Học cùng con
Con gái nhỏ vào lớp 1. Những tưởng cũng êm xuôi như chị hai: học trước một ít, đến khi vào năm học cô giáo dạy tiếp. Mọi chuyện tốt đẹp cho đến khi hết vốn đã học trước, thay vì khen nhanh nhẹn như mọi lần, cô giáo nhắc nhở: “Chị cho bé đọc nhiều giùm em, bé đọc chậm quá!”.
Chuyện bùng nổ khi ông đón cháu, phải chờ cháu thêm 30 phút để làm xong bài, trong lớp còn lại vỏn vẹn năm đứa. Ông bà thúc giục: phải cho nó học thêm thôi! Ngẫm nghĩ con bé học cả ngày, chiều về lại phải học thêm, mà thân cháu lại ốm yếu, thôi mẹ cố dạy vậy.
Lớp học của mẹ con bắt đầu ngay khi mẹ ăn cơm xong. Bắt tay vào dạy con mới thấy con thật tội. Một ngày phải học hai vần mới, tuần học bốn bài mới, vị chi một tuần học từ 8-10 vần mới. Cứ hôm nay học vần mới, tập viết, mai lại viết chính tả vần hôm qua. Các vần “an” và “ang”, “ên” và “ênh” mẹ còn đọc khác để con phân biệt, nhưng đến các vần “ay” và “ây”, “iên” và “in”, “ăn” và “anh”, “âm” và “ăm”… tuy cách phát âm khác nhau nhưng âm phát ra cứ tương tự nhau, mẹ chẳng biết đọc thế nào để con viết chính tả cho đúng.
Đến lúc này mẹ than trời thật sự: mấy mươi năm nay giờ mới biết tiếng Việt đọc khó không thua tiếng nước ngoài! Nhờ học cùng con mà mẹ phát hiện mình không rành tiếng Việt. Bài tập nối từ và hình vẽ trong vở bài tập tiếng Việt, bên cột từ có từ “quả muỗm”, còn cột hình chỉ có một quả duy nhất, nhìn giống giống quả xoài (hình vẽ đơn giản, lại không màu sắc), mẹ nói với con thôi nối đại từ quả muỗm với quả này đi, con không chịu nói đây là quả xoài mà! Mẹ bí quá, bỗng con thông minh đột xuất: lật từ điển đi mẹ! À thì ra quả muỗm là quả xoài nhỏ…
Phần giải nghĩa cho con mới gian nan: “trái nhót như ngọn đèn có nghĩa là sao”, “núi cao chon von là sao”, khi nghe mẹ giải thích, con còn lý sự: “Vậy sao không nói núi cao chót vót mà lại nói núi cao chon von?”. Mẹ hỏi ngược: “Thì con đang học vần gì nào?”. Đến lúc thi học kỳ, cầm xấp đề cương của con, mẹ ớn hồn, con cứ hỏi: “linh tính, líu ríu, ríu rít, nhởn nhơ, lờn vờn nghĩa là sao?”. Đúng là những từ này mình sử dụng hằng ngày nhưng khi giải nghĩa sao cứ nói lòng vòng, thôi mở từ điển cho chắc.
Mới đây mở tập của con mẹ thấy viết: “xiềng xích không làm xô lệch lòng người”. May mà con không hỏi nghĩa (thật sự mẹ không hề muốn con gái bé bỏng, ngây thơ phải biết đến những cay đắng mà chính con người dành cho nhau chút nào).
Tuần học liên tục bảy ngày, ngày nào cũng kéo dài từ 2-3 giờ: học vần, tập viết, chính tả, làm toán rồi tiếng Anh nữa. Những lúc bực tức vì con không tập trung, mẹ la hét, cú đầu, phết con, con vừa khóc vừa đọc. Thấy tội con quá. Sau nhiều tuần mẹ con quần nhau, thấy con vẫn đọc chậm dù bớt sai hơn, mẹ nghĩ: thôi, mẹ con cũng đã cố gắng hết sức, từ từ rồi con sẽ quen và sẽ đọc nhanh thôi, cứ cố ép chẳng được gì có khi lại tác dụng ngược. Có lẽ nhờ nghĩ vậy mà mẹ thấy nhẹ nhàng, mẹ con vui vẻ lại.
Từ việc học hành của mình, mẹ luôn mong con gái sẽ học trong niềm thích thú, ham thích khám phá cái mới, được học những gì mình thích và thích những gì được học, chứ không hề mong con gái đạt thứ hạng cao, học giỏi… Nhưng có lẽ mong ước bình thường của mẹ còn quá xa vời!
Theo Tuoitre