Hỗ trợ DN vượt Covid-19: Cần thiết và cẩn trọng
Việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn bằng các gói tín dụng và tài khóa được cho là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, song cũng cần lường trước, kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra từ việc trục lợi chính sách và có các điều chỉnh kịp thời để tránh đẩy lạm phát tăng cao.
Cần hướng dòng vốn hỗ trợ vào những kênh đầu tư hiệu quả và bền vững để bảo đảm chất lượng tăng trưởng và giảm nguy cơ lạm phát trong dài hạn. Ảnh: Lê Tiên
280 nghìn tỷ đồng hỗ trợ tín dụng và tài khóa
Tại Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 vừa được ban hành, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.
Đồng thời, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Trong tháng 3/2020, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Đừng để tiêu trước, lo sau
Video đang HOT
Đánh giá về chính sách hỗ trợ trên, PGS. TS. Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, Chỉ thị đã được ban hành kịp thời, song cần khẩn trương xây dựng các tiêu chí thực thi và tính toán cách thức thực hiện thật hiệu quả, đặc biệt là khâu giám sát để tránh các rủi ro với nền kinh tế.
“Tổng cả 2 gói này là 280 nghìn tỷ đồng, số tiền rất lớn với nền kinh tế hiện nay. Nên nhớ, chúng ta đã từng có gói kích thích kinh tế 18 nghìn tỷ đồng năm 2009. Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện gói kích thích kinh tế năm 2009 cũng đã để lại nhiều bài học và buộc chúng ta phải cẩn trọng trong giai đoạn hiện nay, trong đó, hai rủi ro lớn nhất là trục lợi chính sách và lạm phát”, ông Ngô Trí Long nói.
Về khía cạnh thực thi chính sách, theo ông Long, điều quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”. Việc hỗ trợ không đúng đối tượng có thể gây nguy cơ dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư không hiệu quả hoặc kém bền vững, từ đó không bảo đảm chất lượng tăng trưởng và rủi ro lạm phát tăng cao sau khi triển khai xong các gói chính sách này.
Về vấn đề lạm phát, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng vẫn ở mức khá thấp trong khi lực cầu có xu hướng suy yếu nên rủi ro lạm phát hiện tại là không cao. Tuy nhiên, về dài hạn, nếu việc thực thi chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, nguồn tiền không đổ vào những lĩnh vực sản xuất tạo giá trị bền vững cho tăng trưởng kinh tế thì lạm phát có thể trở thành mối lo ở giai đoạn sau.
Từ góc độ khác, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cần cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã “tiêu được tiền”. “Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay. Tiếp đó, cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách”, ông Thành nhấn mạnh.
Xuân Yến
Theo baodauthau.vn
Ngân hàng xây dựng gói hỗ trợ tín dụng gần 290 nghìn tỷ đồng
Thực hiện chủ trưởng của Chính phủ, ngành ngân hàng đang tích cực triển khai các gói tín dụng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với tổng giá trị dự kiến lên tới 285.000 tỷ đồng, đi kèm với đó NHNN sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, minh bạch và đúng địa chỉ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tin dụng các ngành kinh tế (NHNN) . Ảnh:VGP/Huy Thắng.
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những giải pháp mà NHNN đang triển khai.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, hầu hết các ngân hàng thương mại đều tích cực đăng ký tham gia chương trình này.
Với các khoản cho vay mới, nhiều ngân hàng đăng kí gói giảm hoàn toàn các phí như phí thanh toán, phí chuyển tiền, có ngân hàng đăng kí giảm lãi suất từ 0,5 đến 1% với các khoản vay với hay dự nợ đang có.
Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng ký hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) 100 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) 35 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 15 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam (Vietinbank) cũng đã có các biện pháp hỗ trợ ban đầu hiệu quả, đang tiến hành bổ sung các gói cụ thể.
Về lãi suất, các ngân hàng sẽ hỗ trợ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bình quân, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường, nguồn vốn cho chương trình này hoàn toàn đến từ các ngân hàng chứ không cấp ngân sách.
"Ngân hàng không thiếu vốn, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh thì các TCTD sẽ xem xét miễn giảm lãi tùy theo thực trạng tài chính của từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn", ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Trước đó, tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp của ngành Ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bước đầu ghi nhận, các TCTD đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng...
Có tình trạng ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, có 23 TCTD báo cáo Ngân hàng Nhà nước, ước tính sơ bộ khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn bởi dịch như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã quán triệt các TCTD xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp, nhiệm vụ theo chỉ đạo của NHNN, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị thiệt hại. Không chỉ đưa ra các gói hỗ trợ, NHNN đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi khi triển khai.
Cụ thể, NHNN đã có văn bản đề nghị các TCTD Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 và đến ngày 31/3/2020 (trong thời gian chờ hướng dẫn mới).
Hiện tại NHNN đã có dự thảo Thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
"NHNN đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Tư pháp với quan điểm là các chương trình sẽ thời hạn mở phù hợp bảo đảm sự hỗ trợ đến các thiệt hại do dịch bị giảm thiểu, hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại giữ nguyên nhóm nợ, bảo đảm nguồn lực kinh doanh...", ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng quán triệt tinh thần chỉ đạo là đánh giá tác động đầy đủ, thực hiện hỗ trợ kịp thời, để các gói hỗ trợ đến đúng địa chỉ. Đồng thời, vẫn tính toán đến các vấn đề khó khăn có thể tác động tới hệ thống ngân hàng sau này, bảo đảm biện pháp giám sát, thanh tra đầy đủ không làm méo mó thị trường tín dụng.
Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng cần phải có sự vào cuộc của các bộ ngành khác nhau. Bên cạnh các chính sách tiền tệ cần có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách khác như chính sách tài khoá (Bộ Tài chính), sản xuất, thị trường đầu vào đầu ra (Bộ Công Thương)... mới tạo hiệu quả được hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 ngày 3/3 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Cần có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ, của các cấp, các ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phát triển thời gian tới. Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không để xảy ra cơ chế xin-cho, thiếu minh bạch.
Huy Thắng
Theo baochinhphu.vn
TS Trần Du Lịch: Giảm, giãn thuế hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không nên đưa ra gói kích cầu Trả lời Báo Đầu tư chứng khoán, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện nay khi dịch bệnh đang lan rộng ra cả thế giới và Việt Nam cũng đang chung tay để kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng không cần thiết phải có gói kích cầu hay kích thích nền kinh...