Học đại học 3.5 năm, cô gái khiếm thị trở thành thủ khoa
“Khóc mà không thể thay đổi được điều gì thì tại sao không cười?”, câu nói ấy đã “mở mắt” để Hồng bước tiếp.
Câu nói của một người bị liệt toàn thân khiến cô gái sinh năm 1988 quyết tâm vực dậy làm lại mọi thứ từ đầu.
Với tất cả nghị lực, cô gái Nguyễn Thị Hồng (Thanh Trì, Hà Nội) – dù đôi mắt không thể nhìn thấy gì, dù phải học muộn tới 9 năm so với bạn bè cùng trang lứa – vẫn xuất sắc trở thành một trong hai thủ khoa của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.
“Tôi từng bị nhìn như một sinh vật lạ”
Hồng vốn không phải là một người khiếm thị bẩm sinh. Thế giới của Hồng thời thơ ấu vẫn ngập tràn những gam màu tươi vui khi cô luôn là niềm tự hào của cả gia đình với thành tích học tập xuất sắc.
Nhưng một cú va đập mạnh năm 14 tuổi đã khiến Hồng bị vỡ nhãn cầu, tê liệt toàn bộ dây thần kinh. Vì vậy, Hồng không còn cảm thấy đau nữa. Hôm sau, khi đôi mắt cứ thế mờ dần, bố mẹ mới tá hoả đưa Hồng đến bệnh viện. Lúc này, cả hai bên mắt của cô gần như không còn nhìn thấy gì.
Mẹ Hồng khóc nghẹn khi biết mắt phải của con phải cắt bỏ hoàn toàn. Còn Hồng cũng khóc theo mẹ vì biết mình sẽ không được đi học nữa.
Nguyễn Thị Hồng là một trong hai thủ khoa của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội năm nay.
Cô bé 14 tuổi lúc bấy giờ vẫn chưa hiểu được bản thân sẽ thiệt thòi ra sao khi hai mắt không thể nhìn rõ. Nỗi buồn lớn nhất lúc bấy giờ có lẽ là không được đi học, xem hoạt hình hay đọc truyện tranh.
Nhưng càng về sau, Hồng bắt đầu cảm nhận thấy rõ sự kỳ thị của mọi người.
“Bước ra ngoài, mọi người nhìn mình như một sinh vật lạ. Họ tò mò theo dõi từng bước chân xem mình đi đứng ra sao, làm việc như thế nào. Chính lúc ấy, mình bắt đầu cảm thấy bản thân bị phân biệt”.
Hồng dần thấy sợ và khép mình lại. Trong suốt 3 năm đầu, cô không dám bước chân ra khỏi nhà.
Ở mãi trong nhà nên Hồng thích nghe đài. Một lần, đài phát đi chương trình về nghị lực sống. Đó là câu chuyện của một người bị liệt toàn thân, chỉ có đầu và một chân cử động được. Nhưng người đàn ông ấy vẫn ngồi xe lăn, đi bán vé số dạo và suốt ngày cười nói, hát ca.
Khi được hỏi tại sao có thể luôn vui vẻ như thế, ông trả lời: “Nếu như tôi khóc mà có thể tốt hơn thì tôi sẽ khóc. Còn nếu tôi khóc mà không thể thay đổi được điều gì thì tại sao tôi không cười”.
Nghe được câu nói ấy, Hồng thấy như được truyền động lực: “Mình chỉ bị hỏng mắt thôi, nhưng vẫn còn tay, còn chân. Tuy hơi khó khăn, nhưng mình vẫn may mắn hơn rất nhiều người. Cho nên, mình không việc gì phải buồn cả”.
Video đang HOT
Tư tưởng thay đổi, Hồng bắt đầu trở nên lạc quan hơn. Nhưng cô gái trẻ vẫn không biết phải định hướng ra sao cho cuộc đời mình, bởi “xung quanh mình không ai bị như thế cả và bản thân cũng chưa từng tiếp xúc với người khiếm thị”.
Đôi mắt không thể nhìn thấy, Hồng từng tự ti đến mức không dám bước chân ra ngoài trong suốt 3 năm trời.
Lần khác trong lúc nghe đài, Hồng nghe được câu chuyện của những học sinh khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Đó là lần đầu tiên, Hồng biết đến những người giống như mình. Họ vẫn đang làm việc, vui vẻ học Âm nhạc, tiếng Anh, chơi cờ vua.
Gạt bỏ suy nghĩ “trên đời này chỉ có một mình mình hỏng mắt”, Hồng tự nhủ “mình không thể như thế này mãi được”. Vậy là Hồng xin mẹ cho đi học.
Đó cũng là thời điểm Hà Nội đang có đại dịch đau mắt đỏ. Lần này, Hồng tiếp tục bị mắc phải khiến đôi mắt vốn nhìn lờ mờ trở nên “tịt hẳn”.
Ông bà phản đối kịch liệt việc cho Hồng đi học tại trường Nguyễn Đình Chiểu. “Con bị như thế mà lại đem đi vứt bỏ. Không ai vứt bỏ nó cả”, người ông quyết liệt nói với bố mẹ Hồng.
Nhưng Hồng quyết tâm phải thuyết phục gia đình bằng mọi giá. Bố mẹ Hồng đành phải bàn nhau đi tìm trường cho con.
Thời điểm ấy trường Nguyễn Đình Chiểu chỉ nhận muộn nhất 16 tuổi, nhưng Hồng khi ấy đã 20.
“Ở tuổi 20 lẽ ra phải giúp được bố mẹ rồi nhưng mình vẫn phải để bố mẹ nuôi”.
Nghĩ vậy, Hồng nhờ bố mẹ xin vào Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố để học những ngày cuối tuần. Trong tuần, cô đi làm xoa bóp, bấm huyệt. Mỗi tháng, Hồng nhận được 600.000 đồng. Số tiền này đủ để cô tự nuôi sống bản thân mà không cần xin bố mẹ nữa.
Người khiếm thị cũng có ước mơ
Học đến hết năm 2015, Hồng hoàn thành xong chương trình lớp 12. Cô đăng ký xét ưu tiên vào ngành Công tác xã hội của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn. Với thành tích học tập tốt, hồ sơ của Hồng được chấp nhận.
Giờ đây Hồng có thể tự tin nói chuyện với mọi người
Lên đại học, Hồng tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn khác. Chữ nổi ghi rất chậm, slide trôi nhanh khiến cô không thể ghi chép được bài.
Mất nửa học kỳ đầu, Hồng cảm thấy bất lực vì không có tài liệu. Cô cứ thế “tay không bắt giặc” do không thể đọc được giáo trình.
Những tưởng không thể tiếp tục, nhưng sau một kỳ đầu, Hồng cũng dần quen với phương pháp học tập mới ở bậc đại học.
“Các bạn bắt đầu giúp đỡ mình nhiều hơn và thầy cô cũng dần quen với việc trong lớp có một bạn khiếm thị”.
Không có tài liệu học tập, Hồng chăm chú nghe cô giảng trên lớp và ghi âm lại. Cô cũng ghi lại từ khoá trong các bài giảng, sau đó về nhà tìm kiếm giáo trình trên mạng.
“Việc tìm giáo trình cũng rất khó vì nếu tìm được nguyên bộ giáo trình như cô giảng dạy trên lớp là không có. Cách duy nhất mình có thể làm là tìm kiếm tư liệu cho từng bài học.
Ví dụ với môn Triết, học đến học thuyết nào mình sẽ lên mạng tìm kiếm tất cả các bài phân tích về những học thuyết ấy. Sau đó, mình dùng phần mềm đọc màn hình để nghe xem bài phân tích nào đúng góc độ mà cô giáo giảng rồi lấy đó là căn cứ để làm tài liệu sử dụng”.
Cứ thế trong những năm đại học, nhờ phương pháp này Hồng đã vượt qua được tất cả các môn. Nguyễn Thị Hồng đã làm được những điều “không tưởng” là hoàn thành chương trình học chỉ mất 3,5 năm và đến giờ là danh hiệu thủ khoa Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.
“Hóa ra, ai rồi cũng có thể nỗ lực tỏa sáng theo cách riêng”, Hồng tự nhủ.
“Có những cơ thể không lành lặn nhưng vẫn đem lại điều đẹp đẽ cho cuộc đời”. Đó là lý do Hồng lựa chọn Ngành công tác xã hội. Cô mang ước mơ có thể làm thay đổi nhiều thứ trong suy nghĩ của người khiếm thị.
“Trước đây mình từng làm cho một tổ chức phi chính phủ với vai trò dạy Tiếng Anh cho người khiếm thị trên địa bàn Hà Nội.
Làm công việc này khiến mình nhận ra nhiều thứ. Mình không thích cách nhiều người tặng quà cho người khiếm thị nhưng lại tặng tranh ảnh hay những thứ không sử dụng được. Điều đó thực sự lãng phí.
Trong khi đó những người khiếm thị có nhu cầu được giúp đỡ thông tin nhưng người ta lại không biết tìm sự giúp đỡ ấy ở đâu. Vì thế nên mình nghĩ, nếu mình là một nhân viên làm công tác xã hội, mình sẽ giúp họ có thể biết người khuyết tật cần những điều gì.
Còn đối với các bạn khuyết tật, mình cũng nhận thấy một sự thật là nhiều người luôn ỉ lại sự giúp đỡ của người khác và nghĩ rằng mình có quyền được ưu tiên. Nếu có thể đổi lại, mình hi vọng bản thân sẽ là người đi cho chứ không mong là người được nhận”.
Thúy Nga
Theo vietnamnet
Chàng trai thủ khoa khiếm thị với 9,5 điểm Lịch sử THPT quốc gia và giấc mơ trở thành nhà tâm lý học
Dù bị khiếm thị bẩm sinh nhưng chàng trai Nguyễn Văn Chung (SN 1997, quê Vĩnh Phúc) đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách để đỗ thủ khoa đầu vào Học viện Quản lý giáo dục trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Nguyễn Văn Chung (thứ 2 từ trái sang), thủ khoa Học viện Quản lý giáo dục được trao học bổng từ Hệ thống giáo dục Học mãi. Ảnh: Minh Dân.
Hôm nay (22-9), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra chương trình "Chào tân sinh viên 2019: Z - Thế hệ làm chủ công nghệ" do Hệ thống giáo dục Học mãi tổ chức. Trong đó có phần vinh danh và trao học bổng cho 20 tân sinh viên xuất sắc trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Một trong số các tân sinh viên đáng chú ý là Nguyễn Văn Chung, thủ khoa đầu vào ngành Tâm lý học giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục.
Sinh ra ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) với dáng người nhỏ bé, Nguyễn Văn Chung đã mắc căn bệnh khiếm thị bẩm sinh, mắt của em bị viễn rất nặng nên phải đến năm nay em mới có thể hiện thực hóa giấc mơ đại học của mình. Vượt qua nhiều rào cản cũng như áp lực từ hoàn cảnh gia đình, bố mẹ chỉ làm nông nghiệp, không có gì khá giả nhưng Chung đã duy trì sự nỗ lực của mình trong nhiều năm qua.
Vì sinh ra đã không được may mắn hơn mọi người nên Chung phải cố gắng hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Một ngày của Chung bắt đầu bằng việc dậy học bài, đọc lại bài từ 4g sáng, đi học trên trường, phụ giúp bố mẹ khi có thời gian rảnh. Buổi tối, Chung ngồi đọc lại bài trên lớp đã học, làm bài tập từ 7 - 11g đêm mới đi ngủ.
"Vì không được may mắn hơn mọi người nên em càng phải cố gắng hơn, ban đầu em buồn ngủ lắm nhưng dần sau một tháng cũng quen với cách sinh hoạt đó. Cứ như vậy, em duy trì thói quen học tập tới hết những năm cấp 3 và đến khi thi đại học, là tân sinh viên em vẫn tiếp tục giữ thói quen như vậy", Chung tâm sự.
Ngoài thời gian lên lớp, cậu sinh viên 9X còn làm thêm tại cơ sở Massage dành cho người khiếm thị để phụ giúp bố mẹ trong chi phí học tập, sinh hoạt ở Hà Nội. Bản thân Chung khi thi vào khoa Tâm lý học giáo dục em cũng luôn mơ ước sau này trở thành một nhà tâm lý, giúp đỡ các bạn có cùng hoàn cảnh không may mắn như mình.
Chung chia sẻ, ở Việt Nam, tâm lý học là một ngành mới và cơ hội việc làm không có nhiều nhưng em luôn mơ ước trở thành một nhà tâm lý để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, em cũng muốn nghiên cứu sâu hơn ngành này để trở thành một chuyên gia chuyên sâu về tâm lý học.
Dù bị khiếm thị nhưng Chung lại có đam mê đặc biệt với môn Lịch sử. Ảnh: Minh Dân.
Bên cạnh giấc mơ trở thành một nhà tâm lý học, chàng sinh viên Nguyễn Văn Chung còn có niềm đam mê đặc biệt với môn học lịch sử.
"Em thường xuyên lên các diễn đàn, mạng xã hội và kênh video để nghe, tham khảo, tìm tòi về lịch sử. Khi về nhà thì em tự tìm hiểu, đọc lại, viết lại ra giấy, ra vở để nhớ được dễ hơn, sâu hơn. Nó là môn học mà em đặc biệt yêu thích, ở trên lớp em lắng nghe thầy cô giảng bài. Vì không thể nhìn rõ bảng nên em càng phải lắng nghe nhiều hơn. Chỗ nào không hiểu em nhờ bạn bè, thầy cô giảng lại", Chung cho biết thêm.
Nhờ sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mà Chung đạt được tới 9,5 điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa qua. Trở thành thủ khoa của Học viện Quản lý giáo dục vừa là vinh dự nhưng đó cũng là nỗi lo về kinh tế trang trải cho việc học tập.
"Khi nào rảnh rỗi em thường nghe nhạc. Em còn thích nghe tường thuật các trận đấu bóng đá qua làn sóng phát thanh, thích được nghe Quang Hải và các đồng đội của tuyển Việt Nam thi đấu. Tâm lý là ngành không hot lắm nhưng với quyết tâm của mình, trong tương lai tới em nghĩ nó sẽ là một ngành nghề cần thiết cho xã hội. Em sẽ nỗ lực hết mình để thành công trong tương lai", thủ khoa Nguyễn Văn Chung tâm sự.
Đình Tuệ - Minh Dân
Theo PLXH
Tôn vinh sinh viên xứ Nghệ xuất sắc, điểm đầu vào đại học cao Tại Hà Nội, các Hội Đồng hương Nghệ An và Hà Tĩnh tại Hà Nội phối hợp cùng Ban liên lạc Sinh viên Nghệ Tĩnh của các trường đại học trên địa bàn thủ đô tổ chức khen thưởng, tôn vinh các sinh viên xuất sắc và tân sinh viên đạt điểm đầu vào cao năm 2019. Thời gian qua, các Hội Đồng...