Học bổng hơn 10.000 USD cho quán quân nhà thiết kế trẻ châu Á
Vượt qua hàng nghìn sinh viên kiến trúc, nội thất từ các quốc gia châu Á, người chiến thắng nhận học bổng hơn 10.000 USD tại Đại học Harvard Graduate School of Design (Mỹ).
Cuộc thi “Nhà thiết kế trẻ châu Á 2019″ (AYDA) với chủ đề “Forward – Tương lai bền vững” do Nippon Paint tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp thiết kế sáng tạo, hợp lý và thực tế để kiến tạo không gian tương lai, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Cuộc thi dành cho sinh viên yêu thích kiến trúc và nội thất.
Vòng sơ khảo diễn ra từ ngày 15/5/2019 đến tháng 1/2020 trên toàn quốc. Các ý tưởng được đánh giá, điều chỉnh và phát triển dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất hàng đầu trong và ngoài nước.
Ban giám khảo sẽ chấm điểm và chọn ra 10 tài năng có bài dự thi xuất sắc nhất ở cả hai mảng thiết kế kiến trúc, nội thất để bước vào vòng chung kết quốc gia. Quán quân vòng chung kết quốc gia sẽ tiếp tục tham gia tranh tài trong vòng chung kết quốc tế. Người chiến thắng nhận học bổng toàn phần trị giá hơn 10.000 USD tại Đại học Harvard Graduate School of Design (Mỹ).
Cuộc thi thử thách khả năng sáng tạo của sinh viên kiến trúc và nội thất trên 15 quốc gia châu Á.
Ông Ee Soon Hean, Tổng giám đốc Nippon Paint Việt Nam chia sẻ, các nhà thiết kế trẻ, tài năng vượt qua thử thách tạo ra thiết kế ý nghĩa, hướng tới tương lai mang tính nhân văn. Đơn vị tin rằng nuôi dưỡng thế hệ mới là chìa khóa mở ra sự sáng tạo, đổi mới và bền vững. Chủ đề AYDA 2019 “Forward – Tương lai bền vững” tập trung sáng tạo thiết kế, đưa yếu tố bền vững để kết nối cộng đồng, mục tiêu chung là tiến lên phía trước.
Khả năng sáng tạo là chìa khóa thành công cho những bạn muốn tiến xa hơn trên con đường trở thành kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp. Nguyên tắc thiết kế là bất biến, chỉ có sáng tạo mới giúp nhà thiết kế khác biệt, tạo dấu ấn riêng. Nếu chương trình đào tạo bài bản ở các trường kiến trúc nội thất giúp sinh viên tích lũy kiến thức chuyên ngành cần thiết thì tham gia cuộc thi, các bạn có cơ hội thực hành, kích thích tư duy sáng tạo.
Theo ông Khương Văn Mười, Cựu chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, giám khảo nhiều năm của cuộc thi, AYDA là mảnh đất màu mỡ để sinh viên gieo ý tưởng, gặt hái trải nghiệm. Bằng cách trao quyền cho sinh viên tự do thiết kế công trình hoàn chỉnh dưới sự hướng dẫn và đánh giá của chuyên gia, cuộc thi chắp cánh cho ý tưởng thiết kế bay xa khỏi khuôn mẫu các môn học trong nhà trường. Các bạn sẽ hiểu được cách đánh giá mức độ khả thi của giải pháp thiết kế, nắm bắt tiến trình hiện thực hóa ý tưởng thành giải pháp thiết thực và thuyết phục trên bản vẽ. Trải nghiệm không có trong sách vở tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện tư duy sáng tạo, kỹ thuật, tính thiết thực và chiến lược. Kỹ năng và kiến thức chuyên môn giúp kiến trúc sư, nhà thiết kế thành công trong tương lai.
Tại cuộc thi “Nhà thiết kế trẻ châu Á 2018″, trong vòng thi châu lục diễn ra vào tháng 3/2019 ở Singapore, Đặng Hữu Trọng – đại diện Việt Nam ở mảng thiết kế nội thất đã vượt qua 8.400 thí sinh từ 15 quốc gia để chinh phục danh hiệu cao nhất. Chiến thắng cuộc thi, Hữu Trọng nhận được bổng toàn phần của chương trình Design Discovery tại Đại học Harvard Graduate School of Design (Mỹ) trị giá hơn 10.000 USD.
Đặng Hữu Trọng chia sẻ, em rất vui và tự hào khi đại diện Việt Nam tham gia tranh tài ở đấu trường châu lục, mang vinh quang về cho đất nước. Dù thử thách, áp lực nhưng AYDA là hành trình ý nghĩa và cảm xúc mà em sẽ không bao giờ quên. Suốt cuộc thi, em đã nhận được góp ý, hướng dẫn tận tình từ giám khảo để trau chuốt, hoàn thiện đồ án. Cuộc thi mở ra cho em góc nhìn mới về thiết kế, thúc đẩy em vượt qua giới hạn của bản thân để tiến bộ nhanh chóng, trưởng thành hơn.
Đặng Hữu Trọng (giữa) là quán quân “Nhà thiết kế trẻ châu Á 2018″ với học bổng hơn 10.000 USD.
Video đang HOT
Kể từ khi khởi xướng vào năm 2008 đến nay, AYDA đã đưa nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam tranh tài với các thí sinh châu Á. Nhiều tài năng thiết kế trẻ từ mảnh đất hình chữ S tự tin thể hiện bản thân, lưu dấu ấn tài năng trên bản đồ châu lục.
AYDA khuyến khích sinh viên tìm tòi sáng tạo khi đưa ra chủ đề mới mẻ mỗi năm, bắt kịp xu hướng thiết kế của ngành và yêu cầu cấp thiết của cộng đồng. Điều này giúp cuộc thi thêm hấp dẫn, thu hút nhiều sinh viên tham gia. Tính đến 2018, ADYA đã tiếp cận 93.748 sinh viên từ 532 trường đại học tại 15 quốc gia, nhận được 20.171 bài dự thi. Riêng tại Việt Nam, năm 2018, cuộc thi có hơn 500 bài dự thi gửi về.
Kim Uyên
Theo VNE
Năm thành phố châu Á tốt nhất để du học
Trong 120 thành phố được QS xếp hạng cuối tháng 7, có 28 điểm đến ở châu Á, Tokyo (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc) dẫn đầu.
QS cho điểm dựa trên các tiêu chí: đánh giá của sinh viên, xếp hạng của các trường đại học, sự đa dạng về sinh viên, chi phí sinh hoạt và học tập, trải nghiệm đáng mơ ước hay triển vọng công việc (đánh giá từ nhà tuyển dụng). Điều kiện để được xếp hạng là thành phố đó phải có hơn 250.000 người và có ít nhất hai đại học góp mặt trong bảng xếp hạng thế giới ( QS World University Rankings).
Dưới đây là năm thành phố châu Á được đánh giá là tốt nhất để du học:
1. Tokyo (Nhật Bản)
Điểm đánh giá: 480/600.
Nếu người học muốn tìm một thành phố náo nhiệt và bận rộn, Tokyo là lựa chọn phù hợp. QS đánh giá đây là điểm đến lý tưởng nhất châu Á và thứ hai thế giới dành cho sinh viên quốc tế.
Tokyo có 12 đại học được xếp hạng thế giới, như Đại học Tokyo (xếp hạng 22 thế giới), Viện Công nghệ Tokyo, Đại học Waseda hay Keio. Thành phố cũng nhận được đánh giá rất cao từ các nhà tuyển dụng, cung cấp nhiều cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp bởi là một trong ba trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, bên cạnh New York và London.
Ngoài ra, Tokyo thích hợp cho những du học sinh thích trải nghiệm, hòa nhập hoàn toàn vào văn hóa địa phương, đồng thời vẫn cảm nhận được sự đa dạng và tính quốc tế trong môi trường sống và học tập.
Một góc thành phố Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Zekkei Japan
2. Seoul (Hàn Quốc)
Điểm đánh giá: 454.
Giống như Tokyo, Seoul cũng nhận được đánh giá cao từ các nhà tuyển dụng lao động. Thành phố có 18 trường nằm trong bảng xếp hạng thế giới của QS.
Seoul được đánh giá là "thành phố 24/7" bởi cuộc sống "không bao giờ buồn tẻ" với nhiều hoạt động văn hóa xen lẫn sự sáng tạo ở khắp nơi. Nếu cần một chút thời gian nghỉ ngơi sau những giờ học căng thẳng, du học sinh có thể dành một buổi tới những ngôi chùa Phật giáo, khám phá những ngôi làng lịch sử hay đơn giản là tới một phòng tắm hơi truyền thống.
Sinh viên quốc tế tỏ ra thích thú và cho điểm rất cao nhờ những trải nghiệm của họ ở thành phố.
3. Hong Kong (Hong Kong)
Điểm đánh giá: 432.
Hong Kong từ lâu đã được coi là điểm gặp gỡ giữa các nền văn hóa, mang đến không gian quốc tế thực sự. Thành phố có ba trường trong top 50 thế giới là Đại học Hong Kong, Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) và Trung văn Hương Cảng. Ngoài ra, Hong Kong còn có bốn trường khác được QS xếp hạng.
Được các nhà tuyển dụng cho điểm cao, học phí ở tầm trung, chi phí sinh hoạt tương đối ổn, nhưng phí thuê nhà khá đắt đỏ cộng thêm cuộc sống đô thị đông đúc có thể khiến nhiều du học sinh gặp khó khăn.
4. Đài Bắc (Đài Loan)
Điểm đánh giá: 424.
Có bảy đại học trong QS World, các trường liên tục cải thiện thứ hạng những năm gần đây phần nào giúp Đài Bắc vươn ba bậc trên bảng xếp hạng thành phố tốt nhất để du học.
Đài Bắc còn được coi là điểm đến du học hợp lý với học phí và chi phí sinh hoạt tương đối thấp. Nhiều sinh viên khi trả lời khảo sát của QS bày tỏ muốn ở lại làm việc tại thành phố này sau khi tốt nghiệp nhờ sự đa dạng, thân thiện.
Tòa tháo Taipei 101 nổi tiếng ở Đài Bắc (Đài Loan). Ảnh: Hello Magazine
5. Kyoto - Osaka - Kobe (Nhật Bản)
Điểm đánh giá: 420.
Khu vực đô thị kết hợp của ba thành phố Kyoto - Osaka - Kobe (còn được gọi là Keihanshin), là nơi sinh sống của 19 triệu người với bảy đại học được xếp hạng trong QS World năm 2020, trong đó Đại học Kyoto đứng thứ 33 thế giới.
Từng là thủ đô của Nhật Bản, Kyoto ngày nay là một trong những điểm đến hàng đầu cho cả khách du lịch và sinh viên quốc tế, chỉ đứng sau Tokyo. Những người muốn du học Nhật nhưng cảm thấy choáng ngợp trước quy mô và tốc độ của Tokyo có thể tìm đến Kyoto - thành phố có quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn có rất nhiều cơ hội để khám phá cả văn hóa truyền thống và hiện đại của Nhật.
Cách Kyoto khoảng 40 km, Osaka có lịch sử lâu đời là cửa ngõ quốc tế về thương mại, chính trị và tri thức. Các đại học ở Osaka cũng được đánh giá cao, trong đó Đại học Osaka xếp thứ 71 thế giới.
Thành phố lớn thứ sáu ở Nhật Bản - Kobe là nhà của Đại học Kobe - hạng 395 thế giới. Đây là thành phố quốc tế sôi động và trung tâm kinh tế lớn với nhiều công ty nổi tiếng đặt trụ sở.
Xếp sau năm thành phố trên là Singapore (Singapore) và Kuala Lumpur (Malaysia). Đông Nam Á còn ba đại diện khác được xếp hạng là Bangkok của Thái Lan (xếp thứ 10), Manila của Philippines (15) và Jakarta của Indonesia (23).
Trong các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, Trung Quốc có bốn thành phố được xếp hạng gồm Bắc Kinh (xếp thứ 8), Thượng Hải (9), Nam Kinh (21) và Vũ Hán (22). Ấn Độ có tới bốn đại diện, gồm: Bangalore, Mumbai, Delhi và Chennai. Bangalore có thứ hạng cao nhất - 14.
Dương Tâm
Theo QS/VNE
Lạc vào không gian học tập tuyệt đẹp cùng vô số điều mới lạ tại trường quốc tế tọa lạc bên trong ĐH Tôn Đức Thắng Trường quốc tế Việt Nam- Phần Lan (VFIS) là ngôi trường được thiết kế bởi chính các kiến trúc sư Phần Lan, trực thuộc trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.), hoạt động theo chương trình phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 08/2019, tại TPHCM, Trường quốc tế Việt Nam- Phần Lan (VFIS)...