Hòa Bình “điểm mặt” 26 người có con được “nâng điểm”, sẽ xử lý nghiêm
Tỉnh Hòa Bình đã xác minh 26 người có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và sẽ dừng bổ nhiệm, bổ nhiệm mới cán bộ có con được nâng điểm.
Cho đến nay, tỉnh Hòa Bình đã cơ bản thực hiện xong việc thẩm tra, xác minh những cán bộ, công chức sai phạm, gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 và đang xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ xem xét, kết luận.
Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can là những cán bộ, công chức trong ngành Giáo dục của tỉnh Hòa Bình. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xác minh 26 người có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Để làm rõ hơn về những vấn đề trên, phóng viên VOV.VN phỏng vấn bà Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình.
Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can là những cán bộ, công chức trong ngành Giáo dục của tỉnh Hòa Bình (ảnh minh họa)
PV: Xin cho biết việc rà soát, xử lý những cá nhân, cán bộ, viên chức (đặc biệt là lãnh đạo, đảng viên) liên quan đến gian lận thi THPT Quốc gia năm 2018 đã và đang được Sở GD-ĐT tỉnh Hoà Bình phối hợp với các cơ quan công an và các Bộ, ngành thực hiện đến nay như thế nào?
Bà Bùi Thị Kim Tuyến: Khi có thông tin về gian lận thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình, Sở GD-ĐT tỉnh đã tích cực phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan liên quan điều tra, làm rõ.
Đối với cán bộ công chức, viên chức liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã bị cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can bắt tạm giam.
Cho đến nay, có 7 cán bộ trong ngành Giáo dục liên quan đến gian lận thi cử năm 2018 đã bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Về phía Sở GD-ĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với công chức, viên chức thuộc Sở GD-ĐT quản lý. Đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục là đảng viên, tổ chức Đảng đã đình chỉ sinh hoạt Đảng.
Ngoài ra, những cá nhân liên quan đến gian lận thi THPT Quốc gia năm 2018 không được tham gia công tác thi năm 2019.
PV : Quan điểm của bà về việc công bố danh tính và xử lý cán bộ, đảng viên, phụ huynh và học sinh gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 như thế nào?
Bà Bùi Thị Kim Tuyến: Tại cuộc họp báo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là sẽ xử lý nghiêm minh các khuyết điểm, vi phạm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cho dù ở bất cứ cương vị nào có liên quan đến vụ nâng điểm thi, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tinh thần chỉ đạo là làm rõ trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.
Còn việc công bố danh tính cán bộ, đảng viên, phụ huynh và học sinh gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 cũng đã được Ủy ban Kinh tế Tỉnh ủy Hòa Bình thông tin là cơ quan nào điều tra, xác minh, làm rõ cá nhân gian lận thi cử thì sẽ công bố theo đúng quy định. Tôi xin phép không nói thêm về vấn đề này.
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình.
Tỉnh Hòa Bình không bố trí thi cho thí sinh đã được nâng điểm
PV: Có thí sinh trong danh sách được sửa điểm năm 2018 tại Hòa Bình đang tiếp tục ôn luyện để tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm nay. Vậy việc sắp xếp cho những thí sinh này tham dự kỳ thi năm nay đang được Sở thực hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Bùi Thị Kim Tuyến: Hiện nay, trong tất cả các chỉ đạo của Bộ GD-ĐT không có sự chỉ đạo cho địa phương bố trí, sắp xếp thi với thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 nên tỉnh Hòa Bình không thực hiện việc rà soát.
Tất cả những thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 không phải là học sinh lớp 12 hệ THPT và ở Trung tâm giáo dục thường xuyên năm 2019 đều thuộc diện thí sinh tự do. Những thí sinh này vẫn được tham dự kỳ thi năm nay và việc bố trí để các em dự thi đều được thực hiện theo quy chế thi THPT Quốc gia năm 2019.
PV: Để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, Sở GD-ĐT tỉnh đã thực hiện những biện pháp gì và có để xuất để tổ chức tốt hơn cho kỳ thi này?
Bà Bùi Thị Kim Tuyến: Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với lực lượng công an, các Sở ngành, UBND các huyện xây dựng các phương án đảm bảo trong công tác coi thi, chấm thi, đảm bảo cơ sở vật chất tại các điểm thi. Tất cả những việc làm này nhằm giảm tối thiểu những sai sót trong kỳ thi.
Đặc biệt, ngành Giáo dục Hòa Bình đã tăng cường tuyên truyền tới tất cả cán bộ, giáo viên coi thi không được chủ quan, không được buông lỏng chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm và ý thức kỷ luật khi tham gia công tâc thi THPT Quốc gia 2019.
Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nói về thành phần Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2019:
Hòa bình “điểm mặt” 26 người có con được “nâng điểm” trong kỳ thi thpt quốc gia 2018
Sẽ chấm lại 5% bài thi đạt điểm cao
PV: Qua quá trình chấm thi năm 2018, Bộ GD-ĐT đã phát hiện một số dấu hiệu bất thường, nhất là trong quy trình chấm bài thi trắc nghiệm. Để khắc phục những lỗ hổng này, năm nay, công tác chấm thi của tỉnh sẽ được thực hiện như thế nào?
Bà Bùi Thị Kim Tuyến: Để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, công tác coi thi và chấm thi đều có sự tham gia của các trường ĐH. Đặc biệt, công tác chấm thi trắc nghiệm đều do các trường ĐH chủ trì.
Đối với những bài thi Tự luận, ngoài việc chấm 2 vòng độc lập thì tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức chấm lại 5% số bài thi đạt điểm cao. Tất cả những điểm chấm thi đều có camera giám sát và có lực lượng công an bảo vệ, giám sát 24/24h.
PV: Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 nếu xảy ra những tình huống bất ngờ hay những sai phạm không thể lường trước liên quan đến đội ngũ coi thi, chấm thi thì Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình sẽ xử lý như thế nào, thưa bà?
Bà Bùi Thị Kim Tuyến: Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình có thể không lường trước được những tình huống bất ngờ, sai phạm có thể xảy ra. Tuy nhiên, Sở cũng đã có những phương án dự phòng về đội ngũ cán bộ, nhân sự để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi.
PV : Xin cảm ơn bà!/.
Dừng bổ nhiệm, bổ nhiệm mới các cán bộ có con được nâng điểm
Đề cập phương án xử lý những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Nguyễn Hữu Đạt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết: Ủy ban đã lập đoàn kiểm tra với các đồng chí cán bộ, đảng viên, công chức do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, thành viên Hội đồng thi THPT Quốc gia 2018.
Ngay sau khi có quyết định, đoàn kiểm tra đã họp, công bố quyết định và yêu cầu các đồng chí có liên quan viết báo cáo gửi đoàn kiểm tra. Sau 3 ngày, 26 cá nhân có con em được nâng điểm trong đợt kiểm tra đều nộp báo cáo kiểm điểm theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình
Đến nay, các khâu xem xét kỷ luật đã được thực hiện theo đúng nguyên tắc kỷ luật của tỉnh, có đầy đủ văn bản hướng dẫn. Kết quả sau khâu thẩm tra xác minh đang có dự thảo báo cáo. Sắp tới sẽ thông qua và thông tin theo đúng quy định”.
Ông Nguyễn Hữu Đạt cho biết thêm, đây là vấn đề “nhạy cảm, chưa từng có trong tiền lệ”, do đó, trong quá trình xác minh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phải phối hợp với nhiều tổ chức, cơ quan có liên quan xin ý kiến cũng như nhận sự hỗ trợ từ phía cơ quan công an điều tra để đảm bảo căn cứ xác minh đúng người, đúng tội.
Đề cập tới việc trong thời gian đợi công bố kết quả danh sách cá nhân sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, những cán bộ, công chức, viên chức có nghi vấn con đẻ được nâng điểm có được bổ nhiệm chức vụ mới hay không, ông Bùi Văn Luyến, Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, theo quy định tại khoản 11, điều 2, Quy định 102- QĐ/TW 2017 về xử lý kỷ luật Đảng viên sai phạm có nêu rõ: Không được luân chuyển nhiệm vụ, phong tặng quân hàm với những Đảng viên đang được tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật.
Đối chiếu với quy định nêu trên, hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình đang tiến hành xác minh, làm việc với cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý người có con được nâng điểm trong kỳ thi năm 2018. Hiện chưa công bố kết luận sai phạm, do đó, các cán bộ không đủ thời gian bổ nhiệm lại sẽ tiến hành kéo dài thời gian giữa chức vụ theo quy định vì hiện nay chưa xác định được có sai phạm hay không.
Ngoài ra, không tiến hành bổ nhiệm và bổ nhiệm lại với những trường hợp có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018./.
Theo VOV
Đại biểu Quốc hội: Không nên bi quan quá về giáo dục!
Những ngày qua, nhiều vấn đề của ngành Giáo dục đã làm nóng nghị trường Quốc hội, từ gian lận thi cử, tới bệnh thành tích... Đại biểu Quốc hội đã có những cách lí giải khác nhau cho những vấn đề này, có chỉ trích, có cảm thông và mong đợi sự quyết liệt thay đổi của ngành Giáo dục.
Nhìn nhận giáo dục toàn gam tối là thiếu công bằng!
Đại biểu Mai Sỹ Diến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa bày tỏ sự tiếc nuối khi thời gian thảo luận ở nghị trường Quốc hội chưa có đủ để nêu được những việc đã làm được của ngành Giáo dục.
Đại biểu Mai Sỹ Diến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Theo ông Diến, cần phải nhìn tổng thể để thấy được cả mặt tích cực và tồn tại của ngành giáo dục. Những đóng góp, thành tựu của ngành trong các năm qua là không thể phủ nhận. Do đó, không thể lấy một số vấn đề cục bộ để cho rằng giáo dục hiện nay toàn gam màu tối. Cách đánh giá, nhìn nhận như thế là thiếu khách quan, khiên cưỡng, thiếu công bằng.
Khi nhìn nhận về sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, vị đại biểu này cho rằng, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm trong việc để xảy ra lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi liên quan đến tính bảo mật, nhưng nếu những người tham gia thực hiện cố tình làm sai một cách có tổ chức, hệ thống thì việc bảo mật cũng không thể đảm bảo được.
"Phải nhìn nhận khách quan rằng, những sai phạm mang tính hệ thống, có tổ chức là rất khó phát hiện. Bộ GD&ĐT khi nắm bắt được vấn đề đã nhanh chóng báo cáo để Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kịp thời. Bộ cũng vào cuộc cùng ngành Công an xác minh sai phạm, đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh. Quan trọng hơn, Bộ đã tập trung làm rõ, tìm ra nguyên nhân, những lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi và có các thay đổi cụ thể trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay" - Ông Diến nói.
Ông Diến cũng đề cập đến trách nhiệm của địa phương - đơn vị trực tiếp tổ chức thi, chấm thi. Trách nhiệm lớn nhất theo ông Diến là khi chọn lựa cán bộ vào Ban Chỉ đạo thi, làm công tác coi thi, chấm thi..., địa phương đã để một số cán bộ suy thoái đạo đức tham gia đội ngũ này. Dưới tác động từ bên ngoài, có thể là từ đồng tiền, quyền lực, một số cán bộ địa phương đã không giữ được mình, trực tiếp gây ra sai phạm.
Nhìn nhận về vấn đề bạo lực học đường, ông Mai Sỹ Diến nêu quan điểm, trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình, tiếp đến là sự suy thoái đạo đức lối sống của một số cán bộ, nhân viên trong ngành Giáo dục.
"Trong việc này, trách nhiệm của ngành Giáo dục là chưa tạo ra được một chương trình giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp, thiết thực cho học sinh, chưa có những hướng dẫn hành xử cho giáo viên để theo kịp yêu cầu trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế cao" - Đại biểu tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Không thể đổ hết lỗi cho ngành giáo dục
Nhìn nhận những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La từ góc độ tư pháp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho rằng, Bộ GD&ĐT đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các cơ quan cũng như cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng tiến hành các quy trình theo quy định.
Theo bà Dung, để xử lý cần phải có quá trình điều tra, đủ cơ sở pháp lý kết luận vấn đề đó là sai phạm và sai phạm tới đâu, những người nào có sai phạm... Phải có đủ cơ sở để phân định trách nhiệm như vậy thì mới xét xử.
"Như chúng ta đã biết, luật pháp của chúng ta là công khai, minh bạch. Vì vậy, khi có kết luận điều tra đến đâu, cơ quan công an đã công bố thông tin đến đó để người dân và cử tri biết; còn những việc chưa đủ cơ sở, chưa đủ kết luận hoặc trong quá trình điều tra thì các cơ quan chức năng tiếp tục làm" - Bà Dung cho hay.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An
Về trách nhiệm của các bên, bà Dung nêu quan điểm, không thể đổ lỗi hết cho ngành Giáo dục, ở đây còn có trách nhiệm của các địa phương, cụ thể hơn là những người trực tiếp tổ chức kỳ thi, trong đó có những người có chức vụ lãnh đạo.
"Qua sự việc này, tất nhiên Bộ GD&ĐT cũng phải lấy đây là bài học, phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho Bộ. Ngành Giáo dục thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Chúng ta cũng phải nhìn nhận công bằng như vậy" - Bà Dung nói.
Trong khi những sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn chưa ngã ngũ thì kỳ thi năm 2019 lại đang đến gần, nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Long An mong rằng, phụ huynh, học sinh sẽ không để những vấn đề của kỳ thi năm 2018 chi phối, ảnh hưởng, sẽ tạo tâm lý không tốt cho các em bước vào kỳ thi.
Vị đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp, đổi mới và hướng dẫn để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019 vừa đạt chất lượng, hiệu quả và ngăn ngừa tối đa những tiêu cực có thể xảy ra. "Theo tôi, chúng ta đừng quá bi quan về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 này".
Thu Hà
Theo Dân trí
Hôm nay, Sở Giáo dục Hòa Bình sẽ cập nhật điểm của thí sinh gian lận Ông Bùi Trọng Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho biết sẽ hoàn thành việc cập nhật điểm thật của 64 thí sinh gian lận trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong ngày 18/3. Thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam) Trao đổi với phóng viên Báo điện...