Hoàng Bách và chiêu dạy con “khác người”
Là ca sỹ, lại làm thêm kinh doanh nên thời gian cho gia đình không nhiều, nhưng ca sỹ Hoàng Bách luôn cố gắng để con cảm nhận được sự có mặt của cha mẹ trong cuộc sống của chúng và dạy con từ những điều nhỏ nhất.
“Có những điều rất đơn giản mà chúng tôi hay áp dụng với các con như: muốn con nói cảm ơn thì mình phải nói cảm ơn mỗi khi con giúp mình và nhắc lại liên tục mỗi khi con quên. Hay thậm chí, bố mẹ cũng phải biết xin lỗi mỗi khi sai điều gì, để con thấy những điều đó là đương nhiên và có lý khi hành xử như vậy. Tôi dù có hay đi xa thì vẫn luôn điện thoại về nhắc nhở, nói chuyện, hỏi thăm một ngày của các con diễn ra như thế nào và kể ngược lại những điều bố đã trải qua như những người bạn với nhau”, ca sỹ Hoàng Bách chia sẻ.
Ngoài ra, khi nói về việc nuôi dạy con trong thời công nghệ phát triển mạnh mẽ và gắn liền với cuộc sống thường ngày, để giúp con không bị ảnh hưởng xấu, Hoàng Bách cho biết: “Tôi cố gắng để con tránh xa internet và nếu có đụng tới các đồ công nghệ, tôi hay vợ phải nhìn thấy và biết được con đang làm gì. Còn khi đưa các con ra ngoài, tôi luôn cố gắng để giải thích một cách hợp lý nhất các hành động mà những người lớn xung quanh đã làm mà khác và xấu hơn so với những gì con được dạy dỗ”.
Thường xuyên dẫn con đi dã ngoại, giúp con tìm hiểu thiên nhiên hay xây dựng thói quen sống lành mạnh (từ vận động đến chế độ dinh dưỡng) cho 2 bé Tê Giác và Mèo từ nhỏ là phương châm chăm sóc con của bà xã nam ca sỹ Hoàng Bách. Khi chia sẻ về bí quyết chăm con, Thanh Thảo cho biết cô luôn tạo cơ hội cho con vận động và tiếp xúc với thiên nhiên, hướng dẫn con ăn uống đúng cách ngay từ khi các con còn rất bé như cho con ăn những thứ con thích, ăn vừa đủ nhu cầu, ăn uống cân bằng giữa thực phẩm từ động vật (thịt, cá,..) và thực vật (rau, quả,..).
Mùa hè đã đến, trong khi nhiều phụ huynh lo lắng tìm chỗ để gửi con kín lịch với các môn học hè thì gia đình Hoàng Bách lại có phương châm khác. Đối với Hoàng Bách,”đã nghỉ hè là không học thêm học nếm gì hết!”. Đối với Hoàng Bách, không phải những đứa trẻ đi học hè là sẽ học giỏi hơn những đứa trẻ được vui chơi trong hè, bởi chơi cũng là học. Mà kể cả học giỏi hơn nhưng chắc gì sau này những đứa trẻ ấy sẽ hạnh phúc và thành công hơn những đứa trẻ được bố mẹ cho học ra học, chơi ra chơi.
Hoàng Bách tâm sự: “Suốt chín tháng trẻ đã vất vả với các môn học, tôi nghĩ mùa hè thay vì nhồi nhét kiến thức, cha mẹ nên cho con thư giãn bằng cách đưa con đi du lịch, tranh thủ trang bị cho con những kỹ năng mềm như làm thế nào để tồn tại trong một số tình huống, cách chăm sóc và giữ gìn sức khỏe.
Vào đầu kỳ nghỉ hè gia đình tôi thường tổ chức cho các con đi du lịch tùy theo điều kiện. Chuyến đi đơn giản nhất là cho con về quê thăm ông bà, hoặc dã ngoại gần nhà, để con được khám phá những điều mới mẻ. Song song các kỳ nghỉ là trang bị cho con những kỹ năng để giúp con có thể tự mình xử lý các tình huống phát sinh bất ngờ trong cuộc sống.
Video đang HOT
Kỹ năng mềm đầu tiên tôi chuẩn bị cho con mình đó là học bơi. Tê Giác nhà tôi biết bơi từ khi 5 tuổi. Khi con đã biết bơi thì những lúc đi biển cùng bố mẹ, qua cầu, qua phà, hoặc về quê ngoại là vùng sông nước, để con ở nhà với ông bà, tôi cũng yên tâm hơn. Tôi cho rằng, bơi là kỹ năng quan trọng nhất khi sống ở đất nước có bờ biển trải dài và đi đâu cũng gặp sông nước như ở Việt Nam.
Ngoài ra, tôi cũng cho con chơi thể thao như bóng đá, hay cờ vua – bộ môn phát triển trí não nhưng mang tính giải trí. Tê Giác mê nhạc nên tôi cho con đi học đàn, học trống. Tất nhiên những bộ môn này đều không mang tính bắt buộc, bố mẹ luôn phải nằm lòng nguyên tắc: con phải thấy thích và thoải mái thì mới đăng ký cho con học. Bé tình nguyện và thích thì mới có hiệu quả.
Tê Giác cũng biết tự giao tiếp với người lạ, nhận biết được điều gì là nguy hiểm khi ra đường không có bố mẹ, nhận biết được giá trị của tiền một cách tương đối, biết cách tìm người giúp đỡ, biết số điện thoại của bố mẹ để gọi trong trường hợp bị lạc. Tuy chưa cho học kỹ năng sống chuyên sâu, nhưng tôi luôn dạy con cách xử lý tình huống rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình.
Nếu trẻ đã học cấp II, thì việc rèn luyện tính kỷ luật và ý thức tự giác rất quan trọng. Tôi có hai cậu cháu, một cháu năm nay 12-13 tuổi, tôi đã đăng ký cho cháu học một khóa Học kỳ quân đội nhằm giúp cháu rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và tính đồng đội – những kỹ năng rất cần cho lứa tuổi mà tính cá nhân bắt đầu phát triển mạnh.
Một cháu nữa ở lứa tuổi 17, khi nghỉ hè, tôi bắt đầu cho cậu đi làm thêm những việc đơn giản như giao nhận hàng, khuyến khích tự đi đăng ký làm bồi bàn, làm phục vụ… Những việc này dạy cháu tự biết cách kiếm tiền, biết giá trị của đồng tiền và tập làm quen với công việc trước ngưỡng cửa cuộc đời”.
Dạy con về kỹ năng mềm chính là điều gia đình Hoàng Bách trăn trở nhất, thậm chí nó quan trọng hơn kiến thức học trong trường lớp. “Trước tiên nó giúp mình tồn tại trong môi trường lạ, thứ hai là những tư duy, khả năng giao tiếp trong xã hội, hay tài lẻ… rất quan trọng với mỗi người trong cuộc sống và công việc”, Hoàng Bách chia sẻ.
Trước lo lắng của nhiều phụ huynh rằng liệu nghỉ hè con sẽ quên kiến thức, thì Hoàng Bách lại rất “dung dung”. “Nghỉ hè không học thêm, tôi không nghĩ là các con sẽ quên kiến thức, đâu phải tự nhiên cả thế giới người ta cho học sinh nghỉ hè. Và không phải những đứa trẻ đi học hè là sẽ học giỏi hơn những đứa trẻ được vui chơi trong hè, chơi cũng là học. Mà kể cả học giỏi hơn nhưng chắc gì sau này những đứa trẻ ấy sẽ hạnh phúc và thành công hơn những đứa trẻ được bố mẹ cho học ra học, chơi ra chơi”.
Đối với Hoàng Bách, sự tồn tại của một cách hạnh phúc của một con người là quan trọng nhất. Thành công trong sự nghiệp hay công việc hay không, không quan trọng bằng việc mình sẽ sống hạnh phúc. Phương châm ấy đã giúp Hoàng Bách nuôi dạy các con thành những đứa trẻ tự tin khi giao tiếp và có các kỹ năng cần thiết ở chốn đông người. Các con của Hoàng Bách luôn được nhận xét là những đứa trẻ hiếu lễ. Gia đình của chàng ca sĩ cũng luôn được nhìn nhận đầy sự ngưỡng mộ và thầm học hỏi trong nhiều người.
Theo giadinh.net.vn
Cách dạy con những kỹ năng sống cần thiết qua những chuyến du lịch mẹ nên biết
Mẹ nên luyện tập những thói quen tốt cho con ngay từ khi còn nhỏ ở mọi lúc, mọi nơi để con hình thành những kỹ năng sống. Đặc biệt, trong những chuyến đi du lịch là cơ hôi tuyệt vời để mẹ dạy bé những kỹ năng giúp bé vừa học, vừa chơi.
Một người thành công không chỉ là người thông minh, tài giỏi, mà còn là người có những kỹ năng xử lý tình huống một cách khóe léo, nhanh nhạy. Việc này không phải do bẩm sinh ở mỗi người mà nó được hình thành từ những thói quen ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, mẹ nên rèn luyện cho bé những thói quen tốt khi còn nhỏ ở mọi lúc, mọi nơi để bé phát triển những kĩ năng của mình. Đặc biệt, những chuyến du lịch là những cơ hội tốt để bé khám phá thế giới và học được những bài học giá trị.
Kiên nhẫn chờ đợi
Đi du lịch ở những nơi đông người, trẻ sẽ được tôi rèn tính kiên nhẫn. Kiên trì chờ đợi chuyến xe đến trễ, xếp hàng dài chờ đến lượt để được chơi hoặc đến giờ ăn.
Cha mẹ hãy gương mẫu, đừng gắt gỏng, bực bội hãy xem đây là cơ hội để dạy con những hành vi ứng xử văn hóa. Đi du lịch là cơ hội để giáo dục trẻ thành người tử tế trước đám đông.
Trải nghiệm cuộc sống
Hầu như trẻ nào cũng háo hức khám phá và tích lũy những điều mới. Được đi xa sẽ kích thích thêm lòng hiếu kỳ của trẻ. Các bậc cha mẹ phải tận dụng triệt để chuyến đi để trẻ được trải nghiệm càng nhiều cái mới càng tốt.
Đặc biệt nên kết hợp du lịch với cho trẻ tham quan các bảo tàng, khu di tích lịch sử, làng nghề. Nếu có điều kiện hãy cho trẻ sống trong các nhà dân ở địa phương (homestay), trẻ sẽ có những trải nghiệm đời thường thú vị khi trực tiếp tham gia vào từng hoạt động của người dân địa phương.
Đối phó với những tình huống bất ngờ
Qua những chuyến đi thực tế, trẻ sẽ nhận thấy, dù lên kế hoạch chu đáo, nhưng vẫn có rất nhiều tình huống bất ngờ diễn ra ngoài dự tính. Vì còn non nớt trong suy nghĩ cũng như hạn chế về kinh nghiệm xử lý sẽ khiến trẻ hoảng sợ đến phát khóc.
Cha mẹ hãy bên trẻ để trấn an và cứ mỗi tình huống phải dạy trẻ cặn kẽ cách xử lý phù hợp nhất. Đối mặt với những tình huống bất ngờ sẽ giúp trẻ linh hoạt, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng đối mặt và tìm ra cách giải quyết nhanh gọn, hiệu quả nhất.
Tự tin và can đảm hơn
Tham gia các trò chơi mới, giao tiếp với nhiều người chưa quen sẽ giúp trẻ càng thêm tự tin và can đảm hơn. Cha mẹ sẽ thấy con bản lĩnh, chững chạc hơn ở nhà rất nhiều. Vì thế, hãy đặt ra thử thách và đừng ngại khi cho con khám phá thêm những trò chơi mới, hoặc thực hiện thêm nhiệm vụ mới.
Theo www.phunutoday.vn
Con trai 5 tuổi không chịu đi học, mẹ đã khiến bé thay đổi bằng 'hành trình nhặt rác' Thay vì tức giận hay ép buộc con, bà mẹ ba con đã giúp con dần dần nhận ra điều gì nên làm. Vợ chồng Nuttanitcha và 3 con. Nếu đứa con nhỏ của bạn luôn mè nheo và làm đủ cách từ chối việc đến trường, chiến thuật bạn sẽ sử dụng là gì để thuyết phục chúng? Một số cha mẹ...