HN: Đóng bè chuối kéo quan tài trên sông
“Phong tục từ xa xưa đã định, người chết không được đi qua đường làng. Cả đoàn người đưa tang nhìn chiếc quan tài trôi trên sông, không ai cầm được nước mắt”.
Anh Nguyễn Văn Hùng – một người hàng xóm có mặt trong đám tang của cô gái Nguyễn Thị Th (22 tuổi) bị chết đuối tại thôn 9, xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội ngậm ngùi chia sẻ.
Chuyện về chiếc quan tài trôi sông
Cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, chúng tôi về xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội) trong một ngày hè nắng gắt. Trên con đường bê tông chạy dọc khắp xã, xen lẫn trong những ngôi nhà cao tầng vẫn thấp thoáng những ngôi điếm cổ thờ thần thổ địa.
Một tháng lại đây, khắp đường làng, ngõ xóm, dưới gốc đa đầu làng, trong câu chuyện của người dân nơi đây vẫn còn đọng lại sự xót xa về đám tang của cô gái trẻ bị đuối nước cách đây hơn một tháng.
Chỉ đường cho chúng tôi, chị Hải – một người dân thôn 8, xã Cát Quế nói: “Cô cứ đi thẳng con đường này, tới ngã tư tiếp theo, rẽ xuống con đường nhỏ dẫn ra sông, đi tới ngõ cuối cùng cạnh bờ sông, nhà bà Mận ở đó. Từ hôm con gái mất, bà ấy như thất thần. Mà số con bé cũng khổ, vừa học xong Đại học thì tai nạn xảy ra. Đến lúc chết cũng không được đi đưa ma tử tế”.
Trong ngôi nhà nhỏ cuối xóm, không khí tang thương vẫn bao trùm gia đình em Nguyễn Thị Th. Với khuôn mặt thất thần, đôi mắt ngấn lệ, bà Nguyễn Thị Mận nhớ lại câu chuyện tang thương, về cái ngày hà bá cướp đi đứa con gái vừa tốt nghiệp Đại học của bà.
“Tối hôm đó, nó (con gái bà Mận – PV) còn ăn cơm cùng cả nhà. Đến tối, nó xin phép ra ngoài có chút việc. Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng nó được ở trong ngôi nhà nhỏ cùng với bố mẹ và các anh chị em. Đêm không thấy về, gia đình và người làng đi tìm mới phát hiện nó bị trượt chân xuống sông, nhưng nước to lại không có người biết để cứu nên đã đuối nước”, bà Mận nức nở nhớ lại.
Video đang HOT
Đám tang của cô gái có đông đảo người dân đưa tiễn (Ảnh gia đình cung cấp)
Con gái bà Mận là Nguyễn Thị Th (sinh năm 1991), vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Vừa mới ra trường và đi làm được một tuần thì tai nạn bất ngờ xảy ra. Nhà của gia đình bà Mận ở cuối xóm, chỉ cách một rặng chuối là tới con sông chảy quanh làng. Ngày con gái mất, sau khi tìm được thi thể của con, ông bà đã xin phép người dân trong làng được đưa thi thể con gái về nhà làm lễ mai táng.
Nhưng tục làng từ ngàn xưa tại đây, những người chết ngoài phạm vi của làng không được phép đưa qua con đường làng mà phải đưa đi vòng bên ngoài làng để đưa ra đến nghĩa trang. Cho nên, lời thỉnh cầu của gia đình bà Mận không được dân làng chấp thuận.
Không còn cách nào, gia đình và người thân đành để xác cô gái nằm bên mé sông khâm liệm, rồi đóng bè chuối đặt quan tài của cô gái lên kéo dọc khúc sông gần 3km để đến nghĩa trang cuối xã an táng.
Khúc sông vốn yên bình nơi làng quê, bỗng chốc biến thành đường đi bất đắc dĩ đưa quan tài cô gái xấu số Nguyễn Thị Th đến nơi an nghỉ cuối cùng
“Hôm nó mất, nước sông dâng lên đến ngang ngực người lớn. Chúng tôi người kéo, người đẩy bè chuối cho quan tài trôi hết khúc sông, ra tới đầu cánh đồng mới đưa lên xe tang đi vòng ra nghĩa địa được. Cả đoàn người đưa tang nhìn chiếc quan tài trôi trên sông, không ai cầm được nước mắt “, anh Hùng – một người hàng xóm có mặt đưa đám tang ngậm ngùi chia sẻ.
Phép vua cũng thua lệ làng
Để tìm hiểu thêm về đám tang đặc biệt của cô gái xấu số tại xã Cát Quế, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với cụ Nhất – người được mệnh danh là “già làng” tại đây. Cụ cho biết: “Từ bé tôi đã thấy các cụ không cho người chết ngoài nhà đi qua làng, dù chết do bất cứ nguyên nhân gì. Cho dù bị tai nạn, hay ốm đau đưa đi bệnh viện nhưng khi chết rồi thì không được phép đưa qua đường làng mà phải đi đường vòng đưa ra nghĩa trang luôn. Mọi thủ tục mai táng đều thực hiện ngay tại nghĩa trang”.
Cụ Nhất “già làng” xã Cát Quế đang kể lại về “hủ tục” của người dân nơi đây, mỗi khi làng, xã có người bị “chết đường, chết chợ” đều không được mang về nhà, hoặc đi qua đường làng để mai táng vì sợ làng bị nhiễm lạnh, đen đủi.
Phong tục không cho người chết đi qua đường làng có từ lâu. Thế hệ con cháu lớn lên đều phải làm theo nếp xưa cha ông để lại. “Người chết đi qua làng thì sợ khí độc, sợ hơi lạnh của người chết ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, tất cả mọi người đều kiêng cữ, nhất quyết không cho nguời chết đi qua đường làng. Chúng tôi cũng chẳng biết điều đó có đúng hay không, nhưng nếp xưa cha ông để lại thì giờ mình làm theo”, cụ Nhất cho biết thêm.
Trao đổi với PV, bà Lý Thị Hoa, cán bộ phụ trách mảng văn hóa xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “Việc không cho người chết đi qua đường làng là phong tục từ xa xưa ở nơi đây. Người dân ở đây tự kiêng kị với nhau, quy ước với nhau, dù là người bị tai nạn hay người già bị bệnh đưa đi bệnh viện, nếu đã chết thì sẽ đưa ngay ra nghĩa trang mai táng, không được đưa vào phạm vi của làng. Người dân tự quy ước với nhau và chưa có trường hợp nào kiện cáo về vấn đề này nên chúng tôi không can thiệp”.
Vào ngày 24/7/2013, tại khu 15, thôn Tam Hợ (đội 9), xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội đã xảy ra 1 vụ chết đuối nước thương tâm. Nạn nhân tên Nguyễn Thị Th (1991), con gái ông Nguyễn Tài Vị, bà Nguyễn Thị Mận. Nạn nhân là con thứ 3 trong gia đình có 4 người con. Cô gái bị chết đuối nước ngay ở mé sông cạnh nhà. Nhà cô gái ở cuối xóm, qua cái vườn của nhà là đến dòng sông. Ngày cô gái mất, gia đình không được mang về nhà khâm niệm mà phải làm lễ cúng ngay ở địa điểm tìm thấy xác. Nhưng sự việc khiến nhiều người có mặt tại đám tang thực sự thấy đau lòng khi đưa cô gái đi mai táng, người dân ở làng đã không cho đi qua đường mà phải bắt đi dưới sông để đến nghĩa trang. Mọi người phải đóng bè cây chuối để cho quan tài lên rồi kéo dọc mé sông khoảng 2km, sau đó vớt lên và đi tiếp ở 1 lối mòn nhỏ giữa cánh đồng thêm 3km nữa mới đến chỗ chôn cất. Giữa cái nắng chói chang của mùa hè mà người nhà, bạn bè và hàng xóm đi bộ từ 13h30 phút đến 17 giờ mới đến nơi chỗ chôn. Cái cảnh chiếc quan tài trên bè chuối trôi sông làm cho mọi người càng thêm đau xót vì xác cô gái trẻ vừa tốt nghiệp đại học, đi làm được 1 tuần đã trôi dạt trên sông 2 ngày mới tìm thấy nhưng lúc đi chôn còn hết sức khổ sở.
(Còn nữa)
Theo Quỳnh Nga (Infonet.vn)
Phát hiện mộ "ma cà rồng" ở Ba Lan
Các nhà khảo cổ Ba Lan tuyên bố vừa phát hiện 4 ngôi mộ của "ma cà rồng" với phong tục chôn cất cổ xưa.
Các nhà khảo cổ Ba Lan vừa tuyên bố họ đã tình cờ khai quật được 4 bộ xương của "ma cà rồng" tại thị trấn Gliwice trong khi tìm kiếm thi hài của những người lính thiệt mạng trong Thế chiến 2.
Những bộ xương được tìm thấy trong những ngôi mộ này có xương sọ bị cắt rời và đặt nằm giữa hai chân, giống như cách chôn "ma cà rồng" được cho là theo phong tục cổ xưa ở địa phương để ngăn ngừa "con ma hút máu" này tìm thấy đầu của mình và hồi sinh.
Nhiều người bị cho là "ma cà rồng" ở Ba Lan hồi đầu thế kỷ 20
Tuy rất khó xác định được thời gian những người này bị chôn vì không hề có đồ trang sức hay các đồ tùy táng kèm theo nhưng các nhà khảo cổ cho rằng nó phải diễn ra rất lâu trước năm 1914, thời điểm ghi nhận vụ chôn "ma cà rồng" cuối cùng ở Ba Lan.
Phân thây là một hình thức mà những người mê tín dạy cho dân làng để trừ khử "ma cà rồng" và nó trở thành một phong tục khá phổ biến ở khu vực Slavơ (gồm các nước như Nga, Ba Lan, Séc, Ukraina...) sau khi đạo Cơ đốc thâm nhập: Những người bị cho là ma cà rồng hoặc sẽ bị phân thây hoặc sẽ bị treo cổ đến khi thi thể bị phân hủy và rơi khỏi đầu.
Ngoài ra người dân ở khu vực này còn có nhiều cách thức khác để xử lý những người bị nghi là ma cà rồng như dùng cọc thép để cắm thi thể xuống đất như những gì mà các nhà khảo cổ Bulgari phát hiện hồi năm ngoái.
Theo 24h