Học “lò”: Những điểm trừ và cách khắc phục
Học “lò” chẳng còn là một khái niệm xa lạ với các bạn học sinh. Không chỉ những anh chị lớp 12 chọn “lò” là nơi ôn luyện, mà cả các bạn lớp 10, 11 cũng lân la đến “lò”, theo những lời quảng cáo hấp dẫn.
“Lò” luyện thi ngày nay không còn cảnh nóng bức, ngột ngạt hay thầy giáo giảng qua quýt, sơ sài như thành kiến của nhiều người nữa. Nhiều lò bây giờ có điều hòa nhiệt độ chạy ro ro, giáo viên được mời từ những trường đại học, phổ thông có tiếng, giảng dạy nhiệt tình… Những điểm trừ của việc học “lò” lại đến từ những nguyên nhân khác cơ, teens ạ, chẳng hạn như…
Thiếu bài tập phát tay
Tình trạng thiếu bài tập phát cho học sinh là một điểm trừ của việc học lò khi quá đông học sinh, và một số bạn quá vô ý thức. Thầy giáo muốn tiết kiệm thời gian giảng lý thuyết nên không đi phát bài tập từng bàn mà đưa cả tập cho bàn đầu rồi chuyền tay nhau lấy xuống. Trong quá trình chuyển bài, một bạn nào đó vô ý thức đã lấy cả tập bài giữ lại cho riêng mình.
Lý do của việc “biển thủ” này thì vô số kể, chẳng hạn như “lấy hộ cho mấy đứa bạn nghỉ học”, “lấy về làm lại lần sau vì bài cũ đã đánh dấu và chữa vào rồi”, tệ hơn là “xin vài tờ làm… nháp” (!?). Hậu quả là bài phát đến cuối lớp đã hết, những bạn ngồi cuối chẳng có bài tập để làm. Hoàng, một teen ở lò luyện thi Chùa Bộc sau giờ học Lý của thầy C. bức xúc: “Hôm nay lại thiếu bài, phải mượn của bạn bên cạnh đi photo. Thầy bực quá nên dọa lần sau không phát bài tập nữa cho chừa. Đúng là con sâu làm rầu nồi canh, nhiều bạn bị thiếu bài oan cũng bị mắng!…”
Lớp học quá đông nên đôi khi cũng nảy sinh những rắc rối cho học sinh.
Khắc phục: Nếu gặp trường hợp này thường xuyên có lẽ teens nên đề xuất với giáo viên đừng để bài chuyền tay như thế nữa. Vì nhiều bạn không tự giác, nên có lẽ một bạn đứng lên phát bài từng bàn thì tốt hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể đến lớp sớm và ngồi bàn đầu để đỡ là nạn nhân của những tay “biển thủ”.
Nhắn tin cho giáo viên trong giờ học
Các giáo viên thường ít ngại ngần cho học sinh số điện thoại để có thắc mắc gì thì gọi hỏi (đã bảo là các thầy dạy “lò” rất nhiệt tình mà). Nhưng nhiều bạn vô ý thức, ngồi trong lớp cứ nhắn tin làm phiền giáo viên, làm đứt mạch bài giảng khiến các bạn khác rất khó chịu.
Có những bạn khác, không phải vô ý thức mà là… quá chăm học, trong giờ học thầy đang giảng thì nhắn tin… đóng góp ý kiến, hay khi thầy đặt câu hỏi thì không giơ tay trả lời mà trả lời bằng nhắn tin, làm cho giáo viên phải dừng lại giở điện thoại ra đọc và các bạn khác phải chờ. Ngồi học trong lớp mà thầy cứ liên tục phải mở điện thoại ra xem chắc hẳn không thoải mái chút nào phải không teens nhỉ?
Khắc phục: Để tránh chuyện này không dễ vì nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của riêng bạn. Nhưng nếu bạn cảm thấy không thể chấp nhận được, hãy nói với giáo viên yêu cầu các bạn trong lớp tôn trọng kỷ luật, và nếu có ý kiến gì thì nói cho cả lớp cùng nghe. Nhưng bạn yên tâm vì những trường hợp phá rối như thế cũng không nhiều đâu, và các thầy sẽ biết cách giải quyết để đảm bảo bài học cho các bạn.
Nói chuyện riêng
Một vấn đề tiêu biểu, thường gặp khi lớp học quá đông. Nếu chẳng may đi học muộn hay mua phải thẻ học có số “không đẹp” (ngồi cuối lớp, hay trong góc chẳng hạn), bạn rất có thể sẽ phải khổ sở vì những học sinh cực kỳ mẫn cảm trong việc… buôn “dưa lê”, đến lớp không phải để học mà đi cùng bạn bè cho có phong trào, hay đi học… “hộ” bố mẹ, chẳng hạn.
Video đang HOT
Khắc phục: Bạn nhắc họ thôi. Nhiều khi họ bị cuốn vào câu chuyện đến mức không để ý đã làm phiền những người xung quanh chứ không phải cố tình phá đám, nên nhắc nhở là một cách tốt. Nếu nhắc 2, 3 lần mà vẫn không ăn thua thì bạn chẳng có cách nào khác, kiến nghị với giáo viên vậy, và lần sau vào lớp thì tránh chỗ gần những “thông tấn xã” ấy ra.
Kết
Bên cạnh những điểm cộng như học phí khá rẻ so với các lớp học chất lượng cao, học gia sư hay học nhóm. Giáo viên giảng bài dễ hiểu vì phải theo đại trà, “lò” cũng có những điểm trừ như đã nêu trên. Nguyên nhân của những điểm trừ ấy là do lớp quá đông và không phải học sinh nào cũng có ý thức học tập tử tế. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó và có những chuyện không phải cứ muốn là được, nhưng tự bạn sẽ quyết định kết quả học tập của mình bằng cách lựa chọn một nơi học phù hợp và một thái độ học tập nghiêm túc. Và cuối cùng, chúc các bạn thành công!
Theo BĐVN
Đến đình làng luyện đại học đêm
Đình làng và nhà văn hóa thôn Lại Đà (Hà Nội) từ đầu tháng 6 đến nay tối nào cũng sáng đèn đến khuya để phục vụ cho các sĩ tử cuối cấp ôn thi vào cấp III và đại học. Lớp mở miễn phí và người dạy cũng là các anh chị của các em đã hoặc sắp tốt nghiệp ĐH.
Một vài hình ảnh tại hai lớp học đặc biệt:
Quang cảnh lớp luyện thi cho các em học sinh lớp 9 tại đình làng Lại Hà.
Ngay cạnh đó, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà là lớp luyện thi dành cho các học sinh lớp 12 chuẩn bị thi ĐH-CĐ.
Thấu hiểu nỗi vất vả phải lặn lội tìm "lò" luyện thi của các em học sinh quê nhà mỗi khi mùa thi đến, "ấp ủ mãi" cuối cùng năm nay Nguyễn Tiến Phương (vừa Tốt nghiệp CĐ Kinh tế kĩ thuật CN) và nhóm bạn trong thôn Lại Đà, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội cũng quyết định ngồi với nhau bàn chuyện mở lớp dạy miễn phí cho các em lớp 9, lớp 12 chuẩn bị thi vào cấp III và ĐH-CĐ.
Ý tưởng của nhóm bạn nhanh chóng được lãnh đạo địa phương ủng hộ, giúp đỡ. Đình thôn trước vốn là nơi các cụ sinh hoạt văn nghệ mỗi tối nay được dành cho các em lớp 9 ôn thi vào lớp 10.
20h tối, học sinh đã tới kín lớp, ngồi trật tự nghe thầy cô hướng dẫn, giảng bài.
Trưởng nhóm Nguyễn Tiến Phương cũng như 24 bạn khác trong nhóm đều là những thầy cô tâm huyết với các em học sinh.
Cạnh ngay đó là nhà văn hóa thôn nơi các anh chị lớp 12 đang được các anh chị ôn tập, củng cố kiến thức trước ngày thi ĐH-CĐ đang cận kề. Trong ảnh: Phạm Thị Cúc (SV năm cuối, khoa Tiếng Anh, ĐHSP II) đang hướng dẫn giải đề Tiếng Anh cho các em.
Máy tính xách tay với các phần mềm hỗ trợ học tập cũng luôn sẵn sàng để các em tiện tra cứu, tham khảo.
Phút vui đùa trong giờ nghỉ giải lao tại lớp học của các bạn học sinh lớp 12.
Trong 4 buổi dạy học của nhóm bạn, thôn, xã luôn cắt cử người ra trông nom xe cộ, đảm bảo an ninh quanh khu vực học tập của các cháu. Thật đặc biệt khi hôm nay người "gác cổng" là bác Trạch, Công an viên, bố của nhóm trưởng Tiến Phương. Cũng như mọi người bác hoàn toàn ủng hộ việc làm ý nghĩa này của cậu con trai và nhóm bạn.
Thôn Lại Đà (Đông Hội, Đông Anh) nằm cách trung tâm Hà Nội gần 30km. Mỗi mùa thi, học sinh muốn ôn thi lại lóc cóc ra thành phố thuê nhà, tìm "lò" luyện thi.
Trước thực trạng đó, "ấp ủ mãi" rồi Nguyễn Tiến Phương (vừa Tốt nghiệp CĐ Kinh tế kĩ thuật Công nghiệp) và nhóm bạn trong thôn cũng quyết định ngồi với nhau bàn chuyện mở lớp dạy miễn phí cho các em lớp 9, lớp 12 chuẩn bị thi vào cấp III và ĐH-CĐ.
Sau 3 ngày vận động, đã có 25 "thầy cô" chủ yếu là sinh viên các trường ĐH-CĐ nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đứng lớp do Phương chủ trì.
Tất cả được lựa chọn trên tiêu chí thành tích học tập tốt và quan trọng là có khả năng sư phạm. Bản thân trưởng nhóm Tiến Phương đã có 8 năm kinh nghiệm làm gia sư.
Ngoài ra, trong nhóm còn có bạn Nguyễn Phú Huy (sinh năm 1986, đã tốt nghiệp) thủ khoa đầu vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2004.
Các "thầy cô" khác điểm thi cũng cập kề thủ khoa, á khoa đầu vào các năm.
Ý tưởng thành lập lớp học "cấp tốc" nhanh chóng được lãnh đạo thôn, xã hưởng ứng.
Ông Nguyễn Phú Hoành- Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà cười tươi cho biết: "Có lớp học này về hè, học sinh đỡ vất vả ôn luyện, trật tự trị an trong làng xóm cũng tốt hơn. Lãnh đạo địa phương, hội khuyến học và các nhà hảo tâm luôn sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ các cháu tối đa về tinh thần lẫn vật chất".
Đình làng trước để các cụ sinh hoạt, thể dục nay được dành cho các em lớp 9 học.
Nhà văn hóa của thôn là không gian dành cho các anh chị lớp 12 ôn thi ĐH-CĐ.
Một tuần hai lớp học 4 buổi. Thôn, xã luôn cắt cử người trông nom xe cộ, giữ gìn trật tự quanh khu vực hai lớp học.
Hết vận động thôn xóm rồi đến chuyện phải làm sao để phụ huynh tin tưởng giao con em cho nhóm kèm cặp.
Lê Văn Trịnh (sinh năm 1987, tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội) tâm sự: "Vì là năm đầu nhóm triển khai việc này nên nhiều phụ huynh cũng phân vân, không biết con ra lớp học hay để chơi.
Các cô, các bạn cũng "giám sát" thường xuyên việc học hành của con em. Được 1 - 2 tuần thì mọi người tin tưởng gửi các em tới lớp học nhiều hơn".
Thức đêm cùng trò
20h tối, ngoài sân đình và nhà văn hóa thôn không gian trở nên im ắng. Học sinh ở hai lớp đã vào ngồi ngay ngắn, chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Hiện số học lớp 9 là 22 em và lớp 12 có 18 em (ở các khối thi A, B, D).
Danh sách giáo viên đứng lớp và giáo án từng môn được nhóm lập chi tiết, phân công cụ thể tới từng người.
Mỗi buổi học có 4 "thầy cô" đứng lớp. Trong vòng 2 tiếng, các em cũng được phát đề, bài tập kiểm tra, thi thử với mức độ khó dễ khác nhau. Các đề thi được tuyển chọn từ bộ đề nhiều năm.
"Qua một vài buổi học mình sẽ đánh giá được lực học của từng em để có hướng giúp đỡ ôn tập cụ thể" - Tiến Phương cho biết.
Với "cô giáo" Phạm Thị Cúc (SV năm cuối, khoa Tiếng Anh, ĐHSP II) thì đây cũng cơ hội để mình củng cố kiến thức và nâng cao khả năng sư phạm đã được học..
"Việc học dưới sự kèm cặp của các anh chị giúp đỡ chúng em rất nhiều" - Ngô Hồng Nhung, lớp 12A14, Trường THPT Cổ Loa chia sẻ.
"Không chỉ nhiệt tình, vui tính các anh chị còn truyền đạt những kinh nghiệm đi thi quý báu để chúng em tự tin hơn trước ngày "vượt vũ môn" sắp tới".
"Kiến thức bọn em được dạy, học tại đây khá sát với thực tế vì các anh chị cũng mới trải qua thời gian đó" - Vương Thị Oanh, lớp 12A5, Trường THPT Cổ Loa bổ sung.
"Các anh chị không gây áp lực mà từng bước tìm, chia sẻ, lắng nghe các em nói về những khó khăn, điểm yếu của mình để giúp đỡ. Bất kể ngày hay đêm nếu có thắc mắc bọn em đều được các anh chị nhiệt tình giảng giải".
"Mong muốn lớn nhất của nhóm là từ lớp học "cấp tốc" này sẽ truyền "lửa" học tập cho mọi người trong thôn để các thế hệ các em sau khi đã đỗ đạt rồi sẽ tự mình đứng ra duy trì, phát triển lớp học ở quy mô lớn hơn" - Nhóm phó Lê Văn Trịnh bộc bạch: "Hiện nhóm mình cũng đã lên kế hoạch giao lưu với các làng bên để phong trào thi đua học tập ở địa phương ngày một sôi nổi, thiết thực hơn".
Theo Vietnamnet
Những ngày ôn thi vui vẻ Tớ cảm thấy mình có thật nhiều cái... đầu tiên! "Tớ không rõ mọi người thấy thế nào nhưng với tớ, những ngày ôn thi thế này rất là vui vẻ và đầy ý nghĩa. Lần đầu tiên tớ thấy mình tự giác trong học tập, lần đầu tiên tớ biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý và cũng là lần...