Học bổng của người thầy đã khuất
Quỹ học bổng Nguyễn Tấn Đức dành cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi tồn tại ở Quảng Ngãi tròn 15 năm. Điều đặc biệt là học bổng khởi điểm từ di nguyện thầy Đức để lại trước lúc qua đời. Và con cháu, học trò đồng lòng làm theo.
Bà Nguyễn Thị Mỹ – con gái đầu lòng của thầy Đức – nâng niu cuốn hồi ký của cha mình với tâm nguyện làm quỹ học bổng – Ảnh: TRẦN MAI
Trong hồi ký về cuộc đời mình, nhà giáo Nguyễn Tấn Đức viết rằng vào năm 1919, để có lộ phí cho ông ra Huế thi vào Trường Quốc Học (trường trung học duy nhất của cả miền Trung lúc bấy giờ), người mẹ khó nghèo nhưng thương con vô bờ đã đứt ruột bán đi mảnh vườn của gia đình để có 15 đồng bạc làm lộ phí cho con. Dĩ nhiên với học lực của mình, cậu học trò Đức dễ dàng đậu vào trường.
Cậu học trò nghèo và quỹ học bổng tên mình
Ngày hay tin mình trúng tuyển vào Trường Quốc Học cũng là lúc cậu học trò Đức biến sắc mặt khi hiểu rằng 15 đồng bạc ấy đã vơi đi quá nửa cho hành trình đi về và ăn ở, không thể kéo dài việc học. Bao nhiêu ngày đèn sách để rồi đậu cũng như không. Thời đó chưa có học bổng cho học trò nghèo trong khi những năm học đang chờ mình phía trước, ông đã đón nhận tương lai đầy tăm tối sẽ chờ mình.
Lúc bế tắc nhất, học trò Đức nhận được sự động viên, giúp đỡ của họ hàng cùng nỗ lực kiếm học bổng và siêng năng đi dạy kèm. Với bao cố gắng, Đức đã hoàn thành việc học và sau này trở thành hiệu trưởng Trường sơ đẳng tiểu học Tuy Phước (Bình Định), rồi chuyển về Thu Xà (Quảng Ngãi), sau đó được điều về Trường tiểu học công lập Quảng Ngãi.
Đó là một phần tóm lược trong cuốn hồi ký dày trăm trang mà thầy giáo Đức viết về cuộc đời mình. Nghèo khó, cơ cực và nỗ lực đã tạo ra một người đầy nghị lực. Nhưng cũng chính thời niên thiếu gian truân ấy giúp ông hiểu rằng sẽ có rất nhiều học trò nghèo hi vọng vào một học bổng để làm điểm tựa vào đời.
Cả cuộc đời dạy chữ, ông chứng kiến hết thảy những khó khăn của tụi trẻ qua thời cuộc. Ông muốn giúp đỡ tất cả tụi trò nghèo, nhưng đồng lương ít ỏi ngăn lại mọi dự tính đầy yêu thương.
Vợ chồng thầy Nguyễn Tấn Đức khi còn sống – Ảnh chụp lại từ gia đình
Video đang HOT
Hơn 25 năm trước, thầy Đức cảm nhận được hành trình của đời mình đã đến hạn kỳ kết thúc, bệnh tật tuổi già “báo động” điều ấy và ông phải rời quê nhà Quảng Ngãi chuyển vào TP.HCM sinh sống cùng con.
Nghe ông đau ốm, bao nhiêu con cháu, học trò đến thăm người thầy và bấy nhiêu người nghe được tâm nguyện duy nhất của ông: “Có một cái quỹ học bổng cho học trò nghèo học giỏi, tôi chỉ cần vậy thôi” – bà Nguyễn Thị Mỹ, con gái đầu lòng của ông Đức, nhớ lại.
Ngày ông qua đời, con cháu và các học trò cũ mà ông từng giảng dạy khắc ghi di nguyện của ông đã đồng lòng đóng góp và lập nên quỹ học bổng mang tên Nguyễn Tấn Đức, giúp đỡ các học sinh nghèo có ý chí vươn lên trong học tập tại phường Nghĩa Lộ và Chánh Lộ (TP Quảng Ngãi) – mảnh đất gắn với thuở thiếu thời của thầy Đức. Ngót 10 năm từ khi ông mất, quỹ học bổng mới chính thức đón nhận giúp đỡ những học sinh nghèo đầu tiên vào năm 2005.
Học bổng của con
Theo di nguyện của cha, các con cùng với học trò của cha đã thực hiện và gìn giữ 15 năm qua, bây giờ các con của ông Đức cũng đã bước vào tuổi xưa nay hiếm và tiếp tục thực hiện ấp ủ của cha mình.
Ông Bùi Mạnh – chi hội trưởng Chi hội khuyến học Bùi tộc Ba La (xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) – lần giở quyển sổ ghi danh những người đã đóng góp tiền cho quỹ học bổng của chi hội. Chữ đã nhòe, mực đã phết phai, nhưng tấm lòng thì còn nguyên trong từng trang giấy.
“Từ năm 2010 đến nay, vợ chồng cụ Nguyễn Thị Thu và Bùi Bốn ở TP.HCM dù đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn đều đặn gửi về cho chi hội 10 triệu đồng/năm để giúp đỡ các cháu nhà nghèo hoặc khuyết tật phấn đấu học tập tốt. Hai cụ còn dặn rằng mai này khi hai cụ “mãn phần”, con cháu cụ sẽ kế tục chứ không để việc hỗ trợ bị gián đoạn vì bất cứ lý do nào” – ông Mạnh chia sẻ.
Vợ chồng cụ Nguyễn Thị Thu là con gái và con rể của ông Đức. Tuổi cao, bà Thu và chồng không thể về Quảng Ngãi được nữa, nhưng họ vẫn gửi tấm lòng của mình về quê nhà bằng số tiền trích ra từ lương hưu tặng những học trò nghèo khó ở xã Nghĩa Dõng cố gắng vươn lên mà học hành. Ông Mạnh nói số tiền 10 triệu đồng với hai cụ là rất lớn, nhưng lớn hơn là tấm lòng. “Cụ Thu và cụ Bốn đã sống như cha mình” – ông Mạnh tâm tình.
Con cháu trong gia đình, dòng tộc trao học bổng cho học trò nghèo theo di nguyện của thầy Đức – Ảnh chụp lại từ gia đình
Dường như tấm lòng của thầy Đức là sợi dây vô hình mà các con cứ cố gắng níu giữ. Trong năm 2019, vợ chồng cụ Thu nhận đỡ đầu cho nữ sinh viên nghèo người đồng bào Hrê Phạm Thị Hiền (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), hiện đang theo học tại Học viện Cán bộ TP.HCM.
Gia đình Hiền có cuộc sống khó khăn, chi phí sinh hoạt dựa vào rẫy rừng. Lúc đậu đại học, dù nhận nhiều ưu đãi cho sinh viên đồng bào nhưng cũng không thấm vào đâu so với chi phí học tập ở TP.HCM. Vậy nên sự tiếp sức của cụ Thu với Hiền là vô giá, tiếp thêm sức mạnh và hơn cả là cô sinh viên thấy mình có chỗ dựa để tiếp tục tiến về phía trước.
“Tôi may mắn được Hội Khuyến học Quảng Ngãi giới thiệu và hai cụ đã giúp đỡ tôi. Hai cụ còn động viên tôi cố gắng học, mỗi năm hỗ trợ 5 triệu đồng đến khi tôi hoàn thành việc học. Tôi biết ơn tấm lòng của hai cụ dành cho mình và sẽ cố gắng học tập thật tốt” – Hiền tâm sự.
Người có tấm lòng luôn suy nghĩ giản dị, khi nghe chuyện Hiền cảm ơn mình, ông Bốn chỉ nói đơn giản rằng việc ấy chẳng to lớn gì so với cha đã làm trong cuộc đời mình. Và hai cụ cũng đặt mục tiêu năm 2020 hỗ trợ thêm hai sinh viên nữa.
“Vợ chồng tôi sẽ vận động thêm nhiều con cháu tham gia, mình giúp thêm một cháu thì thêm một cháu có tương lai tốt hơn, cứ nghĩ vậy mà làm. Vợ chồng tôi chỉ hi vọng số tiền ít ỏi hỗ trợ các cháu sẽ giúp các cháu thành người” – ông Bốn nói.
Tuổi đã 97, ông Bốn và người vợ ngoài 90 tuổi noi gương cha mình. “Chúng tôi sẽ để lại di nguyện cho con cái mình hệt như cha ngày xưa. Vợ chồng tôi mất thì các con sẽ tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp trồng người” – ông Bốn chia sẻ.
Học trò cũ góp sức
“Khi còn sống, thượng tướng Trần Văn Trà – học trò cũ của cha tôi – vẫn thường xuyên lui tới nhà thăm hỏi cha tôi. Sau khi cha tôi mất, trong một lần đến dự đám giỗ, thượng tướng đã gửi cho gia đình tôi 5 triệu đồng – một số tiền lớn thời bấy giờ và đề đạt mong muốn được góp sức cùng gia đình tôi thực hiện di nguyện của cha tôi. Gia đình chúng tôi rất xúc động” – giáo sư Nguyễn Tấn Đắc, con trai cố nhà giáo Nguyễn Tấn Đức, kể.
Điểm tựa cho học trò nghèo
Nhiều năm qua, những học trò nghèo ở phường Nghĩa Lộ, Chánh Lộ có điểm tựa. Mỗi năm có 15 – 20 học sinh nghèo được tiếp sức.
Điều đặc biệt là học bổng không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất mà còn lan tỏa. “Trước khi trao học bổng, chúng tôi luôn trò chuyện, kể cho học sinh nghe về thầy Đức để các em thấu hiểu được nỗ lực của cậu học trò nghèo cho đến tấm lòng của một người thầy đã khuất. Từ đó lan tỏa việc thiện đi xa hơn” – ông Võ Duy Đức, chủ tịch Hội Khuyến học phường Chánh Lộ, chia sẻ.
Theo tuoitre
Hết lòng dạy chữ cho trẻ thiểu năng
60 năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen thì đã có tới 25 năm, bà giáo Nguyễn Thị Côi, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ dành tâm huyết dạy chữ cho những đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, lang thang cơ nhỡ.
Bà giáo Nguyễn Thị Côi cầm tay nắn từng nét chữ cho học sinh
Lớp học tình thương của bà giáo Côi nằm tại Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai, Hà Nội. Khác với những lớp học khác, lớp học của bà là lớp học dành riêng cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bà gọi đây là lớp học linh hoạt bởi các em học sinh ở đây đến từ nhiều nơi, lứa tuổi, hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng đều mong muốn học hết được cấp 1. Hiện tại, học sinh nhỏ tuổi nhất của lớp là 12 tuổi, học sinh lớn nhất cũng đã bước sang tuổi 29.
Nhớ lại những ngày đầu vượt gian nan dạy chữ cho những đứa trẻ thiếu may mắn, bà Côi tâm sự: "Năm 1994, thành phố Hà Nội có chủ trương xóa mù chữ cho trẻ em. Bản thân là giáo viên, với tình yêu thương, tôi đã tình nguyện tham gia dạy cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn từ tỉnh lẻ lên Thủ đô mưu sinh. Hằng ngày, từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, tôi đi vào các khu trọ nơi các em ăn, ngủ để dạy học. Thời điểm đó không được điều kiện như bây giờ, các cháu cũng nghèo nên hộp đựng dụng cụ đánh giày, hòm đựng quần áo đều được tận dụng để dạy học. Được một thời gian, tôi chuyển sang mở lớp và dạy thêm cả trẻ khuyết tật, mắc bệnh lý về thần kinh".
Dạy học vốn đã khó nhưng với bà giáo Côi, công việc này còn vất vả gấp bội bởi có nhiều em khi lên cơn còn cầm tay bà cắn và đánh. Nhưng với tình thương, cùng với đó là kỹ năng sư phạm đặc biệt, bà tìm mọi cách để giúp các em bình tĩnh lại. Vì nhiều em trí tuệ kém phát triển, có khi dạy cả năm trời mới nhớ nổi một chữ cái nhưng không vì thế mà bà Côi nản chí. Càng khó khăn, bà càng quyết tâm giúp những đứa học trò đặc biệt học được con chữ.
Hơn 8 giờ sáng, chị Lê Thị Thức (Yên Sở, Hà Nội) chăm chú nhìn đứa con của mình đánh vần từng chữ cái qua ô cửa sổ. Chị chia sẻ: "Nhà có hai con thì không may đứa thứ hai bị tự kỷ thể tăng động. Dù gia đình đã cố gắng nhờ y học can thiệp nhưng tình hình của cháu vẫn không cải thiện. Biết đến lớp học, nhiều năm qua, tôi đưa cháu đến đây. Được bà động viên kiên trì theo lớp, đến nay, cháu đã đánh vần được chữ cái".
Bước chân vào lớp học, thấy có người lạ, các em học sinh đều đứng lên khoanh tay chào lễ phép dù nhiều em còn đang mải nô đùa. Được biết, bên cạnh dạy kiến thức văn hóa, bà Côi còn dạy các em cách chào hỏi, mời cơm, giúp đỡ việc nhà cho bố mẹ. "Học được tôi nhận, nhưng kể cả những em không học được tôi vẫn nhận vì ít nhất cũng dạy cho các em cách ứng xử, nề nếp", bà Côi bộc bạch.
Không thu học phí từ lớp học, với bà, động lực duy nhất để bà tiếp tục công việc ý nghĩa này là sự tiến bộ của học trò. Học đọc, viết, tính toán cơ bản, các em có thể ra ngoài học thêm nghề sửa xe, cắt tóc, hay ít nhất biết đếm tiền rồi trả lại tiền thừa cho người khác. Với bà Côi, chỉ cần có sức khỏe, bà sẽ tiếp tục cống hiến sức lực để dạy chữ cho trẻ thiếu may mắn.
ĐÌNH TOÁN
Theo baovanhoa
Cô gái khuyết tật và 12 năm dạy chữ miễn phí cho học trò Cô giáo Phạm Thị Lý bị khuyết tật cách đây 17 năm do biến chứng phẫu thuật, vượt lên số phận cô mở lớp học dạy chữ miễn phí cho hàng trăm học sinh ở làng. 17 năm bị liệt, phải lết trên nền nhà Đến thôn Đỗ Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, không ai là không biết về "lớp học cô...