HLV Calisto thẳng tay loại tuyển thủ VN khi xin phép về thăm con ốm
Cựu danh thủ Nguyễn Thế Anh kể rằng anh bị loại khỏi ĐT Việt Nam trong giai đoạn chuẩn bị cho AFF Cup 2008 khi xin HLV Calisto về thăm gia đình.
Highlight: U22 Việt Nam 3-0 U22 Indonesia (HTV)
Chuẩn bị cho AFF Cup 2008, Thế Anh là một trong các thủ môn được HLV Calisto triệu tập lên ĐTQG. Trong quá trình tập huấn tại Hàm Rồng, Thế Anh nhận tin con trai đầu lòng sốt nặng phải nhập viện, vì vậy sau bữa trưa anh đến xin phép thầy Tô trở về TP HCM 2 ngày.
Tuy nhiên khá bất ngờ khi HLV người Bồ Đào Nha phản ứng mạnh, thậm chí loại thẳng anh khỏi danh sách tập trung. Thế Anh chia sẻ lại với Bongdaplus: ‘Con tôi còn nhỏ quá. Nhà chỉ có vợ chăm con trong bệnh viện nên tôi mới xin thầy về 2 ngày để xem tình hình thằng bé thế nào. Không hiểu sao thầy lại nổi giận như vậy.’
Rất nhiều người tại Hàm Rồng khi ấy nhìn Thế Anh bước đi lầm lũi khỏi Trung tâm huấn luyện, tất cả đều thở dài cảm thông. Vì sự cố năm ấy, HLV Calisto đã đóng sập cánh cửa lên tuyển của Thế Anh. Chỉ khi HLV Falko Goetz đến làm việc thì anh mới có thời gian ngắn quay trở lại.
Sự ra đi của Thế Anh đã để lại vị trí cho Dương Hồng Sơn thể hiện. Và những đóng góp thuyết phục của thủ thành người Nghệ An đã giúp ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008.
Thế Anh cảm thấy tiếc nuối vì đã lỡ khoảnh khắc ấy, tuy nhiên anh cũng không nghĩ nhiều về chuyện đã qua nữa. Trước đó Thế Anh thường xuyên được gọi lên tuyển và thậm chí có thời điểm là thủ môn số 1.
Khi giải nghệ, Thế Anh làm công tác huấn luyện trẻ ở các đội tuyển của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Tại Philippines tháng 12 năm ngoái, Thế Anh cùng các học trò đội U22 Việt Nam đã giành tấm HCV SEA Games lần đầu tiên trong lịch sử. Sau 17 năm kể từ trận chung kết trên sân Mỹ Đình với U23 Thái Lan, cuối cùng Thế Anh cũng hoàn thành giấc mơ dang dở ngày nào.
Văn Hải
Nguyễn Việt Thắng kể về ân nhân Calisto và kỷ niệm ở Porto
Với cựu tiền đạo Nguyễn Việt Thắng, ông Henrique Calisto còn hơn cả một người thầy.
Vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha hết trao hy vọng này đến tạo cho anh cơ hội khác. Chuyến sang Porto học việc năm 2004 của cựu tiền đạo này cũng đến từ sự giúp đỡ mang tên Calisto.
"Không có Calisto, không bao giờ Việt Thắng trở lại!"
Cái tên Calisto hiện diện trong những mảnh ký ức quần đùi áo số của cựu tiền đạo Nguyễn Việt Thắng một cách thường trực và vô thức. "Phải khẳng định một điều chắc chắn rằng: Không có Calisto, tôi không bao giờ trở lại với bóng đá đỉnh cao được nữa. Ông đã gieo niềm tin và tạo điều kiện quá nhiều cho tôi", cựu tiền đạo Việt Thắng nói về HLV Calisto, như một vị ân nhân trong cuộc đời bóng đá của mình.
Cuối năm 2003, Việt Thắng không may vướng vào một bê bối mà anh khẳng định mình oan uổng. Đã có một án cấm thi đấu ở Việt Nam dành cho chàng trai mới 22 tuổi khi ấy. Bằng mối quan hệ và tầm ảnh hưởng của mình, ông Calisto giúp đỡ anh sang Bồ Đào Nha và được tập luyện trong màu áo đội hình B của Porto, trước khi dang tay đón anh về ĐT.LA.
"Tôi bị cấm thi đấu 3 năm, sau đó giảm xuống còn 1 năm rưỡi. Đến khi chỉ còn 2 tháng nữa là có thể thi đấu cho Long An thì tôi lại bị đứt dây chằng đầu gối", Việt Thắng kể lại. "Ông Calisto lại tác động để tôi sang mổ ở Singapore. Thậm chí ông còn gây sức ép với đội rằng nếu không cho tôi sang phẫu thuật ở đó thì sẽ không làm HLV của Long An nữa.
HLV Calisto căn dặn Việt Thắng trong một buổi tập ở ĐT Việt Nam Ảnh: Minh Tuấn
Bầu Thắng khi ấy hẳn nhiên có lý do để thắc mắc, rằng tại sao HLV Calisto lại tạo điều kiện cho một cầu thủ chưa có đóng góp gì cả như thế. Lúc ấy, tôi giống như một cục nợ của đội, nuôi báo cô. Đưa lên bàn cân so sánh, phẫu thuật ở trong nước chỉ mất 8 triệu đồng, còn sang Singapore, tổng chi phí mất đến hơn 200 triệu! Tôi đã nghĩ Long An lấy tôi về như mua vé số. Tỷ lệ trúng thì thấp mà thua thì nhiều"...
Bẵng đi một thời gian, Việt Thắng sau cùng cũng có đủ điều kiện để được làm học trò HLV Calisto ở Long An: "Sau những gì ông ấy đã giúp đỡ, tôi có cảm giác rằng mình sẵn sàng đá sống chết vì ông ấy. Thời điểm đó, các CLB ở V.League thường cho 3 "tây" đá chính và có tới 2 "tây" dự bị. Ở hàng tiền đạo, ngoại binh đều chiếm suất cả. Tôi không nghĩ mình có cơ hội gì khi ấy. Thế mà chính ngoại binh phải ở ngoài để tôi được đá cắm. HLV Calisto thực sự đã trao cho tôi niềm tin và cơ hội để thể hiện mình".
"Việt Nam! Ok!"
Quay trở lại thời điểm mà Việt Thắng sang Porto, anh kể lại. "Ở thời điểm đó, Việt Nam chưa có tên tuổi gì trên bản đồ bóng đá thế giới. Vậy mà khi tôi qua đến nơi, Phó Chủ tịch CLB Porto ra tận sân bay đón. Như thế cũng là đủ để thấy họ tôn trọng thầy Calisto đến mức nào".
Anh nói thêm: "Ngày đầu tiên, HLV Domingos Paciencia của Porto B, người sau này về nhì tại Europa League 2010/11 với Braga, đưa ra sơ đồ 4-2-3-1 và hỏi tôi đá được ở đâu trong sơ đồ này. Sau khi biết tôi chơi được tiền đạo cắm và tiền đạo lùi, ông Domingos bảo tôi: "Anh có 3 ngày để thể hiện". Nhưng qua đến ngày thứ hai, Domingos đã bảo chấp nhận cho tôi ở lại đội".
"Hồi đó Porto B được phép tập luyện cùng những ngôi sao của đội hình chính Porto. Tôi được tập chung bài đối kháng và bài sút cầu môn với Luis Fabiano ("sát thủ" của Sevilla sau đó - PV). Tôi chỉ biết há hốc mồm vì những gì họ thể hiện, dù mới chỉ trên sân tập thôi, cũng là thực sự khủng khiếp.
Việt Thắng (phải) và Quang Hải nâng cúp vô địch AFF Suzuki Cup 2008
Ngày đầu tôi đến, một số cầu thủ của đội một như Ricardo Quaresma, Luis Fabiano, rồi Victor Baia xuống sân của đội B xem. Thực tình họ muốn tìm hiểu xem cầu thủ đến từ Việt Nam là ai, đá đấm thế nào. Đến lúc tập xong, họ đến vỗ vai tôi và nói: "Viet Nam! OK!". Bởi trước đó, họ chỉ biết đến Việt Nam qua lịch sử, với những chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chứ không nghĩ mình có thể chơi bóng giỏi", Việt Thắng chia sẻ.
Từ một cầu thủ tưởng chừng như chẳng còn tương lai khi mới ở tuổi 22, Việt Thắng đã được ân nhân Calisto dang tay cứu lại sự nghiệp, không chỉ ở cấp CLB mà còn là ĐTQG. Để rồi cái kết viên mãn giữa anh và thầy Tô chính là chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008.
Việt Thắng khép lại bằng một kỷ niệm đẹp: "Một hôm, ông Calisto hỏi tôi rằng: Tôi có giúp cậu nhiều không? Tôi bảo có. Ông đáp lại: Tôi có giúp cậu thế nào thì cũng không bao giờ bằng cậu tự giúp bản thân mình. Tôi đơn giản là người chỉ cho cậu con đường để đi. Và cậu, đã tự đi và là một người đi rất tốt".
Người bạn chung phòng đặc biệt
Người cùng phòng với Việt Thắng ở Porto B trong chuyến thử việc hồi 2004 đó là Gonzalo Marronkle. "5 ngày đầu tôi đến, không thấy Gonzalo tập gì. Tôi nghĩ đó chỉ là một cầu thủ dự bị, không có tên tuổi. Nhưng hóa ra, mùa giải ấy, Gonzalo ghi 40 bàn sau 30 trận cho Porto B, suýt nữa được lên đội hình chính. Sau đó, Gonzalo về Việt Nam, là đội trưởng của Hà Nội FC và giành nhiều thành tích lẫy lừng", Việt Thắng chia sẻ.
Pha cắt tập bất ngờ của ông Tô
Trong một buổi tập ở ĐTLA, Việt Thắng tung một pha dứt điểm ở góc hẹp đưa bóng tung lưới cầu môn. HLV Calisto bất ngờ dừng lại và... sửa lỗi. Việt Thắng kể: "Ông Calisto hỏi tôi: Quả này cậu có thấy Antonio di chuyển ở phía bên kia không? Tôi bảo có. Ông Calisto cho tôi thử sút 10 quả từ góc hẹp xem vào được bao nhiêu lần. Tôi cố gắng cũng chỉ làm được 3 lần. Lúc đấy ông Tô bảo chuyền sang cho Antonio đi. Kết quả là 10 quả vào cả 10. "Vậy bây giờ cậu thích ghi bàn hay thích đội có bàn thắng hơn?", thầy Tô nhẹ nhàng giáo huấn.
Trí Công
Nguyễn Mạnh Cường: "Thủ lĩnh tinh thần" của chiến công lịch sử Khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành á quân tại SEA Games 18 tròn 25 năm trước (1995), trung vệ đội trưởng Nguyễn Mạnh Cường không chỉ giàu kinh nghiệm nhất mà còn được xem là "thủ lĩnh tinh thần" tạo nên chiến công lịch sử Mạnh Cường (trái) trong một buổi huấn luyện tại PVF Tiếc đứt ruột vì 2 thẻ...