Hố sâu thăm thẳm
Bị con trai đánh bị thương, người mẹ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Bản án 6 tháng tù đã được tòa phán quyết, đứa con phạm luật rồi sẽ ra tù, nhưng có lẽ “bản án” cắt đứt tình máu mủ giữa họ sẽ kéo dài dằng dặc.
Khoảng cách giữa bị cáo và cha mẹ là quá lớn, khó có thể hàn gắn được – Ảnh: DUY THANH
Phiên tòa phúc thẩm hôm ấy tại TAND tỉnh Phú Yên diễn ra trong không khí khá nặng nề. Bị cáo là T.V.G. (43 tuổi, ở thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) bị xét xử về tội “cố ý gây thương tích”, còn người bị hại là bà L.T.N. (67 tuổi, mẹ ruột của G.).
Những người thân của hai bên vốn là những người cật ruột, máu mủ với nhau trong cùng gia đình, nhưng hôm ấy họ đến tòa thì tự chia làm hai phía, ngồi ở hai bên khác nhau. Một bên là vợ cùng những đứa con của G., một bên còn lại là anh, chị ruột của bị cáo này.
Đánh mẹ đi cấp cứu vì chuyện đất đai
Theo nội dung phiên tòa, vào một chiều tháng 5-2021, G. sang nhà cha mẹ ruột để hỏi về chuyện phân chia đất ở, đất ruộng cho mấy anh em ruột mà bị cáo cho là “o ép” đối với mình. Tại đây, giữa G. và mẹ xảy ra cãi vã. G. xông vào dùng tay đánh bà N. khiến bà bị thương, phải đưa đi cấp cứu. Kết luận giám định người mẹ bị thương tật 3%.
Bức xúc vì đứa con ngỗ nghịch, bà N. làm đơn đề nghị cơ quan chức năng khởi tố G.. Đầu năm 2022, TAND huyện Tây Hòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt G. 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Cho rằng mức án trên chưa phù hợp với mức độ gây án của G., đồng thời cho rằng G. còn đập phá nhiều đồ đạc, tài sản của cha mẹ, bà N. kháng cáo, đề nghị tòa xử phạt G. nặng hơn.
Video đang HOT
Ở phiên tòa phúc thẩm, G. quỳ lạy xin cha mẹ tha thứ, mong tòa xem xét cho mức án nhẹ để sớm về nhà làm ăn nuôi vợ con. Trong quá trình xét hỏi và tranh luận tại tòa phúc thẩm, G. nói rằng không đánh mẹ, mà chỉ do nóng giận khi cãi vã, có giằng co làm mẹ bị thương.
Trong khi đó, bà N. nói rằng không chỉ dùng tay, chân mà G. còn dùng cây đánh bà vào bụng. “G. và vợ, con nhiều lần chửi bới vợ chồng tôi, đe dọa chúng tôi. Giờ ra tòa G. khai không trung thực, không thấy có chút ăn năn hối hận gì về những điều trái luân thường đạo lý mà “ổng” gây ra cho cha mẹ.
“Ông” phải nói thật, thành tâm thì tôi có gì tôi cũng cho, còn cứ nói kiểu này thì không thể tha thứ”, bà N. trình bày trước tòa. Ông T.C. (70 tuổi), cha G., cũng đề nghị tòa xử phạt nghiêm đối với đứa con trai của mình. Nghe vậy, G. cãi lại rằng mẹ đã “vu” cho mình, không có chuyện nhiều lần đe dọa hay đập phá tài sản nhà cha mẹ…
Không chỉ bị cáo, bị hại cãi nhau. Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nhiều lần nhắc nhở những người thân của hai bên dừng cự cãi khi tòa đang xét xử, yêu cầu các công an bảo vệ phiên tòa đưa những người lớn tiếng cãi nhau ra khỏi tòa nếu họ tiếp tục vi phạm.
Không cãi nhau được khi xét xử, thì lúc tòa nghị án, hai bên lại… cãi tiếp, đến nỗi cảnh sát bảo vệ phải hét lên: “Đây là tòa án, không phải là cái chợ!” thì mới vãn hồi được trật tự… Vợ G. nói với một số người dự tòa rằng cha mẹ chồng “nói xấu”, đổ lỗi, đổ tội cho vợ chồng G. khiến G. bức xúc, không kìm nén được.
Đứt tình mẫu tử
Phiên tòa kết thúc, phán quyết đã được đưa ra, người phạm tội phải trả giá. Thế nhưng câu hỏi xót xa là vì sao người mẹ lại không tha thứ cho sai lầm của con mình mà lại kháng cáo, cương quyết đề nghị tòa xử phạt nặng hơn?
Sau phiên tòa, chúng tôi tìm về khu phố Phước Mỹ Tây (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa). Nhà của vợ chồng G. ở phía trước, sát với đường bêtông, còn nhà cha mẹ anh ta ở bên cạnh, nhưng lùi sâu vào phía trong. Giữa hai căn nhà ngăn cách nhau bằng hàng rào lưới B40 kiên cố. Trong ngôi nhà đã cũ, vợ chồng bà N., ông C. sống hiu quạnh, buồn bã.
Ông C. kể hai vợ chồng ông có 3 con gái và 5 con trai, G. là con trai giữa. Có đất ruộng, đất màu ông bà đều chia cho các con.
“4 đứa con trai kia thì chúng tôi chia mỗi đứa nửa sào (250m2) đất màu và nửa sào đất ruộng, riêng G. thì chọn làm ruộng luôn, không lấy đất màu. Lẽ ra G. được chia 1 sào ruộng thôi, nhưng tôi giao luôn 1,3 sào. Vậy mà G. cứ kiếm cớ này nọ, “quậy”, đánh cha mẹ, anh em suốt. Dòng họ họp lại, xử giải với nhau, thuận được vài năm thì G. chứng nào tật ấy, quậy tiếp. Mấy anh, chị, em của G. không ai ở đây được, có đứa xây nhà ở gần cha mẹ rồi mà cuối cùng cũng phải bỏ đi nơi khác. Tui giờ coi như không có đứa con ấy”, ông C. nói vậy.
Bà N. khóc, nói: “Con mình đứt ruột đẻ ra, nuôi nấng, chăm bẵm từ khi còn nằm ngửa cho đến lúc trưởng thành, nỡ lòng nào kêu tòa bỏ tù thiệt nặng. Nhưng ai có ở vào hoàn cảnh của chúng tôi mới tường được, chia sẻ với chúng tôi được. Có đứa con nào biết võ nghệ mà đánh mẹ đến bị thương, liên tục đe dọa, đập phá đồ đạc của đấng sinh thành hay không. Cha mẹ có con cháu ở bên cạnh thì an vui sống những ngày cuối đời, còn vợ chồng tui ở bên con mà nơm nớp lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên”.
Bà N. nói có lần G. đe dọa đến mức bà không dám về nhà, phải đến nhà người quen “lánh nạn”. “Tôi muốn G. bị phạt tù lâu hơn để trong những ngày đi cải tạo đó nó suy nghĩ, nghiền ngẫm cho thấm về tình đời, đủ thời gian để nhận ra sai lầm mà sửa chữa, để sống có đạo lý, thành người tốt hơn, chứ không có ý gì khác”, người mẹ bày tỏ.
Khi chúng tôi chào ra về, ông C. bất ngờ hỏi: “Tôi nhờ chú giúp giùm xem có ai mua đất này không, chúng tôi bán nhà bán đất mà đi, chứ thật sự là vợ chồng già này lo lắng quá. Nay mai thằng G. ra tù, không biết nó có hối cải không hay lại tìm cách trả thù thì chết”. Câu nói đầy sợ hãi đó của người cha làm người nghe thật xót xa. Khoảng cách giữa G. và cha mẹ anh ta giờ đây quá xa, giữa họ như có một hố sâu thăm thẳm không bao giờ lấp được.
G. bị tòa tuyên y án sơ thẩm, phạt 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”, tổng hợp với bản án 2 năm tù mà bị cáo đang thụ án, G. phải ở tù 2 năm 6 tháng tù giam. Và trong khi cơ quan điều tra đang thụ lý vụ G. đánh mẹ, thì G. bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “gây rối trật tự công cộng” khi cùng vợ và các con gây mất trật tự tại trụ sở Công an thị trấn Phú Thứ.
G. từng học võ cổ truyền, tự mở lò dạy võ tại nhà, trên Facebook cá nhân xưng là “võ sư”, “tay đấm chủ lực làm rạng danh võ đường”… Thời thanh niên, G. từng bị án về tội cố ý gây thương tích.
Đi Campuchia làm việc 'lương cao', muốn về mất 69 triệu đồng tiền chuộc
Trong gần 6 tháng qua đã có 6 người ở tỉnh Phú Yên bị dụ dỗ sang Campuchia "làm việc lương cao". Có trường hợp muốn trở về phải đóng 69 triệu đồng tiền chuộc.
Cô gái 16 tuổi ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) được gia đình báo mất tích khi đi TP.HCM xin việc, nhưng sau đó báo tin là bị đưa qua Campuchia, đã được đưa về nhà ngày 19-6 - Ảnh: M.H.
Ngày 21-6, Công an tỉnh Phú Yên cho hay trong gần 6 tháng qua, công an các cấp ở tỉnh này đã tiếp nhận, xác minh 6 vụ với 6 người dân trong tỉnh bị dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia làm việc với mức lương, hoa hồng cao và mất tích. Trong đó, thị xã Sông Cầu 2 trường hợp, huyện Tuy An 2 trường hợp, TP Tuy Hòa và huyện Tây Hòa mỗi địa phương 1 trường hợp.
Công an Phú Yên cho biết đến nay cả 6 trường hợp trên đều đã về lại địa phương. Trong đó có 1 trường hợp được lực lượng chức năng của Campuchia giải cứu và bàn giao cho cơ quan chức năng của Việt Nam đưa về gia đình; 1 trường hợp được cơ quan chức năng đưa về nhà; 1 trường hợp gia đình đã đóng 69 triệu đồng cho 1 đối tượng người Việt Nam thông qua tài khoản ngân hàng; 3 trường hợp tự về (chưa rõ lý do được thả về và gia đình không phải đóng tiền chuộc theo yêu cầu của các đối tượng).
Theo Công an tỉnh Phú Yên, thủ đoạn của các đối tượng là thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook... dụ dỗ, lôi kéo các nạn nhân sang nước ngoài (chủ yếu là sang Campuchia) làm việc với mức lương, hoa hồng cao (từ 800 - 1.000 USD/tháng). Sau khi các đối tượng này đưa được người qua biên giới thì chúng xóa tài khoản Zalo, Facebook... Nên người bị hại không biết được tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại về nhóm đối tượng này.
Công an khuyến cáo người dân khi có nhu cầu ra nước ngoài lao động, tìm việc làm nên chủ động nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan, liên hệ với các cơ quan chức năng, như phòng hoặc sở lao động - thương binh và xã hội, phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, công an các cấp để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục xuất cảnh theo quy định, tránh bị các đối tượng xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép.
Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có hoạt động lôi kéo người khác xuất cảnh trái phép thì cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, xử lý.
Để lâm tặc mở đường phá rừng, cựu hạt trưởng kiểm lâm lĩnh án Cựu Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa (Phú Yên) lĩnh 2 năm 3 tháng tù vì để hàng chục đối tượng vào phá rừng già ở vùng giáp ranh huyện Tây Hòa và Sông Hinh. Sau 3 ngày xét xử, sáng 28/4, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã tuyên án đối với 34 bị cáo trong vụ phá rừng...