‘Hòa âm’ đá magma có thể giúp dự báo núi lửa phun trào
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature ngày 20/10 cho biết đã phát hiện ra những âm thanh không nghe thấy được sâu trong lòng núi lửa có thể đưa ra cảnh báo núi lửa sắp phun trào, mở ra triển vọng cảnh báo cần thiết cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Núi lửa phun dung nham đỏ rực gần thủ đô Reykjavik của Iceland ngày 19/3/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Một nhóm các nhà khoa học đang nghiên cứu các hạ âm, âm thanh quá thấp con người không nghe thấy được từ các núi lửa như núi lửa Etna của Italy, đã phát hiện ra rằng các âm thanh đá magma thay đổi rõ rệt khi núi lửa sắp phun trào.
Nhà khoa học Leighton Watson thuộc đại học Canterbury cho biết: “Khi magma phát nổ, các sóng âm thanh dội lại qua miệng núi lửa giống như trong một số nhạc cụ bằng đồng như kèn trombone chẳng hạn, ta có thể ghi lại những âm thanh nào đó”.
Ông cho biết khi magma di chuyển lên phía trên, các âm thanh thay đổi giống như chuyển động của cần đàn trombone. Trước khi núi lửa Etna phun khói và tro lên không trung hồi tháng 2/2021, hòa âm của nó bắt đầu thay đổi. Tần số đỉnh tăng liên tục và nguyên nhân là đá magma dâng lên miệng núi lửa.
Bằng việc tìm ra những âm thanh tương đương với mỗi mức đá magma, các nhà khoa học có thể dự báo về các đợt phun trào trong tương lai. Nhà khoa học Watson cùng nhóm nghiên cứu tại Italy và Mỹ tin rằng các âm thanh có thể cảnh báo trước vài giờ về một đợt phun trào sắp xảy ra. Điều đó không đủ để bảo vệ các ngôi nhà hay cơ sở hạ tầng, tuy nhiên có thể đủ để người dân địa phương, du khách tránh nguy hiểm.
Các phương pháp theo dõi mức đá magma hiện nay bao gồm dùng máy bay trực thăng bay trên miệng núi lửa hoặc leo lên miệng núi lửa và hướng thiết bị đo laser vào bên trong miệng núi lửa, đều là các biện pháp nguy hiểm, tốn kém và không thể thực hiện liên tục. Phương pháp mới sử dụng các thiết bị thăm dò có thể đặt cách núi lửa nhiều km. Tuy nhiên, các micro chuyên dụng có thể phát hiện hòa âm núi lửa siêu thấp này mới chỉ được phát triển vài thập niên trước, vì vậy nghiên cứu này vẫn trong giai đoạn sơ khai.
Nhà khoa học Watson cho biết còn phải nghiên cứu thêm các loại núi lửa khác nhau cũng như tốc độ và kiểu dâng lên của đá magma trong các trường hợp khác nhau để có thể đưa ra dự báo chính xác về sự phun trào của núi lửa.
Hòn đảo mới 'mọc lên' ở Tonga sau khi núi lửa phun trào
Một hòn đảo mới đang hình thành trong chuỗi núi lửa ở phía Tây Tonga sau vụ phun trào của núi lửa ngầm Home Reef trong những ngày qua.
Hình ảnh núi lửa Home Reef phun trào ngày 14/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trang tin Matangi Tonga Online ngày 28/9 đưa tin tính đến ngày 19/9, hòn đảo này có tổng diện tích bề mặt hơn 34.000 m2 và ước tính cao 15m so với mực nước biển. Hiện không có cảnh báo nguy hiểm nào đối với người dân ở Vava'u và Ha'apai.
Theo báo New Zealand Herald, dung nham trào ra từ núi lửa Home Reef đã bị nước biển làm nguội và hóa rắn, tạo thành hòn đảo nói trên.
Trong khi đó, Cơ quan Địa chất Tonga (TGS) cho biết mức cảnh báo đối với ngành hàng không đã được hạ từ mức cam xuống mức vàng vào ngày 27/9 sau vụ núi lửa Home Reef phun trào. Hiện nhà chức trách Tonga vẫn đang theo dõi hoạt động của núi lửa Home Reef và tiến hành báo cáo hằng ngày. Theo TGS, hoạt động của núi lửa Home Reef gây rủi ro thấp đối với các cộng đồng tại Vava'u và Ha'apai.
Núi lửa Home Reef nằm ở khu vực cách đảo Late 25 km về phía Tây Nam, cách đảo Lateiki 22 km về phía Đông Bắc và đảo Mo'unga'one 75 km về phía Tây Bắc.
Núi lửa Sakurajima phun trào ngày thứ 2 liên tiếp Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết núi lửa Sakurajima tại tỉnh Kagoshima, Tây Nam nước này, tiếp tục phun trào sáng 25/7, ngày thứ hai liên tiếp. Tro bụi phun lên từ miệng núi lửa Sakurajima tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, ngày 24/7/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN Trước đó nhà chức trách đã buộc phải nâng cảnh báo núi lửa lên mức 5,...