Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất
Những năm gần đây, để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và tạo được vị thế bền vững trên thị trường, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, làm đòn bẩy để các DN hướng tới nền sản xuất mới tiên tiến, hiện đại và hiệu quả hơn.
Nhân viên may mẫu của Tổng Công ty Tiên Sơn (thị xã Bỉm Sơn) trong ca làm việc.
Xác định tầm quan trọng của đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã triển khai đề án khuyến công quốc gia, hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến cho 6 DN với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng. Và các chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến để sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho 12 DN; xây dựng chương trình quảng bá sản phẩm, mô hình cơ sở sản xuất, kinh doanh điển hình, với tổng kinh phí 2,477 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết việc hỗ trợ ứng dụng các công nghệ hiện đại đã giúp các DN chủ động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, rút ngắn tiến độ sản xuất, giảm bớt chi phí bảo quản, nhân lực giám sát chất lượng sản phẩm; hoàn thành sớm nhiều đơn hàng, tăng uy tín với đối tác, ký kết nhiều hợp đồng lớn hơn, mở rộng cung cấp ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tiêu biểu như, việc hỗ trợ kích cầu đầu tư hệ thống máy sấy hiện đại tại Công ty CP Ngân Khương (Nga Sơn) đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cói, bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ đó, sản phẩm của công ty đã có mặt ở hơn 10 nước tại khu vực châu Âu và một số thị trường khu vực Đông Bắc Á…
Bên cạnh việc hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, trên địa bàn tỉnh cũng có không ít các DN, chủ thể sản xuất hoạt động trong lĩnh vực chế biến hàng nông sản được hỗ trợ kinh phí nhằm hiện đại hóa hệ thống bảo quản chế biến. Tiêu biểu, như: HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công (Như Xuân) được hỗ trợ xây dựng kho lạnh bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch; HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư máy hạ thủy phần, tách tạp chất mật ong; Công ty TNHH VIBABO (Thường Xuân) được hỗ trợ kinh phí đầu tư đổi mới hệ thống sấy sản phẩm ống hút tre…
Từ những chương trình hỗ trợ thiết thực, nhiều DN được thụ hưởng đã bứt phá vươn lên, tiếp cận ứng dụng thành công các thành tựu khoa học và công nghệ trong và ngoài nước góp phần cải tiến thiết bị, quy trình sản xuất, nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Tại Tổng Công ty Tiên Sơn, thị xã Bỉm Sơn, bên cạnh việc nhập, ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất của nước ngoài, công ty luôn tự nghiên cứu, ứng dụng để sáng tạo nên những quy trình sản xuất sản phẩm có chất lượng. Điển hình, như: công ty đã sử dụng phế thải trong ngành may mặc để làm nhiên liệu thay thế than đá đốt lò hơi, phục vụ công đoạn là sản phẩm. Sau khi đổi mới, chuẩn hóa và đưa ứng dụng này vào thực tế, không chỉ góp phần giảm chi phí sản xuất đáng kể mà còn hạn chế lượng rác thải, thực hiện việc sản xuất sạch, thân thiện hơn với môi trường.
Theo số liệu của Cục Thống kê Thanh Hóa, tính đến hết tháng 2-2021, tỉnh ta có hơn 17.490 DN; trong đó, 1/3 là DN sản xuất, kinh doanh. Song chủ yếu là các DN có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về nguồn vốn, nguồn lao động chất lượng cao… Do đó, việc hỗ trợ các DN đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ là giải pháp hữu hiệu tiếp sức cho DN hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đồng thời, giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động.
Được biết, năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển DN khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020″ nhằm khuyến khích phát triển DN khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ, chủ động tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025… Những chính sách, kế hoạch này đều lấy DN làm trung tâm, động lực để phát triển khoa học và công nghệ. Đây chính là môi trường, điều kiện thuận lợi để các DN chủ động nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, hướng đến sự phát triển bền vững.
Trái tim nhân hậu của nhà khoa học nữ xuất sắc nhận giải Kovalevskaia
PGS.TS Trương Thanh Hương, ĐH Y Hà Nội vừa nhận Giải thưởng Kovalevskaia chia sẻ: "Giải thưởng này chứng tỏ rằng tôi đã chọn được một con đường đúng đắn để đi tới trong cuộc đời y thuật của mình".
PGS.TS. giảng viên Cao cấp, NGƯT Trương Thanh Hương, trường ĐH Y Hà Nội, nguyên là Trưởng phòng Q2 Tim mạch nhi và tim bẩm sinh, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai là cá nhân duy nhất vừa vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 - một giải thưởng quốc tế dành cho các nhà khoa học nữ tại Việt Nam, nhằm ghi nhận những đóng góp của phụ nữ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên - một lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức.
PGS.TS Trương Thanh Hương
Công trình nghiên cứu điều trị đã tiết kiệm hàng trăm tỷ mỗi năm
Trong 35 năm công tác tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Trương Thanh Hương có rất nhiều sản phẩm công trình nghiên cứu khoa học được công nhận và chuyển giao có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, xã hội.
Tiêu biểu như công trình: "Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam" được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và cấp giấy xác nhận.
Theo ước tính, Việt Nam có gần 500.000 bệnh nhân mắc bệnh tăng cholesterol. Bệnh di truyền ảnh hưởng đến các thế hệ trong gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ, cần ngăn chặn việc phát tán nguồn gen bệnh và phòng chống biến chứng gây tàn phế, thậm chí gây tử vong như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, xơ vữa động mạch.
Chính nhờ công trình nghiên cứu của PGS.TS Trương Thanh Hương mà bệnh nhân và gia đình họ có thể tiếp cận được việc chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tối ưu, giảm chi phí điều trị biến chứng, bảo toàn lực lượng lao động vì biến chứng của bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ.
Video đang HOT
Việc quản lý và chăm sóc bệnh lý di truyền này bao gồm việc chăm sóc, phát hiện, chẩn đoán, chữa bệnh cho cả gia đình gồm nhiều thế hệ, điều này giúp ổn định xã hội. Đặc biệt, PGS.TS Trương Thanh Hương và nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài này với kinh phí tự túc.
PGS.TS Trương Thanh Hương trao đổi cùng chuyên gia nước ngoài trong lần thăm khám bệnh nhi.
Công trình nổi bật thứ hai của PGS.TS Trương Thanh Hương là: " Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam ", đề tài nhánh Dự án "Ứng dụng công nghệ gen trong sản xuất chíp sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý", thuộc Chương trình Quốc gia phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao.
Công trình có ý nghĩa rất lớn đó là việc chế tạo chíp sinh học chẩn đoán nhanh đa hình gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc Clopidogrel đặc hiệu cho người Việt Nam có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn, giúp hiện thực hóa việc cá thể hóa điều trị thuốc chống ngưng tập tiểu cầu Clopidogrel tại Việt Nam.
Sản phẩm đã được sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm chíp sinh học đầu tiên tại Việt Nam.
PGS.TS Trương Thanh Hương cho biết, với hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, việc sử dụng chíp sinh học này trong cá thể hóa điều trị có thể giảm tối đa các biến chứng và tử vong, nhờ đó có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho đất nước.
Được biết, sản phẩm từ công trình này cũng là tài liệu tham khảo trực quan cho giảng dạy và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, học viên cao học và bác sỹ và những người quan tâm đến ứng dụng dược học di truyền trong cá thể hóa điều trị.
Trong quá trình công tác, PGS.TS Trương Thanh Hương đặc biệt quan tâm tới đối tượng ưu tiên là trẻ em (Ảnh chụp năm 2019)
Trẻ em phải là đối tượng được ưu tiên nhất
PGS.TS Trương Thanh Hương tham gia xây dựng và phát triển chuyên ngành tim bẩm sinh tại Việt Nam, đồng thời là một trong những nhà khoa học đầu tiên tham gia thành lập Phòng C5 Tim mạch - hiện nay là Phòng Q2 tim mạch trẻ em và tim bẩm sinh.
Hiện phòng Q2, trở thành đơn vị hạt nhân của Bệnh viện Bạch Mai trong công tác điều trị bệnh tim bẩm sinh, với hàng nghìn trẻ em và người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh đã được điều trị kịp thời và trở về cuộc sống bình thường, tiếp đến, đơn vị sẽ mở rộng thêm lĩnh vực tim bào thai.
Lý do khiến nữ bác sĩ quyết tâm nghiên cứu để tìm ra những nguyên nhân dẫn đến tổn thương trái tim là có những em bé mới lọt lòng mẹ đã mắc bệnh tim, phải sống chung cùng bệnh cả đời. Trong khi đó, trẻ em là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào khỏe thì xã hội mới khỏe mạnh, phát triển bền vững.
Kỷ niệm sâu sắc nhất mà PGS.TS Trương Thanh Hương nhớ mãi, cô chia sẻ: "Tôi nhớ, có một buổi trưa, tất cả mọi người đều chuẩn bị đi ăn cơm thì một người đàn ông mang đến một cô gái nhỏ tim bị đập nhanh bất thường.
Tôi siêu âm cho cháu và phát hiện đây là ca bệnh rất phức tạp, trong điều kiện bản thân mình vừa đói vừa mệt, vừa kết thúc ca khám bệnh buổi sáng túi bụi, quay cuồng. Thế nhưng khi đứng trước đứa bé ấy tôi đã quên hết.
Lúc đó, phòng siêu âm vắng lặng, mọi người đã đi nghỉ, tôi cứ hì hục chữa trị cho cháu. Bệnh của cháu không phải là bệnh tim thông thường khi thất phải và thất trái hoạt động ngược so với bình thường.
Khi bé qua cơn nguy kịch, tôi tư vấn bố mẹ cháu định hướng cho cháu thuốc điều trị, sửa chữa một số dị tật kèm theo khác. Hiện nay, cô gái này đã tốt nghiệp đại học, trưởng thành và là một cán bộ xinh đẹp, giờ đã có hai đứa con".
Chính vì vậy, thời gian qua, PGS.TS Trương Thanh Hương cùng các đồng nghiệp, tổ chức các đoàn khám bệnh thiện nguyện đến các trường học và khu dân cư ở các vùng sâu vùng xa của Tổ quốc, với đối tượng ưu tiên là trẻ em.
Được biết, PGS. TS. Trương Thanh Hương là thành viên ban đầu của dự án triển khai hệ đào tạo Bác sỹ Y học gia đình tại Việt Nam. Đây là dự án y tế giúp giảm tải cho bệnh viện trung ương và tăng cường chất lượng chăm sóc y tế tại tuyến cơ sở.
PGS.TS Trương Thanh Hương
Giúp đỡ bằng kiến thức là sự giúp đỡ hiệu quả nhất
Với 35 năm giảng dạy và nghiên cứu tại trường ĐH Y Hà Nội, PGS. TS Trương Thanh Hương luôn đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy giúp tăng cường tính chủ động, tích cực tự học của sinh viên.
Đặc biệt cô đã áp dụng các kiến thức mới được đào tạo tại Úc về phương pháp giảng dạy tăng cường năng lực lâm sàng như Objective Structural Clinical Examination (OSCEs), Mini Clinical Evaluation Excerise (Mini-CEX) cho sinh viên ngành y, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Đại học Y Hà Nội.
PGS.TS. Trương Thanh Hương đã tích cực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế, thông qua hướng dẫn khoa học cho hơn 40 tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ nội trú và trực tiếp giảng dạy, chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong thăm dò, chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch cho hàng trăm bác sỹ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trong cả nước.
Đồng thời, cô đã chủ trì và tham gia 19 đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cơ sở và đề tài hợp tác quốc tế và công bố 75 bài báo khoa học trong và ngoài nước, tham gia biên soạn, chủ biên 20 giáo trình, chuyên khảo, tài liệu hướng dẫn .
Đội sinh viên NCKH của cô Hương đạt giải nhất trong Diễn đàn sinh viên NCKH tại Đại hội Tim mạch toàn quốc năm 2016
Những hoạt động của PGS. TS Trương Thanh Hương góp phần là cầu nối của ngành y tế Việt Nam với quốc tế thông qua các đóng góp ngang tầm trong nghiên cứu khoa học và hợp tác sáng tạo với các nhà khoa học, các nghiệp đoàn khoa học lớn trên thế giới như Pháp, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản...
Từ những kết nối quan trọng đó, nhiều bác sĩ, nhà khoa học trẻ đã có cơ hội tiếp cận, học tập và phát triển năng lực trong môi trường khoa học quốc tế, là tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực khoa học của Việt Nam.
Ngoài truyền đạt về chuyên môn PGS.TS Trương Thanh Hương luôn tận tâm chỉ cho học trò của mình cách ứng xử trong thực tế, cô cho rằng: "Một thầy giáo xuất sắc là một thầy giáo biết cách truyền cảm hứng cho học trò chứ không chỉ truyền kiến thức.
"Trăm nghe không bằng một thấy", thầy có nói cả trăm điều cũng không bằng một buổi cho học trò đi tiếp xúc thực tế, gặp gỡ người bệnh trong đó gồm: cách tiếp cận, giải quyết vấn đề, phong thái với người già thế nào, trẻ em, bậc trung niên hay nam thanh nữ tú ra sao?... Đó không chỉ là những vấn đề xuôi chiều, cả những trường hợp gay cấn trong bệnh viện thì mình giải quyết thế nào?".
Bằng hành động trực tiếp của mình, từ các hoạt động như buổi sáng đi buồng bệnh, tiếp xúc với người nhà bệnh nhân, kê thuốc ra sao hay buổi tối trực, đi hội chẩn, đi xuống cộng đồng, đi ra nước ngoài... đi đâu cô Hương cũng dẫn sinh viên đi cùng.
Điều cơ bản mà cô Hương mong muốn là tạo cho các sinh viên nền tảng cơ bản về phương pháp, kỹ năng, cách suy nghĩ, tính chủ động cao trong học tập, nghiên cứu khoa học. Phải nỗ lực hết mình, luôn tìm tòi, xác lập con đường của mình trong suốt cả cuộc đời. Phải liên tục tích lũy kiến thức, kỹ năng để theo đuổi con đường đã chọn.
Rút ra kinh nghiệm từ chính bản thân mình, PGS.TS Trương Thanh Hương chia sẻ: "Mỗi khó khăn như phép thử để mỗi người tự rèn mình. Không ai bỗng dưng ngủ dậy sau một đêm trở thành người giỏi, người thành công. Được làm việc là được trưởng thành.
Chẳng hạn tôi thi vào nội nội trú sau tốt nghiệp, cuộc thi vào đó vô cùng khó khăn phải học rất nhiều. Nếu gọi đó là cái khổ thì tại sao mình lại thi vào. Tôi tự biết, đây là môi trường giúp mình được rèn luyện, tiếp cận với những thầy cô giỏi, tâm huyết với nghề, được có những bậc để bước tiếp.
Trong nghề Y, phải rèn nghề đến mức chỉ cần người ta lướt qua là có thể cảm nhận được họ đến đây điều trị bệnh gì..."
PGS. TS. Trương Thanh Hương (phải ảnh) nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 do Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao
Giải thưởng Kovalevskaia làm tăng niềm tin của người bệnh
Vinh dự khi được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 - một giải thưởng thể hiện mạnh mẽ về tài năng, khả năng, sức sáng tạo và trí tuệ của nhà khoa học nữ Việt Nam trên con đường chinh phục nhiều đỉnh cao khoa học, nữ bác sĩ có trái tim nhân hậu PGS.TS Trương Thanh Hương chia sẻ: "Giải thưởng này chứng tỏ rằng tôi đã chọn được một con đường đúng đắn để đi tới trong cuộc đời y thuật của mình.
Đó là con đường nghiên cứu khoa học - hợp tác toàn cầu - nhằm phục vụ thực tiễn phòng bệnh chữa bệnh tim mạch, giảng dạy và đào tạo các bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ ngành y gắn với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Câu đầu tiên của thầy tôi - GS.TS NGND Anh hùng Lao động Phạm Gia Khải, khi thầy biết tôi đạt được giải thưởng này là, thầy nói: "Vậy là Hương đã đi con đường đúng".
Theo PGS.TS Trương Thanh Hương, giải thưởng là nguồn động lực thu hút các bác sĩ trẻ đặc biệt là các nữ bác sĩ tim mạch lâm sàng tiến quân vào con đường khoa học ứng dụng.
Đó là ứng dụng các kiến thức hàn lâm và lâm sàng không chỉ trong việc chữa bệnh nhân đến bệnh viện mà còn chủ động đi tìm bệnh nhân trong cộng đồng làng xã để mà chữa trị và phòng bệnh, nhằm giảm dòng bệnh nhân bị bệnh nặng phải đến bệnh viện gây quá tải bệnh viện.
"Giải thưởng càng làm tăng niềm tin của người bệnh đã dành cho chúng tôi trong hành trình sàng lọc phát hiện bệnh và chữa trị cho họ. Giải thưởng đề cao vai trò của phụ nữ sẽ là một cái mở đầu giúp cho mình có vị thế đi tiếp, truyền đạt với người xung quanh, đặc biệt là thế hệ đi sau, các học trò tiếp bước" - PGS.TS Trương Thanh Hương bày tỏ.
Với những đóng góp cho ngành y tế, PGS.TS Trương Thanh Hương đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng III, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT.
Lấy thương mại, dịch vụ và ngành nghề nông thôn làm nền tảng xây dựng nông thôn mới ở xã Tiến Lộc Trong xu thế phát triển kinh tế hiện đại, từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã đều nỗ lực giảm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) đã đưa tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch...