Hoang mang, khốn đốn vì cả nhà mắc sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang bùng phát dữ dội, lan tới từng ngõ, gõ cửa từng nhà. Nhiều gia đình có 3-4 người cùng bị sốt xuất huyết, cùng nằm viện khiến cả nhà lao đao, khốn đốn.
Sáng sớm 14.8, PV Dân Việt đã có mặt tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đống Đa), chứng kiến cảnh hàng trăm bệnh nhân nằm điều trị tại đây. Tại phòng khám cũng có hàng dài người ngồi, đứng, chờ đợi đến khám. Không khí tiếp đón, chăm sóc các bệnh nhân sốt xuất huyết trong khoa Truyền nhiễm cũng được thực hiện khẩn trương.
Nhiều bệnh nhân đã phải xếp hàng chờ đợi từ 6 giờ sáng để được khám bệnh, nhiều người trong số này đang có dấu hiệu sốt cao, cơ thể mệt mỏi. Ảnh: Thùy Anh
Với quy mô 50 giường bệnh nhưng tới thời điểm này khoa Truyền Nhiễm đã phải kê gấp đôi số giường mà vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu nằm điều trị của bệnh nhân. Nhiều giường, bệnh nhân phải nằm ghép 2-3. Để tránh quá tải, bệnh viện đã phải sàng lọc kỹ. Với bệnh nhân nhẹ thì sẽ được sàng lọc cho điều trị ngoại trú, sau đó hàng ngày vào viện để kiểm tra sức khỏe lại.
Sốt xuất huyết làm quá tải, nhiều giường bệnh nhân phải nằm ghép 2, ghép 3. Ảnh: Thùy Anh
Bác sĩ Nguyễn Thái Minh – Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa cho biết, khoa từng ghi nhận nhiều bệnh nhân cùng một gia đình. Mới đây nhất, ngày 7.8, bệnh nhân Đặng Đình Thanh (41 tuổi) ở Nguyễn Lương Bằng bị sốt xuất huyết, phải nhập viện khám theo dõi. Sau đó 3 ngày con trai anh Thanh là Đặng Thiên Phú cũng bị lây nhiễm và nhập viện theo dõi.
Anh Thanh kể: “Kể từ lúc mắc dịch bệnh gia đình tôi rất hoang mang, công việc của tôi bị gián đoạn, con tôi phải nghỉ học ở nhà theo dõi. Cũng may nhà gần bệnh viện nên các bác sĩ cho về điều trị ngoại trú, hàng ngày vẫn vào viện để kiểm tra sức khỏe”.
Cũng theo anh Thanh, vì quá lo lắng anh đã phải thuê dịch vụ tới nhà phun thuốc diệt muỗi. Chi phí cho một lần phun thuốc là 500.000 đồng.
Video đang HOT
Sáng đầu tuần đã có hàng chục bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán là bị sốt xuất huyết. Ảnh: Thùy Anh
Bác sĩ Nguyễn Thái Minh cho biết, trước đó đúng 1 tuần, vào ngày 2.8, khoa cũng tiếp nhận một trường hợp khá đặc biệt. Bệnh nhân là 2 mẹ con quê Thanh Hóa, nhập viện trong tình trạng sốt cao, trong giai đoạn 2.
“Người mẹ lúc đó mang bầu được 27 tuần, cô con gái mới được 2 tuổi đều bị sốt xuất huyết. Vợ chồng cùng con gái nhập viện cấp cứu vào lúc 12 giờ đêm ngày 2.8. Sau 3 ngày nằm theo dõi, sức khỏe của hai mẹ con đã bình phục thì người chồng lại mắc bệnh sốt xuất huyết” – bác sĩ Minh kể lại.
Hôm đó, gia đình thậm chí còn không có người chăm sóc, 3 người bệnh tự chăm sóc nhau và mọi công việc đều nhờ điều dưỡng viên. Hai ngày sau người nhà trong quê mới ra chăm sóc.
“Từ 2 tháng nay lúc nào anh em trong khoa cũng làm việc cận lực. Thậm chí có bác sĩ còn làm việc thông 48 tiếng đồng hồ. Chúng tôi làm việc cả thứ 7 và chủ nhật để sàng lọc, xuất viện cho bệnh nhân cũ và đón các bệnh nhân mới” – ông Minh nói.
Số bệnh nhân quá đông nên khoa phải kê cả giường ra ngoài hành lang lấy chỗ cho bệnh nhân nằm điều trị. Ảnh: Thùy Anh
Thống kê tại khoa Truyền nhiễm, từ đầu năm tới nay khoa đã tiếp nhận 1.135 trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Tiếp nhận khám cho 1.555 ca. Hiện, khoa đang điều trị nội trú cho 101 ca, cao gấp cả trăm lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tính đến ngày 14.8.2017 khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận khám 584 trường hợp, trong khi đó, cùng thời gian này năm 2016 là không có trường hợp nào. Tương tự, số ca nội trú cũng vậy, cùng thời kỳ năm 2016 không có ca nào thì đến 14.8.2017 có tới 362 trường hợp nhập viện điều trị nội trú.
Theo Danviet
Tại sao phun thuốc xong muỗi vẫn sống bay đầy nhà?
Nhiều người băn khoăn có phải muỗi kháng hóa chất nên phun thuốc diệt xong vẫn thấy chúng sống; nên xịt thuốc vào sáng sớm hay chiều tối...
Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng cho biết tất cả hóa chất dùng phòng chống dịch hàng năm đều được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng. Việt Nam trước khi đưa thuốc vào lưu hành cũng phải thử nghiệm thực địa ở cả 3 miền. Trong quá trình sử dụng thuốc, các viện chức năng phải liên tục kiểm tra đánh giá và thay đổi hóa chất để phòng tình trạng muỗi kháng thuốc.
"Nếu có dịch phải phun hóa chất 2 lần cách nhau 7-10 ngày để tiêu diệt muỗi, hóa chất không tồn lưu nên thực tế nhiều người dân thắc mắc sao vừa phun một tuần lại đầy muỗi trong nhà", ông Phu chia sẻ.
Theo ông Phu, phun hóa chất tiêu diệt muỗi chỉ có tính thời điểm để dập dịch sốt xuất huyết, là biện pháp ngắn hạn cần thiết. Quan trọng nhất vẫn là tìm diệt các ổ bọ gậy, nơi loăng quăng tồn tại, việc phòng chống bệnh mới bền vững.
Phun thuốc diệt muỗi trong các gia đình. Ảnh: Ngọc Thành.
Theo phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, hóa chất có hiệu quả diệt muỗi hay không còn phụ thuộc vào kỹ thuật phun. Trong đó 5 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc diệt muỗi bao gồm giờ phun, cách phun, nhiệt độ môi trường, cách pha hóa chất và mật độ loăng quăng ở thời điểm phun xịt.
Nếu môi trường không giảm mật độ loăng quăng, vừa phun muỗi xong thì chúng lại tiếp tục nở ra rất nhiều.
Nên phun hóa chất vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối
Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM phân tích, để phun hóa chất hiệu quả cần tính được thời gian hoạt động tối đa, nơi trú ẩn của muỗi. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu khu vực phía Nam, muỗi hoạt động tốt nhất ở 25-28 độ C. Do đó các đội phun xịt thường chọn thời điểm buổi chiều tắt nắng để diệt muỗi. Khu vực tắt nắng mà thời tiết vẫn còn nóng thì giờ phun xịt hóa chất nên tiến hành vào buổi sáng sớm.
Vấn đề quan trọng là thói quen sinh hoạt của người dân địa phương. Với khu dân cư làm ăn buôn bán nhiều vào buổi chiều thì có thể người dân không hợp tác để phun xịt hóa chất diệt muỗi ở thời điểm này. Hiện có hai hình thức là phun sương lạnh và phun mù nhiệt, chỉ định tùy từng điều kiện vùng.
Người dân có nên tự phun hóa chất diệt muỗi
Tiến sĩ Vũ Trọng Dược, Thư ký Chương trình sốt xuất huyết Dengue khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng người dân không phải cứ nhìn thấy muỗi là cần phun thuốc diệt muỗi. Ông khuyến cáo không nên tự ý pha hóa chất để phun diệt muỗi. "Sử dụng hóa chất để diệt muỗi cần phải có chỉ định. Tác dụng diệt muỗi chỉ hiệu quả khi sử dụng hóa chất đúng loại, pha đúng liều lượng, sử dụng máy phun phù hợp và kỹ thuật phun đúng", ông Dược nói.
Theo ông Dược, người dân diệt muỗi trong phạm vi gia đình nên tham khảo ý kiến của các nhà côn trùng học hoặc liên hệ với khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm hay dịch tễ tại Trung tâm y tế dự phòng địa phương để được hướng dẫn. Phun hóa chất không đúng cách, không có máy phun chuyên dụng, không đủ liều dẫn đến muỗi tăng sức đề kháng, vô tình làm muỗi khỏe hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó nếu chỉ phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi một gia đình trong khi hàng xóm không xịt thuốc thì tác dụng sẽ rất ít. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi phun xịt thuốc, muỗi từ bên ngoài lại bay vào nhà.
Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ thích nước sạch và đốt ban ngày
Theo phó giáo sư Trần Đắc Phu, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà. Đặc biệt muỗi này không đẻ trứng ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối.
Khi đang sốt thì có lây nhiễm bệnh cho người khác
Nhiều người cho rằng bệnh nhân trong thời gian sốt không cần phải phòng chống vì sẽ không lây cho người khác. Thực tế thời gian có thể lây nhiễm là trước khi có biểu hiện lâm sàng một ngày và liên tục trong thời gian sốt. Đây là nguồn lây bệnh cho cộng đồng nên người bệnh phải tự bảo vệ, phòng hộ cá nhân để muỗi không đốt mình rồi truyền cho mọi người.
Từ đầu năm 2017 đến nay cả nước có hơn 80.000 trường hợp sốt xuất huyết, 24 người tử vong, số nhập viện tăng 33,5% so với cùng kỳ, tập trung nhiều ở miền Nam và Trung. Khu vực miền Bắc năm nay gia tăng đột biến. Tại Hà Nội bệnh nhân phải ngồi truyền dịch, nằm giường xếp, bệnh viện phải dùng hội trường làm phòng khám. Nguyên nhân tăng dịch là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình cao, lượng mưa tăng, tốc độ đô thị hóa dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng...
Theo Lê Phương (VNE)
Vì sao Hà Nội không công bố dịch sốt xuất huyết? Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng thành phố đã công khai tình trạng sốt xuất huyết và huy động nguồn lực chống dịch. Hiện mỗi tuần Hà Nội ghi nhận khoảng 2.000 ca sốt xuất huyết, hơn 15.000 người mắc bệnh từ đầu năm đến nay, là địa phương đang có tốc độ lây lan dịch...