Học bổng trăm triệu, hấp dẫn nhưng… coi chừng
Mùa tuyển sinh 2018, nhiều trường đưa ra các gói học bổng ‘khủng’ từ vài chục đến gần cả tỉ đồng. Tuy nhiên sinh viên cần tìm hiểu kỹ để không rơi vào thế bị động.
SV ĐH Tân Tạo đến Tòa án nhân dân quận 8, TP.HCM bổ túc hồ sơ theo yêu cầu của tòa sau khi tòa thụ lý đơn kiện của Trường ĐH Tân Tạo – Ảnh tư liệu: M.G.
Nếu thôi học, bị buộc thôi học hoặc kết quả học tập không tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí phải bồi hoàn toàn bộ số tiền học bổng.
Nhiều học bổng giá trị cao
Kỳ tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Hoa Sen dành 17 tỉ đồng cấp học bổng cho tân sinh viên của trường. Trong đó, học bổng tinh hoa có giá trị cao nhất với 200 triệu đồng/suất, học bổng tài năng từ 50-150 triệu đồng/suất. Các điều kiện duy trì học bổng không quá khó khăn, trong đó điểm trung bình học tập dao động từ 2.8-3.2 (thang điểm 4) tùy theo loại học bổng.
Với mức học phí lên đến trên 800 triệu đồng cho một khóa học ĐH, năm nay ĐH RMIT dành 8 suất học bổng hiệu trưởng, tương đương 100% học phí toàn khóa cho tân sinh viên. Ngoài ra, trường cũng dành hàng chục suất học bổng từ 25-50% học phí toàn khoa.
Đi kèm các học bổng này là điều khoản học bổng với 27 điều và vô số các điểm nhỏ, khi sinh viên không thực hiện đúng các điều này, trường có quyền ngưng hoặc cắt học bổng.
Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cũng thông báo dành nhiều suất học bổng 100, 50 hoặc 25% căn cứ vào điểm của thí sinh xét và trúng tuyển vào trường.
Tuy nhiên, với học bổng 100%, sinh viên phải có điểm trung bình tích lũy đạt từ 3.6 (tương đương điểm 9, 10 trong thang điểm 10) trở lên. Nếu đạt từ 3.4 đến dưới 3.6 sẽ nhận học bổng 50%, đạt từ 3.2 đến dưới 3.4 nhận học bổng 25%. Dưới mức này sinh viên sẽ không được cấp học bổng nữa.
Tại Trường ĐH Tân Tạo, học phí ngành y đa khoa lên đến 150 triệu đồng/năm, các ngành còn lại 40 triệu đồng/năm.
Với ngành y, thí sinh có tổng số điểm 3 môn (tổ hợp môn thi xét tuyển) thi THPT quốc gia từ 25 điểm trở lên sẽ được xem xét cấp học miễn 100% học phí trong năm học đầu tiên. Thí sinh có tổng số điểm 3 môn từ 23-24,9 điểm sẽ được xem xét cấp học bổng giảm 30% học phí trong năm học đầu tiên.
Điều kiện duy trì học bổng không được trường thông báo chi tiết mà chỉ nói chung chung: các khoa sẽ căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên trong học kỳ trước để xét cho sinh viên hưởng học bổng cho học kỳ kế tiếp.
Video đang HOT
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng dành đến 23 tỉ đồng cấp học bổng cho tân sinh viên với nhiều mức từ 5-100% học phí. Năm nay, lần đầu tiên trường đưa ra chương trình “Học bổng chủ tịch SIU” gồm toàn bộ học phí và sinh hoạt phí 4 năm ĐH.
Có 44 suất học bổng này với giá trị 260-280 triệu đồng. Tuy nhiên trường không công bố chi tiết điều kiện duy trì học bổng. Nhiều trường ĐH khác như Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), FPT… cũng dành tiền tỉ cấp học bổng cho tân sinh viên.
Tìm hiểu kỹ điều kiện học bổng
Việc cấp học bổng để thu hút sinh viên giỏi vào trường là một trong những giải pháp nâng cao đầu vào, chất lượng đào tạo cũng như thu hút thí sinh của các trường. Tuy nhiên không ít sinh viên vỡ mộng với học bổng “khủng” mà trường đưa ra.
Rất nhiều sinh viên ngành y khóa 1, 2 Trường ĐH Tân Tạo từng nhận học bổng 100% năm đầu tiên nhưng sau đó trường liên tục thay đổi mức điểm duy trì học bổng và đỉnh điểm là mức điểm tuyệt đối 4.0 khiến không có sinh viên nào đạt được.
Mức học phí quá cao trong khi trường lại tăng học phí cả ngàn USD khiến nhiều sinh viên chới với, mọi thương lượng với trường đều thất bại. Gần 80 sinh viên buộc phải xin chuyển trường để tiếp tục việc học.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trương Thị Ngọc Bích – phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM – cho biết sau mỗi học kỳ, phòng đào tạo đều theo dõi quá trình học của sinh viên. Sinh viên nào sa sút, sắp rơi vào ngưỡng giảm hoặc mất học bổng, bộ phận hỗ trợ sẽ nhắc nhở để các bạn cố gắng hơn.
Bà Phạm Trần Thùy Dương – cán bộ phụ trách chương trình học bổng ĐH RMIT Việt Nam – cũng đưa ra lời khuyên: “Sinh viên cần lên kế hoạch tài chính về phần học phí còn lại để đảm bảo chương trình học không bị gián đoạn”.
Trong khi đó, TS Hoàng Đức Bình – đại diện Trường ĐH Bắc Đan Mạch tại Việt Nam – cho rằng việc đưa ra các điều kiện duy trì học bổng là cần thiết để sinh viên phải cố gắng học tập, có kết quả tốt hơn.
Tuy nhiên ông Bình cũng cho rằng có không ít trường đưa ra các tiêu chí duy trì học bổng quá khắt khe, chẳng hạn điểm bình quân phải đạt xuất sắc, xem ra mục đích tuyển sinh nhiều hơn là quyền lợi sinh viên.
“Sinh viên phải tìm hiểu kỹ điều kiện duy trì học bổng của các trường để tránh trường hợp gặp khó khăn về tài chính khi không còn được cấp học bổng. Một số trường đưa ra rất nhiều điều kiện đi kèm học bổng, cần phải tìm hiểu kỹ để tránh mắc sai sót dẫn đến bị cắt học bổng.
Một trong những lưu ý quan trọng là sinh viên phải lưu giữ các giấy tờ liên quan đến học bổng đề phòng trường hợp trường thay đổi điều khoản. Có trường duy trì điều khoản cho một khóa nhưng cũng có trường thay đổi hàng năm” – ông Bình nói thêm.
Lao đao vì học bổng
Mặc dù gần 80 sinh viên khoa y Trường ĐH Tân Tạo đã chuyển trường nhưng khoảng 20 sinh viên vẫn đang bị trường giữ bản chính bằng tốt nghiệp THPT và giấy báo kết quả thi ĐH. Trường yêu cầu những sinh viên này trả học phí, học bổng đã nhận của trường mới được trả những giấy tờ trên. Sinh viên không đồng ý, trường đã khởi kiện ra tòa.
Số tiền mà sinh viên phải trả dao động từ vài chục đến hơn 300 triệu đồng. Trong đó có sinh viên bị kiện đòi gấp đôi số tiền học bổng đã nhận kèm lãi suất. Lúc đầu, Trường ĐH Tân Tạo đứng ra khởi kiện nhưng nhiều tòa án đã đình chỉ do người đại diện đứng đơn kiện không phải là người đại diện hợp pháp. Tháng 12-2017, Công ty cổ phần đâu tư Tân Đức (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) đã đứng đơn khởi kiện các sinh viên này.
Theo tuoitre.vn
Cảnh báo trò 'Thử thách cá voi xanh' giăng bẫy học sinh
Người đã chơi rủ rê người chưa chơi, đăng hướng dẫn chi tiết trên mạng... trò chơi nguy hiểm 'Thử thách cá voi xanh' đang giăng bẫy các em học sinh với những hệ lụy khôn lường.
Tại nước Nga, hàng trăm thanh thiếu niên tự tử khi tham gia trò chơi "Thử thách cá voi xanh" - Ảnh: CGTN
Tại TP.HCM, không ít học sinh cho hay các em có nghe và từng thử trò chơi quái đản này.
'Kẻ giết người trong 50 ngày'
Gặp một nhóm học sinh trước Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM, chúng tôi hỏi các em có biết trò "Thử thách các voi xanh" không? Em học sinh tên T.H. nhanh miệng trả lời: "Tháng trước anh hàng xóm rủ em chơi thử, em đã được bày cách chơi rồi".
"Ban đầu mình có thể chơi bằng cách dùng bút bi vẽ lên tay hình con cá voi xanh, sau đó hoàn thành nhiệm vụ bí mật: thức dậy 4h20 sáng và leo lên mái nhà, xem một bộ phim rùng rợn, làm tổn thương môi, đứng trên một cây cầu...
Em đã hiểu sơ bộ trò này rồi nhưng đang ôn thi học kỳ nên em chưa dám chơi, nếu hè rảnh rỗi em sẽ chơi cho biết", H. nói.
Được biết trò chơi "Thử thách các voi xanh" cũng được giới thiệu rầm rộ trên các diễn đàn dành cho bạn trẻ và mạng xã hội YouTube. Em K.T. - học sinh lớp 10 ở quận 3, TP.HCM cho biết do tò mò em đã thử chơi game này qua hướng dẫn trên YouTube.
"Khi chơi trò này mình phải hoàn thành các thử thách trong 50 ngày, từ đơn giản đến phức tạp. Mình phải chụp ảnh xác nhận gửi quản trị viên để làm minh chứng nếu sau này là người chiến thắng.
Em đã chơi được vòng 1, đến vòng dùng vật sắc nhọn rạch trên da, em thấy sợ và dừng lại. Em nghĩ chơi để giải trí và "chiến thắng" mà làm cơ thể đau và chảy máu thì trò này khác nào kẻ giết người trong... 50 ngày. Nhóm bạn của em có bạn đến giờ đã nghỉ hẳn, cũng có bạn thi thoảng vẫn chơi", T. cho hay.
Còn em N.T.T, quận Phú Nhuận kể: "Em có người bạn đã chơi trò này, đến vòng nào thì em không biết nhưng cứ giờ giải lao bạn ấy suốt ngày cứ nói về game, rồi hở một tí lại nói Tôi bất tử.
Em hỏi thì mới biết bạn xem phim kinh dị và chơi trò cá voi xanh này, cuối cùng nếu tự sát thì được coi là chiến thắng hoàn toàn. Đúng là một trò vô lý. Vậy mà bạn em mỗi vòng chơi mà thắng là đăng lên YouTube, lập trang riêng, rất phấn khích".
Sẽ có văn bản chính thức cảnh báo các trường
Theo thông tin từ một số trường tại TP.HCM, họ có nghe đến trò chơi "Thử thách cá voi xanh" và đã nhắc nhở học sinh không tham gia trò nguy hiểm này.
"Trường cũng đã nắm được sự nguy hiểm của trò chơi "Thử thách cá voi xanh" và đã tìm hiểu qua một số học sinh nòng cốt, các em nói có biết trò này. Nhà trường đã nhắc nhở, khuyến cáo học sinh về mức độ nguy hiểm của trò chơi này.
Hiện chưa có trường hợp mê game đến mức nguy hiểm được ghi nhận tại trường", cô Lâm Minh Trang - hiệu phó trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường 3, quận Gò Vấp, cho biết.
Thầy cô một số trường ở quận Bình Thạnh cũng xác nhận có nghe qua trò "Thử thách cá voi xanh" và đang tìm hiểu thêm thông tin từ học sinh để kịp thời ngăn chặn các em tham gia.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Minh Hoàng - chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Chúng tôi đã ghi nhận và tìm hiểu, thấy rằng đây là trò chơi không phù hợp cho học sinh các cấp.
Đề nghị các nhà trường thông tin, giải thích cho học sinh, phụ huynh học sinh được rõ và không tham gia trò chơi. Và mong cha mẹ học sinh hỗ trợ, tương tác với nhà trường, thông báo, kết hợp với trường, giáo viên chủ nhiệm để kịp thời ngăn chặn và giải quyết nếu đã có con em nghiện đến mức nguy hiểm".
Ông cũng cho hay sang tuần tới sở sẽ có văn bản cảnh báo chính thức gửi các trường lưu ý học sinh về trò chơi nguy hiểm này.
Theo tuoitre.vn
Bạn đọc viết: Khi nhà trường và phụ huynh đều thích "điểm đẹp" Học kì 2 của năm học 2017-2018 đang dần khép lại. Hện đang là thời điểm các đơn vị trường học rục rịch chuẩn bị tổ chức họp phụ huynh nhằm thông báo kết quả học tập của học sinh trong năm học vừa qua. Ảnh minh họa Những tỷ lệ cao học sinh đạt danh hiệu tiên tiến, tiên tiến xuất sắc...