Học chủ động: Hết thời thầy đọc, trò chép
Học chủ động là phương pháp nghiên cứu, rèn luyện khoa học, hiệu quả, được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến. Sinh viên xem video, đọc tài liệu ở nhà và thảo luận trên lớp.
Tại buổi tọa đàm “Active Learning: Một phương pháp học mới” do TeamX Hanoi tổ chức ngày 15/4 ở Hà Nội, TS Nguyễn Chí Hiếu – Giám đốc Học viện Phát triển Tư duy và Kỹ năng IEG – cho rằng sinh viên cần phương pháp tiếp cận kiến thức mới, thay cho lối lắng nghe thụ động thông thường.
Theo TS kinh tế Đại học Stanford này, nhiều nghiên cứu mới đây kết luận rằng với lượng thông tin và kiến thức khổng lồ ở trường, cách học và dạy thầy đọc, trò chép truyền thống không còn phù hợp, không thể trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng tư duy cần thiết. Người trẻ cần phương pháp tiếp cận kiến thức chủ động và khoa học hơn trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.
TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng học sinh, sinh viên hiện nay cần phải chủ động hơn nữa trong việc tiếp nhận và tư duy kiến thức. Ảnh: Vũ Loan.
Đổi mới phương pháp dạy học truyền thống
Học chủ động (Active Learning) là hình thức mà mỗi cá nhân phải tự đặt ra mục tiêu cho bản thân, hoạch định lộ trình đạt mục tiêu đó dưới sự hướng dẫn, trợ giúp của giảng viên, chuyên gia.
Đây là phương pháp học tập, rèn luyện một cách khoa học, hiệu quả và ngày càng được các nhà giáo dục hàng đầu thế giới, cũng như học sinh, sinh viên ở quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Hà Lan, Phần Lan, Đức… áp dụng.
Ông Nguyễn Huyền Minh, giảng viên khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, ĐH Ngoại thương, cho rằng phương pháp học chủ động bao gồm thay đổi trong vai trò và trách nhiệm của cả sinh viên và thầy giáo.
Sinh viên xem video, đọc tài liệu trước khi tới lớp. Thời gian trên lớp được dùng để thảo luận nhóm (thẩm tra rằng sinh viên có học) rồi áp dụng khái niệm vào các bài tập hay câu hỏi kiểm tra (nhằm phát triển kỹ năng).
Sinh viên được khuyến khích cộng tác với người khác trong quá trình thảo luận nhưng họ phải làm những bài tập kiểm tra riêng biệt để chứng tỏ mình đã học.
Video đang HOT
“Học chủ động sẽ kích thích học sinh, sinh viên tư duy độc lập, khoa học hơn. Nó vượt trội so với phương pháp truyền thống bởi không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn bổ sung kiến thức về bề rộng, nền tảng qua hình thức phản biện trong giờ học”, TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên, theo hai chuyên gia giáo dục trên, hình thức học chủ động – Active Learning chưa phổ biến và đủ sức ảnh hưởng tới phương pháp dạy học ở Việt Nam.
Với phương pháp học chủ động, học sinh, sinh viên có thể nhớ và thực hành được từ 70%-90% nội dung bài học. Nguồn: ĐH Northwest Iowa, Mỹ.
Sinh viên tăng tính chủ động với thảo luận nhóm
Khác biệt lớn nhất về cách dạy và học của nền giáo dục Mỹ so với Việt Nam là văn hóa thảo luận trong lớp. Tại ĐH Texas, các giáo sư đánh giá cao sinh viên có khả năng phản biện và chỉ ra lỗi sai của thầy.
Lớp học được bố trí ngồi thành vòng tròn và có những buổi dành riêng cho thảo luận. Giáo sư chỉ quan sát, sinh viên tự trao đổi với nhau. Buổi thảo luận có thể bàn về cuốn sách mà tất cả được yêu cầu đọc trước ở nhà. Mỗi sinh viên phải phát biểu ít nhất 3 lần mới được cho điểm.
Sinh viên Mỹ luôn chủ động trong việc học tập trên lớp. Những người phát biểu nhiều thường nằm trong tốp dẫn đầu về thành tích học tập, vì họ phải rất tập trung mới nghĩ ra câu hỏi để chất vấn giáo sư. Họ chủ động viết email hẹn gặp riêng giáo sư để xin tham gia nhóm nghiên cứu. Nếu cảm thấy không phù hợp, sinh viên có thể tự rút lui hoặc chuyển sang nhóm khác.
Học tập trong môi trường nhóm không chỉ thúc đẩy sự tích cực, sáng tạo của sinh viên, mà còn tạo sự gắn kết, giúp bạn trẻ làm quen với cách làm việc tập thể, có cơ hội học hỏi và biết cách lắng nghe.
Để thực hiện tốt thảo luận nhóm, giảng viên cần nắm vững quy trình thực hiện phương pháp này như phương tiện giảng dạy, phân nhóm phù hợp, chuẩn bị kỹ nội dung thảo luận và hướng dẫn cụ thể, quy định thời gian, đặc biệt là cần có quy định thưởng phạt rõ ràng trong thảo luận để tạo tính cạnh tranh.
Tại buổi tọa đàm, TS kinh tế Đại học Stanford còn cho biết thêm với “Active Learning”, sau khi học là phần tổng kết, tư duy, áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Theo một nghiên cứu của Đại học Northwest Iowa, Mỹ về phương pháp “Active Learning”, người học thường nhớ được 10% những gì mình đọc, 20% những gì mình nghe và nhớ được đến 90% những thứ thực hiện/áp dụng.
Ông Nguyễn Chí Hiếu hy vọng trong thời gian tới, phương pháp học chủ động sẽ giúp khơi dậy ở các bạn sinh viên Việt Nam tinh thần học tập chủ động, ươm mầm cho những sự cải tiến vượt trội và đem lại giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội.
Theo Zing
Học tiến sĩ tại những vùng hoang vu nhất thế giới
Học tiến sĩ không có nghĩa suốt ngày vùi đầu vào những thí nghiệm trong phòng kín. Nó cũng có thể là cuộc thám hiểm thú vị tại những nơi hoang vu nhất.
Ban đầu, Jessica Bramley-Alves (người Australia) không có ý định học tiến sĩ. Cô cho rằng, bằng cấp không làm nên giá trị con người, đồng thời bản thân không đủ kiên nhẫn để theo đuổi chương trình nghiên cứu nhàm chán.
Là người thích phiêu lưu, Jessica nghĩ cô sinh nhầm thời khi những bãi rác khổng lồ, quán bar nhộn nhịp, mạng wifi xâm chiếm khắp nơi. Cô khó có thể thực hiện một chuyến thám hiểm thực sự giữa lòng xã hội hiện đại.
Sau khi nhận bằng cử nhân Khoa học Môi trường với kết quả tốt nghiệp xuất sắc, cô gái trẻ đăng ký theo học chương trình tiến sĩ khoa học tại Đại học Wollongong, một trường nghiên cứu công lập nổi tiếng ở New South Wales, Australia.
Jessica xác định, cô sẽ dành phần lớn thời gian với kính hiển vi, các số liệu phức tạp và dần trở thành nhà khoa học lập dị.
Tuy nhiên, giảng viên hướng dẫn của cô đã làm thay đổi suy nghĩ đó. Nghiên cứu về địa cực của bà cũng giúp Jessica có cơ hội làm việc tại những vùng hoang vu nhất thế giới, Nam cực và quần đảo cận Nam cực.
Họ muốn thông qua những số liệu về rêu vùng cực để tìm hiểu về biến đổi khí hậu.
Những chuyến thám hiểm Nam Cực không chỉ để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Ảnh: Guardian.
Jessica tiến hành cuộc thám hiểm đầu tiên trên đảo Macquarie, một hòn đảo đá nhỏ nằm giữa vùng thường xuyên xảy ra bão tố ở Nam Đại Dương. Trước đó, Douglas Mawson, nhà địa chất học người Australia, từng mô tả đây là nơi tồi tệ nhất thế giới.
Hành trình trên con tàu phá băng Aurora Australis giúp cô hiểu hơn cuộc sống ở những vùng khắc nghiệt nhất.
Khi đặt chân lên hòn đảo, Jessica chứng kiến cảnh tượng hoàn toàn mới lạ với bờ cát đen, cỏ mọc trên vách đá, cùng các loại động vật hoang dã như chim cánh cụt, hải cẩu.
Đêm thứ nhất trên Macquarie, nữ khoa học gia hoàn toàn mất ngủ vì đàn voi biển ngáy ngủ. Tuy nhiên, cô cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết khi cuối cùng cũng thực hiện được chuyến thám hiểm đầu tiên.
Trên đảo, cô cũng có cách sống hoàn toàn khác biệt. Jessica cảm thấy điều quan trọng nhất khi sống ở nơi hoang dã là phải luôn giữ tinh thần lạc quan, tuyệt đối không nghiêm trọng hóa vấn đề.
Cư dân trên đảo là các nhà khoa học, bác sĩ, đầu bếp. Họ đến đây để phục vụ công tác nghiên cứu. Mỗi người thực hiện nhiệm vụ của bản thân, không ai quan tâm việc người khác đến từ đâu nhưng bầu không khí luôn hài hòa.
Điểm đặt chân thứ hai của Jessica là Nam Cực. Cảnh vật nơi đây hoàn toàn tĩnh lặng với rất ít sự hiện diện của con người. Ngoài việc nghiên cứu, thu thập số liệu, cô có thể tham gia trò chơi trượt tuyết, hoặc ngồi trên thuyền lượn quanh các núi băng.
Những chuyến thám hiểm giúp chương trình học tiến sĩ của cô trở nên thú vị. Bản thân Jessica cũng hứng thú hơn với khoa học. Cô thực hiện đề tài lập bản đồ về biến đổi khí hậu do con người gây ra thông qua những thứ đơn giản, ít được nhắc đến như rêu.
Đương nhiên, là nhà khoa học, Jessica vẫn phải dành khá nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm. Sự trông đợi vào các cuộc phiêu lưu ở Nam Cực giúp cô tiếp tục đam mê với công việc.
Nữ nghiên cứu sinh vẫn còn chặng đường dài với nhiều khó khăn trong sự nghiệp khoa học. Nhưng những chuyến đi đến vùng hoang vu nhất giúp cô nhận ra rằng, một tiến sĩ cũng có thể theo đuổi học thuật nghiêm túc, đồng thời sống hết mình trong những cuộc phiêu lưu.
Theo Zing
Người phụ nữ giành hai giải Nobel từng muốn làm giáo viên Marie Curie là người đầu tiên giành hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, bà du học Pháp với dự định theo đuổi nghề sư phạm thay vì cống hiến cho ngành khoa học. Marie Curie (1867 - 1934) là một nhà Vật lý và Hóa học người Ban Lan - Pháp. Bà nổi tiếng qua những nghiên cứu...