Học giáo khoa trong hạnh phúc…
Nếu cần một định nghĩa hàn lâm và được chấp nhận về giáo dục tích cực thì đó là việc dạy kiến thức giáo khoa đồng thời mang lại hạnh phúc cho học sinh.
Hãy giúp mọi trẻ được khám phá thiên đường kiến thức trong hạnh phúc – Ảnh: favim.com
Phương pháp giáo dục tích cực đã được chứng minh là giúp nâng cao nghị lực, tăng cường cảm xúc tốt, sự gắn kết của trẻ bởi các nhà tâm lý và giáo dục châu Mỹ và châu Úc.
Nhưng nếu bạn còn nghi ngờ sự cần thiết của giáo dục tích cực, hãy trả lời hai câu hỏi sau đây:
1. Mô tả điều bạn mong muốn nhất cho con mình?
Video đang HOT
2. Mô tả những gì con bạn được học ở trường?
Câu trả lời mà hàng ngàn phụ huynh đã đưa ra và hầu hết đều giống nhau với câu 1 là: “hạnh phúc”, “tự tin”, “thành đạt”, “giàu có”, “tử tế”, “khỏe mạnh”, “có học vấn”… Và nếu tổng hợp tất cả những mong ước rất chính đáng đó, ta có thể gọi đó là “hạnh phúc trọn vẹn”.
Với câu hỏi thứ hai, câu trả lời là: “ngữ văn”, “toán”, “kỷ luật”, “bài kiểm tra”, “lễ phép”, “đạo đức”, “ nhạc, họa”…
Điều dễ thấy qua hai câu trả lời trên là chúng không trùng nhau và còn rất xa mới gặp nhau để con cái chúng ta lớn lên được hạnh phúc trọn vẹn. Không có gì là sai khi nhà trường dạy các trò kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về tự nhiên và xã hội để chuẩn bị cho trẻ gia nhập thế giới người lớn. Thế nhưng, thực tế cuộc sống đòi hỏi nhà trường làm nhiều hơn thế, bằng việc giảng dạy những kỹ năng sống tích cực để giúp trẻ tự gieo trồng giá trị nhân văn, hướng thượng cho tương lai sau này của chính mình.
Cần giáo dục sự tích cực trong nhà trường vì hai lý do sau:
1. Trầm cảm đang như một làn gió độc tấn công vào giới trẻ mang theo năng lượng xấu khiến thanh thiếu niên ít cảm thấy mình được hạnh phúc.
2. Tâm trạng tốt có tác dụng tốt đến việc tiếp thu bài học, giúp học sinh đạt kết quả cao hơn. Trong tâm thế tích cực – ví dụ say mê một lĩnh vực nào, học sinh chú ý nhiều vào bài học, có nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá và phát triển kỹ năng tư duy tổng hợp… Ngược lại, trong tâm thế thụ động, người học cũng sẽ mất tập trung, thiếu lập luận và tư duy phân tích.
Hẳn số đông phụ huynh sẽ đồng ý là nhà trường hiện nay tập trung nhiều vào việc dạy trẻ tuân theo nội quy, kỷ luật mà chưa chú trọng kỹ năng sáng tạo và tự học hỏi cái mới. Trong khi đó, càng sáng tạo trong tư duy, chúng ta càng ít có khuynh hướng bị lệ thuộc, như thế hạnh phúc và thành công nhiều hơn.
Vì vậy, tư duy tích cực nên được giới thiệu rộng rãi trong nhà trường như một kỹ năng quan trọng để đẩy lùi những năng lượng xấu và thúc đẩy tư duy sáng tạo của học sinh.
Các trường nghiên cứu và ứng dụng giáo dục tích cực ở Mỹ và Úc đã bắt đầu với hai bài tập sau. Dĩ nhiên còn rất nhiều bài tập khác, người viết chỉ xin phép nêu ra làm ví dụ:
Bài tập 1: Liệt kê ba niềm vui
Trong ngày, học sinh viết ra ba điều mang lại niềm vui của mình liên tục trong một tuần (không phân biệt mức độ quan trọng) chẳng hạn: Tôi đã trả lời được một câu hỏi khó trong lớp, Cô gái/chàng trai tôi để ý mỉm cười với tôi sáng nay, hoặc Tôi đoạt giải trong cuộc thi toàn quốc… Cùng với việc liệt kê ba niềm vui đó, học sinh diễn tả thêm: tại sao điều đó lại xảy ra, nó có ý nghĩa gì với mình, và làm sao để những niềm vui đó có thể tiếp tục đến với mình trong tương lai.
Bài tập 2: Thế mạnh của bạn ở đâu?
Chân thành, trung thành, kiên nhẫn, sáng tạo, tử tế, khôn ngoan, công bằng, dũng cảm… là những giá trị mà bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng coi trọng. Sau khi thực hiện một bài kiểm tra xác định mình có ưu thế về những giá trị nào, bài tập cho học sinh là cam kết phát huy tốt đa các giá trị đó vào mọi tình huống ở bất cứ nơi đâu: ở trường, tại nhà và ở cộng đồng trong tuần.
Mỗi giáo viên có thể thực hành với học sinh để tăng cường sự tự tin, lòng tự trọng và sự hài lòng với bản thân của học sinh trong các giờ sinh hoạt chủ nhiệm ở Việt Nam. Bài tập này cũng có thể áp dụng cho bất cứ ai.
Nhắm mắt lại, nghĩ đến những giá trị của bản thân, những khả năng bạn có thể mang cho cộng đồng, bạn có thấy mình tràn đầy năng lượng để thế giới ngày một tốt đẹp hơn? Giáo dục tích cực không tự nhiên mà có nên đừng mong gặt mà không gieo những hạt giống tích cực thông qua luyện tập mỗi ngày.
Theo TTO