Hoạt động đa cấp biến tướng: ‘Miếng pho mát trong bẫy chuột’
Sau những vụ lừa đảo đa cấp bị ‘xộ khám’ như Golden Rock, Colony Invest, Diamond Holiday, MB 24, Tâm Mặt Trời…, vụ Liên kết Việt khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: vì sao các hình thức đa cấp biến tướng vẫn được cấp phép, hoạt động mạnh và mở rộng quy mô đến khi chiếm đoạt hơn 1.900 tỷ đồng mới bị ’sờ gáy’?
Phải nhìn nhận rằng, sau hàng loạt vụ việc bị phanh phui, các đối tượng lừa đảo biến tướng đa cấp đã “thăng hạng”, “biến hình” để vượt qua hàng rào pháp luật và qua mắt cơ quan quản lý. Đặc biệt, với những thủ thuật “đánh bả” tinh vi, những kẻ chủ trò đã tạo ra “miếng pho mát trong bẫy chuột” hấp dẫn đến mức khiến khoảng 60.000 nạn nhân bị sập bẫy.
Đầu tiên, các đối tượng đã “lách” quy định đa cấp phải bán hàng thật, không được nộp tiền, không được bán gian hàng ảo… bằng chiêu bài “sản phẩm của Bộ Quốc phòng” và mạo danh “được bằng khen của Thủ tướng”. Dưới những cái mác giả này, hàng vạn người đã tin tưởng và theo đuổi giấc mơ viển vông “ngồi mát ăn bát vàng” mà Liên kết Việt vẽ ra.
Với 8,6 triệu đồng đầu tư, khách hàng có thể được hưởng 449 triệu đồng sau 5 năm – miếng pho mát của Liên Kết Việt
Miếng pho mát “sản phẩm của Bộ Quốc phòng” còn được “gia cố” thêm “lớp bơ” thơm phức, đầy hấp dẫn là tỷ lệ hoa hồng rất cao. Theo đó, mỗi nhà phân phối tham gia hệ thống Liên Kết Việt phải đóng số tiền tối thiểu 8,6 triệu đồng để được cấp một mã số kinh doanh, được quyền mua một mã hàng gồm một máy Ozone và 4 loại thực phẩm chức năng. Ngoài hoa hồng trực tiếp trên sản phẩm, người tham gia hệ thống còn được hưởng hoa hồng từ các đại lý cấp dưới nếu giới thiệu được nhiều người tham gia hệ thống và được nâng bậc thành những nhà quản lý.
Liên Kết Việt khẳng định, số tiền hoa hồng được tính cho một cá nhân tham gia là 8%, càng nhiều người tham gia thì tỷ lệ hoa hồng càng cao. Với 8,6 triệu đồng đầu tư, khách hàng có thể được hưởng 449 triệu đồng sau 5 năm gồm tiền lãi, thưởng… Mức hoa hồng lớn khủng khiếp đã khiến nhiều người mờ mắt lao vào như thiêu thân.
Có thể nói, điểm thành công của đường dây đa cấp bất chính Liên Kết Việt là đánh trúng, đánh rất mạnh vào lòng tham. Chính lòng tham chứ không phải thứ gì khác đã khiến các nạn nhân mờ mắt, chấp nhận “cắn miếng pho mát trong bẫy”.
Video đang HOT
Nếu sáng suốt phân tích thì trong thực tế, không thể có hình thức kinh doanh nào mang lại lợi nhuận khủng trên 100%/tháng. Nếu kinh doanh đa cấp chân chính mà đạt lợi nhuận lớn như vậy thì doanh nghiệp đã vay ngân hàng lãi suất 10%/năm rồi đường hoàng đầu tư, chứ không cần phải chi bội tiền để mở mạng lưới bán hàng.
Kết thúc vụ Liên Kết Việt, có thể sẽ có thêm biến tướng của hình thức kinh doanh đa cấp. Để dụ dỗ “con mồi”, miếng pho mát sẽ được biến hình để trở nên hấp dẫn, thơm tho hơn và “cái chết” ắt hẳn cũng sẽ nhanh hơn.
Có lẽ, đã đến lúc, loại hình kinh doanh đa cấp mang lại doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng (năm 2015) và có đến 1,4 triệu người tham gia cần được quản lý chặt chẽ hơn. Những hình thức quản lý hoạt động đa cấp đang tồn tại nhiều kẽ hở khiến các hành vi lừa đảo qua mắt được cơ quan chức năng và hoạt động suốt một thời gian dài.
Và có lẽ, đã tới lúc cần luật hóa hoạt động đa cấp dưới một văn bản cao hơn nghị định. Đồng thời, bổ sung tội danh vi phạm bán hàng đa cấp vào Bộ luật Hình sự để răn đe. Có như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh bất chính, lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo hàng vạn người sẽ không còn đất sống.
Theo Báo Đầu Tư
Hậu Liên kết Việt, Bộ Công thương cảnh báo biến tướng của đa cấp
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa phát đi thông báo nhằm cảnh báo người dân trước các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng tinh vi, khó lường.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong thời gian qua có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp biến tướng để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân gây ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội và đã bị xử lý hình sự như vụ việc MB 24, Colony Invest, Tâm mặt trời,...
Cơ quan công an cũng đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam một số lãnh đạo của Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Việt Phát để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Đây là những vụ việc gây hậu quả lớn đối với cộng đồng xã hội", thông báo chỉ rõ.
Do đó, để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính, Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra một số khuyến cáo tới người dân.
Thứ nhất, cần tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp mà mình dự định định ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp như tình trạng đăng ký, uy tín của doanh nghiệp, cách thức hoạt động, chính sách trả thưởng và các sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Thông tin về các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh (www.vca.gov.vn).
Ảnh minh họa.
Thứ hai, người muốn tham gia bán hàng đa cấp cần nắm rõ quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để biết và bảo vệ quyền lợi chính đáng mà mình được hưởng. Nếu tham gia hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp thì phải ký hợp đồng đúng với mẫu hợp đồng Công ty đã đăng ký với Cục Quản lý cạnh tranh.
Thứ ba, cần phải rất cảnh giác trước các thông tin được đưa ra liên quan đến hàng hóa như công dụng của sản phẩm, về lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và cần lưu ý các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho nhà phân phối phải xuất phát từ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp và bản thân các nhà phân phối.
Mọi lời chào mời tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có hoa hồng cao, lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư tài chính mà không dựa vào việc bán hàng hóa đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thứ tư, mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Vì vậy, mọi cam kết chi trả lớn hơn 40% đều vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ năm, cần lưu ý sản phẩm cần phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Nhà phân phối có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại lượng sản phẩm chưa sử dụng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có nghĩa vụ mua lại các sản phẩm này với mức giá không thấp hơn 90% giá đã bán cho nhà phân phối, đồng thời, có thể khấu trừ thêm các khoản hoa hồng, tiền thưởng đã trả cho nhà phân phối phát sinh từ lượng sản phẩm được yêu cầu mua lại đó.
Ngoài thời hạn này, doanh nghiệp không có nghĩa vụ mua lại sản phẩm đã bán cho nhà phân phối. Vì vậy, nhà phân phối cần tránh mua lượng hàng hóa quá lớn, không phù hợp với khả năng tiêu dùng hoặc bán lại của mình.
Trong trường hợp, quyền và lợi ích của người tham gia bị xâm hại, đề nghị liên hệ với các cơ quan quản lý hoặc nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đề nghị liên hệ với các cơ quan công an tại các địa phương để được hỗ trợ.
Theo Bizlive
Thêm chiêu mới của bán hàng đa cấp Ngay sau khi nhiều công ty đa cấp bị bóc mẽ thì có nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi về những biến tướng mới của đa cấp, với cách thức hoạt động tinh vi và tính toán hơn trước. Theo phản ánh của bạn đọc, đây có thể xem là một kiểu lách luật mới dưới dạng bán hàng đa cấp thực...