Học chuẩn bị vào lớp 1: Đi cũng dở, ở không xong
Mới đầu năm dương lịch, nhưng các mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1 đã nháo nhác lên các diễn đàn hỏi chỗ luyện chữ, học chuẩn bị vào lớp 1.
Mặc dù Bộ GD-ĐT quy định các trường mầm non không được dạy trước chương trình lớp 1, lên lớp 1 giáo viên phải dạy đúng phân bổ chương trình của Bộ, nhưng nhiều phụ huynh vẫn đang băn khoăn, như đang đứng ở… ngã ba đường, khi không biết có nên cho con đi học chữ sớm hay không.
Chuẩn bị tốt tâm thế để các bé vào lớp 1.
Đi cũng dở, ở không xong
Đã gần 1 tháng nay, cứ 2h chiều thứ 7, chị Thu Trang lại phải gọi cô con gái đang ngủ say trong chăn ấm dậy đi học chữ. Được ngày nghỉ, muốn ngủ trưa thoải mái cũng không được. Nguyên do khiến mẹ con chị Trang “ngã” vào lớp học chữ ở thời điểm sớm sủa như vậy – mặc dù trước đây chị dự định chỉ cho con đi học trước khi bé vào lớp 1 khoảng 1, 2 tháng – là một lần bà ngoại tình cờ nói chuyện với hàng xóm, phát hiện ra đám trẻ con cùng tuổi với cháu mình đã đi học cả lượt.
Trên nhiều diễn đàn, các mẹ có con sinh năm 2009 đã rộn ràng hỏi thăm các địa chỉ luyện chữ, chuẩn bị cho con vào lớp 1. Tên tuổi các cô giáo mát tay trong việc luyện cho các bé được truyền nhau. ở khu vực nào có cô giáo “tiêu biểu” cho khu vực đó. Không ít giáo viên cũng vào các topic này để tự tiếp thị…
Đoạn tâm sự được đưa lên một diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh càng khiến những ông bố bà mẹ có con sắp vào lớp 1, nhưng chưa theo học lớp chuẩn bị nào, cảm thấy hoang mang: “Nghe mọi người khuyên nên vợ chồng tôi quyết định không cho con học trước lớp 1. Để rồi giờ đây khi bước vào lớp 1 con luôn mang theo một nỗi buồn, nỗi mặc cảm thua kém bạn bè…
Ngay từ những hôm đầu tiên chập chững đến lớp, so với bạn bè, con tôi cứ như con vịt lạc đàn. Trong khi chúng bạn thuần thục viết chữ, đếm số thì con tôi cứ vụng về, ngơ ngác và chậm chạp.
Video đang HOT
Ngay từ đầu năm học con đã bị cô giáo phê bình vì không biết viết, không biết đọc. Cô giáo nói rằng con không đuổi kịp các bạn, từ nhận mặt chữ đến đếm số. Rồi cô phê bình cả phụ huynh không cho con đi học trước để rồi bây giờ cô rất vất vả với con tôi.
Con tôi vì thế bị cô giáo tách ra, cho vào nhóm chậm chạp (nhóm có chừng ba cháu). Theo yêu cầu của cô giáo, con tôi phải được bố mẹ ở nhà phụ đạo thêm. Thế là hết học trên lớp, về nhà con lại đối mặt với lượng kiến thức quá tải với đứa trẻ 6 tuổi.
Cả nhà cứ quay như chong chóng, như cỗ máy hoạt động hết công suất với chương trình học của con.
Đã vậy, trên lớp cô giáo thường xuyên nhắc nhở những em viết chữ xấu và con tôi thuộc danh sách này nên cháu tỏ ra rất mặc cảm, xấu hổ.
Tôi nghe cô phản ảnh thì rất sốt ruột và không muốn con cứ thua xa bạn bè nên càng thúc con học nhiều hơn, cứ thế nhồi nhét dù con muốn hay không.
Thú thực con bước vào lớp 1 với nỗi buồn, nỗi mặc cảm thua kém bạn bè, chậm chạp trong mắt cô giáo chứ không hào hứng, vui vẻ như tôi từng nghĩ”.
Lời khuyên của “tiền bối”
Chị Lan Anh kể lại kinh nghiệm khi bé con nhà mình vào lớp 1: “Tôi chủ trương không cho con đi học trước một buổi nào. Ngày đầu tiên đến lớp, con học trường công nhé, tôi trao đổi tình hình “chưa biết đọc biết viết” của cháu với cô giáo. Tới lúc vào năm học, cô giao cho các con mỗi tối về viết thêm khoảng 4, 5 trang. Thấy con không còn thời gian nghỉ ngơi, tôi lại gặp cô giáo đề nghị không giao bài nhiều thế nữa. Cô có ý kiến là con viết chậm quá, tôi bảo lại “Vì cháu chưa đi học thêm nên viết chậm, cô thông cảm”. Sau đó thì chỉ hết học kỳ I là con đã biết đọc, biết viết theo kịp các bạn”.
Có con cũng mới vào lớp 1 năm học vừa qua, chị Hải Hà cũng “kiên định” không cho con đi học chữ trước. “Cô nhận xét là chậm, tôi gặp cô, bảo với cô là ở nhà sẽ kèm cặp thêm cháu nhưng gia đình chỉ cần hết lớp 1 cháu đọc và viết ở trình độ trung bình thôi. Thế là cô cũng không nói gì nữa. Hơn nữa, học kỳ vừa rồi không chấm điểm, không giao bài tập về nhà, nên cháu không bị áp lực nhiều, dù tối nào chúng tôi cùng ngồi kèm cháu tập viết khoảng một tiếng”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng “bản lĩnh” như các chị Lan Anh, Hải Hà.
Từ “bài học” cách đấy 3 năm không cho con gái đi học trước, đến khi vào học chính thức cả nhà cùng căng thẳng vì lo dạy con theo kịp các bạn, năm nay chị Mai Hương đã bắt đầu nghiêng ngó các lớp tập làm quen lớp 1 cho cậu con thứ 2. “Cho con đi học rồi mới biết, lớp đông nghịt tới gần 60 cháu, cô không cách nào mà rèn cho từng cháu một, nên tối về là bố mẹ thay nhau kè kè dạy con học. Chấm điểm thì con luôn thấp hơn các bạn, nên con chán, bố mẹ cũng stress. Đến cậu thứ hai này gia đình quyết định phải cho con học trước một vài tháng, hy vọng khi cu cậu đi học cả nhà đỡ vất vả hơn”.
Nhưng chị Hương cho biết sẽ chỉ tìm những lớp mà cô luyện cách cầm bút, tư thế ngồi học, tập viết cẩn thận các nét cong, nét thẳng, cho con làm quen dần với việc ngồi học tập trung…
“Không học trước không có nghĩa là chẳng dạy gì cho con” – anh Thành Nam chia sẻ. Hiện nay, vợ chồng anh mua một số sách ảnh vừa học vừa chơi để các buổi tối cùng luyện với con. “ Những bài dạy đếm, dạy cộng – trừ qua các hình ảnh con rất thích. Về chữ thì mua bảng chữ cái, cho con nhận mặt các con chữ dần, mua những quyển tập tô nét và chữ cơ bản về cho con tô”.
“Việc học là lâu dài, lớp 1 về cơ bản là trẻ biết đọc, biết viết, biết cộng trừ, không cần phải quá áp lực về chuyện chữ đẹp hay xấu, biết đọc nhanh hay chậm vào thời điểm này. Chúng tôi chỉ xác định chuẩn bị cho con tâm thế vào lớp 1 một cách thoải mái nhất, để sau này con có thể ngày ngày vui vẻ đến trường”.
Theo Ngân Anh/Vietnamnet
Ngộ nghĩnh bức tranh vẽ cô giáo của học sinh lớp 1
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, cũng là lúc các trường tổ chức thi báo tường giữa các lớp. Infonet xin trân trọng giới thiệu những bức tranh vẽ cô giáo ngộ nghĩnh của các em học sinh lớp 1.
Nét vẽ hồn nhiên của các em học sinh lớp 1 trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hà Nội) đã phác họa lên hình ảnh cô giáo vừa ngộ nghĩnh, vừa đáng yêu.
Theo infonet.vn
Nghiêm cấm bắt trẻ 'chín ép' Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng học trước lớp 1 là do phụ huynh muốn con mình đạt thành tích cao, không thua thiệt bạn bè. Trước tình trạng dạy trước chương trình lớp 1, ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: "Quan điểm của Bộ GD-ĐT thể hiện ở nhiều văn bản chỉ...