Học đêm hiệu quả?
Học sinh, sinh viên thường xuyên có những bài kiểm tra, bài thi, bài nghiên cứu theo yêu cầu của giáo viên và nhà trường. Mặc dù thức đêm để học bài là một ý tưởng hơi phản khoa học bởi nó có thể làm giảm trí nhớ và sự tập trung, đôi khi bạn không còn lựa chọn nào khác bởi kỳ thi đang đến gần.
Rõ ràng thức đêm không tốt cho sức khỏe, nhưng bạn không còn lựa chọn nào khác. Vậy bạn phải làm thế nào để thức đêm một cách hiệu quả?
Tìm tài liệu cần nghiên cứu
Trong trường hợp bạn phải thức thâu đêm, chắc chắn đó phải là một bài nghiên cứu cần sự đầu tư tỉ mỉ với lượng thông tin rất lớn. Điều bạn cần làm là tìm hiểu chính xác những tài liệu mình cần để nghiên cứu, từ đó bạn xây dựng một kế hoạch nghiên cứu hợp lý, khoa học để “đêm trắng” của bạn không uổng phí.
Việc quan trọng tiếp theo là kiểm tra giáo trình của bạn, đọc kỹ các hướng dẫn hoặc thông tin về tài liệu bạn cần biết. Khi ở nhà, bạn nên đọc lại những ghi chú mà mình đã có được trên lớp, để xem giáo viên hoặc giáo sư có đưa ra bất kỳ thông báo đặc biệt nào mà bạn nên cân nhắc khi xây dựng kế hoạch của mình hay không.
Lập danh sách tất cả những mục bạn cần để phục vụ cho kỳ thi hoặc bài nghiên cứu. Khi có quá nhiều tài liệu, bạn nên ưu tiên thông tin quan trọng nhất và đặt nó ở đầu danh sách của mình. Bên cạnh đó, bạn hãy cân nhắc thêm các chủ đề ít liên quan hơn vào cuối danh sách của mình để kịp nghiên cứu trong đêm.
Trang bị kỹ càng trước khi thức đêm
Bài giảng của giáo viên là một phần không thể thiếu của bất kỳ lớp học nào. Từ gợi ý của giáo viên, bạn sẽ biết mình cần thêm tài liệu nào cho nghiên cứu. Có những tài liệu bạn hoàn toàn có thể mượn tại thư viện hoặc mua ở hiệu sách. Khi có chúng trong tay, việc nghiên cứu của bạn sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Khi ở trên lớp, bạn cần có những vật bất ly thân như sách, vở, bút, giấy ghi chú… Những đạo cụ này sẽ giúp bạn không nhất thiết phải đứng lên nhờ vả người khác gây mất tập trung cho lớp học cũng như giảm sự chăm chú của chính bạn. Khi bạn tập trung học bài, nghiên cứu vào ban đêm, bạn nên có một chiếc laptop hoặc máy tính bảng và đồ ăn nhẹ.
Đặt lịch cụ thể để tập trung hơn
Trước khi bắt đầu “cày đêm”, bạn nên xác định mình cần đầu tư nhiều thời gian cho tài liệu quan trọng nhất, bao gồm cả những tài liệu mà bạn chưa nhận thức hết về tầm quan trọng của nó. Nhìn chung, bạn nên đặt việc quan trọng lên danh mục cần nghiên cứu đầu tiên ngay sau giờ giải lao, càng cụ thể càng tốt.
Ví dụ, bạn có thể viết: 8 giờ tối đến 9 giờ tối: đọc các trang 60 – 100 của sách giáo khoa lịch sử. 9 giờ đến 9 giờ 15 tối: Nghỉ giải lao; 9 giờ 15 đến 10 giờ 15: Đọc các trang bao gồm các tài liệu chính 4 – 10 trong cuốn sách lịch sử; 10 giờ 15 – 10 giờ 30 tối: Nghỉ giải lao.
Video đang HOT
Sử dụng phương pháp học phù hợp nhất
Mỗi người có một phong cách học tập khác nhau. Nhưng nếu bạn nắm được phương pháp tốt nhất, bạn sẽ tận dụng một cách hiệu quả những kiến thức thu nạp khi thức đêm. Nó cũng có thể giúp bạn ghi nhớ thông tin tốt hơn.
Điều quan trọng là bạn cần xác định những điều kiện giúp bạn tiến hành công việc nghiên cứu một cách dễ dàng nhất. Điều này bao gồm cả việc bạn đã sử dụng phương pháp hoặc kỹ thuật nào cho việc học của mình.
Ví dụ, nếu bạn làm việc tốt nhất trong không gian tĩnh lặng, học tập tại nhà hoặc trong một thư viện sẽ là điều kiện lý tưởng. Nếu bạn cần một chút tiếng ồn, hãy thử học một quán cà phê phục vụ khách 24/24 giờ.
Sự quan trọng của ghi chép
Máy tính xách tay và bút không bao giờ thừa khi bạn đang nghiên cứu, chúng giúp bạn lưu lại thông tin khi bạn thức đêm học bài. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải ghi chú bằng tay, cách này sẽ giúp bạn hiểu và nhớ lâu hơn so với việc bạn nhập chúng vào máy tính.
Việc lưu giữ ghi chú cũng có thể giúp bạn tỉnh táo suốt buổi tối. Tuy nhiên, bạn chỉ nên viết những điểm quan trọng nhất hoặc giữ một danh sách các từ khóa hoặc các đề mục với một lời giải thích ngắn từ 3 – 6 từ. Hãy xem lại ghi chú của bạn vào ngày hôm sau trước khi đến trường làm kiểm tra hoặc bài thi.
Chủ động làm việc hiệu quả
Khi thức đêm, điều quan trọng là bạn phải làm việc theo phương pháp và bám sát lịch biểu. Điều này sẽ đảm bảo bạn nghiên cứu đủ tài liệu mà không cảm thấy quá mệt mỏi. Muốn được như vậy, bạn cần xem xét lịch biểu của mình để chắc chắn mình sẽ không bỏ sót điều gì trước khi bắt đầu “đêm trắng”.
Một cách hiệu quả khác là chia nhỏ từng bài tập hoặc tài liệu nghiên cứu để dễ dàng kiểm soát chúng. Ví dụ, nếu bạn phải đọc 40 trang trong một giờ trước khi nghỉ giải lao, hãy đọc 10 trang sau mỗi 15 phút.
Không học quá sức
Bạn nên dừng lại để nghỉ ngơi sau khoảng 8 – 10 giờ miệt mài. Đến thời điểm này, bạn có thể rất mệt mỏi và bị căng thẳng bởi công việc nghiên cứu. Hãy đặt tài liệu sang một bên và cho phép bản thân ngủ vài tiếng nếu có thể. Hãy nhớ, ngay cả giấc ngủ ngắn 90 phút cũng có thể giúp bạn thư giãn, hồi sức và tập trung trở lại.
Nam Phương
Theo Eschoolnews
Những quan niệm sai lầm trong cách dạy con
Hiện có hai trường phái dạy con: cho con chủ động tự học và bắt ép con theo khuôn khổ. Theo TS Văn học Diệu Lan Phương (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội), không phải lúc nào bố mẹ cũng kè kè bên cạnh nhưng sự đồng hành cùng con luôn quan trọng trong thời đại nhiều cám dỗ, nhiều lựa chọn.
Con tự do mới sáng tạo
Theo TS Diệu Lan Phương, mỗi học sinh có phương pháp học khác nhau. Bản thân chị, không chạy theo luyện Toán, Văn cho con bởi như thế phải bắt trẻ ngồi lì cả ngày.
"Bố mẹ mình là giáo viên, bản thân mình làm giáo dục, qua những trải nghiệm, phải hướng đến giá trị bền vững. Tự học là giá trị bền vững", TS Lan Phương chia sẻ.
Cũng theo TS Phương, hiện có hai trường phái dạy con: Cho con chủ động tự học và bắt ép con theo khuôn khổ. Không phải lúc nào bố mẹ cũng kè kè bên cạnh nhưng chị cho rằng, sự đồng hành cùng con, luôn quan trọng trong thời đại nhiều cám dỗ, nhiều lựa chọn.
"Sai lầm từ trước đến nay, các gia đình hay áp đặt suy nghĩ của người lớn lên con. Tuy nhiên, hãy để con tự do mới có sáng tạo", chị khẳng định.
Nữ tiến sĩ dẫn chứng, trẻ con tập trung cao nhất 30 phút, trẻ lớp 1, 2 là 10 phút. Nếu bố mẹ bắt con ngồi bàn học 2 tiếng lãng phí, gây tâm trạng chán nản. Do đó, hãy cho con đi ra ngoài, vui chơi cũng là cách học, như thế kiến thức mới nhanh vào.
Theo TS Diệu Lan Phương, mỗi học sinh có phương pháp học khác nhau. (Ảnh: Đ.Q)
"Tôi hỏi con, nhân vật nào mình thích nhất. Con bảo thích con Rocky. Trong khi đó, tôi nghĩ con sẽ thích nhân vật Totto Chan. Rõ ràng, thông thường suy nghĩ của trẻ thơ sẽ khác với người lớn", chị chia sẻ.
Chia sẻ về điều này, Thạc sĩ thực hành tâm lý học Phạm Lê Hoàng Minh cho rằng, không nhất thiết bắt buộc các bạn nhỏ cứ phải ngồi im lặng hàng tiếng đồng hồ trên bàn học. Thay vào đó, hãy cho trẻ chủ động học tập hơn là bắt ép, ngồi im.
Đồng tình với quan điểm của TS Diệu Lan Phương, Th.s Hoàng Minh cũng thừa nhận, mỗi bạn trẻ có mỗi phong cách khác nhau. Nếu áp dụng chung một cách thức theo đại trà thì chắc chắn sẽ có bạn không tương thích.
Để rõ hơn, ông cũng dẫn lại câu chuyện mình từng gặp mới đây, trường hợp một học sinh ở lớp học rất giỏi nhưng ở nhà bố mẹ không bao giờ thấy con học, con lại còn có thói xấu, có bạn trai.
"Khi gặp học sinh này, tôi thấy em không có vấn đề gì nhưng khi gặp mẹ, tôi thấy bà đang lo lắng quá mức. Do vậy, tôi đã khuyên phụ huynh nên bớt lo lắng, bớt áp lực", Th.s Minh nhớ lại.
Không bao giờ bắt con viết nhiều lần một bài văn
Chia sẻ tại tọa đàm "Dạy con tự học hiệu quả", vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 5/1, TS Diệu Lan Phương ủng hộ quan điểm kèm con nhưng sau đó để con tự do, chủ động sáng tạo.
"Tôi không kèm con, chỉ định hướng. Đặc biệt, bạn lớp 5 dạy bạn học lớp 1. Bạn lớp 1 sang học kỳ 2 đã biết đọc nên sẽ để học tự do. Ở nhà, hai chị em chơi trò cô giáo với nhau. Thậm chí, mẹ con chơi trò chơi với nhau. Khuyến khích con sáng tạo, không bao giờ bắt con làm đi làm lại một bài văn. Bài làm văn chỉ là một phần nhỏ trong năng lực ngôn ngữ, vì thế con viết gì, tôi cũng ủng hộ", TS Phương cho biết.
Được biết, là người yêu thích sách vở nên ở nhà, chị thường đọc cho con nghe, ít nhất mỗi buổi tối 20 phút.
Chị cho biết thêm, từ nhỏ mình là người lười học nhất nhưng lại học giỏi nhất. Do đó theo chị, động lực bên trong mới trọng nhất, khuyến khích cho con có suy nghĩ, mục tiêu.
Nữ tiến sĩ cho hay, khả năng nhận thức của mỗi trẻ là khác nhau. Tùy trí thức, trí tuệ, cha mẹ không nên sốt ruột bởi đường học còn dài, nhanh hơn 1, 2 năm không có gì là vội.
"Cho dù áp dụng các phương pháp giáo dục phương Đông hay phương Tây, phụ huynh cũng không nên quá sùng bái, thấy gì hay sẽ học, cần căn cứ vào khả năng nhận thức của con, quan trọng phải dạy tình yêu thương quan trọng", nữ tiến sĩ cho hay.
Về điều này, Th.s Minh cho rằng: "Tôi hay nói nuôi con như trò chơi thả diều, diều bay cao thì tay cầm phải lỏng, cầm chặt thì dây đứt".
Ông khẳng định, tự học là tốt nhưng làm thế nào kiểm soát can thiệp nội dung tự học của con. Con phải là người chủ động lựa chọn nhưng phụ huynh nên đặt vấn đề cái nào phù hợp với con, cái nào không.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Bí kíp đạt trên 25 điểm thi THPTQG Được đánh giá là cuộc thi quan trọng nhất của học sinh trước khi bước vào ngưỡng cửa Đại học tuy nhiên để đạt điểm cao tại kỳ thi THPT Quốc gia lại không quá khó nếu bạn biết cách. Tập trung vào kiến thức sách giáo khoa Nhiều thí sinh cho rằng ôn tập trong sách giáo khoa không thể đáp ứng...