Học kỹ sư cũng mở cơ sở dạy luyện thi Toeic không phép ở Sài Gòn
Thầy Công tốt nghiệp kỹ sư của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhưng vẫn ngang nhiên mở lớp dạy luyện thi Toeic không có phép ở quận 7.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được các thông tin cung cấp từ người dân cho biết, tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất nhiều địa chỉ dạy ngoại ngữ, luyện thi Toeic và Ielts mà theo họ không có giấy phép hoạt động.
Bằng kỹ sư đi luyện thi Toeic
Tại địa chỉ 122a đường số 13, phường Tân Kiểng quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh theo thông tin cung cấp là địa chỉ luyện thi Toeic do thầy Công tổ chức.
Tối ngày 12/9/2019, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại địa chỉ nói trên. Tại đây, có dán một tờ giấy Toeic thầy Công và số điện thoại liên hệ. Bên trong căn phòng không quá rộng là nơi học tập của hàng chục học viên và thầy Công.
Lớp luyện Toeic thầy Công trên đường số 13, phường Tân Kiểng, quận 7 (ảnh: P.L)
Bên ngoài lớp học, đối diện là nơi để xe gắn máy của hàng chục học viên lớp học. Xe xếp thành hai hàng dài, ngang nhiên sử dụng lòng lề đường làm nơi giữ xe cho lớp học này.
Chị Thảo chia sẻ: Đây là lớp học do chồng của chị mở, cũng là giáo viên duy nhất đứng lớp giảng dạy. Việc giữ xe này do một người phụ nữ tên Thảo, xưng là vợ thầy Công đứng ra giữ, không có phiếu giữ xe cho học viên.
Cả hai vợ chồng chị đều tốt nghiệp kỹ sư của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, và đều đã học, lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Học phí là 1,9 triệu đồng, học trong vòng 10 tuần, mỗi tuần học 3 buổi.
Điều đáng nói, dù lớp học rất đông học viên như vậy, nhưng hoàn toàn không có bất cứ tờ giấy phép hoạt động nào do cơ quan chức năng cấp.
Xe của học viên trong lớp xếp thành hai hàng dài dựng hẳn trên lòng lề đường (ảnh: P.L)
Chị Thảo tâm sự: Chị và chồng vẫn đang cố gắng hoàn thiện những giấy tờ pháp lý liên quan đến lớp học này, nhưng vấn đề gì cũng vẫn cần có thời gian để thực hiện.
Hàng loạt cơ sở dạy ngoại ngữ không phép, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Cho tới nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải hàng loạt các cơ sở dạy ngoại ngữ (qui mô nhỏ) hoạt động không có giấy phép trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ của những cơ sở này trải rộng tại rất nhiều quận trên địa bàn thành phố, từ quận 1 đến quận 10, Bình Thạnh, Gò Vấp và nay là quận 7.
Danh sách các cơ sở dạy ngoại ngữ bị cho là không có giấy phép hoạt động vẫn còn rất nhiều. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục xác minh những nơi này, chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có hướng xử lý.
Theo đúng luật quy định, thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động những cơ sở dạy ngoại ngữ, tin học thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, một nhân viên của Sở này lại nói Sở cấp phép, nhưng quản lý địa bàn thì thuộc về địa phương. Còn một số địa phương thì lại nói trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan cấp phép, còn phường xã thì không cấp, nên không nắm.
Như vậy, không rõ là việc để tồn tại hàng loạt các cơ sở dạy ngoại ngữ không phép trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như vậy, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng nào?
Phương Linh
Theo giaoduc.net
Bỏ quy định "vốn đầu tư nước ngoài", nhiều người Việt sẽ mở trường quốc tế
Tôi kiến nghị: Phải có định nghĩa rõ ràng, minh bạch về các loại hình trường mà không chỉ phụ thuộc vào vốn đầu tư, giống như định nghĩa về trường quốc tế.
Tại cuộc tọa đàm "Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP" do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 10/9/2019, bà Phạm Thị Minh An - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Olympia, chia sẻ về vấn đề trường quốc tế:
"Vấn đề của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa ra thì tôi thấy rất là hay, với vai trò là cơ quan truyền thông nhưng Báo Giáo dục không đánh bóng, không 'câu like', không theo làn sóng để mà dìm hoặc nâng ai đó, mà việc Báo đang làm rất là có tâm.
Có rất nhiều người gán cho Trường Olympia cái danh quốc tế, trong khi trường không bao giờ đặt cho mình là quốc tế, chúng tôi luôn luôn có chủ trương khẳng định thương hiệu Việt, là trường Việt Nam.
Từ năm 2003 chúng tôi đã thành lập trường mầm non và luôn đặt mục tiêu làm thế nào để cho trẻ em Việt Nam có được sự tự tin, tính tự lập và rút ngắn khoảng cách thay vì như các mẹ là phải học đại học xong rồi mới đi làm ở các công ty nước ngoài, đến lúc đó mới được tiếp cận với những thứ văn minh.
Bỏ quy định "vốn đầu tư nước ngoài", nhiều người Việt sẽ mở trường quốc tế. Video: Tùng Dương.
Chúng tôi đã nghiên cứu chương trình Việt Nam và cho đến thời điểm này tôi thấy chương trình Việt Nam rất tốt, nếu không tốt thì làm sao chúng ta có bao nhiêu thế hệ những giáo sư, những tiến sĩ, những con người đoạt bao nhiêu giải thưởng quốc tế.
Vậy vấn đề nằm ở chỗ nào? Chúng tôi có nghiên cứu và thấy được rằng vấn đề nằm chính ở phương pháp dạy học, chứ không nằm ở chương trình.
Cái cần giải quyết lớn nhất ở đây chính là đội ngũ giáo viên với phương pháp dạy học, là phương pháp tổ chức một nhà trường để làm sao tạo ra một môi trường sư phạm an toàn, thân thiện và trẻ em được tôn trọng, được nói lên tiếng nói của mình, được là chính mình. Đó cũng chính là quan điểm giáo dục của chúng tôi.
Mỗi đứa trẻ đều thông minh theo cách riêng của chúng và với triết lý này đã tạo ra một môi trường nhân văn, thầy cô trong trường luôn suy nghĩ không có học sinh dốt, mà chỉ có người thầy chưa biết khai thác tiềm năng của trẻ.
Với định hướng như vậy, cho đến nay chúng tôi luôn tự hào khẳng định là trường Việt Nam và dạy chương trình Việt Nam.
Để trả lời câu hỏi: Có nhất thiết phải học chương trình quốc tế thì mới có học bổng, mới được đi du học không? Thì câu trả lời là không.
Vì bằng tốt nghiệp ở Việt Nam được công nhận trên toàn thế giới, và học sinh tốt nghiệp lớp 12 ở Việt Nam có thể tự tin vào năm thứ nhất ở bất cứ trường đại học nào trên thế giới mà không cần phải học chương trình quốc tế, không cần học chương trình song bằng, kể cả học sinh trường làng nếu đủ điều kiện tốt nghiệp.
Học sinh của chúng tôi đi du học thì các em đó vẫn được 100% học bổng tại các trường ở Mỹ, Canada... và nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, trong khi các em đó không hề học trường quốc tế, vì chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Việt Nam là cực kì ưu việt, nó đã tiếp cận với thế giới rất nhiều.
Quay trở lại với vấn đề định nghĩa thế nào là trường quốc tế: Nếu luật giáo dục vẫn quy định rằng có 3 loại hình trường là trường công lập, trường tư thục, trường dân lập thì cái trường công tự chủ tài chính hiện nay nó nằm ở đâu trong luật? Tôi thấy nó không nằm ở đâu cả!
Trường công lập là vốn ngân sách nhà nước, trường tư thục là vốn cá nhân và trường quốc tế là do có yếu tố nước ngoài, nếu chúng ta phân biệt các loại hình trường này chỉ dựa trên vốn đầu tư thì chúng ta đang thấy là nó bất cập và không đúng.
Vấn đề bây giờ là chúng ta phải có định nghĩa, minh bạch rõ ràng thế nào là trường quốc tế, gỡ bỏ được việc phải có vốn đầu tư nước ngoài thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam mở trường quốc tế.
Nếu nói không cần học chương trình quốc tế mà học sinh vẫn có thể đi du học, vẫn có học bổng, vậy thì trường quốc tế để làm gì và tại sao lại phải có trường quốc tế?
Ngoài ra còn có rất nhiều lợi ích khác như mọi người đã phân tích rằng nó mang lại cho giáo viên rất nhiều và cho cả cán bộ quản lý trong nhà trường là rất lớn.
Chúng ta học được của đối tác rất nhiều, từ những việc đơn giản nhất là sắp xếp thời khóa biểu. Ví dụ trường Olympia thì mô hình tổ chức khá là giống một trường trung học phổ thông ở Mỹ.
Ở đây học sinh được phân chia theo năng lực, các em di chuyển giữa các lớp học và cứ 5 phút là các em lại di chuyển đến một phòng học mới. Một cái thay đổi rất nhỏ đó thôi thì nó đã mang lại những giá trị rất lớn đối với học sinh về việc học chủ động và học tích cực.
Nếu ở trường Việt Nam thì lớp học đóng gọn trong bốn bức tường, học sinh ngồi trong lớp và cô giáo phải đến, vậy ở đây cô giáo là "khách", học sinh hết giờ cứ ngồi ì một chỗ, không chịu vận động.
Nhưng với mô hình của chúng tôi thì tất cả các lớp học đều trở thành phòng học bộ môn, các phòng này được giáo viên đầu tư rất nhiều từ trang trí lớp học, dụng cụ học tập... làm sao phù hợp với môn học của học sinh.
Khi các em bước vào lớp thì các em như đã hòa mình vào không gian của môn học, môi trường sư phạm đã thay đổi và học sinh có ngay tâm thế để vào môn học đó một cách hứng thú.
Chưa kể đến việc học sinh phải vác ba lô đến các phòng học để tìm tòi kiến thức chứ không phải cứ ngồi một chỗ để giáo viến đến "bón" kiến thức.
Chỉ những việt rất nhỏ đó thôi thì rõ ràng là mình học từ trường đối tác, chứ không phải là từ trong nhà trường truyền thống ở Việt Nam. Chỉ một việc nhỏ nhưng chúng ta nhìn thấy rõ lợi ích từ việc hợp tác.
Với phương pháp học thì trước đây trường Olympia chưa liên kết nhưng học sinh vẫn có học bổng 100% đi tất cả các nước, bây giờ liên kết thì tỷ lệ đó có thay đổi không? Có thể là không, thế nhưng những cái kỹ năng, giá trị mà học sinh tham gia chương trình song bằng có được thì lại giúp cho các em học tốt hơn ở trong trường đại học.
Các em học được nếp học chủ động hơn vì giáo viên nước ngoài giảng dạy rất nghiêm khắc với cách kiểm tra, đánh tiến độ...học sinh chậm bao nhiêu ngày sẽ bị trừ bao nhiêu phần trăm điểm.
Mà nếu học sinh không qua được tín chỉ đó thì phải nộp thêm tiền để học lại. Việc này khác hẳn với trường của chúng ta là cứ học và cứ lên lớp.
Vậy những giá trị nó mang lại không chỉ là phần kiến thức, mà là những kỹ năng học tập học sinh có được qua chương trình song bằng quốc tế.
Tôi kiến nghị: Phải có định nghĩa rõ ràng, minh bạch về các loại hình trường mà không chỉ phụ thuộc vào vốn đầu tư, giống như định nghĩa về trường quốc tế ở Mỹ là phải có môi trường quốc tế, phải giảng dạy chương trình quốc tế như là IB, Cambridge hoặc là một chương trình của quốc gia đó đặt tại nước sở tại, thì đó là trường quốc tế.
Thế còn các trường Việt Nam khác thì hãy cứ là tư thục, cứ là công lập đi và với chương trình giáo dục phổ thông mới này cho phép các nhà trường chủ động xây dựng chương trình nhà trường, thì các nhà trường công lập hay tư thục hoàn toàn có thể xây dựng chương trình của mình đáp ứng chuẩn đầu ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo về năng lực và phẩm chất.
Có làm gì thì làm nhưng vẫn đảm bảo được đầu ra về năng lực và phẩm chất của một học sinh Việt Nam.
Còn lại thì có thể xây dựng tích hợp chương trình Việt Nam với Mỹ, hoặc với Úc, Singapore...nhưng tên trường vẫn là trường Việt Nam, sao lại cứ phải là trường quốc tế để làm gì?"
Ngày 10/9, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm: "Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP". Hội thảo để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư về vấn đề này, tổng hợp ý kiến góp ý, kiến nghị với các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, kiến nghị với các cơ quan chức năng. Tham dự Tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Xuân Thu (Đại học RMIT Melbourne), người đặt nền móng cho việc thành lập Trường đại học RMIT Việt Nam. Bà Phạm Thị Minh An - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Olympia. Bà Phạm Lệ Thủy phụ trách chương trình song bằng quốc tế của Trường trung học phổ thông Olympia. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam, Phần Lan (Trường Đại học Tôn Đức Thắng). Bà Đặng Thị Thu Huyền - Trưởng phòng tổ chức hành chính (Trường Đại học Tôn Đức Thắng).
Tùng Dương
Theo giaoduc.net
Cần tôn trọng quyền được học, quyền thụ hưởng chương trình quốc tế của dân Lợi ích giá trị đầu tiên là đối với học sinh, đáp ứng nhu cầu phù hợp của phụ huynh, rồi đến giá trị phát triển chuyên môn của lực lượng giáo viên Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam, Phần Lan (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) chia sẻ: Báo điện tử Giáo...