‘Học đại học, chọn ngành đều theo ý bố mẹ, tôi cố gắng vì cái gì?’
Tâm lý học đại học theo ý bố mẹ khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy nặng nề. Họ gặp khó khăn trong việc theo đuổi ngành học mình không thích hoặc lo sợ tương lai thất nghiệp.
23 tuổi, trong khi bạn bè đã có trong tay tấm bằng đại học, hoặc sớm đi làm, Công Minh, sinh viên ngành Khoa học Máy tính một trường đại học ở Hà Nội, vẫn loay hoay trả nợ môn. Việc tốt nghiệp của cậu đã trì hoãn hơn một năm nay do chưa hoàn thành chương trình.
Từ đầu, nam sinh đã không thích ngành học này. Tâm lý đó không hề giảm bớt trong quá trình học, thậm chí càng ngày càng tăng.
“Bố mẹ bảo nhất định phải vào đại học và nên theo Khoa học Máy tính để đỡ lo thất nghiệp. Nhiều khi, tôi tự hỏi nếu 5 năm trước, tôi mạnh dạn bước khỏi lối đi được vạch sẵn đó, cuộc sống hiện tại có thể nhẹ nhàng hơn”, Công Minh tâm sự.
“Con rối” khi chọn trường, ngành học
Dù không học trường chuyên, Công Minh là thành viên lớp chọn của trường. Thành tích học tập giữ ổn định ở mức khá, đủ để đỗ một đại học ở thủ đô.
Thế nhưng, 18 tuổi, Minh mong muốn không đăng ký xét tuyển đại học mà theo học trường nghề cơ khí. Trong mắt bố mẹ, đó là suy nghĩ thiếu chín chắn và kiên quyết không chấp nhận.
Phụ huynh bên thí sinh sau giờ thi đại học. Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Từ khuyên răn đến mắng mỏ, họ mong con trai quyết định lại vì “mọi người xung quanh đều vào đại học” và “chỉ có vào đại học mới có việc làm”. Phần áp lực, phần không muốn bố mẹ thất vọng, cậu thỏa hiệp, chọn thi đại học ngành “hot” Khoa học Máy tính.
Trường, ngành không phải nguyện vọng của mình, Minh hoàn toàn không có hứng thú. Chương trình học cũng quá khó, đặc biệt, Minh học tiếng Anh không tốt nên dần tụt lại so với bạn học.
“Ban đầu, tôi còn tìm tài liệu, đăng ký các khóa học thêm nhưng quá khó. Cứ cho tôi tốt nghiệp rồi, với trình độ như vậy, tôi cũng không tìm được việc. Học đại học, chọn ngành đều theo ý bố mẹ, tôi không hiểu mình cố gắng vì cái gì?”, nam sinh 23 tuổi chán nản.
Hiện tại, Minh còn nợ 3 môn. Vừa học lại vừa tìm việc làm để tự lo cho sinh hoạt, cậu chỉ mong sớm nhận bằng để có câu trả lời với bố mẹ và từ bỏ hoàn toàn công việc liên quan đến ngành học. Còn chuyện sẽ làm gì, Công Minh chưa xác định chắc chắn, đến đâu hay đến đó.
Thùy Dung (21 tuổi, Hà Tĩnh) cũng không thích ngành Sư phạm Mầm non mà bố mẹ chọn cho mình. Nữ sinh tâm sự cô không phải người duy nhất trong lớp không có quyền tự lựa chọn. Đa số họ vào đây vì trong mắt phụ huynh, làm giáo viên là con đường an toàn, nghề nghiệp phù hợp con gái.
“Kỳ thực tập thực sự là ác mộng, chịu không nổi. Thực sự, với ngành Mầm non, nếu không chọn vì yêu thích, nó trở thành gánh nặng khủng khiếp. Giờ cứ thấy trẻ con, em lại sợ”, nữ sinh xác định không thể gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ.
Video đang HOT
Sau kỳ thực tập, Dung cùng 4 người bạn quyết tâm góp vốn buôn bán nhỏ. Cô kể nhóm từng bị lừa, rồi ôm hàng không bán được, chán nản nhưng kể cả những lúc đó, tâm lý họ vẫn thoải mái hơn nhiều so với tháng tập sự chăm sóc trẻ.
Hàng loạt sinh viên mất phương hướng vì chọn nhầm ngành học. Ảnh minh họa: Universitylanguage.
“Bố mẹ phản đối em bán hàng online, nghĩ đó là lừa đảo, bắt em tập trung học. Nhưng em không muốn làm ‘con rối’ lúc chọn ngành nữa”, Dung chia sẻ và nhận định kể cả ra trường, bố mẹ có “chạy” việc làm, không sớm thì muộn, cô cũng bỏ nghề.
Trong khi đó, T.A., sinh viên năm thứ tư trường Báo chí, không biết mình có thể gắng đến lúc tốt nghiệp hay không. Ngành do cô tự chọn nên nữ sinh không dám phàn nàn với ai.
Nữ sinh tâm sự sau hơn 3 năm học, bạn thấy cơ hội việc làm quá ít. Một số chỗ nhận nhưng chỉ trả lương 2-3 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với các công việc part-time khác. Nhìn bạn học không vào đại học mà chọn học nghề đã có công việc ổn định để tự lo, T.A. càng nghi ngờ quyết định hồi thi đại học của mình.
Sai lầm từ việc chọn ngành
Công Minh, Thùy Dung, T.A. chỉ là số ít trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên hối hận vì chọn ngành. Không chỉ chán nản vì phải theo học ngành không thích, họ còn cảm thấy đè nén khi nghĩ lại “giá như”.
Nam sinh học Khoa học Máy tính không muốn đổ lỗi cho bố mẹ nhưng thỉnh thoảng, cậu vẫn oán trách người lớn vì không cho mình tự lựa chọn.
Cô sinh viên Sư phạm Mầm non tiếc nuối vì không nhận ra đam mê và khả năng thực sự của mình sớm hơn. Nữ sinh trường Báo chỉ mong mình đủ can đảm để từ bỏ lựa chọn mà cô không thấy còn nhiệt huyết, đam mê.
Công tác tư vấn tuyển sinh được chú trọng trong những năm gần đây nhưng học sinh vẫn chưa được định hướng tốt. Ảnh: NH.
Theo đánh giá của TS Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM, người gắn bó công tác hướng nghiệp 10 năm, sai lầm lớn nhất của sinh viên là chưa hiểu mình và nghề.
Ông cho biết nhiều em chịu tác động từ yếu tố bên ngoài, tức thấy ai ở gần học ngành nào ra có việc là chọn ngành đó chứ không tìm hiểu cụ thể. Việc tìm hiểu thông tin cũng chưa tốt, đa phần giới hạn ở trường tuyển sinh, khối xét tuyển, điểm chuẩn các năm mà quên mất yếu tố đầu ra, tức ra trường làm gì.
“Không ít bạn trẻ mới nhìn nhận một mặt, tin vào mặt màu hồng của nghề mà bỏ qua mặt trái. Trong quá trình chọn ngành nghề, một số em chỉ quan tâm độ ‘hot’, thấy ngành nhiều người chọn là đăng ký mà không suy xét mình có phù hợp, dẫn đến gặp khó khăn trong học tập và tìm việc”, ông nói thêm.
Ngoài ra, sai lầm còn xuất phát từ việc người học lệ thuộc ý kiến phụ huynh. Khi định hướng nghề nghiệp, hai bên không khớp, các em nghe theo lời bố mẹ vì thiếu khả năng đối thoại, dễ bị tác động hoặc nghĩ nghe lời là có hiếu.
Ông cũng đánh giá công tác tư vấn hướng nghiệp chưa tốt, dẫn đến việc thế hệ trẻ loay hoay khi xác định con đường tương lai, dễ mắc sai lầm.
Cụ thể, các trường phổ thông chú trọng việc dạy kiến thức hơn định hướng nghề nghiệp. Học sinh hiếm có cơ hội trải nghiệm ngành nghề. Phía trường đại học cũng chưa thực hiện tốt việc tư vấn hướng nghiệp mà còn tập trung nhiều vào tuyển sinh.
Sự thiếu sót trong công tác hướng nghiệp dẫn tới tình trạng học sinh mắc sai lầm khi chọn ngành, có thể chỉ nghe theo ý kiến phụ huynh hoặc căn cứ cơ hội trúng tuyển mà bỏ qua năng lực, sở thích thực sự của bản thân hoặc nhu cầu thực tế của thị trường.
Theo Zing
Thí sinh chỉ đạt 15 17 điểm thì nên nộp vào trường nào hay đi học nghề?
Sau khi biết điểm thi, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, con mình thi quốc gia chỉ đạt mức dưới 18 điểm thì có nên nộp hồ sơ vào trường đại học nào đó hay đi học nghề để có cơ hội kiếm việc làm tốt hơn sau khi ra trường.
Dưới 18 điểm thí sinh lăn tăn không biết nên học nghề hay đại học
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ: "Điểm thi THPT quốc gia theo tôi cũng chưa thể đánh giá được hết năng lực con người trong suốt quá trình học. Thời điểm này nên coi nó như là một điểm số thôi chứ không nên nặng nề.
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. (Ảnh: Đình Tuệ)
Còn về băn khoăn của phụ huynh không biết cho con mình nên học đại học hay đi học nghề khi điểm thi thấp, tôi nghĩ là cần phải xem xét kĩ. Bối cảnh hiện nay, các thí sinh chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp THPT là có thể đỗ được nhiều trường đại học.
Câu chuyện điểm thi thấp hay cao cũng không còn có quá nhiều ý nghĩa. Tôi cũng không đánh giá những thí sinh này là yếu ở các bậc học tiếp theo. Như vậy, cơ hội học tập của các em vẫn còn nguyên giá trị chứ không hề mất đi".
Ông Ngọc nhấn mạnh, mỗi người đều có những điểm mạnh và hạn chế nhất định. Các em cần tự nhận thức được mình có sở trường về cái gì, ước mơ làm gì... Thí đừng chọn trường trước khi chọn nghề mà nên chọn nghề trước khi chọn trường.
"Trường chúng tôi tuy đang tuyển sinh và đào tạo 22 ngành nhưng vẫn đang tập trung trọng điểm cho 10 nghề để xây dựng thương hiệu tốt nhất có thể. Trong đó có các nghề như Điện, Tự động hóa, Cơ điện tử, Ô tô, Điện lạnh, Thiết kế website, Thương mại điện tử...
Điểm của thí sinh là 15 - 17 không quan trọng mà hãy coi đó là chỉ số vừa rồi đạt được. Đi học nghề là học đến đâu thực hành đến đấy để người học dễ dàng tiếp cận. Nhiều người không giỏi Toán Lý Hóa nhưng sau khi học chương trình cao đẳng xong lại là một con người kiếm tiền giỏi.
Ta nên tư duy thực tiễn là học xong không thất nghiệp làm giàu ngay, tự sắm được ô tô, mua được nhà... đấy là thước đo thành công của một con người", TS Đồng Văn Ngọc bày tỏ.
Cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trường nghề ra sao?
Theo ông Phạm Xuân Thu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), số lượng thanh niên tham gia vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây đang có xu hướng tăng cao. Đầu vào rất đa dạng, có em đã tốt nghiệp THPT đã đi học nghề.
Ông Phạm Xuân Thu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). (Ảnh: Đình Tuệ)
Theo dõi về nhu cầu của thị trường lao động, đòi hỏi những lao động có năng lực ở trình độ trung cấp hoặc cao đẳng cũng đang gia tăng. Do đó, cơ hội nghề nghiệp của các em sau khi tốt nghiệp các trường nghề cũng không hề thấp.
Các chương trình đào tạo của nhiều trường nghề hiện nay đang định hướng theo nhu cầu của thị trường lao động. Bên sử dụng lao động yêu cầu các kĩ năng, năng lực nào thì các trường sẽ đào tạo theo xu thế đó.
Nhiều trường nghề đang đào tạo theo hướng liên ngành. Ví dụ, học ngành Du lịch sẽ được đào tạo thêm về kĩ năng quản trị, văn hóa... để sinh viên ra có thể làm nghề được ngay.
Ngoài ra, các trường nghề cũng có cơ chế liên kết đào tạo với cả tổ chức nước ngoài. Sinh viên có thể học liên thông lên các bậc học cao hơn sau khi học nghề xong.
Sau khi biết điểm thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh lăn tăn về việc chọn ngành, chọn trường và cần nghe tư vấn. (Ảnh: Đình Tuệ)
Theo khảo sát năm 2018, nhóm nghề về y tế như Điều dưỡng đang có cơ hội việc làm rất tốt ở cả trong và ngoài nước. Nhóm ngành nghề về Quản trị, Khách sạn, Nhà hàng hiện nay đang đứng trong top có thu nhập cao. Ngành Công nghệ ô tô, Cơ khí cũng có nhu cầu cao từ các khu công nghiệp...
Ông Thu cũng bật mí, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn nhân lực, lao động có tay nghề về Hàn, Mỏ, Khai khoáng... mà chưa tìm ra.
Đình Tuệ
Theo PLXH
Tuyệt chiêu thuyết phục phụ huynh ủng hộ ngành học mình thích Với nhiều sĩ tử, sau giai đoạn cam go của thi cử thì sau khi biết điểm thi việc thuyết phục phụ huynh đồng ý với ngôi trường mình cũng là một công cuộc cân não vô cùng. Dùng cách nào, lí lẽ gì, tung tuyệt chiêu ra sao để phụ huynh đồng ý với mình là những câu hỏi từng sĩ tử...