Hoạt động di cư nội địa trên thế giới gây thiệt hại 20 tỷ USD trong năm 2020
Ngày 12/1, Trung tâm Giám sát hoạt động di cư nội địa (IDMC) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) công bố báo cáo cho biết hoạt động di cư nội địa trên thế giới đã gây thiệt hại tới 20 tỷ USD trong năm 2020, so với 13 tỷ USD trong năm 2018.
Người tị nạn Syria tại thị trấn Kilis, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo, nguyên nhân gây ra thiệt hại trên là do số người phải đi tha hương gia tăng vào cuối năm 2019 và hiện lên tới 51 triệu người trên toàn thế giới. Trong 22 quốc gia trên thế giới, Syria chịu tác động kinh tế mạnh nhất, lên tới 5,6 tỷ USD, chiếm 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. IDMC ước tính có gần 6,5 triệu người dân Syria phải rời bỏ nhà cửa vì điều kiện sống khắc nghiệt do cuộc xung đột kéo dài 10 năm qua tại nước này.
Tại Somalia, 2,6 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa, gây thiệt hại kinh tế 1 tỷ USD (khoảng 20% GDP của quốc gia này). Cộng hòa Dân chủ Congo, Yemen và Iraq cũng nằm trong số những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do hoạt động di cư nội địa.
Theo Giám đốc IDMC Alexandra Bilak, với số người di cư nội địa trên thế giới cao chưa từng có, việc đáp ứng nhu cầu của họ sẽ là gánh nặng tài chính lớn cho ngân sách phục vụ mục đích nhân đạo vốn của các nước vốn đã eo hẹp cũng như cho nền kinh tế các nước đang phải chịu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo định nghĩa của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), những người di cư nội địa là những người phải rời bỏ nhà cửa vì những lý do như xung đột vũ trang, thảm họa thiên tai và họ không vượt qua biên giới sang nước khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công du 5 nước châu Phi
Theo Tân Hoa Xã, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang thực hiện chuyến thăm chính thức 5 nước châu Phi từ ngày 4-9/1, với điểm đến đầu tiên là Nigeria.
Dự kiến sau Nigeria, ông Vương Nghị sẽ thăm Cộng hòa Dân chủ Congo, Botswana, Tanzania và Seychelles.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nigeria Geoffrey Onyeama ở Abuja ngày 5/1, ông Vương Nghị cho biết hai bên đã đạt được 7 thỏa thuận quan trọng về tăng cường hợp tác song phương. Theo đó, hai bên sẽ lập một ủy ban liên chính phủ, do Bộ Ngoại giao hai nước đứng đầu, nhằm phối hợp và thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Ông nêu rõ Nigeria là nền kinh tế lớn nhất và là nước đông dân nhất châu Phi, do đó có những ảnh hưởng quan trọng đối với quốc tế và trong khu vực. Lưu ý năm nay hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Vương Nghị nhấn mạnh Nigeria luôn là một đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc ở châu Phi.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không thể ngăn cản mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và châu Phi. Ông cho biết kể từ khi thiết lập Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi 20 năm trước đây, thương mại Trung Quốc-châu Phi và đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng lần lượt 20 lần và 100 lần.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, việc chuẩn bị cho diễn đàn năm nay về hội nghị thượng đỉnh hợp tác Trung Quốc - châu Phi, dự kiến diễn ra tại Dakar (Senegal), là nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Bộ trưởng Vương Nghị trong chuyến công du này.
Công ty Trung Quốc 'đánh cược' lớn vào các mỏ đồng Congo Các công ty Trung Quốc đang đặt cược lớn vào ngành khai thác mỏ tại Cộng hòa Dân chủ Congo, khi giá đồng tăng lên mức cao nhất trong 7 năm. Công ty chuyên về khai thác và thăm dò khoáng sản của Trung Quốc, China Molybdenum (CMOC), tiếp tục củng cố vị trí của mình đối với ngành khai thác mỏ Congo...