Học giả Việt Nam khuyến nghị tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH
Nhóm đối thoại giáo dục (VED) đã đưa ra một số khuyến nghị về giáo dục đại học trong dự án cải cách toàn diện nền giáo dục đại học ở Việt Nam. Các khuyến nghị này chú trọng vào 3 vấn đề lớn khiến chất lượng đào tạo bị suy giảm, tụt hậu so với thế giới. Đó là thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ tài chính.
VED tập hợp một số nhà khoa học có chuyên môn ở những lĩnh vực khác nhau, nhưng cùng chia sẻ các nguyên tắc nghiên cứu khoa học và ước vọng về một nền đại học Việt Nam lành mạnh và tiến bộ. Nhóm đã tập trung làm việc từ năm 2013 theo những chuyên đề khác nhau trong một dự án cải cách toàn diện nền giáo dục đại học và đã tổ chức một Hội thảo trong hè 2014 để chia sẻ những suy nghĩ của mình và thảo luận với nhiều giảng viên, nhà khoa học cũng như những người làm công tác quản lý giáo dục.
Theo VED, để nền đại học Việt Nam có sức sống và phát triển thì cần cải cách mô hình quản trị đại học. Hiện nay, các trường đại học công lập thuộc sở hữu toàn dân, được nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, hiện nay, hơn 330 trường đại học và cao đẳng công lập ở Việt Nam chưa có “chủ” thực sự. Chủ ở đây không phải là chủ sở hữu đất đai và cơ sở vật chất mà sở hữu 2 thuộc tính gồm không sinh ra cổ tức, không trực tiếp sinh ra lợi nhuận và không có tính kế thừa theo huyết thống. Những người được ủy thác làm “chủ” hay quản trị một đại học phải làm việc đó vì lợi ích của xã hội, hoặc vì lợi ích của địa phương, của ngành nghề mà mình đại diện.
Về mô hình quản trị, VED cho rằng các trường đại học cần có hội đồng ủy thác (hay còn gọi hội đồng tín thác – board of trustees) với quyền lực tương tự như hội đồng quản trị của các doanh nghiệp. Địa phương và các bộ ngành liên quan thực hiện quyền và trách nhiệm làm “chủ” của mình thông qua hội đồng ủy thác. Mọi quyết định quan trọng trong đó có việc chỉ định ban giám hiệu trường và đề ra những phương hướng chính sách lớn liên quan đến quyền lợi và sự phát triển của trường phải được thực hiện trong các cuộc họp của hội đồng ủy thác. Việc thành lập hội đồng ủy thác và thiết lập cơ cấu của nó gắn liền với việc nhà nước phân quyền làm “chủ” đại học cho địa phương và các bộ, ngành liên quan bởi chỉ những định chế có lợi ích gắn chặt với định mệnh của một trường đại học mới thực hiện tốt vai trò làm “chủ”.
Về nguồn lực tài chính, hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam đang gặp bất cập trong 3 vấn đề như thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ. Thế nên, theo khuyến nghị của VED, cải cách tài chính cho hệ thống các trường đại học Việt Nam cần tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên: tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội; tự chủ tài chính cho các đại học và thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường. Đặc biệt tăng tự chủ không có nghĩa là Nhà nước giảm hỗ trợ cho giáo dục đại học mà Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này nhất là ưu tiên đầu tư về nghiên cứu khoa học. Bởi đây là phương thức giúp nhà nước phân bổ ngân sách hỗ trợ cho đại học một cách hiệu quả hơn thay vì cào bằng, hay theo những chỉ tiêu có thể bàn cãi.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, huy động nguồn thu và sử dụng nguồn lực hiệu quả thì cần chú trọng tới cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho các trường (công và tư) cạnh tranh với nhau về chất lượng giáo dục, mức học phí, và số lượng tuyển sinh, và qua đó, phục vụ xã hội tốt hơn. Song song, chính phủ cần can thiệp để giảm thiểu các khiếm khuyết của thị trường gồm bất công bằng trong giáo dục: chỉ người giàu mới đủ tiền đi học; thiếu thông tin về chất lượng của các trường để người đi học lựa chọn đúng đắn; các trường chỉ tập trung đào tạo theo nhu cầu của thị trường, và xem nhẹ những ngành có lợi ích lâu dài cho xã hội.
VED đề xuất một mô hình dài hạn cải cách tài chính trong giáo dục đại học Việt Nam. Theo đó, các trường được toàn quyền quyết định các vấn đề như số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo, chi tiêu từ lương đến các khoản chi và đầu tư khác ở mức thị trường, tiền hỗ trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Còn hỗ trợ của Nhà nước cần được chia theo ba kênh chính: Hỗ trợ trực tiếp cho từng trường; Hỗ trợ thông qua học bổng và tín dụng sinh viên; Hỗ trợ thông qua tài trợ nghiên cứu khoa học.
Theo songmoi.vn