Học luân phiên là tất yếu khi 4 lớp ra trường, 23 lớp nhập học
Phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) năm nào cũng “ nóng” chuyện quá tải học sinh tiểu học nên trường buộc phải tổ chức học luân phiên và theo ca kíp do số lượng chung cư ở đây quá dày đặc. Năm nay số học sinh vào lớp 1 tăng đột biến nên tình trạng này càng trầm trọng hơn.
4 lớp ra trường, 23 lớp nhập học
Theo thống kê, chỉ tính riêng địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã có tới 82 chung cư, trong đó có 76 chung cư đang hoạt động khiến trường tiểu học trên địa bàn phải chia ca để học vì quá tải.
Mặc dù lịch học này không phải đến năm nay mới xuất hiện nhưng theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Quận Hoàng Mai, lượng học sinh lớp 1 năm nay tăng đột biến cũng gây không ít áp lực.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT Hoàng Mai, cho biết, hiện nay, phường Hoàng Liệt có hơn 85.000 dân, tăng trên 10.000 dân so với cùng kỳ năm 2017. Năm học 2018 – 2019 này, riêng trrường Tiểu học Chu Văn An chỉ có 4 lớp 5 ra trường nhưng lại nhận đến 23 lớp 1 với 1.145 học sinh.
Số học sinh quá tải trong khi phòng học không đáp ứng là tình trạng đau đầu tại quận Hoàng Mai hiện nay. Ảnh minh họa
Do không thể để sĩ số quá đông có thể tới 70 học sinh/lớp nếu học đủ 5 ngày/tuần nên trường phải chọn phương án là tổ chức mô hình học 4 ngày/tuần, có học luân phiên thứ Bảy. Kết quả là phương án giảm số ngày học và học rải rác trong tuần, học cả vào cuối tuần khiến học sinh và cha mẹ vô cùng bức xúc.
Phòng GD&ĐT Hoàng Mai cũng thừa nhận việc bố trí học theo phương thức này, cha mẹ học sinh gặp khó khăn, thầy cô giáo cũng vất vả trong việc quản lý học sinh và phải dạy cả ngày cuối tuần.
Sau khi đưa ra phương án giải quyết tạm thời là sẽ cho các học sinh chỉ học 1 buổi/ngày cho trường Tiểu học Chu Văn An, phụ huynh lại càng cảm thấy bất khả thi, phản đối, cuối cùng đành quay lại cách cũ là chấp nhận cho con học luân phiên theo ca.
Chỉ xây chung cư, không xây trường
Video đang HOT
Không riêng trường Tiểu học Chu Văn An, nhiều trường tiểu học khác cũng đang có sĩ số vượt quá mức quy định của Bộ GD&ĐT là 35 em/lớp. Cụ thể, trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Hà Đông, Hà Nội) 60 em/lớp; Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông) 60 em/lớp; Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy) 59 em/lớp; Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ) 60 em/ lớp…
Vấn đề sĩ số lớp quá đông tại nhiều trường ở giữa thủ đô đã được nói rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Mới đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất lên UBND TP phương án mỗi lớp có 2 giáo viên nhưng chưa có kết quả.
Được biết, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục. Hướng dẫn các địa phương xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng. Nếu thiếu đất, các trường có thể xây dựng cao tầng hơn so với bình thường.
Quá nhiều chung cư trong khi số trường học hạn chế, gây nên tình trạng quá tải hiện nay.
Tuy nhiên, việc xây dựng cao tầng cần được tính toán kỹ lưỡng, tùy vào mỗi công trình trường học có đảm bảo khả năng chịu lực để nâng tầng hay không thì Sở Xây dựng các tỉnh/thành sẽ phải kiểm soát. Nếu trường nào đủ điều kiện nâng tầng thì họ lập dự án để trình cơ quan chuyên môn thẩm định. Sau đó thực hiện thi công dự án trong một thời gian nhất định chứ không phải chuyện ngày một ngày hai.
Dẫu vậy, đây cũng chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, bài toán quy hoạch dân cư tương đồng với tỉ lệ cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn vẫn là điều mà chính quyền thành phố cần tính toán lại. Về điều này, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, “vỡ trận” sĩ số do vỡ trận quy hoạch đô thị là điều không có gì khó hiểu.
Theo ông, khi định xây một khu chung cư mới, cơ quan chức năng cần tính toán có bao nhiêu dân, ước đoán tỷ lệ trẻ học từng lớp, từng cấp ra sao, lấy xác suất để tính. Trong khu vực đó cũng phải tính toán bao nhiêu cửa hàng, nhà trẻ,… họ phải tính toán có quy hoạch cụ thể mới cho xây.
“Thế nhưng, thực tế hiện nay là nhà đầu tư cứ xây, xây xong mới vỡ nhẽ ra là không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Vì chỉ chăm chăm xây nhà chứ có quan tâm xây trường đâu. Đây là sai lầm, và quan trọng là rất khó để sửa sai” – GS. Dong nhấn mạnh.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, các cơ quan chức năng cần kiểm soát và có chế tài chặt chẽ hơn khi duyệt cấp phép đầu tư xây dựng chung cư nếu không đảm bảo trường lớp, các dịch vụ đi kèm thì không được phép xây. Có như vậy may ra mới giảm tải tình trạng trớ trêu về sĩ số và lịch học như hiện nay.
Theo phunuvietnam.vn
Học sinh Hà Nội học 4 ngày/tuần vì quá tải: Đề xuất 3 phương án giải quyết
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hoàng Mai (Hà Nội) vừa đưa ra một số phương án về việc học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An phải học ngày nghỉ và nghỉ ngày học do sĩ số quá đông.
Về lịch học "lạ đời" của nhà trường khi học sinh phải học luân phiên 4 ngày/tuần, có lớp không được nghỉ thứ 7, bố mẹ phải đau đầu tìm chỗ gửi con hoặc nhờ người trông vì không thể nghỉ ở nhà trông con, chiều 15/9, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã thông tin đến báo chí.
Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng Phòng GD&ĐT Hoàng Mai hiện tại, riêng địa bàn phường Hoàng Liệt có trên 85.000 dân, tăng khoảng 10.000 dân so với năm 2017. Toàn phường có tới 82 tòa chung cư trong đó 76 tòa đã đi vào sử dụng. Số dân tăng quá nhanh khiến cho các trường bị quá tải, nhất là Trường Tiểu học Chu Văn An.
Tháng 4/2018, UBND quận giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 năm học 2018 - 2019 cho Trường Tiểu học Chu Văn An là 964 học sinh. Tuy nhiên, tới tháng 7 đã có gần 200 trẻ vào lớp 1 được phường xác nhận tạm trú. Do đó, năm học này Trường Tiểu học Chu Văn An tuyển sinh 1.145 học sinh lớp 1 và chia vào 23 lớp, trung bình 49 em/lớp.
Học sinh Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Hà Đình Cường)
Cũng theo bà Hạnh, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đưa ra một số phương án về lịch học để lấy ý kiến phụ huynh.
Phương án 1: Nếu học sinh quá đông nên chăng chỉ cho nhà trường chỉ tuyển sinh hộ khẩu thường trú trên địa bàn, tạm trú dài hạn trước tháng 4/2018. Nếu vậy, số đông học sinh có hộ khẩu tại phường sau tháng 4/2018 sẽ mất quyền lợi nên không thể thực hiện.
Phương án 2: Trường sẽ tổ chức cho học sinh học 1 buổi/ngày. Phương án này đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nhưng theo ý kiến của nhiều phụ huynh lại cho rằng sẽ gây khó cho bố mẹ vì không có ai trông con nửa ngày còn lại vì bận đi làm. Do vậy, phương án này không khả thi.
Phương án 3: Nếu trường bố trí 70 em/lớp ở khối 1. Các khối 2, 3, 4, 5 bố trí 68 em/lớp thì vừa đủ với số phòng, đảm bảo học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên như vậy lại vướng vào quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội về sĩ số học sinh/lớp, nhất là khối 1 nên không thể thực hiện được.
"Bởi những lý do trên, chúng tôi nghĩ phương án tối ưu nhất lúc này là tổ chức mô hình học 4 ngày/tuần, tức 8 buổi/tuần và có học luân phiên vào thứ 7. Phương án này cũng được sự chấp thuận của Sở GD&ĐT Hà Nội khi áp dụng ở các khu vực nội thành, khu chung cư có số lượng dân đến sinh sống rất đông mà số lượng trường không đáp ứng được", bà Hạnh cho hay.
Được biết, toàn trường Tiểu học Chu Văn An có 57 lớp ở cả 5 khối nhưng tổng số phòng học chỉ có 41 phòng.
Trả lời PV Dân trí ngày 14/9, bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) cho biết, thực sự là quá tải.
"Năm nay chúng tôi có 23 lớp 1, tăng 16 lớp so với năm ngoái. Số lớp tăng bằng cả một trường tiểu học thế này, chúng tôi không biết làm cách nào. Chỉ mong phụ huynh học sinh cùng chia sẻ. Hiện chúng tôi đã báo cáo bằng văn bản lên các cấp để xin hướng xử lý", bà Thêu cho biết.
Được biết, toàn trường Tiểu học Chu Văn An có 57 lớp ở cả 5 khối nhưng tổng số phòng học chỉ có 41 phòng. (Ảnh: Hà Đình Cường)
Về lo ngại của phụ huynh khi lịch nghỉ quá nhiều/tuần khiến học sinh không thể đủ thời gian của chương trình/năm, bà Thêu cho hay: "Thực ra, học sinh mất 1 ngày so với mô hình 10 buổi/tuần. Nhưng số tiết theo quy định của Bộ GD&ĐT ở Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT về khung giờ học trong 8 buổi/tuần vẫn đầy đủ.
Chúng tôi phải chọn cách nào tối ưu nhất để tạo điều kiện tốt nhất cho con khi đến trường. Tiểu học không bắt buộc học 2 buổi/ngày nhưng nhà trường phải sắp xếp cho các con ngày nào đi học, phải được học cả ngày, không thể học 1 buổi", bà Thêu chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 15/9, bà Thêu cho hay, vì không thể khắc phục tình trạng học luân phiên nên trường đã nhận được chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận.
Theo đó, nhà trường dự kiến sẽ thực hiện mô hình học 1 buổi/ngày. Học sinh khối 1, 2 sẽ học vào các buổi sáng; học sinh khối 3, 4, 5 học vào các buổi chiều (từ thứ 2 - thứ 6), bắt đầu từ ngày 17/9.
"Với lịch học thế này, sẽ không còn các tiết học tăng cường, tự chọn, hoạt động tập thể, học liên kết. Chúng tôi sẽ tiến hành họp để xin ý kiến phụ huynh trong ngày 16/9.
Sau khi thống nhất và được lãnh đạo cấp trên phê duyệt, nhà trường sẽ đi vào thực hiện lịch học mới".
Mỹ Hà - Hà Đình Cường
Theo Dân trí
Tại sao tuyển sinh vào lớp 1 trường Cao Bá Quát vẫn còn bức xúc? Dù đã vào học được nhiều ngày nhưng việc học hành của học sinh trường Tiểu học Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn còn gây bức xúc đối với phụ huynh. Như báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, câu chuyện lùm xùm về tuyển sinh năm học lớp 1 tại trường Tiểu học Cao Bá Quát (Khu đô...