Học gia sư teens có cần bản lĩnh?
Việc học gia sư đã rất quen thuộc với teens, đây là cơ hội cho teens củng cố và nâng cao kiến thức của mình. Tuy nhiên vẫn còn nhiều teens không ý thức được điều này nên đã có những cách ứng xử làm sai lệch đi mục đích thực sự của cơ hội học tập không phải ai cũng có.
Biến gia sư thành những “công cụ” biết nói
Gia sư là lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh không chỉ để củng cố, bồi dưỡng thêm kiến thức cho con cái mà còn được nhiều người sử dụng như một biện pháp “cách ly” (vì phụ huynh do bận bịu với công việc không có đủ thời gian để kèm cặp, lo sợ “những cậu ấm cô chiêu” bị sa ngã). Điều đó khiến cho nhiều teen cảm thấy “nản” thực sự khi phải học gia sư.
Trong mắt các bạn ấy, học gia sư không phải vì muốn mà là bị “ép”, ép phải học , ép phải ở trong nhà không được đi chơi ,không được tự do gặp gỡ bạn bè …nên chính những teen này trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều gia sư, khiến gia sư lâm vào những tình huống “dở khóc dở cười”.
Khi trò không chịu làm bài, không chịu học, kệ gia sư muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm,… thì ngay cả những gia sư kiên trì nhất cũng phải “bó tay”. Một số gia sư dùng biện pháp “làm bài” hộ học sinh như một giải pháp “cứu nguy” khi gặp phải những trường hợp “khó dạy”, nhưng lâu dần vô tình tạo thành “tiền lệ” cho trò ỷ lại với ý nghĩ: “ Sao cần phải làm trong khi ta có người làm hộ?”. Bên cạnh đó, việc này còn làm cho gia sư thấy nhàn, đỡ mất công hơn so với việc cứ nói mà trò chẳng nghe thậm chí còn có suy nghĩ “Đợi bọn nó học giỏi mình mất việc từ lâu rồi!”
Bố mẹ thấy con điểm ngày một cao lên nên càng “tin tưởng” cho dạy tiếp. Như trường hợp của My (sv sư phạm) khi nhận dạy kèm cho một cậu bé lớp 8 phải tức phát khóc khi trò không chịu làm bài tập về nhà mà kiên quyết bắt chị gia sư làm hộ. Không còn cách nào khác cuối cùng, cô cũng phải chào thua cậu bé cứng đầu này, phải cặm cụi làm hết trong khi trò ung dung ngồi chơi điện tử. Thậm chí có những cô cậu tuổi teen đầy tố chất của một “doanh nhân” kỳ tài bởi họ luôn biết đưa ra “những cái giá hợp lý” và điều kiện đáng sợ chi phối cả những gia sư. Quan hệ của họ giờ không phải là gia sư và học trò mà là giữa cô cậu chủ nhỏ và những cái máy chuyên làm bài thuê .
Học gia sư theo nhóm cũng là một cách mà nhiều teen lựa chọn để được “tháo cũi sổ lồng” với lý do hết sức chính đáng với các bố mẹ. Dung (sv Y) dạy kèm 3 cô bé lớp 10 (trường THPT PĐP) hai môn toán, hóa nhưng hầu như buổi nào cũng thiếu mất 1 hoặc 2 thành viên. Nhiều khi còn thường xuyên phải nghỉ, đổi lịch, nghỉ sớm bởi những lý do muôn thưở: em bị ốm, em bị ngã xe, hỏng xe…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Và những “cái chết” đã được báo trước …
Việc học gia sư không khiến cho kết quả học tập của teens khá hơn mà làm cho nhiều bạn trở nên thụ động, lười suy nghĩ, dựa dẫm vào gia sư. Ở nhà đã quen có gia sư làm bài cho, gặp bài tập không làm được thì lại nhờ gia sư làm hộ khiến cho đến giờ kiểm tra các bạn ấy chỉ còn biết ngồi “gãi đầu, gãi tai”. Khi nhận được kết quả học tập kém, nhiều bạn ngay lập tức đổ lỗi cho gia sư không biết dạy. Bố mẹ lại đi tìm gia sư khác và cái vòng quay luẩn quẩn cứ tiếp diễn.
Đối với nhiều người, việc học gia sư là một mơ ước vì số tiền không nhỏ sẽ phải trả nhưng những bạn có cơ hội thì lại không biết tận dụng. Học gia sư lúc này quả thật chẳng khác gì “ném tiền” của bố mẹ qua cửa sổ.
Vì vậy khi đã có cơ hội để việc học tập được tốt hơn tại sao teens lại không nắm bắt lấy nó? Còn nếu đã thực sự chán ngán việc học gia sư, các bạn nên mạnh dạn trình bày điều này với bố mẹ. Chứng minh lời nói của mình bằng chính bảng điểm, sự nỗ lực trong học tập thì chắc chắn bố mẹ sẽ tin tưởng và giải thoát cho các bạn khỏi việc kèm cặp của gia sư.