Hồ tiêu “hết thời”, thả dê trong vườn cho ăn lá nọc, cỏ dại, thịt thơm bán giá cao 130.000 đồng/kg
Khi cây hồ tiêu còn ở thời kỳ đỉnh cao thì chăn nuôi dê chỉ là nghề phụ. Nhưng khi hạt tiêu rớt giá thì con dê lại trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân ở Bình Phước.
Đặc biệt, mô hình kết hợp cả chăn nuôi dê và trồng hồ tiêu đang mang lại lợi ích kép cho nhiều gia đình khi cả hai bổ trợ cho nhau phát triển.
Nuôi dê làm cứu cánh
Tại xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp), ông Nguyễn Chí Tiến được xem là một trong những nông dân đầu tiên chăn nuôi dê nhốt chuồng. Từ năm 2000, ông Tiến nuôi thử 2 cặp dê đưa từ Ninh Bình vào.
Ông Tiến kể, nuôi dê nhốt chuồng không tốn nhiều vốn đầu tư và công chăm sóc. Dê vốn ăn tạp nên nguồn thức ăn rất đa dạng và dễ kiếm, từ lá nọc tiêu sống, thân cây chuối, cỏ tự nhiên…
Nông dân Bình Phước tận dụng cành cây, lá cỏ trong vườn tiêu làm thức ăn cho dê. Ảnh: Nguyễn Vy
Dê từ miền Bắc đưa vào lại thích nghi tốt với khí hậu Bình Phước nên sinh sản nhanh. Từ 2 cặp giống ban đầu, chỉ sau 3 năm chăn nuôi, gia đình ông Tiến đã có đàn dê gần 40 con.
Nhiều hộ nông dân quanh vùng cũng học hỏi theo và lấy giống về gây nuôi, rồi phát triển mạnh lên thành phong trào ở địa phương.
Ngụ cùng xã, ông Phạm Văn Lý có 6ha trụ tiêu sống kết hợp nuôi dê nhốt chuồng đã nhiều năm nay.
Ông Lý kể, trước đây, giá tiêu còn ở mức cao thì nuôi dê chỉ là nghề phụ để cải thiện đời sống. Sau này, nhiều vườn tiêu bị chết, tiêu kém phát triển hoặc không đủ nước tưới, được người dân phá bỏ để trồng cỏ nuôi dê. Cứ thế, nghề nuôi dê dần dần lại trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.
Từ đầu năm đến nay, giá dê hơi bán tại chuồng trên địa bàn lên tới 130.000 đồng/kg nên đã tạo thêm niềm phấn khởi cho nhiều nông dân. Hộ ông Lý luôn duy trì đàn dê từ 50 – 60 con, mỗi năm thu không dưới 200 triệu đồng.
Theo Hội Nông dân xã Thiện Hưng, phong trào nuôi dê ở Bình Phước phát triển khá mạnh từ hơn 10 năm trở lại đây. Nhiều nơi, dê trở thành vật nuôi chủ lực của người trồng hồ tiêu.
Nuôi dê không cần đầu tư nhiều vốn, trong khi lợi nhuận khá ổn định. Nhiều bà con còn chọn nuôi dê làm điểm tựa xóa đói, giảm nghèo. Thời gian qua xã Thiện Hưng đã thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ để triển khai mô hình này cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Lợi ích kép từ nuôi dê trong vườn tiêu
Video đang HOT
Tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 17.000ha hồ tiêu, trong đó hơn 2/3 được trồng bằng cây nọc sống. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê khi bà con có thể tận dụng nguồn lá cây nọc sống cho dê ăn, rồi lấy phân dê bón lại cho cây tiêu.
Tại xã nghèo Lộc Quang (huyện Lộc Ninh), anh Hoàng Văn Thủy kể, khi thu nhập từ cây hồ tiêu giảm sút, chi phí đầu tư quay vòng bị hạn chế. Nhiều hộ dân phải tìm cách khắc phục để vừa duy trì vườn tiêu vừa cải thiện kinh tế. Trồng tiêu kết hợp nuôi dê là mô hình khá hiệu quả mà gia đình anh đang áp dụng.
Anh Thủy đang trồng 1,5ha hồ tiêu bằng nọc sống là cây keo dậu. Diện tích này đủ để anh duy trì nguồn thức ăn cho tổng đàn 40 con dê. Hàng ngày, dê ăn lá từ cây keo dậu, ngoài ra, anh còn trồng thêm cây cỏ lạc tiên ngay trong vườn tiêu. Lớp cỏ này giúp giữ ẩm cho đất, lại bổ sung thêm thức ăn cho dê.
Với giá dê hơi bình quân 120.000 – 130.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Thủy thu lãi hơn 100 triệu đồng tiền bán dê sau khi đã trừ chi phí.
Theo anh Thủy, thực ra chi phí nuôi dê cũng không nhiều vì thức ăn tận dụng tại chỗ. Anh Thủy kể, công việc này lấy công làm lãi là chính, mà công cán cũng không mấy nặng nhọc, có thể tranh thủ thời gian nông nhàn để làm.
Khi chưa nuôi dê, hằng tháng, gia đình anh Thủy phải thuê người chặt bỏ những cành keo, nhằm đáp ứng độ sáng cho tiêu sinh trưởng phát triển. Giờ thì khác, cây cỏ trong vườn đều được tận dụng làm thức ăn cho dê. Phân của dê được ủ hoai mục, làm phân bón ngược lại cho vườn tiêu, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất.
“Chỉ là nghề phụ nhưng trong thời điểm giá tiêu xuống thấp thì nuôi dê mang lại nguồn thu không nhỏ, lại cung cấp lượng phân bón hữu cơ, giúp giảm chi phí chăm sóc cây tiêu” – anh Thủy chia sẻ.
Còn ở xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh), ông Ngô Đức Nhật trồng 2ha tiêu bằng cây trụ sống gồm cả cây keo và cây cẩm để có thức ăn ổn định cho 35 con dê. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ là lá cây tự nhiên nên chất lượng thịt dê được đánh giá cao. Thịt dê thơm ngon, nhiều nạc và chắc thịt nên được thương lái khắp nơi tìm về mua, giúp gia đình ông Nhật tăng thu nhập bù vào giá điều, tiêu xuống thấp.
Được biết, toàn xã Lộc Hiệp hiện có 44 thành viên cùng tham gia vào HTX kinh doanh mua bán dê với thương hiệu dê sạch Lộc Ninh. HTX này đang xúc tiến chăn nuôi dê sạch theo quy trình kỹ thuật để cung cấp thịt dê theo yêu cầu của công ty thu mua.
Sang Úc sinh sống, mẹ Việt trổ tài làm vườn rộng 2000 m2 ngập hoa trái
Từ nhiều năm qua, chị Tú Anh và gia đình nhỏ đã quyết định theo đổi lối sống xanh, thuận tự nhiên: làm vườn để cung cấp thực phẩm sạch, sử dụng năng lượng điện mặt trời, làm mỹ phẩm hữu cơ...
Chị Hoàng Tú Anh hiện đang sống và làm việc tại thành phố Perth, Úc. Đam mê và yêu thích làm thiên nhiên, cây cối chị đã gây dựng nên mảnh vườn 2000 m2 ngập rau xanh, hoa trái quanh nhà.
6 năm trước, khi nhận học bổng thạc sĩ của Chính phủ Úc, chị Tú Anh có cơ hội tham quan, học hỏi các mô hình sống thuận theo tự nhiên của người dân nơi đây: tự xây nhà từ đất sét; làm vườn, trồng cây từ phân bón hữu cơ và rác thải nhà bếp; chế tạo mỹ phẩm, thực phẩm từ nông sản hữu cơ...
Những cuộc gặp gỡ với người dân bản địa đã khiến chị thay đổi quan điểm về lối sống. Chị bắt đầu làm quen và lựa chọn lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên.
Ngoài việc bắt tay thực hiện canh tác hữu cơ trên mảnh đất rộng 2000m2 của gia đình, chị Tú Anh còn đăng kí thêm các khóa học về bào chế mỹ phẩm hữu cơ để hạn chế các sản phẩm chứa hóa chất.
Khu vườn hiện tại của gia đình chị rộng 2000m2 được trồng đủ loại cây xanh, hoa trái cung cấp thực phẩm cho bữa ăn gia đình gồm 4 thành viên.
Các loại rau trái tươi tốt, mơn mởn dù không dùng đến hóa chất.
Khu vườn được quy hoạch thành 2 khu: khu trồng rau củ và khu trồng cây ăn trái lâu năm. Ở Perth, thời gian nắng kéo dài trong ngày nên đòi hỏi người trồng luôn phải cung cấp đủ nước cho cây cối.
"Để cây trái sinh trưởng tốt, phải tiến hành làm đất rất kĩ, ủ đất với phân gia súc, gia cầm trong thời gian dài. Quá trình trồng, tôi không sử dụng phân bón hóa học mà sử dụng phân từ rác thải nhà bếp và nước thải từ trùn", chị Tú Anh chia sẻ.
Ban đầu, chị Tú Anh gặp không ít khó khăn khi chưa quen với công việc làm nông nhưng "khó đến đâu gỡ đến đó", việc gì chưa biết thì chị lên mạng tìm đọc, học hỏi rồi tự mình rút kinh nghiệm.
Với nguồn rau củ đa dạng, ngoài chế biến món ăn hàng ngày, chị Tú Anh cũng phơi khô làm gia vị, muối chua hay sấy để bảo quản lâu dài.
Rau củ được chị Tú Anh thái lát rồi sấy khô bảo quản.
Chị mang "bí kíp" muối ớt từ Việt Nam sang Úc để mỗi bữa ăn đều xuất hiện hương vị quê hương.
Nước ép rau củ là món ngon không thể thiếu mỗi ngày của gia đình chị.
Hoa hồng vườn nhà được sấy khô để làm trà, vừa thơm ngon, vừa giúp làm đẹp da.
Không chỉ làm vườn bằng phương pháp hữu cơ, để có cuộc sống xanh trọn vẹn, gia đình chị Tú Anh cũng sử dụng năng lượng điện mặt trời từ nhiều năm nay; xây dựng bể chứa nước để tích trữ nguồn nước tự nhiên phục vụ tưới tiêu. Các thành viên trong gia đình cũng dần từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon hay các chất phụ gia, đồ đóng hộp, đồ chế biến sẵn.
Bữa ăn của gia đình chị đều là rau củ vườn nhà cộng thêm các loại thực phẩm rõ nguồn gốc.
"Sức khỏe của hai bé nhà mình đều rất tốt. Sau nhiều năm, mình nhận ra cốt lõi của lối sống xanh, thuận tự nhiên chính là duy trì lối sống lành mạnh trong hiện tại, không làm tổn hại đến môi trường và nguồn tài nguyên của các thế hệ mai sau", chị Tú Anh chia sẻ.
Gần đây, chị đang nghiên cứu các sản phẩm thuần chay và cận chay để hạn chế các sản phẩm có nguồn gốc động vật mà vẫn cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình.
Tại nhà, chị Tú Anh cũng thường xuyên sử dụng nguồn rau củ trong vườn để làm thành mỹ phẩm. Ví dụ như chưng cất nước hoa hồng để đắp mặt; tự làm dầu dừa, dầu oliu để dưỡng tóc;... Bên cạnh đó, chị cũng thành lập một hãng mỹ phẩm hữu cơ chuyên sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên.
"Cuộc sống của mình đã thay đổi rất tích cực từ khi lựa chọn lối sống xanh, sống hữu cơ nên mình hy vọng nhiều người sẽ tìm hiểu, lựa chọn giống như mình", chị Tú Anh nói.
Mỹ mãn khu vườn trồng rau, nuôi gà trên sân thượng ở Hà Nội Nghe khó tin nhưng có thật, câu chuyện trồng rau, nuôi gà trên sân thượng để vừa phủ xanh không gian sống vừa có nguồn thực phẩm phong phú của chị Trịnh Hương đang thu hút nhiều sự chú ý. Thời gian gần đây, trào lưu 'nghiện nhà' trở nên sôi nổi trong cộng đồng mạng. Nhiều người hào hứng khoe loạt không...