Học bổng không phải để xin
Tâm lý xin – cho khi nộp hồ sơ xét tuyển học bổng khiến ứng viên thiếu tự tin, tự đánh trượt mình từ những vòng đầu, vì không gây được ấn tượng với giám khảo.
Chỉ cần lướt qua một số trang web hướng dẫn làm hồ sơ du học, hay tìm kiếm trên Google, bạn sẽ thấy hàng loạt kết quả như “Kinh nghiệm xin học bổng”, “5 bước xin học bổng”, “Quy trình xin học bổng”…
Tuy nhiên, Nguyễn Quỳnh Thư – người giành học bổng toàn phần của chính phủ Hungary năm 2015, sinh viên Đại học Debrecen – lại có cái nhìn khác: Đừng để tư duy “xin – cho” ảnh hưởng quá trình đăng ký học bổng.
Châu Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ kinh tế, Đại học Harvard, người nhận nhiều học bổng du học Mỹ cho rằng: Săn học bổng tiến sĩ ở Mỹ giống thi The Voice . Ảnh: NVCC.
Cuộc chơi công bằng
“Với mình, nộp hồ sơ học bổng là việc giới thiệu thông tin của bản thân với một đơn vị, tổ chức hoặc trường. Nếu các thông tin như bảng điểm, năng lực, lý lịch phù hợp yêu cầu, mình sẽ được trao hỗ trợ tài chính trong thời gian học. Mình cũng phải cố gắng hoàn thành tốt việc học, và đạt được yêu cầu của học bổng đưa ra, chứ không xin cái gì, và không ai cho mình cái gì”, Quỳnh Thư nêu quan điểm.
Cũng theo nữ sinh này, nếu tư duy kiểu “đi xin”, ứng viên tự đặt mình xuống “cửa dưới” của cuộc cạnh tranh gay gắt. Họ không thể tự tin làm nổi bật bản thân bằng chính thành tích học tập, thực lực của mình, từ đó khó thuyết phục giám khảo.
Chính tâm lý thoải mái, tự tin nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng, các sinh viên sẽ xác định được vị trí của mình, để khi có được học bổng đó, các bạn chủ động lựa chọn cách học và làm việc phù hợp, xứng đáng với số tiền nhận được.
Theo những “cao thủ” săn học bổng, các trường có nhiều cách hỗ trợ sinh viên, như miễn phí tiền học, hỗ trợ nhà ở, cung cấp sinh hoạt phí… Sinh viên được cấp học bổng không chỉ gói gọn ở người có thành tích học tập tốt, mà cả những ứng viên có hoạt động cộng đồng đa dạng, giỏi thể thao, hoặc có kỹ năng xã hội nổi bật. Chính vì vậy, nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng là cuộc đua công bằng, gay gắt, xét trên nhiều yếu tố.
“Việc tìm kiếm học bổng khi muốn du học là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng nhiều bạn suy nghĩ người Việt kém các bạn ở nước khác, áp dụng tâm lý xin – cho vào việc ’săn’ học bổng, dẫn tới tự hạ thấp giá trị của chính mình trước ứng viên khác”, Nguyễn Duy Anh, người thắng học bổng thạc sĩ toàn phần của Học viện Âm nhạc Southern Maine, Mỹ, cho biết.
Duy Anh cho rằng, trong ngành học của mình, mỗi kỳ học, 5 sinh viên điểm cao nhất sẽ được trao học bổng. Vì vậy, mình luôn phải cố gắng hết sức trở thành người giỏi nhất, để khi nhận được số tiền học bổng, mình cũng tự tin vì xứng đáng chứ không phải do xin ai cả.
Trao học bổng cho sinh viên, trường cũng lợi
Việc hỗ trợ tài chính cho sinh viên cũng mang lại cho trường đại học nhiều lợi ích. Như trường hợp của kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm, anh nhận học bổng toàn phần từ Đại học Webster (Mỹ). Lê Quang Liêm đã tham gia câu lạc bộ cờ vua, mang về giải vô địch SPICE Cup 2015 cho trường.
Video đang HOT
Nguyễn Hoàng Bách, sinh viên năm hai Đại học Công nghệ Virginia, Boston, Mỹ, cho biết: “Mình nhận được học bổng du học toàn phần nhờ giải nhì cấp thành phố môn Vật Lý khi còn ở Việt Nam. Thời gian học tại Mỹ, mình liên tục nhận được hỗ trợ tài chính vì tham gia các hội thảo và từng có bài báo đăng trên tạp chí Science”.
Theo nam sinh này, trường đại học Mỹ luôn có khoản ngân sách nhất định trao cho sinh viên xuất sắc. Những bạn trẻ học tập tốt, tham dự những cuộc thi, ngoài giải thưởng cho riêng bản thân, còn mang về vinh quang cho trường. Trường đại học lấy những giải thưởng đó để quảng cáo, nâng mức đánh giá của mình trên bản đồ giáo dục trong nước và quốc tế.
Càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, số phần trăm người học tìm được công việc như ý, có thu nhập tốt, hoặc được đánh giá là điểm đến của nhiều sinh viên nước ngoài…, xếp hạng của trường càng cao. Khi đó, trường sẽ trở thành điểm thu hút đầu tư, tài trợ của cá nhân hay tập đoàn, thu hút nhiều sinh viên hơn nữa.
Đối với nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nga, các khoản học bổng của chính phủ, trường đại học, thành phố thường trao cho những bạn có giải Olympic, bằng sáng chế, hoặc đoạt giải thưởng trong các kỳ thi.
Đình Gia (sinh viên năm thứ tư khoa Dầu khí, Đại học Quốc gia Tambov, Nga) nói: “Từ năm hai đại học, ngoài học bổng toàn phần của chính phủ Nga, mình còn được ngành Năng lượng trao học bổng 200 USD mỗi kỳ học, nhờ đoạt giải trong các cuộc thi Olympic cấp bang và cấp toàn nước Nga”.
Nói vậy để thấy, khi trao học bổng cho sinh viên, các trường đại học cũng mang về những lợi ích nhất định. Khi một sinh viên chứng tỏ được bản thân phù hợp yêu cầu, mục đích của trường, tổ chức, hay chính phủ, thể hiện được giá trị của mình cho xã hội, thì học bổng đã được trao hoàn toàn công bằng, chứ không phải sự từ thiện một phía, không phải hành động xin – cho như cách một số người vẫn dùng từ này khi đăng ký học bổng.
Hồ sơ đăng ký phải ấn tượng, nêu bật ưu thế
Theo Nguyễn Quỳnh Thư, hồ sơ học bổng chính là “hình ảnh” bạn tạo ra để tương tác với hội đồng tuyển sinh. Nó cũng giống như vẻ bề ngoài của bạn chỉn chu sẽ gây cảm tình cho người giao tiếp. Bộ hồ sơ giúp các tổ chức cấp học bổng xác định được năng lực, điểm mạnh, cá tính của ứng viên. Nó phải nhấn mạnh “tôi là người xứng đáng được nhận học bổng này vì tôi phù hợp”.
Ngoài những giấy tờ cần thiết như bảng điểm, bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, các chứng chỉ yêu cầu khác như GRE, GMAT, thư giới thiệu (LOR…, bạn hãy chuẩn bị thêm những giấy khen hoặc giấy chứng nhận hoạt động xã hội mình có.
Ví dụ, mới chỉ học hết THPT, bạn có thể gửi kèm giấy chứng chỉ học nghề, giấy chứng nhận hiến máu, hoạt động tình nguyện, giải thể thao… Điều đó cũng sẽ giúp các nhà tuyển sinh mở rộng cơ hội cho bạn.
Xác định loại học bổng muốn có
Nguyễn Thu Giang, người giành học bổng toàn phần Đại học UWA, Australia, cho rằng: Chúng ta phải luôn chuẩn bị những phương án thứ hai, thứ ba khi đăng ký học bổng. Nhưng điều đó không có nghĩa “đứng núi này trông núi nọ”. Bạn hãy xác định rõ mục tiêu của bản thân, để chuẩn bị làm tốt những bước nộp hồ sơ, phỏng vấn, thi ứng tuyển…
Nếu xác định đi học bằng học bổng chính phủ, bạn phải có bảng điểm đẹp, chứng chỉ ngoại ngữ với điểm số cao…, vì đây thường là những học bổng danh giá, có tính cạnh tranh cao.
Nếu muốn trúng tuyển học bổng của các tổ chức, công ty, hãy tìm học bổng theo chuyên ngành hoặc các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Với học bổng của các trường đại học, bạn hãy thể hiện mình mang lại lợi ích gì cho trường. Còn để sở hữu học bổng dưới dạng nghiên cứu, trợ giảng, hãy liên hệ với các giáo sư của trường để gây dựng mối quan hệ, xác định rõ ràng hướng nghiên cứu và đề tài nghiên cứu.
Luôn có kế hoạch và các bước rõ ràng khi tìm học bổng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc, cũng như đạt hiệu quả tốt.
Theo Zing
Bí quyết xin học bổng du học sau tuổi 25
Du học sau tuổi 25, Lê Ngọc Sơn được mời là thành viên Nhóm nghiên cứu quốc tế về Truyền thông Khủng hoảng của Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức.
- Từ một người đã đi làm nhiều năm, xin anh cho biết lý do hoãn công việc nhiều thành công để lên đường du học?
- Sau thời gian dài đi làm, tôi thấy mình quá cậy nhờ vào kinh nghiệm nên cần phải bồi đắp thêm tri thức. Với tôi, học không chỉ là kiến thức, mà còn từ nền văn hoá, con người. Tôi thực sự yêu mến bản sắc văn hoá, tính cách và con người Đức.
Lê Ngọc Sơn.
- Để du học, ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết. Đâu là điểm mấu chốt để anh học tiếng Anh và tiếng Đức hiệu quả?
- Với người đã tốt nghiệp đại học và đi làm nhiều năm, học ngoại ngữ khá vất vả, đến giờ vẫn không ngừng trau dồi. Có lẽ, mọi thứ đều cần đến sự cần mẫn và kiên trì. Học từng chữ một, rồi cũng có ngày nói, viết được. Thêm nữa, bạn phải tìm được giáo viên tốt.
- Điều quan trọng nhất của người ngoài 25 tuổi quyết định bước vào con đường nghiên cứu ở nước ngoài là gì?
- Thực ra làm nghiên cứu sinh về bản chất là học cách nghiên cứu, học làm nghề nghiên cứu. Với tôi, chắc hẳn đó là biết làm bạn với "sự một mình" - một cách gọi khác của việc chủ động chọn cô đơn làm bạn. Kể cả trong cuộc sống, tôi lấy sự bình yên làm trọng.
"Sự một mình" trong nghiên cứu học thuật không phải điều gì đáng thương hay chịu đựng, ngược lại đó là cảm giác và trải nghiệm thú vị. Đôi khi một mình không nhất thiết phải tách khỏi đám đông một cách vật lý, mà là dành riêng một không gian tâm tưởng cho mình tự nghĩ suy, chiêm nghiệm, đối thoại với vũ trụ quan của chính mình.
Tôi rất thích một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh, đại ý: "Mọi người nghĩ rằng sự náo nhiệt là hạnh phúc. Nhưng khi hưng phấn với sự náo nhiệt, bạn không còn bình yên. Trong khi, hạnh phúc thực sự lại dựa trên sự bình yên".
Hay như Goethe, người Đức được coi là vĩ đại trong lịch sử, vào một buổi chiều 6/9/1780, ông viết trên khung cửa sổ túp lều gỗ trên vùng núi cao Kickelhaln ở Ilmenau câu thơ bất hủ: "Trên tất cả những đỉnh cao là bình yên". Đó như là một tuyên ngôn triết học của tiền nhân về ý nghĩa thực sự của cuộc sống này vậy!
Ở trạng thái "một mình", người ta điềm tĩnh hơn, có thời gian chuyên tâm giải quyết khó khăn trong cuộc sống và học tập: Có khi là một hướng nghiên cứu đang bị tắc ở đâu đó, hay một cuốn sách đang đọc dở. Cũng có thể đó là sự vẩn vơ những ý niệm mình tâm đắc.
- Trở lại môi trường đại học sau khi đã tốt nghiệp nhiều năm, nhưng anh vẫn nhận được học bổng tiến sĩ của nhiều trường lớn?
- Về chuyện du học, tôi nghĩ mình cũng may mắn. Thường để xin học bổng và có vị trí nghiên cứu bậc tiến sĩ là hai công việc khác nhau. Tuy nhiên, chúng có vài điểm chung như sau:
Kế hoạch rõ ràng: Từ lúc có ý định theo đuổi bậc học này cho đến khi được chấp nhận là một quá trình rất dài, thường khoảng 2-3 năm. Do đó, bạn cần có kế hoạch cụ thể làm gì ở mỗi giai đoạn.
Để được chấp nhận làm nghiên cứu sinh, trường yêu cầu rất nhiều thủ tục chứng minh năng lực của ứng viên, từ việc trang bị ngoại ngữ, đến chọn đề tài nghiên cứu, tìm giáo sư hướng dẫn...
Tham khảo kinh nghiệm người đi trước: Tôi may mắn quen thân với nhiều chuyên gia người Việt đang giảng dạy ở những đại học uy tín ở nước ngoài như GS Trần Hữu Dũng, GS Lê Văn Cường, GS Nguyễn Văn Tuấn, TS Nguyễn Đức An... và bạn bè đang là nghiên cứu sinh. Họ đọc giúp đề cương nghiên cứu, hướng dẫn viết đề cương hấp dẫn và thuyết phục.
- Chứng minh được tiềm năng trở thành nhà nghiên cứu tốt và đóng góp cho cộng đồng: Kể cả đơn vị cấp học bổng hay nơi nhận ứng viên nghiên cứu đều quan tâm việc ứng viên đã, đang và sẽ đóng góp gì cho cộng đồng. Đây là những điểm cộng rất lớn khi hội đồng giáo sư xét duyệt hồ sơ của ứng viên.
Tôi may mắn nhiều năm thực hành truyền thông, tham gia giảng dạy đại học và các dự án nghiên cứu, có đóng góp cho cộng đồng bằng các dự án phi lợi nhuận.
- Lợi ích lớn nhất của việc nghiên cứu tiến sĩ ở một trường học thuật hàng đầu của Đức là gì?
- Trước hết, tôi thấy rằng, càng bước đi trên con đường nghiên cứu càng thấy mình nhỏ nhoi. Tri thức là vô tận, càng học càng thấy thứ mình biết chỉ là hạt cát. Ta nhỏ bé và khiêm nhường trong đó.
Thứ hai, tri thức luôn bất định, không luôn đúng. Nó có thể đúng ở thời điểm này nhưng sai ở thời điểm khác. Cái trước gối lên cái sau. Cái sau phủ định và bổ sung cái trước để kho tàng tri thức chuyên ngành dày lên. Vậy nên, cái ta biết 10 năm trước, thậm chí 1-2 năm trước, chưa chắc đã đúng và phù hợp cái của hôm nay.
Thứ ba, văn hoá học thuật ở đây giúp tôi học được sự trân trọng sự khác biệt, khoan dung với "nghịch nhĩ" thay vì phủ nhận sự khác biệt như thường thấy ở một số nơi. Chính sự tranh luận dựa trên việc tôn trọng khác biệt đã làm nảy thêm các tri thức mới, mà nhờ đó làm dày hơn kho tri thức.
Lê Ngọc Sơn hiện là thành viên Nhóm Nghiên cứu Quốc tế về Truyền thông Khủng hoảng của Đại học Công nghệ Ilmenau (CHLB Đức).
Trước khi giành học bổng toàn phần nghiên cứu tiến sĩ ngành Khoa học Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng tại Đức, anh có bằng thạc sĩ ngành Quản trị công, khoa Chính phủ, Đại học Uppsala (Thụy Điển), và Cử nhân báo chí, khoa Báo chí Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh có kinh nghiệm làm báo và đạt nhiều giải thưởng.
Anh cũng là tác giả và dịch giả nhiều cuốn sách, là người sáng lập kiêm Chủ tịch Trường đào tạo Truyền thông Ứng dụng IAMS, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận đầu tiên trong lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam.
Theo Zing
Săn học bổng tiến sĩ ở Mỹ giống thi The Voice Giống như thi The Voice, cuộc chiến giành học bổng tiến sĩ cũng có vòng giấu mặt, đối đầu... Nhưng bạn không nhất thiết phải là quán quân để có một sự nghiệp thành công. Tôi rất thích xem Giọng hát Việt (và cả The Voice của Mỹ nữa). Tôi thích chương trình này vì format chương trình rất thú vị. Mở đầu...