Học để cùng chung sống
Không chỉ liên quan tới vấn đề sức khỏe học sinh, câu chuyện “ nữ sinh đánh nhau” ở một khía cạnh nào đó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc xác định mục đích học tập.
Ảnh minh họa
Thêm một clip nữ sinh đánh bạn ở Thanh Hóa được phát tán làm nhiều người quan tâm, dù thời gian xảy ra vụ việc đã cách đây 1 tháng và thông tin về vụ việc cũng bị chìm lấp đi giữa vô số tin tức thời sự khác.
Cần nhấn mạnh rằng đây không phải là vụ việc “đánh nhau” theo đúng nghĩa, bởi từ đầu đến cuối, một nữ sinh lớp 12 hung hãn đánh tới tấp, còn nạn nhân thì hoàn toàn không hề chống trả mà chỉ biết cúi mặt chịu trận.
Điều đáng nói là trong clip này cũng như nhiều clip khác, ngoài 2 nhân vật chính là những học sinh có hành vi bạo lực và nạn nhân, xung quanh vẫn có nhiều người khác từ bạn bè, thậm chí đôi lúc là người lớn qua đường nhưng tuyệt nhiên không ai tỏ thái độ, chí ít là không đồng tình với cái ác, chứ chưa nói đến chuyện lên tiếng phản đối hay bênh vực nạn nhân.
Đáng nói hơn nữa, sau khi sự việc xảy ra, giáo viên chủ nhiệm của 2 lớp biết nhưng không báo lên ban giám hiệu nhà trường. Nguyên nhân là do các học sinh xin thầy cô không báo lên ban giám hiệu vì sợ bị ghi hạnh kiểm không tốt. Các thày cô đã thể hiện thái độ thờ ơ vô trách nhiệm và tệ hơn nữa là việc giấu diếm sự thật.
Video đang HOT
Đã có không ít những clip học sinh đánh nhau được phát tán trên mạng xã hội và cả những cơ quan truyền thông, nhưng lần nào xuất hiện một clip mới, những người làm cha làm mẹ khi buộc phải xem chúng vẫn phải bức xúc và đâu đó lẩn khuất cảm giác sợ hãi mơ hồ, liệu có một ngày nào đó điều tồi tệ ấy đến với chính những đứa con mình?
Và dù rất phẫn nộ với những học sinh đánh bạn nhưng người xem vẫn phải đặt ra một câu hỏi: Dường như nạn nhân, những học sinh bị đánh, gần như không có bất cứ một kỹ năng nào bảo vệ mình khi bị tấn công? Ngay cả những kỹ năng thông thường nhất mà bất cứ một người trưởng thành nào cũng có thể nghĩ đến cũng không được các em áp dụng: thận trọng trong giao tiếp, né tránh xung đột, hoãn binh, tự vệ và thậm chí là bỏ chạy… Có phải đấy chính là những kỹ năng sống cần thiết mà mỗi đứa trẻ cần học?
Có nhiều lý do dẫn tới những vụ bạo lực học đường và trong vụ việc đang bàn đến, lý do được đưa ra là nạn nhân đã nói xấu mẹ của người “ra tay”. Nếu lý do này là chính xác, vụ việc một lần nữa đặt ra những câu hỏi cho thày cô và các bậc phụ huynh về việc dạy dỗ học sinh, nhất là về cách nhìn nhận và hành xử trước những bức xúc nảy sinh trong cuộc sống. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc sử dụng bạo lực đều rất khó chấp nhận.
Học để làm gì thật sự là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục. Chính vì vậy, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, UNESCO đã công bố một báo cáo có tên “Học tập: kho báu bên trong mỗi người”, trong đó có phần trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?”. Theo UNESCO, học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để chung sống với người khác. “Chung sống với người khác” rõ ràng là một mục đích vô cùng quan trọng, bởi một lý do hiển nhiên: Con người – một sinh vật xã hội, không thể biệt lập một mình và luôn tồn tại trong mối quan hệ với những người khác, với cộng đồng xã hội.
Cha mẹ quan tâm hơn đến con cái, để biết chúng chơi với ai và thậm chí là đang mâu thuẫn với ai, thầy cô tận tâm hơn với học trò, cả xã hội cùng lên tiếng phản đối hành vi bạo lực… đó là trách nhiệm của những người lớn góp phần bảo vệ và giáo dục trẻ em. Trong đó, phải hết sức nhấn mạnh đến vai trò của các bậc cha mẹ, các thày cô giáo và nhà trường, môi trường nơi học trò sống và học tập hằng ngày.
Quang Lê
Theo baochinhphu
Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội
Tại Việt Nam, internet và mạng xã hội đang đà tăng tốc ngoạn mục, phát triển với tốc độ chóng mặt. Bên cạnh những tích cực mà mạng xã hội mang lại khi nó lan tỏa nhiều kiến thức giá trị, kết nối con người với nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện... nhiều hệ lụy đau lòng cũng đã xảy ra, nhất là với giới trẻ từ thế giới ảo của mạng xã hội.
Clip nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip.
Theo công bố của We are Social và Hootsuite (công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội một dịch vụ quen thuộc với các blogger) về digital Việt Nam, tại Việt Nam, internet và mạng xã hội đang đà tăng tốc ngoạn mục, phát triển với tốc độ chóng mặt. Năm 2018, Việt Nam có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số. Hiện có 400 mạng xã hội được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, trong đó Facebook có khoảng 55 triệu tài khoản, chiếm 57% dân số và là 1 trong 10 nước có số lượng người sử dụng mạng Facebook lớn nhất thế giới. Trong đó, lượng người đang bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội quá lớn, với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cùng hàng triệu học viên ở nhiều hệ đào tạo khác nhau.
Về ứng xử văn hóa của giới trẻ trên mạng xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận những điều tích cực mà mạng xã hội mang lại khi nó lan tỏa nhiều kiến thức giá trị, kết nối con người lại với nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện. Thực tế đã chứng minh, nhiều hệ lụy đau lòng xảy ra trong cuộc sống, nhất là với giới trẻ từ thế giới ảo của mạng xã hội. mạng xã hội như con dao hai lưỡi có thể tạo ra những giá trị tích cực cho cuộc sống nhưng cũng làm hư hoại giá trị tốt đẹp vốn có.
Một số chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng về đặc điểm tâm lý giới tính nữ có những vấn đề đáng lưu ý. Nữ sinh thường rất nhạy cảm, hay để ý những điều nhỏ nhen, thay đổi thất thường, cảm xúc không ổn định và khó kiểm soát. Sự hiềm khích, ghen tị, đố kỵ xảy ra nhiều nhất giữa các bạn nữ cùng trang lứa với những lý do nhỏ nhặt, bắt nguồn từ các mối quan hệ không thỏa mãn mong muốn của bản thân.
Các em nữ đánh nhau nhiều khi vì những lý rất trái khoáy như tranh giành người yêu, không cùng đẳng cấp.
Học sinh nữ, nhất là bậc THCS và THPT đã và đang trải qua tuổi dậy thì - giai đoạn có nhiều biến động về tâm sinh lý, nhất là nhu cầu mong muốn thể hiện mình và muốn mình là tâm điểm của mọi sự chú ý. Hơn nữa, các em gây sự, bạo hành với đối phương nhằm mục đích là tung hô cho thiên hạ biết "chiến tích" của mình. Các em nữ đánh nhau nhiều khi vì những lý rất trái khoáy như tranh giành người yêu, không cùng đẳng cấp. Về tiến trình bạo hành cũng không diễn ra ngay mà có sự tính toán và chuẩn bị (có khi từ một nhóm mà nhóm kia không biết). Vì thế, khá nhiều vụ bạo hành do nữ gây ra không diễn ra trong khuôn viên trường học mà ở một địa điểm có lợi cho bên gây sự và thường kèm theo hung khí.
Theo các chuyên gia, giải pháp cấp thiết góp phần xóa nạn bạo lực học đường chính là phía phụ huynh, cần chú ý hơn nữa cải thiện mối quan hệ trong gia đình lành mạnh. Cha mẹ luôn quan tâm, điều chỉnh hành vi, cử chỉ của con cái trong đối xử với bạn bè, với người yếu thế hơn mình, không nên phó mặc hoàn toàn trách nhiệm cho nhà trường. Bên cạnh đó, người mẹ phải thường xuyên chia sẻ, động viên và giáo dục cho con gái hiểu được những tính cách cần thiết như sự nhường nhịn, rộng lượng, lòng vị tha.
Về phía nhà trường, cần đưa những chương trình giáo dục mang tính nhân văn, các hoạt động thân thiện, xây dựng văn hóa học đường, đưa nội dung dạy kỹ năng sống, giá trị sống vào thành môn học sinh động theo từng cấp học. Phát huy tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng như các chuyên viên tư vấn học đường để kịp thời phát hiện, phòng ngừa và can thiệp sớm các biểu hiện dẫn đến xung đột, nhất là chia sẻ cùng các em những khó khăn tâm lý trong mối quan hệ, trong đó có quan hệ tình yêu nam nữ.
HÒA THANH
Theo baodansinh
Con bị đánh hội đồng, mẹ đòi bồi thường 500 triệu Bị 5 bạn học đánh hội đồng rồi xé quần áo, mẹ nạn nhân cho rằng con bị ảnh hưởng tâm lý nên kiện ra tòa, đòi bồi thường 500 triệu đồng. Chiều 28/11, TAND huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) chưa thể đưa ra phán quyết vụ kiện dân sự liên quan vụ nữ sinh 16 tuổi bị nhóm bạn học đánh...