Hòa Bình: Quy định chung các khoản thu tạo thuận lợi cho trường và phụ huynh
Đó là nhận định của thầy Lê Anh Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Phong về nội dung Nghị quyết 164.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành về phê duyệt mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tiếp đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cũng có văn bản chỉ đạo các đơn vị, nhà trường triển khai, thực hiện tại Nghị quyết số 164/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Nội dung của Nghị quyết 164 nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh, nó có ý nghĩa tạo ra sự chỉ đạo chung xuyên suốt tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Từ đó, ngăn chặn tình trạng lạm thu, lạm chi diễn ra vào đầu năm học từng được báo chí phản ánh.
Bình luận về nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Anh Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Phong, Hòa Bình cho hay, những năm học trước đơn vị đều thực hiện theo văn bản chỉ đạo của trung ương về các khoản thu dịch vụ. Năm nay là năm đầu tiên có Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định chung cho cả tỉnh.
Các dịch vụ được thu đối với cấp tiểu học kể từ năm học 2022-2023. (Ảnh cắt màn hình)
“Trong Nghị quyết 64 có nêu các khoản thu dịch vụ tối đa nhà trường được phép vận động, đây là sự thuận lợi, tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho các trường thực hiện, đồng thời phụ huynh cũng sẽ rất đồng tình khi được giám sát các khoản thu dịch vụ của nhà trường. Trong khi đó, trước đây tùy vào điều kiện của phụ huynh và nhà trường, việc vận động các khoản dịch vụ không có sự thống nhất chung”, thầy Long chia sẻ.
Về khoản thu 60 nghìn đồng/em/năm học đối với sửa chữa, mua sắm thiết bị trong Nghị quyết 64, lãnh đạo Phòng Giáo dục cho hay, khoản thu này chỉ là một phần rất nhỏ để hỗ trợ, còn để giải quyết trang thiết bị vật chất trong một lớp không thể đáp ứng hết được.
“Nguồn lực chủ yếu vẫn từ nhà nước đầu tư, còn phụ huynh chỉ góp một phần hỗ trợ đối với nhà trường”, thầy Long cho hay.
Video đang HOT
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Phong chia sẻ thêm, đối với khoản thu trên của các trường, đơn vị sẽ phải duyệt, thẩm định đối với các dự toán của đơn vị trường. Vì vậy, nhà trường sẽ dựa trên thực tế của từng lớp về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất… để xem phải dùng ngân sách nhà nước bao nhiêu và phải cần hỗ trợ từ đóng góp của phụ huynh như nào cho phù hợp.
Nhấn mạnh yếu tố quan trọng trong việc thực hiện các khoản thu dịch vụ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Phong cho hay, các trường phải thực hiện công khai, minh bạch rõ ràng khi vận động phụ huynh đóng góp.
Trước câu hỏi phải làm sao để các nhà trường thu không vượt quá các mức nêu trong Nghị quyết 164, thầy Long cho hay, đơn vị khi duyệt mức thu của nhà trường sẽ không cho phép dự toán thu vượt theo quy định.
Đối với việc thu các khoản dịch vụ của nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ có hoạt động kiểm tra, giám sát như bộ phận kế toán về hoạt động ghi thu chi, sổ quyết toán chứng từ… đồng thời là thanh tra, kiểm tra, nếu trường nào không thực hiện nghiêm chỉnh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước câu hỏi về thực tế tại nhiều địa phương không niêm yết công khai văn bản giấy tờ các khoản thu dịch vụ cho phụ huynh học sinh, mà chỉ thông báo bằng miệng, thầy Long cho hay, theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT yêu cầu đầu năm học có rất nhiều nội dung phải công khai.
Vì vậy, đơn vị chỉ đạo các trường đều phải niêm yết công khai về nguồn lực huy động từ ngân sách bao nhiêu, nguồn lực huy động từ xã hội hóa bao nhiêu.
Bên cạnh đó, đối với các khoản thu dịch vụ, tùy vào điều kiện hoàn cảnh của các gia đình học sinh, Phòng Giáo dục sẽ có những chỉ đạo hỗ trợ các em khó khăn.
“Phòng sẽ chỉ đạo các nhà trường giảm các mức thu dịch vụ đối với gia đình có đông học sinh đi học, gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ không phải đóng góp. Đồng thời giãn thời gian thu các khoản dịch vụ”, thầy Long chia sẻ.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Phong cũng cho hay, hiện nay đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 164 về các nhà trường, để phổ biến tới phụ huynh, học sinh. Trong tháng 8 này, các trường sẽ kết hợp tuyển sinh với phổ biến Nghị quyết 164.
“Để đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 164 tại các nhà trường có thực hiện nghiêm chỉnh hay không, chúng ta phải đợi đến khi bắt đầu năm học mới”, thầy Long chia sẻ.
Thầy Lại Đức Trung (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lạc Thủy B) cho hay, việc ra đời Nghị quyết 164 sẽ tạo thuận lợi cho các trường thực hiện mức thu khoản dịch vụ không vượt quá quy định.
“Những năm học trước, các khoản thu dịch vụ thì nhà trường thu cũng không nhiều. Tuy nhiên, năm nay có Nghị quyết 164, đơn vị cũng sẽ thực hiện nghiêm chỉnh theo chỉ đạo của Sở và Hội đồng nhân dân tỉnh”, thầy Trung chia sẻ.
Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương tuyển 1.000 chỉ tiêu
Năm 2022, Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt quy mô tuyển sinh dự bị đại học lớn nhất cả nước với 1000 chỉ tiêu.
Ngày 1/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình có văn bản thông báo chính sách học dự bị đại học cho học sinh năm 2022 của Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương.
"Để đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh, học viên, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị, trường học trực thuộc, các Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên, Trường Phổ thông liên cấp Sao Mai thông báo tới học sinh, học viên của đơn vị về đối tượng, điều kiện, phương thức tuyển sinh ... theo Thông báo số 182/TB-DBĐHDTTW ngày 22/7/2022 của Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương", Sở Giáo dục cho hay.
Trước đó, cuối tháng 7 vừa qua, Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương (Thành phố Việt Trì, Phú Thọ) có văn bản thông báo tuyển sinh hệ dự bị đại học năm học 2022-2023.
Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương cho hay, năm 2022 nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt quy mô tuyển sinh dự bị đại học dân tộc lớn nhất cả nước với 1000 chỉ tiêu.
Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương. (Ảnh: wesite Nhà trường)
Phương thức tuyển sinh: Nhà trường tuyển sinh bằng và xét tuyển.
Phương thức tuyển thẳng: Thí sinh tuyển thẳng sẽ được đăng ký bồi dưỡng một trong các tổ hợp sau: Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Sinh, Văn - Sử - Địa, Toán - Văn - Tiếng Anh, Toán-Lý - Tiếng Anh, Toán-Văn- Sử.
Phương thức xét tuyển: Nhà trường thực hiện đồng thời hai hình thức xét tuyển gồm xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 (xét điểm thi) và xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (xét học bạ).
Đối tượng được tuyển thẳng là người dân tộc thiểu số rất ít người Si La, Ở Đu, Brâu, Rơ Năm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, Lý, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ) đã tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định.
Thí sinh cử tuyển theo quy định tại Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
Đối tượng xét tuyển: Thí sinh là người dân tộc thiểu số thường trú từ 18 tháng liên tục trở lên tính đến ngày 20/9/2022 tại các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực 1 (KV1) quy định. Thí sinh là người dân tộc Kinh thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày 20/9/2022 tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của cấp có thẩm quyền và có cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ thường trú tại vùng này.
Nhà trường tuyển không quá 5% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm thí sinh là người dân tộc Kinh;
Đối tượng đã một lần trúng tuyển và nhập học dự bị đại học không được xét tuyển dự bị đại học lần thứ hai, các đối tượng đang học hoặc đã tốt nghiệp đại học không được xét tuyển dự bị đại học.
Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương được thành lập ngày 26/11/1975 theo quyết định số 214/CP của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ), thực hiện chính sách Dân tộc của Đảng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nằm trong hệ thống các trường chuyên biệt của cả nước.
Nhà trường có nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh là người dân tộc thiểu số, để được theo học tại các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm như Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội...
Hòa Bình: Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 99% Sau khi điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được công bố, theo đánh giá tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp ở tỉnh Hòa Bình đạt 99%. Tỉnh Hòa Bình có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt hơn 99% Theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa được công bố: Tỷ lệ thí sinh...