“Học Đại học… thật là chán”
Năm 1 – chán vì bỡ ngỡ?
Chicken.h5n1 (thành viên trên một diễn đàn công nghệ thông tin) tâm sự: “ Học đại học chán quá mọi người ơi, không còn hứng thú như thời cấp ba thì phải. Thầy giảng kệ thầy, trò ở cuối lớp đánh bài, nhắn tin, trốn tiết đi xuống uống café, cuối tiết lên điểm danh cho có mặt rồi về. Sắp thi giữa kỳ rồi mà không biết có qua nổi con trăng này không? Có ai có lời khuyên gì không?”.
Đa phần mọi người vào chân thành chia sẻ với Chicken.h5n1. Một trong số những lời động viên có nội dung như sau: “Năm 1 học đại cương, chưa quen với môi trường, nên chán là phải. Đến khi học chuyên ngành, bạn sẽ tìm lại hứng thú ngay thôi”, nhưng cũng có vài ý kiến cho rằng: “Thế mình cũng đang học chuyên ngành đây, mà không thấy hứng thú, không có động lực học, là thế nào?”, “Mình năm 2 rồi, đã quen với môi trường học nhưng vẫn cúp như thường!”
Đó là tình hình chung của phần lớn các sinh viên năm đầu. Môi trường đại học khác biệt và có quá nhiều thay đổi trong cách dạy và học đã khiến họ nản dần. Và khi một số môn học khô khan được thầy cô truyền đạt nhàm chán, dễ gây buồn ngủ, hoặc khó hiểu, các sinh viên quyết định… cúp học (nếu không có điểm danh) hoặc lên điểm danh lấy lệ rồi tìm cách chuồn về, hoàn toàn không có ý niệm kiến thức trong đầu.
Ngay cả khi họ đã thích nghi với môi trường và quen dần phương pháp tự học, tự tư duy, làm đồ án, tiểu luận…, thì việc cúp học vẫn diễn ra triền miên, cá biệt có những sinh viên…1 tuần đến lớp 1 lần. Tại sao lại như vậy?
Lắng nghe sinh viên giãi bày
“Khi cảm thấy môn học đó không cần thiết, mình sẽ không học. Các thầy cô thường không đi vào trọng tâm của giáo trình (vì muốn để sinh viên tự nghiên cứu), nên thường nói những điều cao siêu mà đôi khi tụi mình không hiểu nổi. Thay vì ngồi trên lớp và không nhét nổi chữ vào đầu, mình có thể ở nhà tự học những môn khác, cũng như những kĩ năng cần thiết. Đó là quan điểm của không ít sinh viên hiện nay, và mình nghĩ việc cúp học không có gì đáng lên án cả. Nếu họ nghỉ học để đầu tư cho những dự định tích cực khác, đó là điều đáng hoan nghênh chứ!” -P.Kiều (sinh viên năm 1 ĐHHùng Vương) chia sẻ
“Thời gian đầu, môn pháp luật đại cương lúc nào cũng đông người, cả lớp chen chúc trong một phòng học gần 200 chỗ. Bây giờ bọn mình vô trễ cũng chẳng sao, vì chỉ còn chưa đầy 40 người mỗi buổi. Và 40 người này thường không tập trung lắm, người thì ngủ, người thì nhắn tin, nghe nhạc, số khác trò chuyện… Thầy cứ nói, trò cứ lơ…” – B.Vân (sinh viên năm 1 ĐH KHXH & NV) cho biết.
“Khi bạn đam mê tìm hiểu thứ gì đó, mà cách thầy cô truyền đạt khiến bạn chẳng thể hiểu nổi, thì liệu bạn còn đủ say mê, hứng thú khám phá như lúc đầu? Đó là chưa kể, dạy một đằng mà ra đề một nẻo. Mình đã ôn rất kĩ, và tự tin rằng sẽ được điểm cao, thế mà đề ra khiến mình bất ngờ. Các bạn không học bài thì toàn 8, 9, mình áp dụng theo những gì mình biết thì chỉ được 6. Điều này xảy ra nhiều lần khiến mình nản dần, không còn học nhiệt tình nữa” – K.Ân (sinh viên năm 1 ĐH Bách Khoa) giãi bày.
Video đang HOT
“Nếu bảo rằng lên đại học phải “tự giác” thì có vẻ rất khó. Không phải ai cũng tự giác được, còn bị nhiều điều kiện tác động lắm bạn à… Chẳng hạn như ngày mai thi nhưng đang có phim trên tivi và không ai quản lý, kiểm soát, la rầy bạn, tại sao bạn lại phải học?” - B.Linh (sinh viên năm 2 ĐH Kinh Tế) đưa ví dụ cụ thể.
Không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh
Bên cạnh những yếu tố khách quan khiến sinh viên chán học: chưa thích nghi với môi trường mới, thầy cô giảng khó hiểu, môn học không hứng thú…, thì vẫn còn một số bạn – dù khả năng đủ để phấn đấu hết mình và đạt kết quả cao – họ vẫn đợi “nước đến chân mới nhảy”: chơi thả phanh, gần đến ngày thi mới cắm cúi học. Và họ giải thích rằng: “Sinh viên không thi lại không phải là sinh viên”, “Ai cũng như ai, sợ gì”, “Cúp vài buổi thì đã sao, đi học cũng chẳng hiểu”, “Cứ từ từ, đọc sách là ổn mà”, “Thi rớt thì thi lại, thi lại rớt thì học lại…, đời còn dài, lo gì!”… Cứ thế, họ “lý sự” hết lần này đến lần khác, mà không biết cách khắc phục nỗi chán chường, mải chìm đắm vào những suy nghĩ tiêu cực và việc học chẳng được cải thiện.
Đâu là giải pháp?
Muốn giải quyết triệt để vấn đề, bạn cần tìm rõ nguyên nhân gây chán xuất phát từ đâu.
Nếu do hoàn cảnh khách quan (điều kiện học tập, môi trường…), hãy cố gắng khắc phục bằng cách
- Hạn chế cúp học: Nếu nghỉ được một buổi, bạn sẽ nghỉ được các buổi kế tiếp… Tốt hơn hết, hãy tập cho mình thói quen “chán nhưng vẫn lên lớp”, vừa thử thách được sự kiên trì, vừa rèn luyện khả năng “tiếp thu” của bạn. Ban đầu có vẻ rất khó khăn, nhưng khi sự “chuyên cần” được nâng lên một bậc, bạn sẽ thấy việc đến trường cũng không quá phí phạm đâu.
- Tham khảo ý kiến của các anh chị sinh viên đi trước để tìm ra giải pháp cụ thể cho từng môn học.
- Ráng tìm kiếm một sự hứng thú nào đó khi học, chẳng hạn như mường tượng xem môn Pháp luật, Môi trường, Triết học… sẽ giúp ích cho bạn thế nào khi ra trường. Môn học nào cũng có mục đích cả bạn ạ!
Nếu việc cúp học là chủ quan (do bản thân, do bạn bị ảnh hưởng từ người khác), hãy:
- Mường tượng đến cảnh 4 năm sau, khi bạn bè đều đã ra trường, còn bạn vẫn phải ở lại để trả nợ khá nhiều môn. Không ai mong muốn điều đó cả.
- Tìm động lực để học, nhờ bạn bè hoặc “ai đó” đốc thúc việc học liên tục.
- Hạn chế chơi với những người suốt ngày chỉ cúp học. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” bạn à.
- Bên cạnh việc học, tìm thêm những mục tiêu mới trong cuộc sống để có cảm hứng hơn: làm thêm, tiết kiệm tiền mua những món mình thích, giao lưu kết bạn, học thêm một môn nào đó…
- Khi bạn nghĩ rằng nó chán, nó sẽ chán thật sự. Nếu bạn có quyết tâm, bạn sẽ thành công. Không ai có thể khuyên bạn, trừ chính bản thân bạn.
Theo Mực tím
Sinh viên "khát" không gian tự học
Không gian thư viện hạn chế, điều kiện ngặt nghèo là lý do khiến nhiều SV không hứng thú với thư viện.
Thư viện luôn quá tải
Phương pháp học đại học (ĐH) hiện nay đã thay đổi nhiều, sinh viên (SV) tự học là chính, không còn việc "thầy đọc trò chép" như trước đây. Hơn nữa, hiện nay nhiều trường đã áp dụng hình thức học tín chỉ. Và trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cũng đã có định hướng chuyển tất cả các trường ĐH còn đào tạo theo hình thức niên chế sang đào tạo theo hình thức tín chỉ. Với hình thức đào tạo này thì thời gian trên lớp cho SV chỉ chiếm 2/3, còn lại SV phải tự nghiên cứu và học, do vậy, việc SV đến thư viện học là rất quan trọng.
Một thực tế là dù thư viện chỉ mở cửa cho SV trong trường nhưng ở nhiều trường, SV lại không thể dùng chính thẻ SV của mình để vào đọc hay mượn sách, mà phải làm thêm thẻ thư viện. Như Trường ĐH Bách khoa, SV muốn vào thư viện phải làm thẻ thư viện riêng. Ở nhiều trường, SV muốn vào phòng đọc và mượn sách của thư viện phải để cặp, túi bên ngoài, cũng như không được mang sách bên ngoài vào. Điều này là một trở ngại với những bạn muốn kết hợp việc học bài và tra cứu thông tin. Bạn Thu Phương, SV năm thứ nhất, Học viện Hậu cần cho biết: "Chúng mình cần có thẻ thư viện và phải đặt cọc 100 nghìn đồng nếu muốn mượn sách".
Có thể thấy, không gian tự học cho SV ở hầu hết các trường ĐH là rất hạn chế, đặc biệt là đối với một số trường ĐH dân lập lại càng hạn hẹp hơn. Thầy Nguyễn Thanh Tĩnh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH dân lập Đông Đô khẳng khái nói: "Nhà trường hiện nay có 4.500 SV, do chưa có địa điểm xây trường nên phải thuê 3 địa điểm trên đường Nguyễn Trãi, Tôn Thất Tùng và Nguyễn Công Hoan, để học tập và giảng dạy. Ở mỗi địa điểm này chúng tôi đều có thư viện, nhưng do diện tích chật hẹp nên chỉ đáp ứng được nhu cầu cho SV mượn sách. Vào mùa thi, mùa làm khóa luận của SV, đúng là nhà trường gặp nhiều khó khăn về không gian tự học cho SV".
Theo nguyên tắc, thư viện là nơi dành cho SV, nếu như toàn bộ không gian đó dành cho SV thì có lẽ không xảy ra tình trạng quá tải thư viện. Nhiều trường đầu tư xây dựng thư viện rất lớn, khang trang, sạch đẹp, nhưng lại hoạt động "đa chức năng", trong đó có thể bố trí cả phòng đào tạo, phòng hội họp, phòng in ấn... còn phòng đọc cho SV chỉ chiếm diện tích nhỏ, nên thường bị quá tải vào mùa thi, việc SV ăn đợi, ngồi chờ để giữ chỗ ngồi học ở thư viện các trường ĐH diễn ra rất thường xuyên.
Cần nhân rộng giảng đường tự học
Trường ĐH Y Hà Nội có truyền thống từ rất lâu về việc mở cửa các giảng đường cho SV tự học ngoài giờ chính khóa. Mặc dù tự học, nhưng ý thức học của SV rất cao, các phòng đọc luôn yên tĩnh và nghiêm túc. Không thể phủ nhận, việc SV Ttrường ĐH Y vốn có tinh thần chăm học, một phần do đặc trưng ngành nghề, nhưng điều quan trọng hơn đó là ý thức ham học của SV và môi trường học đóng vai trò quan trọng hơn cả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Hinh - hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội nói: "Môi trường tự học cho SV là vô cùng cần thiết, chúng tôi luôn xác định SV là trung tâm của trường, mọi hoạt động đều dành cho SV, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho SV tự học ngoài giờ chính khóa. Hiện tại, trường có trên 10.000 SV, ngoài không gian thư viện, nhà trường dành một khu giảng đường khoảng 10 lớp, cho SV tự do đến học, giờ giấc thoải mái, từ 6h sáng tới 11h đêm, có bảo vệ trông coi và phục vụ các dịch vụ cho SV".
Ngoài ra, ông Hinh cũng cho rằng, cách bài trí thư viện ở nhiều trường ĐH của chúng ta như hiện nay là không thể đủ để đáp ứng nhu cầu. "Thỉnh thoảng có thời gian rảnh, xuống khu giảng đường tự học của trường, tôi thấy SV ngồi học rất đông, rất nghiêm túc. Tôi hỏi thăm và ngạc nhiên khi thấy rất nhiều SV các trường khác cũng đến đây học, các em có tinh thần học như vậy tại sao chúng ta lại không tạo điều kiện cho họ!" - ông Hinh chia sẻ.
Bạn Đỗ Thị Lương, SV năm cuối khoa Cộng Đồng, Trường ĐH Y cho biết: "Ngoài giờ học và giờ lên viện, mình thường lên giảng đường tự học nghiên cứu bài vở, không khí học của mọi người cao nên mình học chăm chỉ hơn ngồi học ở ký túc xá". Còn bạn Trần Hữu Hùng, SV năm thứ 3, Học viện Ngân hàng, chia sẻ: "Trường tớ không có giảng đường tự học như trường Y, nên nhiều SV trường tớ hay sang đây học nhờ giảng đường ngoài giờ chính khóa, tớ sang đây học thường xuyên từ năm thứ nhất".
Đã đến lúc nhiều trường cần tích cực hơn trong việc giúp đỡ SV trong quá trình tự học cũng như tìm tòi tư liệu. Không nên cho rằng SV "cần" thư viện thì phải đến, mà nên biến không gian thư viện nói riêng và môi trường trường học nói chung trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo số lượng SV, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và chiều sâu kiến thức của các cử nhân tương lai.
Theo Giáo Dục Online
"Vỡ mộng" khi bước chân vào giảng đường đại học Nhiều bạn cứ nghĩ rằng học đại học sẽ tuyệt vời như... trong phim: trường sẽ có các câu lạc bộ tuyệt vời, cơ sở vật chất đỉnh của đỉnh, chương trình học siêu tốt, nhưng sự thật thì: Chương trình học cực kỳ ấn tượng? Không hề! Bước chân vào giảng đường đại học, nhiều bạn teen cứ "mơ" đến những giờ...