Học ngành Công nghệ thông tin có cần giỏi Toán?
Công nghệ thông tin là một trong những ngành liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Chính vì vậy, ngành học này được Chính Phủ đưa vào là một trong hai ngành học đào tạo theo cơ chế đặc thù (Công nghệ thông tin và Du lịch).
Thí sinh dự thi, tuyển sinh ĐH năm nay cũng rất quan tâm đến ngành học mang xu hướng thời đại này.
Tiền Phong xin gửi đến thí sinh phản hồi của Ban Tư vấn Tuyển sinh, trường ĐH FPT về những thắc mắc liên quan đến ngành Công nghệ thông tin.
Em muốn hỏi ngành Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, khoa học dữ liệu khác nhau như thế nào? Cơ hội việc làm sau khi ra trường ra sao? (ngocanh19… @gmail.com)
Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính là 2 ngành trong nhóm ngành Công nghệ Thông tin (CNTT). Ngành Khoa học Máy tính học các vấn đề khoa học nền tảng làm cơ sở cho các lĩnh vực CNTTphát triển. Còn ngành Kỹ thuật Máy tính học về thiết bị phần cứng, mạng và truyền thông. Trong nhóm ngành CNTT còn có ngành Kỹ thuật Phần mềm học về phần mềm.
Khoa học dữ liệu là chuyên ngành mới nổi trong những năm gần đây, thường được xem là lĩnh vực hẹp của Khoa học Máy tính gắn liền với Trí tuệ Nhân tạo, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến xử lý dữ liệu lớn.
Video đang HOT
Nói chung các ngành và chuyên ngành này đều liên quan với nhau. Nếu rất giỏi, say mê nghiện cứu, có tố chất khoa học cơ bản hoặc khoa học ứng dụng, các em có thể chọn học ngành Khoa học Máy tính hoặc chuyên ngành Khoa học dữ liệu. Nếu không rất giỏi, em có thể chọn ngành Kỹ thuật Phần mềm hoặc Kỹ thuật Máy tính. Hoặc đơn giản hơn, em chọn ngành CNTT, và trong quá trình học chọn chuyên ngành hẹp theo các hướng trên cũng được. Xã hội tương lại gắn liền với chuyển đổi số, cho nên cần nhiều chuyên gia về CNTT. Ngoài việc làm trong các doanh nghiệp, tổ chức hiện có, có rất nhiều cơ hội khởi nghiệp để các em tự tạo lập doanh nghiệp, tạo dịch vụ sản phẩm cho xã hội, tự tạo việc làm cho mình và cho bạn bè của mình.
Học công nghệ thông tin có cần phải giỏi toán không? (nguyentrongdat…@gmail.com)
Khi học toán, bên cạnh việc áp dụng các phương pháp, công thức và mô hình toán học, một yếu tố quan trọng nữa phương thức tư duy logic và cách thức đặt vấn đề, giải quyết vấn đề. Đây cũng là tố chất cần thiết của người làm CNTT. Không nhất thiết người làm CNTT phải rất giỏi toán, nhưng toán nói chung cần ở mức khá trở lên, và giỏi về toán sẽ là một lợi thế. Hiện nay đang có xu hướng là nhiều nhà toán học sau hàng chục năm nghiên cứu về toán học giờ chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực CNTT, mang kiến thức và tư duy toán học để giải quyết các vấn đề của trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. Khi học CNTT, các em sẽ được đào tạo thêm về các lĩnh vực toán ứng dụng cần thiết.
Ngành Công nghệ thông tin và ngành Toán học ứng dụng có liên quan gì đến nhau? (truonggiang…@gmail.com)
Toán học thường được chia làm toán lý thuyết và toán ứng dụng. Toán ứng dụng là việc sử dụng các công cụ toán học xây dựng mô hình, thuật toán để giải quyết các vấn đề thực tếdựa trên CNTT. Đã học toán ứng dụng thì cần phải biết về CNTT, ngược lại khi học về CNTT cũng phải nắm một số lĩnh vực của toán ứng dụng.
Rầm rộ mở ngành công nghệ, số hóa
Nhiều trường ĐH đón đầu xu hướng và triển vọng nghề nghiệp để mở thêm các ngành mới gắn liền với nhu cầu sử dụng lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Theo khảo sát lương thường niên năm 2020 thực hiện trên phạm vi Việt Nam, các nước Đông Nam Á và Trung Quốc mới được công bố của Robert Walters - công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự có trụ sở tại Anh Quốc, các lĩnh vực có mức lương cao nhưng lại đang rất khát nhân lực hiện nay là công nghệ, số hóa và sản xuất.
CNTT nhu cầu tuyển dụng cao
"Mức lương của nhân sự cấp cao rất hấp dẫn, đến 15.000 USD nhưng vẫn thiếu các giám đốc sản xuất, giám đốc nhà máy, CEO doanh nghiệp công nghệ, giám đốc kỹ thuật các doanh nghiệp công nghệ, số hóa..." - ông Adrien Bizouard, Giám đốc điều hành Roberts Walters Việt Nam, cho hay.
Báo cáo về triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng giai đoạn 2018-2022 của VietnamWorks cho thấy ngành công nghệ thông tin (CNTT) luôn nằm trong tốp 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất. Xu hướng đặc biệt trong ngành CNTT có thể thấy là sự trỗi dậy của lĩnh vực công nghệ dữ liệu, bao gồm AI (trí tuệ nhân tạo), Data Science (khoa học dữ liệu) và Big Data (dữ liệu lớn) đã phát triển mạnh trong năm 2019 với số lượng đăng tuyển và số lượt ứng tuyển tăng cao. Trong đó, về nhu cầu tuyển dụng, AI dẫn đầu, theo sau là Data Science và Big Data.
Với sự phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ, nhu cầu tuyển dụng trong ngành CNTT chắc chắn sẽ tăng mạnh trong năm 2020. Một nghiên cứu mới đây cho thấy mỗi năm Việt Nam thiếu 80.000 nhân lực ngành CNTT. Mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. Mức lương phổ biến của các kỹ sư CNTT tại Việt Nam khác nhau theo chuyên môn, cấp bậc công việc, kinh nghiệm... Cụ thể, theo kinh nghiệm, nhân viên có từ 2 đến 5 năm làm việc nhận mức lương trung bình hơn 800 USD/tháng, từ 5 đến 7 năm nhận 1.100 USD/tháng và 7 đến 10 năm khoảng 1.200 USD/tháng.
Thí sinh tham gia xét tuyển năm 2020 sẽ có thêm nhiều cơ hội với những ngành học mới.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khảo sát của Robert Walters cũng cho thấy ngành số hóa tiếp tục tăng trưởng mạnh tại Việt Nam khi các doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ và dữ liệu để thúc đẩy kinh doanh. Những thay đổi trong hành vi người dùng làm gia tăng việc sử dụng điện thoại di động, các doanh nghiệp thương mại điện tử và xu hướng khách hàng đã liên tục điều chỉnh các chiến lược trực tuyến và di động để duy trì tính cạnh tranh. Điều này thúc đẩy nhu cầu về các nhà phát triển và nhân sự UI/UX.
Mở nhiều ngành mới đón đầu xu hướng
Đón đầu xu hướng nghề nghiệp, năm 2020, ĐHQG Hà Nội dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu vào hệ ĐH chính quy, mở thêm 17 ngành học là khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học; khoa học và công nghệ thực phẩm, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường... Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tuyển sinh thêm 4 ngành mới gồm: kỹ thuật phần mềm; mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; quan hệ quốc tế và kinh doanh quốc tế. Theo phương án tuyển sinh, Trường ĐH Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới là quản trị du lịch, logistics và kiến trúc. Theo giải thích từ nhà trường, đây đều là thế mạnh của trường, những ngành như quản trị du lịch, logistics sẽ cần nhiều nhân lực nên trường tập trung vào đào tạo những ngành này.
PGS Hoàng Anh Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết năm nay trường mở thêm 5 mã ngành đào tạo mới, gồm marketing, quản trị khách sạn, logistics và quản trị chuỗi cung, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, sinh học ứng dụng. Những ngành này phù hợp nhu cầu phát triển lao động hiện nay, kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào bài toán khát nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội trong những năm tới.
Trường ĐH Ngân hàng TP HCM dự kiến tuyển sinh 4 ngành mới, với xu thế đón đầu nhu cầu nhân lực trong tương lai gồm quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành, logistics và quản trị chuỗi cung ứng (thuộc khối ngành kinh doanh, quản lý, du lịch, khách sạn); khoa học dữ liệu trong kinh doanh (khối ngành khoa học).
Theo phương án tuyển sinh năm 2020 mà Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) vừa công bố, trường dự kiến sẽ mở thêm 5 ngành đào tạo theo chương trình chất lượng cao bao gồm: kỹ thuật hàng không, kỹ thuật y sinh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử, chuyên ngành kỹ thuật robot, khoa học máy tính. Cũng để thu hút sự quan tâm của thí sinh, Trường ĐH Mở TP HCM công bố bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển và nhiều ngành học mới như chuyên ngành Việt Nam học, chương trình tăng cường tiếng Nhật, khoa học máy tính (chương trình chất lượng cao). Trường cũng dự kiến tuyển sinh 2 ngành học mới gồm du lịch, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Tăng chỉ tiêu xét tuyển theo năng lực
Xu hướng của mùa tuyển sinh 2020 là các trường có thêm nhiều phương thức tuyển sinh mới, giảm số chỉ tiêu thí sinh lấy từ kết quả thi THPT quốc gia 2020. ĐHQG Hà Nội cho hay năm 2020, các trường ĐH, khoa thành viên xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển kết hợp kết quả thi 2 môn thi THPT quốc gia và chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên; sử dụng phương thức xét tuyển SAT, A-Level. Cũng có chung cách làm này, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét điểm thi THPT quốc gia xuống còn khoảng 40%. Đồng thời, tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực ĐHQG TP HCM lên 40%...
Yến Anh
Theo nguoilaodong
20% dân số thế giới mắc hội chứng lo âu khi học Toán, nếu nằm trong số này bạn cần lưu tâm ngay những điều sau đây để cải thiện Đã bao giờ bạn cảm thấy căng thẳng, toát mồ hôi hột, tim đập loạn xạ bất chấp lúc bị thầy cô gọi lên bảng hay không thể tập trung giải bài tập trong giờ kiểm tra Toán hay chưa? Chắc chắn rằng cái thời đi học, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều trầm trồ ngưỡng mộ, thậm chí nằm lòng...