấy lại tinh thần hoàn thành thiết kế robot còn dang dở. Cậu đến với buổi bảo vệ luận án, kiên trì thuyết trình kết quả nghiên cứu của mình trong hơn một giờ đồng hồ khiến thầy cô, bạn bè nể phục.
Buổi bảo vệ luận văn xúc động
Thầy Phan Văn Ca - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Máy tính viễn thông, khoa Điện - Điện tử, ĐH SPKT TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận văn tốt nghiệp ngày 19/2/2016 - chia sẻ thầy rất ấn tượng với hình ảnh của Đăng.
"Thực sự hôm đó, cả hội đồng ai cũng xúc động, nể phục sự đam mê và nghị lực của bạn. Biết bạn sức khỏe không tốt, tôi có nói bạn chỉ trình bày kết quả nghiên cứu thôi, còn quá trình chúng tôi đã đọc trong tài liệu trước đó rồi.
Vì được biết bạn bị tràn dịch màn phổi, thuyết trình có thể khó khăn, sức khỏe của bạn không chịu nổi. Nhưng bạn vẫn cố gắng thuyết trình toàn bộ, không bỏ qua phần nào", thầy nói.
Nguyễn Hải Đăng trình bày luận văn tốt nghiệp trước hội đồng. Ảnh: Quang Phúc.
Hôm đó đến 12h trưa, đáng lẽ buổi bảo vệ luận văn đã kết thúc nhưng cả hội đồng chờ Đăng đến và buổi bảo vệ kéo dài đến hơn 13h chiều.
Đăng cho biết hôm đó có cha chở đến trường nhưng trong lúc đi bị va quẹt, cả người bị trầy xướt, quần áo rách nên phải quay về nhà xử lý vết thương rồi mới tiếp tục đến trường.
"Lúc đó rất rối, lại sợ không đến kịp, rất may các thầy vẫn chờ mình", Đăng tâm sự.
Để đứng trên bục bảo vệ luận án tốt nghiệp với robot, Đăng phải đến trường cùng điều dưỡng, nhờ bạn bè dìu từng bước lên cầu thang, mang giúp sản phẩm lên phòng.
"Hội đồng đánh giá đề tài 'Bản sao robot Asimo' (Robot nổi tiếng của Nhật Bản) của Đăng thuộc loại xuất sắc, vì thực sự không nhiều người có được kết quả nghiên cứu như Đăng. Robot này phải sử dụng trên 20 động cơ khác nhau để có thể hoạt động linh hoạt, có thể bắt chước các động tác của con người.
Để làm được điều đó đòi hỏi phần lập trình phải rất tốt mới có thể điều khiển được và bạn ấy đã tự làm một mình", thầy Ca đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đăng.
Không tin mình bị bệnh
Chàng trai mới 23 tuổi đã sốc và không tin vào kết quả xét nghiệm lần đầu tiên tại Bệnh viên Nhân dân Gia Định.
Đăng không tin vì mình còn quá trẻ, ngày ngày tập võ, chơi thể thao, học tập, vui chơi rất bình thường. Nhưng khi đến khám ở các bệnh viên khác, tất cả đều cho kết quả Đăng bị suy thận giai đoạn cuối, sự sống rất mong manh nếu không sớm được ghép thận.
Cả gia đình bàng hoàng, suy sụp khi hay tin em bị bệnh.
"Gia đình đặt rất nhiều niềm tin vào mình. Bởi vì từ nhỏ, mình đã học tốt, thích tìm tòi, nghiên cứu nên gia đình nghĩ sau này ra trường mình sẽ tìm được việc tốt, lương cao, đi du học và thành công trong sự nghiệp, có nhiều sáng chế hữu ích cho mọi người", cậu cho hay.
Đăng đang chờ kết quả xét nghiệm để biết cậu có thể nhận thận để ghép từ cha mình hay không. Nếu được thì chi phí ghép thận rất cao, cả nhà nội đã bán đất để có tiền cho Đăng trị bệnh.
"Lúc mới biết bị bệnh, mình không muốn chia sẻ với ai vì sợ ánh mắt thương hại của mọi người. Nhưng sau đó, mình nghĩ mình sẽ cố gắng để mọi người nhìn với ánh mắt khác. Và mình quyết không từ bỏ ước mơ của mình", Đăng bộc bạch.
Thận suy nhưng não không suy
Hàng tuần, Đăng phải đi chạy thận ở bệnh viên 3 lần, có những ngày chất độc tích tụ trong người làm cậu rất mệt. Cơ thể lúc nào cũng rất buồn ngủ và có thể ngủ gục bất cứ lúc nào nhưng tinh thần chàng trai lại rất lạc quan.
Trước đó, Đăng đang làm việc cho một công ty nhưng sức khỏe không đảm bảo nên xin nghỉ, dành thời gian nghỉ ngơi, trị bệnh, nghiên cứu các tài liệu học thuật.
Robot mà Đăng đang nghiên cứu chế tạo. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về giấc mơ với những con robot của mình, Đăng cho hay cậu đã thích chế tạo robot từ hồi còn rất nhỏ.
Khi nhìn thấy những con robot của Nhật, Đăng luôn muốn làm ra con robot có tính năng còn vượt hơn cả robot Asimo của Nhật, để có thể ứng dụng vào đời sống, giúp người già, làm phục vụ hay thậm chí ứng dụng vào lực lượng cảnh sát để giảm thiểu khả năng bị thương cho các chiến sĩ cảnh sát.
Chính vì thế, Đăng dự định đi du học để nghiên cứu chuyên sâu hơn và có điều kiện chế tạo robot. Nhưng với tình hình sức khỏe hiện tại, giấc mơ du học đã không còn khả quan với Đăng vì việc chuyển bệnh viện và kinh phí điều trị ở nước ngoài rất khó khăn.
Tưởng chừng như phải từ bỏ giấc mơ du học nhưng Đăng tâm sự cậu sẽ tự học, tự nghiên cứu hoặc tham gia những khóa học online miễn phí của trường Havard hoặc MIT và chờ đợi cơ hội nếu tình hình sức khỏe tốt hơn.
Đăng dự tính sẽ tìm kiếm những người bạn cùng đam mê như mình để có thể hỗ trợ nhau nghiên cứu.
Đăng đã tự tin nói rằng: "Thận suy nhưng não không suy, có thể mình sẽ làm được nhiều điều hơn nếu không mắc phải căn bệnh này nhưng mình có thể đi con đường khác để đến với ước mơ".
Theo Zing
Tám nhóm ngành nghề cần nhiều nhân lực ở TP HCM Theo Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, mỗi năm, TP HCM cần thêm 270.000 - 300.000 nhân lực thuộc 8 nhóm ngành nghề. Việt Nam vừa gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nền kinh tế đang...